Bác hồ biết bao nhiêu ngôn ngữ năm 2024

Nếu như ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp chủ yếu và quan trọng bậc nhất của con người thì ngoại ngữ chính là cầu nối không thể thiếu trọng quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế của mỗi quốc gia dân tộc.

C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I Lênin, Hồ Chí Minh những lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và nhân dân lao động thế giới đều là những người giỏi nhiều ngoại ngữ. Điều đó đã giúp các ông rất nhiều trong hoạt động khoa học, hoạt động lý luận và vận động cách mạng.

Sinh thời, Mác biết thành thạo 10 ngoại ngữ, ''đã đọc hầu hết các sách quan trọng của thời đại mình'', đọc được tài liệu bằng tất cả các thứ tiếng châu Âu, còn tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh đều viết rất giỏi. Ăngghen biết đến 21 thứ tiếng, trong đó có cả những tiếng cổ như tiếng Pháp cổ, tiếng Tây Ban Nha cổ.

Mác và Ăngghen khi trên 50 tuổi, do yêu cầu phải nghiên cứu những vấn đề về nước Nga mà hai ông đã học thêm tiếng Nga. Chỉ trong thời gian ngắn hai ông đã đọc được nhiều tài liệu và tác phẩm văn học từ nguyên gốc Nga.

Còn Lênin thì biết thành thạo, đọc và dịch được tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp, đọc được tiếng Ba Lan và tiếng Ý.

Các ông đều là những tấm gương lớn về trau dồi ngoại ngữ, công cụ giao tiếp quan trọng nhất của nhân loại.

Nhắc đến vấn đề học ngoại ngữ chúng ta không thể không nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh – một tấm gương tự học đầy sáng tạo. Người đã nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ và biến những thứ ngôn ngữ nước ngoài ấy thành phương tiện giao tiếp, thành công cụ để học tập và nghiên cứu.

Từ thuở thiếu thời, Bác Hồ đã theo học chữ Hán và tiếp thu vốn văn hóa Nho giáo có nguồn gốc từ Trung Hoa. Bác theo học các trường tiểu học Pháp – bản xứ ở Vinh, Đông Ba [Huế] rồi Trường Quốc học Huế. Trong thời gian đó, Bác đã có dịp tiếp xúc với tiếng Pháp song mới chỉ là những kiến thức sơ giản mà thôi.

Năm 1911, sau khi rời bến cảng Nhà Rồng, Người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành đã vượt đại dương tìm đến Singapore, Clômbô, Pari, Macxây… Tiếp đó, Người đã đặt chân đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angieerri, Tuynidi, Đông Phi…Trên hành trình bôn ba ấy, đến nơi nào Người cũng học ngoại ngữ. Bao nhiêu ngôn ngữ được sử dụng ở những nước mà Người đã đi qua là bấy nhiêu ngôn ngữ được Người dày công khổ luyện. Bởi thế, Người học cả tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Người không chỉ học ở sách mà còn tìm cho mình cách học hiệu quả từ trong thói quen giao tiếp với người nước ngoài. Người rất mạnh dạn, không ngần ngại khi giao tiếp với cô sen, với người bạn cùng tàu, với anh đầu bếp hay thậm chí là với cả giáo sư người Anh…

Bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, Người cũng có thể tìm tòi, học tập mà không bỏ phí một chút thời gian, cơ hội nào. Sự kiên trì, chịu khó của Người khi học tiếng Pháp được Trần Dân Tiên kể lại rằng: Ông Nguyễn bắt đầu viết tiếng Pháp rất khó khăn. Dù tin tức về Việt Nam không thiếu nhưng ban đầu Người thiếu nhất là văn Pháp, ngôn ngữ Pháp. Bài viết đầu tiên được Người viết thành 2 bản gửi cho chủ báo Pháp và một bản giữ lại cho mình. Dần dần Người có thể viết cả một cột báo, rồi tiến đến cả trang báo và rồi viết cả cuốn sách, vở kịch bằng tiếng Pháp. Ở Pari, Người đã cho xuất bản tờ báo: “Người cùng khổ”; các tập sách “Bản án chế độ thực dân Pháp”, vở kịch “Con rồng tre” và nhiều truyện ký bằng tiếng Pháp khác.

Trải qua từng bước đầy gian khổ, bằng đức kiên trì, Người đã biến tiếng Pháp thành phương tiện hữu hiệu để hiểu về nước Pháp và con người nơi đây. Không dừng lại ở đó, Người còn dũng cảm vượt qua mọi gian khó trên hành trình tiếp cận với tiếng Anh, tiếng Nga và nhiều thứ tiếng khác. Chính vì vậy, đặt chân đến đâu việc đầu tiên của Bác là học ngôn ngữ của đất nước đó để có thể sử dụng thứ ngôn ngữ ấy làm phương tiện giao tiếp, tìm hiểu, khám phá và rút ra những bài học bổ ích cho hành trình của mình.

Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã từng xác nhận Bác Hồ nói được 29 thứ tiếng, chưa kể tiếng đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Vậy Bác đã học bằng cách nào? Bác viết lên bàn tay, học dưới ánh trăng, dưới ánh đèn vàng vọt của con tàu, dành dụm từng ly café cho người thủy thủ Algeri để học tiếng...

Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7, Bác Hồ được miêu tả: "Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha". Ngoài ra, những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, Bác còn có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác nữa như: Tiếng Xiêm [Thái Lan], tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của rất nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam… Vốn ngoại ngữ đó của Bác không phải do "thiên bẩm" mà có, tất cả đều xuất phát từ sự khổ công luyện tập.

Ngày nay trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại ngữ không chỉ là công cụ hữu hiệu cho người lao động trong việc khai thác thông tin [Internet] mà còn là một phương tiện hữu ích trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của con người. Việc học tập rèn luyện nâng cao trình độ ngoại ngữ là rất cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đây chính là phương tiện, là chiếc cầu nối giữa chúng ta với nền tri thức của nhân loại./.

Chủ Đề