Bị táo bón là gì

Táo bón là một trong những vấn đề tiêu hóa thường gặp nhất. Nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Phân cứng và khô, đi phải rặn, hoặc đi cầu ít hơn ba lần mỗi tuần được xem như là bị táo bón. Đường tiêu hóa của chúng ta trải dài từ miệng đến hậu môn. Các chất dinh dưỡng từ thức ăn được hấp thu ở ruột non là chính. Cuối cùng các chất bã còn lại được vận chuyển đến trực tràng, chờ ngày xuất cung.

Các chất được vận chuyển trong đường ruột nhờ nhu động ruột, theo một chiều về phía hậu môn. Phân càng mềm và lớn, càng kích thích nhu động ruột. Chất thải cuối cùng được tập kết tại trực tràng. Khi đó bạn sẽ cảm thấy mắc ị. Lúc này nếu bạn cho phép mình đi cầu, các cơ vùng đáy chậu kết hợp nhịp nhàng với nhau giúp đẩy phân ra khỏi trực tràng.

1. Nguyên nhân gây táo bón là gì?

Như đã nói ở trên, độ ẩm và kích thước khối phân càng lớn sẽ khiến cho phân được đẩy đi nhanh hơn. Vì thế chế độ ăn nhiều chất xơ và uống đủ nước là điều cần thiết để phân không bị bón.

Thực phẩm giàu chất xơ thường được làm từ thực vật. Chất xơ có ở dạng hòa tan và không hòa tan. Chất xơ hòa tan có thể hòa tan trong nước và tạo ra chất giống như gel khi đi qua hệ thống tiêu hóa.

Chất xơ không hòa tan giữ lại phần lớn cấu trúc của nó. Cả hai dạng sợi đều kết hợp với phân, làm tăng kích thước đồng thời làm mềm nó. Điều này giúp phân dễ dàng đi qua trực tràng.

Quảng cáo

Một số tình trạng stress, thay đổi thói quen và các bệnh lý đại tràng hay nín nhịn cảm giác muốn đi tiêu lâu ngày cũng có thể gây táo bón. Cụ thể, các nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm:

Không phải bệnh lý:

  • Ăn ít chất xơ, đặc biệt là chế độ ăn nhiều thịt, sữa hoặc phô mai
  • Mất nước
  • Thiếu tập thể dục
  • Nhịn đi cầu mặc dù có cảm giác muốn đi ị
  • Du lịch hoặc những thay đổi khác trong thói quen
  • Một số loại thuốc: như thuốc bao tử, thuốc giảm đau, thuốc chống tăng huyết áp, thuốc hướng thần
  • Lạm dụng thuốc nhuận tràng [thuốc để làm lỏng phân]

Bệnh lý:

  • Các bệnh lý đại trực tràng, như: tắc ruột, hội chứng ruột kích thích [IBS] hoặc viêm túi thừa, ung thư đại trực tràng
  • Bệnh lý thần kinh: đột quỵ, bệnh Parkinson, bệnh tiểu đường
  • Bệnh nội tiết như: suy tuyến giáp

2. Ai có nguy cơ bị táo bón?

Táo bón có thể gặp ở bất cứ ai, bất kì độ tuổi nào. Tuy nhiên một số đối tượng có nguy cơ cao dễ bị táo bón hơn người khác. Họ là:

Người cao tuổi [ 65 tuổi]. họ có xu hướng ít hoạt động thể chất, mắc các bệnh mạn tính và ăn uống kém hơn.

Nằm lâu trên giường. một số người bị chấn thương cột sông thường gặp khó khăn khi đi cầu.

Phụ nữ hoặc trẻ em.

Quảng cáo

Mang thai. Do có sự thay đổi về nội tiết tố. đồng thời sự chèn ép của thai nhi lên đường ruột, làm hạn chế sự di chuyển của phân.

3. Các dấu hiệu của táo bón?

Táo bón là một triệu chứng không phải là một bệnh lý. Khi bị táo bón, bạn sẽ cảm thấy phân khô cứng, nhỏ, rời rạc. Bạn mất rất nhiều sức lực để rặn chúng ra. Dù có đi được hay không, bạn vẫn có cảm giác đau rát tại vùng hậu môn. Đôi khi có chảy máu theo phân, do niêm mạc trực tràng hậu môn bị trầy xước do phân khô lại lớn.

Nhưng vẫn may mắn nếu bạn đi được, còn nếu không bụng bạn sẽ tiếp tục chịu đựng những cơn co thắt. Cảm giác phân vẫn còn trong trực tràng nhưng không thể đi. Bụng nặng mà thắt lưng cũng khó chịu.

