Bị tắc tia sữa uống thuốc tiêu sữa được không

1. Khi nào cần chữa tắc tia sữa bằng thuốc tây?

Đối với những chị em đang trong thời kỳ cho con bú thì các loại thuốc giống như con dao 2 lưỡi vậy. Chúng có thể giúp các chị em điều trị dứt điểm các triệu chứng của tắc tia sữanhưng cũng có thể đi vào dòng sữa mẹ và gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ nhỏ.

Vì vậy, việc sử dụng những loại thuốc tây trong chữa trị tắc tia sữa cần hết sức thận trọng và cần có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn cao.

Cụ thể trong những trường hợp sau, mẹ nên đến khám và sử dụng thuốc tây theo đơn của bác sĩ:

  • Mẹ đã thử nhiều cách như: hút vắt sữa, xoa bóp, chườm ấm mà không có hiệu quả.
  • Mẹ không thể chịu đựng được các cơn đau nghiêm trọng do các u cục sữa vón lại, chèn ép trong các ống dẫn sữa và các cơn đau này có chiều hướng không thuyên giảm.
  • Tình trạng tắc tia sữa đã kéo dài 3 4 ngày nhưng không đỡ thì mẹ cần đến khám bác sĩ ngay, tránh để lâu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm tuyến vú, áp xe vú, u xơ tuyến vú gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ.

Và do đó, việc điều trị tắc tia sữa bằng thuốc tây được coi như là giải pháp cuối cùng khi không có biện pháp nào thay thế.

2. Một số loại thuốc tây chữa tắc tia sữa

Cho tới hiện nay, thuốc tây được sử dụng trong điều trị tắc tia sữa với mục đích chủ yếu là cải thiện các triệu chứng và khắc phục những biến chứng do tình trạng tắc tia sữa gây ra. Mời mẹ cùng tìm hiểu kỹ về thông tin của những loại thuốc này nhé.

2.1. Thuốc điều trị triệu chứng

Triệu chứng điển hình của mẹ bị tắc tia sữa là: đau tức vùng ngực và sốt [có thể là sốt nhẹ và sốt cao]. Do đó, loại thuốc hay được sử dụng trong trường hợp này là thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không Steroid như: Paracetamol, Ibuprofen.

Paracetamol

Theo các bác sĩ chuyên khoa, Paracetamol được coi là một trong những loại thuốc an toàn cho phụ nữ đang cho con bú. Thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt hiệu quả.

Cần thận trọng khi sử dụng Paracetamol vì loại thuốc này đi vào dòng sữa với một lượng thấp và khi trẻ bú sữa mẹ có thể gây ra tác dụng phụ là phát ban sần trên da của trẻ sơ sinh. Tác dụng phụ này sẽ xuất hiện sau 2 ngày mẹ sử dụng Paracetamol và giảm dần khi mẹ ngừng uống thuốc.

Mẹ không nên dùng paracetamol trong các trường hợp:

  • Mẹ có tiền sử dị ứng với Paracetamol.
  • Mẹ cũng đang dùng loại thuốc khác có chứa Paracetamol.

Ngoài ra, một số trường hợp khác mẹ cần thận trọng khi sử dụng Paracetamol: khi mẹ bị suy giảm chức năng gan thận, mẹ gầy gò thiếu cân quá mức.

Ibuprofen

Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng nghiên cứu khoa học nào ghi nhận rủi ro liên quan đến việc em bé tiếp xúc với một lượng nhỏ Ibuprofen qua sữa mẹ. Do vậy, Ibuprofen cũng là một loại thuốc an toàn đối với mẹ bỉm sữa nếu mẹ sử dụng với một lượng vừa phải theo sự chỉ định của bác sĩ.

Một lưu ý quan trọng đó chính là các chị em bị tắc tia sữa trong thời kỳ mang thai thì không nên dùng Ibuprofen vì chúng có thể dẫn tới nguy cơ làm sẩy thai và làm trẻ sau khi chào đời bị hen suyễn.

Bên cạnh đó, nếu mẹ bỉm sữa bị viêm loét dạ dày hoặc bị hen suyễn thì cũng không nên dùng Ibuprofen vì loại thuốc này có thể gây viêm loét dạ dày và gây co thắt phế quản.

2.2. Thuốc điều trị nhiễm khuẩn

Khi mẹ bị tắc tia sữa, nếu không điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tình trạng áp xe vú hoặc viêm tuyến vú [nhiễm trùng nhiễm khuẩn vú].

Hiện tượng này là rất nguy hiểm bởi chúng có thể gây tổn thương nghiệm trọng: cơ thể mệt mỏi, suy kiệt, sốt cao, rét run, đau đầu hoặc đau lan ra bả vai, cánh tay. Không những làm chất lượng sữa mẹ xấu đi rất nhiều. Nguy hiểm nhất là tình trạng này có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết, gây hoại tử chân tay.

Trong trường hợp này, một số loại thuốc kháng sinh sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của bác sĩ như: Flucloxacillin, dicloxacillin, clindamycin, vancomycin, trimethoprim kết hợp với sulfamethoxazole.

