Bài hát đi cấy là dân ca vùng nào

Dân ca là một loại hình nghệ thuật gắn liền với văn hóa của mỗi dân tộc. Qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử, dân ca được bổ sung thêm những đặc trưng phù hợp với xu thế của xã hội. Tuy nhiên, những giá trị mang tính nguyên sơ vẫn còn đọng lại trong đó, mặc dù có nguy cơ bị mai một. Vấn đề bảo tồn và phát huy dân ca giờ đây không còn là việc riêng của một ngành, một đơn vị nữa mà cần có những phương hướng, kế hoạch thực hiện cụ thể. Bảo tồn và phát huy dân ca không chỉ có ý nghĩa về mặt âm nhạc cổ truyền mà còn có ý nghĩa về dân tộc nhạc học và văn hóa.

Quân đội nhân dân cuối tuần đã ghi nhận một số ý kiến của các nhạc sĩ, nhà giáo xung quanh vấn đề bảo tồn, phát huy dân ca trong giai đoạn mới.

Biểu diễn dân ca Tày. Ảnh: Đức Huy

Thạc sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Liên, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa:

- Như chúng ta đã biết, dân ca là những bài hát có lời, được người dân tự sáng tác để thỏa mãn nhu cầu của chính mình và cộng đồng, được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác bằng con đường truyền miệng. Chính vì thế, dân ca có nhiều dị bản là điều đương nhiên. Song, chúng ta phải lưu ý phân biệt giữa dị bản và bản sai. Những làn điệu dân ca được lưu truyền, khẳng định và tồn tại trong dân gian, được định hình trong quá khứ là những bản đúng, còn những làn điệu dân ca bị in lại và truyền bá sai lệch, làm vô nghĩa hoặc mất đi bản sắc riêng của nó trong thời hiện đại là những bản sai. Bài “Đi cấy” - dân ca Thanh Hóa là một ví dụ.

Bài dân ca “Đi cấy” mới nghe, chúng ta không thấy có sự trau chuốt, trữ tình như dân ca quan họ Bắc Ninh; không “khuôn vàng thước ngọc”, đằm thắm, dịu dàng như ca Huế; hay khúc triết, lãng tử, đôi khi thấm đượm chất buồn như các điệu lý Nam Bộ. Nó đẹp như một viên ngọc thô, nghe nhiều, nghiên cứu kỹ chúng ta mới thấy được giá trị ẩn sâu trong từng nét nhạc, lời ca.

Bài dân ca “Đi cấy” được nhạc sĩ Lê Quang Nghệ sưu tầm từ những năm 60 của thế kỷ trước và được Nhà xuất bản Âm nhạc nghệ thuật in năm 1962. Nhóm Lam Sơn cũng sưu tầm, có tham khảo tư liệu này và giới thiệu lời ca của bài trong cuốn “Dân ca Thanh Hóa” do Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 1965. Sau đó, bài dân ca này được nhiều nhà xuất bản, nhiều nhạc sĩ biên tập và in trong các sách dân ca ba miền. Tất cả những sách trên đều có lời ca và âm nhạc đúng văn bản ban đầu của nhạc sĩ Lê Quang Nghệ và nhóm Lam Sơn sưu tầm. Đơn cử như lời bài ca trong cuốn “Dân ca Việt Nam” do Nhà xuất bản Văn hóa in năm 1976: “Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng/ Ba bốn cô có lệch cùng chăng, có bợm cùng chăng?”.

Tuy nhiên, trong cuốn “Dân ca Việt Nam” - Nhà xuất bản Hà Nội in và phát hành năm 2004 và cuốn “Dân ca Việt Nam” - Nhà xuất bản Thanh niên in và phát hành năm 2005… và gần như tất cả các sách dân ca xuất bản mới đây đều sửa lời ca thành: “Ba bốn cô có hẹn cùng chăng, có bạn cùng chăng”. Ngoài ra, chúng ta còn nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng hát bài dân ca này cũng với lời ca sửa đổi như vậy.

Thực ra, ông cha ta dùng chữ “lệch” và “bợm” là có ý nghĩa rất sâu xa. “Lệch” là chữ “lịch” do thổ ngữ địa phương nói chệch mà thành. Nó có nghĩa là thanh lịch, phong nhã, từng trải. Còn chữ “bợm” là giỏi giang, khôn khéo, thông thạo, mạnh dạn chứ không phải là bịp bợm, xấu xa như nghĩ theo ngôn từ mới.