4. Khi nào cần đi khám?

Dù rằng táo bón là tình trạng mạn tính, thường gặp. Và có vẻ như không có gì nguy hiểm ngoài việc gây khó chịu cho bản thân người bệnh. Nhưng đôi khi táo bón có thể là một dấu hiệu cần phải cấp cứu. Một số dấu hiệu sau đây đi kèm với táo bón bạn cần quan tâm, cần phải đi khám ngay:

4.1 Dấu hiệu cấp cứu

  • Máu trong phân nhiều, đỏ tươi hoặc đỏ bầm. [cho dù có bị trĩ thì cũng không nên chủ quan bạn nhé]
  • Phân màu đen, dính, có mùi tanh của máu.
  • Đau bụng ngày càng nặng dần
  • Táo bón mới xảy ra, không trung tiện được.
  • Kèm buồn nôn, nôn [thường là dấu hiệu muộn của tắc ruột đại trực tràng]

4.2 Dấu hiệu không cần cấp cứu

Ngoài ra, một tình trạng sụt cân không do ăn kiêng hoặc thay đổi thói quen đi tiêu gần đây. Ví dụ hay bị tiêu chảy, xen kẽ táo bón, hoặc táo bón mới xảy ra Bạn cũng nên đi khám. Chúng không phải là dấu hiệu cần cấp cứu, nhưng là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như ung thư đại trực tràng, cần được phát hiện và điều trị sớm.

Táo bón không được cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn. Ngay cả sau khi thử các biện pháp tự chăm sóc và cả dùng thuốc nhuận tràng hơn hai tuần. Cũng nên đi khám, vì đó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác cần được điều trị.

5. Các xét nghiệm cần thực hiện

Khi táo bón xảy ra, bạn có thể đến khám với bác sĩ nội tiêu hóa. Họ sẽ kiểm tra xem có vấn đề gì tại đường ruột của bạn hay không. U, bướu, polyp, viêm, sự chèn ép từ bên ngoàisẽ được rà soát. Một bệnh sử cụ thể, thăm khám kĩ lưỡng sẽ giúp thu hẹp đáng kể chẩn đoán. Ngoài ra sự hỗ trợ của các xét nghiệm hình ảnh cũng cần thiết được thực hiện.

Chụp X quang bụng thẳng:

Kĩ thuật chụp giống như chụp X quang phổi. Mục đích là để xem có các dấu hiệu của tắc ruột hay không. Tùy trường hợp mà bạn có thể được thụt tháo trực tràng và một phần nhỏ của đại tràng.

Chụp ba-rít cản quang:

Mục đích để kiểm tra sự lưu thông, cho hình ảnh gián tiếp của đường ruột. Để thực hiện xét nghiệm này, bạn cần uống một chất lỏng để làm sạch ruột vào đêm hôm trước. Ăn uống cũng được hạn chế. Hình ảnh các tổn thương [nếu có] sẽ được làm nổi bật trên phim để bác sĩ có thể nhìn thấy.

Nội soi đại trực tràng:

Cho thấy hình ảnh trực tiếp bên trong lòng ruột. Một cái ống nội soi mềm, có gắn camera nhỏ xíu xiu và đèn được đưa vào ruột qua đường hậu môn. Thường động tác này hơi khó chịu nên bạn có thể được được sử dụng thuốc an thần, giảm đau. Và giống như chụp ba-rit bạn cũng cần phải nhịn ăn và được làm sạch ruột. Ưu thế của phương pháp này là nếu thấy tổn thương nghi ngờ ác tính bác sĩ có thể lấy mẫu để đi làm xét nghiệm luôn.

Chụp CT bụng có cản quang hoặc MRI bụng:

Cũng thường được chỉ định để tìm các tổn thương u ở thành ruột, hoặc bị vật thể bên trong ổ bụng chèn ép. Nó cũng giúp bác sĩ đánh giá được các biến chứng nếu u ác tính xâm lấn cơ quan khác.

6. Làm thế nào để điều trị và dự phòng táo bón?

Như đã nói ở trên, nguyên nhân táo bón phần nhiều đến từ chế độ ăn uống và tập luyện. vì thế nếu không có dấu hiệu cần cấp cứu, các bạn có thể tạm thời tự chữa. Sau khi kết hợp tất cả những biện pháp dưới đây mà không cải thiện hoặc nặng hơn nên đi gặp bác sĩ bạn nhé.

Xem thêm: Cách bấm huyệt chữa táo bón như thế nào?

Thay đổi thói quen hàng ngày của bạn

Những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày của bạn có thể cải thiện táo bón. Thiếu vận động và chế độ ăn uống kém là hai nguyên nhân chính gây táo bón. vì vậy hãy bắt đầu siêng vận động hơn chút, kết hợp thêm một vài loại thực phẩm giàu chất xơ.