Flucloxacillin hoặc dicloxacillin

Đây là 2 loại kháng sinh được lựa chọn trong Hướng dẫn trị liệu bằng kháng sinh của Australia, năm 2010. Cả 2 loại kháng sinh này đều thích hợp cho phụ nữ đang cho con bú.

Theo các chuyên gia chỉ có một lượng nhỏ flucloxacillin hoặc dicloxacillin sẽ bài tiết vào sữa mẹ nhưng vì nồng độ quá thấp nên hầu như không gây ra có tác dụng phụ đáng kể trên trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.

Flucloxacillin hoặc dicloxacillin được dùng với liều 500mg mỗi lần uống, và dùng ít nhất trong 5 ngày.

Vancomycin

Vancomycin được sử dụng như một loại kháng sinh thay thế cho những phụ nữ bị viêm tuyến vú mà bị dị ứng nghiêm trọng với penicillin và cephazolin.

Chỉ một lượng nhỏ vancomycin được bài tiết vào sữa mẹ, nhưng hoạt chất này hấp thu kém và hầu như không có khả năng gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào ở trẻ bú mẹ.

Tác phụ hiếm gặp khi sử dụng Vancomycin là phản ứng quá mẫn cảm trên da.

Trimethoprim kết hợp với sulfamethoxazole

Trimethoprim kết hợp với sulfamethoxazole còn được gọi là co-trimoxazole, cũng nằm trong danh sách những loại thuốc điều trị viêm tuyến vú. Đây là một phương pháp điều trị thay thế chống lại vị khuẩn Staphylococcus aureus [tụ cầu vàng] đã kháng Methicillin.

Nhiều loại thuốc kháng sinh được sử dụng chữa trị tắc tia sữa

2.3. Thuốc kiểm soát hormone tham gia vào quá trình tiết sữa mẹ

Tình trạng viêm tắc tia sữa còn đến từ nguyên nhân là sữa mẹ tiết quá nhiều mà không hút vắt sữa đúng cách làm sữa tích tụ trong vú lâu ngày. Do vậy trong nhiều trường hợp, các bác sĩ đã sử dụng một số loại thuốc kiểm soát hormone đã ảnh hưởng hoặc tham gia vào quá trình sản xuất và tiết sữa mẹ.

Bromocriptine 2.5 mg

Bromocriptine có tác dụng ức chế Prolactin của tuyến yên và ức chế sự phát triển của các tế bào Prolactin, làm cho chúng thoái hóa.

Prolactin là một loại hormone do tuyến yên tiết ra, có chức năng tham gia vào quá trình phát triển bầu ngực của mẹ trong thời kỳ cho con bú và tác động tới các tế bào tuyến vú làm vú tiết ra sữa.

Nhờ đó, sử dụng loại thuốc này khi mẹ bị tắc tia sữa sẽ giúp tạm thời hạn chế lượng sữa tiết ra, tạo điều kiện cho quá trình điều trị tắc tia sữa.

Tuy nhiên loại thuốc này cũng có một số tác dụng phụ ít gặp như: kích thích dạ dày và đường ruột làm cho một số người dùng cảm giác buồn nôn, chóng mặt, táo bón, tim đập loạn nhịp và huyết áp giảm trong thời gian đầu uống thuốc.

Estrogen 2mg

Cung cấp thêm một lượng Estrogen vừa phải cũng là cách giúp cơ thể mẹ giảm sản xuất sữa, giúp hạn chế tình trạng tắc tia sữa. Lý do chính là nồng độ Estrogen tăng lên sẽ ức chế tuyến yên làm giảm bài xuất Prolactin.

Nhờ vậy, cơ thể mẹ sẽ giảm sản xuất sữa, giảm gánh nặng của bầu ngực đang bị tắc tia sữa.

3. Lời khuyên cho mẹ chữa tắc tia sữa bằng thuốc tây

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé, tăng hiệu quả trong việc điều trị tắc tia sữa, mẹ cần chú ý những điều sau:

- Thông tin về các loại thuốc trên chỉ mang tham khảo, mẹ không nên tự ý sử dụng các loại thuốc tây khi chưa có sự chỉ định và kê đơn của bác sĩ.

- Chú ý vệ sinh sạch sẽ bầu ngực hàng ngày để phòng tránh nhiễm khuẩn.

- Bên cạnh tuân thủ theo các phương pháp điều trị của bác sĩ, mẹ nên đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để giảm bớt những mệt mỏi, lo âu trong cuộc sống.

- Kể cả khi bị tắc tia sữa thì mẹ vẫn nên hút vắt sữa đều đặn để tránh tích tụ sữa thừa trong ngực làm nặng thêm tình trạng hiện tại.

Mong rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp mẹ bỉm sữa hiểu rõ hơn về chữa tắc tia sữa bằng thuốc tây. Chúc mẹ mau chóng vượt qua và thoát khỏi hiện tượng tắc tia sữa và nuôi con khỏe mạnh nhé!

Dược sỹ: Mai Anh

Video liên quan

Chủ Đề