Rất tiếc, ngày nay bài dân ca “Đi cấy” đã bị nhiều người hát sai lệch đi không chỉ về ca từ mà cả phần nhạc. Họ đã hát kết trọn bài ở âm bậc I. Có người lại hát kết ngay ở phách mạnh, làm mất đi nét độc đáo riêng của dân ca xứ Thanh. Thiết nghĩ, việc thay đổi một số ca từ cho dễ hiểu với đại đa số quần chúng và phù hợp với ngôn từ thời đại còn có thể chấp nhận. Nhưng thay đổi cả phần nhạc để dẫn đến làm mất đi bản sắc riêng của nó thì không thể được.

Nhạc sĩ Hoàng Long:

- Dân ca là những bài hát do nhân dân sáng tạo ra. Nó được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được sàng lọc và trở thành di sản văn hóa phi vật thể của mỗi dân tộc. Đó là tiếng nói tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng. Nó có sức sống mạnh mẽ và đọng lại lâu bền trong tâm hồn mọi người. Dân ca thể hiện rõ đặc trưng ngôn ngữ mỗi dân tộc và đặc điểm âm nhạc mỗi vùng miền của một đất nước. Dân ca có giá trị nghệ thuật khá cao và đặc biệt dễ đi vào lòng người vì tính chân thật, giản dị, mộc mạc và sức truyền cảm sâu sắc.

Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, bằng các phương tiện nghe nhìn hiện đại, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển, các loại âm nhạc trên thế giới ồ ạt xâm nhập vào nước ta, đang tác động vừa tiêu cực, vừa tích cực vào giới trẻ thì việc bảo tồn và phát huy dân ca lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều năm nay vẫn có các chương trình ca nhạc dân ca, nhạc cổ. Một số năm gần đây có chương trình “Thiếu nhi đàn và hát dân ca” và “Bé hát dân ca” của lứa tuổi mẫu giáo. Đài Truyền hình Việt Nam và các đài địa phương cũng có một số chương trình dân ca nhưng nói chung còn hạn chế. Đó là các hoạt động tuyên truyền giáo dục âm nhạc rất tốt, song chúng ta không thể chỉ cho các em thụ động tiếp thu và thưởng thức qua nghe - nhìn mà còn phải tạo điều kiện cho các em chủ động hoạt động, tức là phải dạy cho các em hát dân ca. Chúng ta hết sức hoan nghênh ngành giáo dục một số địa phương đã tổ chức những hội diễn chuyên đề hát dân ca cho giáo viên và học sinh. Đó thật sự là việc làm có ý nghĩa nhưng cũng chưa được phổ biến rộng khắp mọi miền.

Nước ta có 54 dân tộc. Mỗi dân tộc đều có dân ca của riêng mình. Đến nay, các nhà nghiên cứu, sưu tầm dân ca đã công bố tới hàng ngàn bài dân ca. Dân ca của nước ta trải rộng trên mọi vùng miền Tổ quốc. Với khối lượng dân ca to lớn và phong phú như thế, chúng ta phải chọn lọc để đưa vào trường phổ thông những bài phù hợp với từng lứa tuổi, tương ứng với khả năng ca hát và tiếp thu của mỗi đối tượng, nhưng cũng không hy vọng có được một khối lượng tối đa như nhiều nhà chuyên môn âm nhạc giàu tâm huyết mong muốn.

TSKH Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương:

- Để bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hội đương đại, theo tôi, trước hết cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học các giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống. Trong nhiều chục năm trước đây, những người làm công tác âm nhạc, đặc biệt nhiều thế hệ nhạc sĩ công tác tại Viện nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam đã rất cố gắng và đã đạt được nhiều thành tựu trong việc sưu tầm, bảo tồn âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam. Họ đã vượt qua mọi khó khăn để tiếp cận với những di sản nghệ thuật âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam. Nhưng rất tiếc, phần nhiều trong số đó chỉ là những tư liệu về phương diện âm thanh [băng, đĩa nhạc và các bản ký âm]. Hay nói cách khác, âm nhạc ở đây chỉ được nhìn nhận thuần túy dưới góc độ các âm thanh.

Tuy nhiên, một hiện tượng âm nhạc dân gian bao giờ cũng tồn tại trong không gian văn hóa của nó. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không thể nghiên cứu một hiện tượng âm nhạc dân gian thuần túy về phương diện các âm thanh của hiện tượng âm nhạc dân gian đó. Nghiên cứu âm nhạc dân gian phải là nghiên cứu một cách đầy đủ trong không gian, thời gian tồn tại hiện tượng văn hóa âm nhạc đó. Chính vì vậy, theo chúng tôi, ngay trong khi sưu tầm, để bảo tồn âm nhạc dân gian cũng đã đòi hỏi ở nhà sưu tầm những tư duy ở một mức độ cần thiết của tư duy nghiên cứu âm nhạc. Chỉ có như vậy, người sưu tầm mới có thể sưu tầm những giá trị đích thực mang tính bản chất của văn hóa âm nhạc dân gian.