Bạn không nên cố gắng thực hiện thay đổi lớn cùng một lúc. Điều này sẽ khó duy trì trong thời gian dài. Thay vào đó, thêm một vài điều nho nhỏ, từng bước biến chúng thành thói quen:

  • Ăn đúng giờ vào mỗi ngày
  • Thử ăn ngũ cốc nguyên cám cho bữa sáng [gạo lức, bắp, yến mạch]. Các loại bánh mì nâu, mì nguyên hạt sẽ tốt hơn bánh mì trắng
  • Ăn thêm trái cây vào bữa phụ thay vì thức ăn nhanh như snack, khoai tây chiên, bim bim
  • Tự nấu ăn với thực phẩm giàu chất xơ như đậu các loại.
  • Luôn giữ bên mình một chai nước, để uống bất cứ lúc nào.
  • Tận dụng tối đa thời gian để vận động. ví dụ: đậu xe thật xa để đi bộ, leo cầu thang bộ đến khi nào mệt có thể dùng thang máy. Hay lựa chọn đi bộ khi phải di chuyển giữa các địa điểm gần nhau
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Ngủ đủ giấc
  • Khi bạn muốn đi tiêu, hãy đi ngay, hạn chế việc nín nhịn.
  • Tạo thói quen đi vệ sinh vào một giờ cố định trong ngày.

Bổ sung chất xơ

Việc bổ sung chất xơ khá đơn giản. Có hai cách:

Hoặc là bạn sử dụng nhiều thực phẩm giàu chất xơ.

Bổ sung chất xơ phòng ngừa táo bón

Thân cây, lá, củ, các loại hạt, trái cây là nguồn cung cấp chất xơ chính. Thịt và các sản phẩm từ sữa không chứa bất kỳ một gam chất xơ nào. Nếu chưa quen với chế độ ăn nhiều rau, củ bạn có thể bắt đầu thêm từ từ vào bữa ăn hằng ngày.

Bánh mì hoặc khoai lăng, bắp cho bữa sáng là nguồn cung cấp xơ tốt. Sử dụng các loại hạt, hay quả hạch vào các bữa phụ. Trong bữa ăn chính, sự kết hợp của cà rốt, bí rợ, cải xanh, đậu ve, mướp, bí đao giúp tăng cường chất xơ. Nếu có thói quen uống nước ép trái cây, hãy thay nó bằng cách ăn chúng. Cam, lê táo, mận, chuối, Là những loại trái cây phổ biến chứa nhiều chất xơ. Ngoài ra uống thêm nhiều nước là một ý kiến không tồi chút nào.

Hoặc là bạn có thể dùng thực phẩm chức năng để hỗ trợ. Chúng có thể có dạng viên nang hoặc dạng bột. Tuy nhiên hãy chắc chắn rằng bạn uống thật nhiều nước khi dùng các sản phẩm này. Nếu không bạn sẽ làm tồi tệ hơn tình trạng táo bón hiện tại.

Dùng thuốc nhuận tràng

Mặc dù phần lớn có hiệu quả nhưng thuốc nhuận tràng thường không phải là một giải pháp lâu dài cho táo bón. Thực tế, dùng một số loại thuốc nhuận tràng quá thường xuyên có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Ví dụ như: mất cân bằng điện giải, mất nước. Vì thế, nếu dùng thuốc quá hai tuần mà các triệu chứng không cải thiện, bạn nên gặp bác sĩ.

Có nhiều loại thuốc nhuận tràng và không phải tất cả chúng đều có cơ chế giống nhau.

Một số giúp làm mềm phân bằng cách thêm nước vào phân để làm mềm phân. Nhờ đó bạn dễ đi cầu hơn.làm cho nó dễ đi qua hơn. Loại này phù hợp để ngừa táo bón hơn là điều trị chúng.

Một số khác giúp phân có độ thẩm thấu cao, để giữ nước ở lại trong phân. Bạn nên đọc kĩ hướng dẫn trước sử dụng. Tác dụng phụ của nhóm này rất nặng: chuột rút, tiêu chảy, mất nước và rối loạn điện giải.

Số còn lại là thuốc nhuận tràng kích thích. Khi uống thuốc vào, ruột của bạn sẽ co thắt liên tục để đưa phân về phía trực tràng.

Nếu mắc táo bón kinh niên, điều đầu tiên nên thực hiện là có một chế độ ăn nhiều xơ, đủ nước và tập thể dục thường xuyên. Chúng có thể giúp phục hồi chức năng ruột của bạn. bạn có thể dùng thuốc nhuận tràng để hỗ trợ.

Tuy nhiên, luôn nhớ rằng, không phải bao giờ thuốc cũng hiệu quả. Và không phải thuốc nào cũng tốt thực sự. Hãy đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu nguy hiểm nhé.

Video liên quan

Chủ Đề