Bài thuyết trình về văn hóa ẩm thực việt nam

Gạo từ lâu đã giữ vai trò quan trọng trong các bữa ăn của người dân Châu Á. Riêng ở Việt Nam, gạo đã ăn sâu vào tiềm thức con người thông qua những bữa cơm gia đình. Trong văn hóa ẩm thực Việt, những món ăn từ gạo luôn biến tấu đa dạng và giữ một vị thế chủ chốt.

Cánh đồng lúa chín

Gạo được mệnh danh là hạt ngọc của trời. Là thứ linh phẩm thiêng liêng mà tạo hóa đã ban cho nhân loại.

Trở lại truyền thuyết thời các vua Hùng, chắc hẳn chúng ta không thể nào quên được câu chuyện về Bánh chưng bánh giầy. Chiếc bánh chưng từ gạo nếp mộc mạc đã giúp chàng hoàng tử nghèo có được ngôi vua. Hay đến chàng Thạch Sanh trong cổ tích đã chiêu đãi quan quân sứ thần nước bạn bằng bát cơm thần để ca ngợi sự trù phú của đất Việt. Ai còn nhớ những món bánh được làm từ những hạt gạo còn thơm mùi lúa mới ngày xưa mà bà và mẹ đã khéo léo làm cho chúng ta nào là bánh tét, bánh ú, bánh bột lọc, cốm …vv. Những thức quà tuổi thơ đơn giản, đậm tình quê đã được lưu truyền biết bao thế hệ.

Gạo đã biến hóa thành linh hồn của ẩm thực

Các món bánh từ gạo – Ảnh: Internet

Đối với một nước Nông Nghiệp như Việt Nam chúng ta thì gạo và các món ăn từ gạo luôn là đề tài hấp dẫn với đầu bếp nổi tiếng trong và ngoài nước cho đến các thực khách đam mê ẩm thực. Khi thế giới nhắc về Việt Nam về các món ăn nơi đây, chắc hẳn không thể nào không đề cập đến Phở. Phở là tinh hoa ẩm thực Việt kết tinh từ gạo. Là sự sáng tạo của người dân Việt Nam trong những năm tháng khó khăn.

Phở – Ảnh: Internet

Thế mà tự bao giờ Phở vươn mình ra thế giới, trở thành niềm tự hào ẩm thực Việt Nam. Nhưng Phở vẫn là món ăn thuần khiết mộc mạc dành cho triệu người dân nước nhà. Cùng với Phở, các món ăn từ gạo khác đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho từng vùng miền. Phải kể đến những món như: cơm lam [đặc sản Tây Nguyên], cơm Hến [đặc sản Huế] , bánh ích trần [đặc sản Tây Nam Bộ], bánh gai [đặc sản miền Bắc].

Gạo ăn sâu vào văn hóa đời sống

Bữa cơm người Việt – Ảnh: Internet

Chẳng biết từ khi nào việc bổ sung thức ăn vào cơ thể theo chu kì tự nhiên lại được gọi là “Ăn Cơm” hay “Dùng Cơm”. Hàng ngày trung bình từ 2 – 3 bữa ăn được chúng ta gọi là “ăn cơm” lại trở nên quen thuộc. Đành rằng, trong các bữa ăn thì cơm là thành phần quan trọng giúp bật dậy hương vị của mọi món ăn, nhưng đôi lúc trong bữa ăn không xuất hiện cơm nhưng vẫn gọi một cách quen thuộc là “Ăn cơm”. Nếu nói đây là thói quen thì chưa thật sự chính xác vì phải có một vị trí nhất định nên “cơm” mới đi vào tâm thức người Việt một cách lâu dài như thế.

Trong bữa cơm người Việt luôn tràn ngập tiếng cười – Ảnh: Internet

Bữa cơm gia đình đối với Người Việt vô cùng quan trọng. Đây là dịp để các thành viên cùng sum họp, chia sẻ những câu chuyện, niềm vui, từ công việc đến cuộc sống. Qua đó bữa cơm giúp các thành viên gắn kết hơn, và hiểu nhau hơn. Không dừng lại ở đó, thói quen mời cơm người khác trở thành phong tục trong việc kết giao, gìn giữ mối quan hệ xã hội tốt đẹp của người Việt.

Gạo khẳng định vị thế nền nông nghiệp Việt

Việt Nam có trữ lượng xuất khẩu gạo 5 nghìn tấn mỗi năm – Ảnh: Internet

Việt Nam có trữ lượng xuất khẩu gạo 5 nghìn tấn mỗi năm – Ảnh: Internet

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới sau Thái Lan và Ấn Độ. Trữ lượng hàng năm xuất khẩu lên tới 5 nghìn tấn. Không những thế, lúa gạo giữ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Từ thuở khai sơ mở cõi, ông cha ta đã phủ khắp vùng đất phía Nam những cánh đồng lúa bạt ngàn. Chính những cánh đồng trĩu nặng ấy đã nuôi dưỡng bao thế hệ con cháu. Để rồi đây góp phần xây dựng và phát triển đất Việt phồn vinh.

Đã đến lúc vực dậy những cánh đồng Việt

Gạo Việt vẫn giữ được vị thế của mình nhưng lại rơi vào thực trạng thất thủ – Ảnh: Internet

Trước tốc độ phát triển vượt bậc của xã hội, nhu cầu của con người cũng theo đó ngày một nhiều hơn. Tuy vậy bữa ăn của gia đình Việt vẫn không thể thiếu gạo. Dù gạo Việt vẫn giữ được vị thế của mình nhưng lại rơi vào thực trạng thất thủ. Lý do không gì khác ngoài những mặt hàng gạo nhập khẩu tràn lan, với giá cả không kém cạnh gạo nhà, lại mang mác nhập khẩu khiến người tiêu dùng trong nước không khỏi rung động. Một câu hỏi đặt ra là người Việt có đang dùng gạo Việt? Và bài toán cần giải lúc này là làm thế nào để gạo Việt giữ vị thế độc tôn trong và ngoài nước?

Đã có nhiều phương án vực dậy nền nông nghiệp Việt trong đó phương án được xem là khả quan là trồng hữu cơ. Tuy nhiên, lại không mấy hấp dẫn, vì tốn kém chi phí ban đầu, năng suất thấp. Trước thực trạng trên cần một giải pháp chất lượng cho gạo Việt giành lại vị thế.

Chủ Đề