Thời gian qua tồn tại trong giới những người làm công tác nghiên cứu lý luận âm nhạc nhiều ý kiến khác nhau về phương thức bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam. Có người cho rằng: Đối với di sản âm nhạc cổ truyền, điều phải làm và bắt buộc phải làm là bảo tồn, bảo tồn nguyên vẹn những di sản còn lại bằng nhiều giải pháp khác nhau. Chính vì vậy, họ cố gắng tìm cách lưu giữ một cách nguyên dạng những gì đang hiện hữu trong chính môi trường sống của hiện tượng văn hóa âm nhạc dân gian đó. Tuy nhiên, tôi tin rằng, trong khi tiến hành những việc làm như vậy, họ sẽ gặp không ít những bất cập khi cần xác định chính xác đâu là “nguyên bản”, đâu là “những nhân tố đã bị biến cải” của hiện tượng âm nhạc dân gian đó. Điều này vốn chưa bao giờ đơn giản, nếu như không muốn nói là điều không thể bởi thời gian - không gian của một hiện tượng âm nhạc dân gian không đứng yên, mà luôn đồng hành cùng những biến động ngày càng lớn lao hơn của xã hội loài người.

Cũng có người cho rằng: Công tác kế thừa - phát triển đóng góp vai trò quan trọng thúc đẩy nền âm nhạc truyền thống phát triển theo xu hướng tiên tiến và hiện đại. Có phát triển và phát triển mạnh mẽ, nền âm nhạc truyền thống mới có khả năng phản ánh đời sống một cách sinh động, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của con người hiện nay. Họ cho rằng, trong bản thân nền âm nhạc truyền thống đã tiềm ẩn những nhân tố của âm nhạc dân gian truyền thống. Điều đó cũng đúng, nhưng từ những nhân tố mang bản chất gốc bao giờ cũng có nhiều hướng để phát huy, phát triển. Vấn đề ở chỗ làm sao vẫn phát huy, phát triển mà vẫn giữ được những gì mang ý nghĩa bản sắc của một nền văn hóa âm nhạc dân gian.

Lương Minh Tân, Khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương:

- Một số người cho rằng, bảo tồn là chúng ta đi thu âm các bài dân ca rồi lưu giữ dưới dạng âm thanh hoặc bản nốt [ghi theo kiểu của phương Tây]. Nhưng đó mới chỉ là lưu trữ cơ học. Như chúng ta đã biết, dân ca cũng như âm nhạc dân gian nói chung đều có những đặc trưng khác với âm nhạc phương Tây như: Tính khuyết danh, tính truyền miệng, tính dị bản, tính trình diễn, tính thực hành xã hội… Chính vì vậy, để bảo tồn và phát huy dân ca cần phải thực hiện ngay trong môi trường nó sinh ra thì mới giữ được đúng bản chất của nó.

Để bảo tồn và phát huy dân ca có nhiều cách thực hiện. Trong đó, bảo tồn và phát huy dân ca ngay tại quê hương của những làn điệu đó đã có được những kết quả khả quan ở nhiều địa phương. Đối với một số vùng dân ca tiêu biểu như: Dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Tây Bắc… việc làm này tương đối thuận lợi do có sự kết hợp của các sinh hoạt văn hóa với việc đào tạo tại các trường văn hóa nghệ thuật và hoạt động của các đoàn nghệ thuật tỉnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có một chương trình hành động cụ thể mang tính đồng bộ giữa các cấp, các ngành để thực hiện việc bảo tồn và phát huy dân ca mang lại kết quả tốt. Một số địa phương vẫn duy trì được các sinh hoạt dân ca nhưng chỉ còn lại rất ít và thành phần tham gia cũng chưa thực sự đông đảo.

Thông qua những chuyến đi thực tế về một số vùng miền thuộc khu vực phía Bắc, tôi thấy rằng, ngay các giáo viên âm nhạc của chúng ta không phải ai cũng có thể hát hoặc biết nhiều về dân ca. Một số giáo viên hát và dạy hát dân ca của vùng mình cho học sinh dựa trên trí nhớ kết hợp với sáng tạo đã cho ra đời những sản phẩm “dân ca mới”. Những sản phẩm này mang tính “phát triển” dân ca hơn là bảo tồn và phát huy. Điều đó cho thấy rằng, dân ca đã bị “lãng quên” ngay tại chính quê hương mình. Tình trạng này xảy ra ở rất nhiều địa phương. Số người biết hát dân ca của chính vùng quê mình chỉ là một con số hết sức khiêm tốn. Chính vì vậy, theo tôi nghĩ, chúng ta cũng nên lấy việc khôi phục sinh hoạt dân ca ở ngay những vùng quê có các làn điệu tiêu biểu làm hạt nhân để từ đó phát triển mở rộng.

Chủ Đề