Bỏ hình bắt bóng là lối sống như thế nào

ĐỀ ÔN TẬP SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4

Có những người phải sống chung với bệnh tật hoặc khuyết tật trong suốt cuộc đời. Bạn có thể cứu mình khỏi tình trạng chìm đắm trong cảm giác tủi thân, tự ti, cay đắng, giận dữ, hoặc là chấp nhận thách thức và tận dụng một cách tối đa cơ hội để làm những gì tốt nhất có thể trong khi thời gian trôi đi.

Tôi đã nhận được sự chú ý và sự đánh giá cao nhờ cái cách tôi lựa chọn để sống và phục vụ người khác mặc dù tôi không có chân, không có tay. Nhưng trong cuộc đời cũng còn có rất nhiều người khác đang âm thầm đối mặt với những thách thức về bệnh tật với sự biết ơn, lòng can đảm và niềm tin có sức lan tỏa.

(Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng- Nick Vujicie)

Câu 1: (NB) Theo tác giả, những người phải sống chung với bệnh tật hoặc khuyết tật trong suốt cuộc đời thì họ thường có những cách ứng xử nào?

Câu 2: (NB) Là một người khuyết tật không có chân, không có tay nhưng tác giả đã làm gì để nhận được sự chú ý và đánh giá cao từ người khác?

Câu 3: (TH) Vì sao tác giả cho rằng “Có rất nhiều người đang âm thầm đối mặt với những thách thức về bệnh tật với sự biết ơn”?

Câu 4: (VD)Anh (chị) có đồng ý rằng mỗi người chúng ta phải chấp nhận thách thức và tận dụng một cách tối đa cơ hội để làm những gì tốt nhất có thể hay không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0điểm)

Câu 1(2.0điểm):

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh /chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về cách lựa chọn để sống của bản thân.

Câu 2 (5.0đ)

Sau thấy năm về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lý, từ một cô gái trẻ trung, tràn đầy sức sống, giờ đây, Mị trở nên sống cam chịu, nhẫn nhục, “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”. Nhưng trong đêm mùa đông, sau khi cắt dây cởi trói cho A Phủ, “Mị đứng lặng trong bóng tối. Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt: A Phủ cho tôi đi.”

Qua hai tình cảnh của Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, anh/chị hãy làm rõ ý kiến sau:“Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”(Mùa lạc – Nguyễn Khải)

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1: (NB) Theo tác giả, những người phải sống chung với bệnh tật hoặc khuyết tật trong suốt cuộc đời thì họ thường có những cách ứng xử nào?

Trả lời:

- Chìm đắm trong cảm giác tủi thân, tự ti, cay đắng, giận dữ

- Chấp nhận thách thức và tận dụng một cách tối đa cơ hội để làm những gì tốt nhất có thể. (0.5):

Câu 2: (NB) Là một người khuyết tật không có chân, không có tay nhưng tác giả đã làm gì để nhận được sự chú ý và đánh giá cao từ người khác?

Trả lời:

-Cách lựa chọn để sống và phục vụ người khác. (0.5)

Câu 3: (TH) Vì sao tác giả cho rằng “Có rất nhiều người đang âm thầm đối mặt với những thách thức về bệnh tật với sự biết ơn”?

Trả lời:

- Từ những bệnh tật, khổ đau con người ta mới khao khát sống mới có nghị lực và niềm tin để vươn lên từ nghịch cảnh. Điều đó có nghĩa là họ yêu cuộc sống và cám ơn cuộc đời vì mình được sinh ra trên thế giới này (1.0)

Câu 4: (VD)Anh (chị) có đồng ý rằng mỗi người chúng ta phải chấp nhận thách thức và tận dụng một cách tối đa cơ hội để làm những gì tốt nhất có thể hay không? Vì sao?

Trả lời:

- Đồng ý hoặc không đồng ý (0,25)

- Giải thích hợp lý (0,75)

II. LÀM VĂN (7.0điểm)

Câu 1(2.0điểm):

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh /chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về cách lựa chọn để sống của bản thân.

Trả lời

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0.25)

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25)

- Cách lựa chọn để sống của bản thân”

c. Triển khai vấn đề nghị luận (1.0)

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải thể hiện rõ quan điểm về cách lựa chọn để sống của bản thân. Có thể theo hướng sau:

- Tại sao phải lựa chọn cách để sống

- Nêu được những cách mà bản thân lựa chọn

- ý nghĩa của sự lựa chọn cách sống ấy

d. Chính tả, ngữ pháp (0.25)

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo (0.25)

Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2 (5.0đ)

Trả lời:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25)

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5)

“Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…” . Phân tích hai tình cảnh của Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ để làm rõ nhận định

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm (3.5)

- Giải thích câu nhận định

- Phân tích làm rõ tình cảnh thứ1của Mị: buông xuôi, chấp nhận số phận không có ý thức phản kháng, không mảy may hy vọng đổi đời.

- Phân tích làm rõ tình cảnh thứ 2 của Mị: Ý thức phản kháng mãnh liệt, tự đấu tranh để giành lấy hạnh phúc.

- Lý giải được sự thay đổi của Mị:

+ Lòng ham sống, khao khát được sống tự do, hạnh phúc vẫm âm ỉ cháy trong con người Mị và khi có cơ hội là nó bùng cháy mạnh mẽ.

+ Sức mạnh đã thôi thúc Mị bước qua lằn ranh của cái chết để giải thoát cho chính mình đó là: lòng thương người, thương mình; Nhận thức được sự tàn ác của cha con thống lí; Sự trỗi dậy mạnh mẽ của sức sống.

- Đánh giá :

Nhận định trên hoàn toàn đúng. Thông qua hai tình cảnh của Mị, người đọc nhận thấy trong cuộc đời này không có con đường cùng, sự bế tắc, không phải chỉ có cái chết. Điều quan trọng là con người cần phải biết lưa chọn cách sống và có một sức mạnh, một niềm tin để bước qua ranh giới ấy để tìm lấy sự sống và hạnh phúc của chính mình.

d. Chính tả, ngữ pháp (0.25)

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo (0.5)

Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

……………..Hết………………..

ĐỀ ÔN TẬP SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản dưới đây:

Có thể vẫn còn không ít bạn cho rằng lẽ sống là khái niệm to tát, không cần nghĩ đến làm gì, song, tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh: "Lẽ sống là điều bạn tự giải mã khi trả lời câu hỏi, mình sống vì điều gì? Phải chăng đó là sống có ích, sống nhân hậu; biết lạc quan, biết ước mơ và biết phấn đấu, phân khúc cuộc đời để thực hiện những kế hoạch mình ấp ủ. Lẽ sống cần được bắt đầu bằng nội lực của bạn. Mỗi ngày, bạn hãy chọn cho mình một niềm vui và làm một việc có ích".

Thật vậy, tuổi trẻ không đến hai lần. Xác định lẽ sống không là điều gì... ghê gớm. Tiến sĩ Đinh Phương Duy, Phó hiệu trưởng Trường đào tạo cán bộ TP đã "đơn giản hóa" những gì cần hiểu về lẽ sống khi trao đổi những quan điểm: "Nhiều bạn trẻ còn sống lơ lửng, không mục đích. Chúng ta phải có khát vọng và nó phải rõ ràng, thậm chí là cần có cả tham vọng, bởi điều đó làm chúng ta đi xa hơn. Tuổi trẻ cần dám nói, sống hết mình, sống thật với mình, biết kiên nhẫn, dám làm và dám chơi - chơi làm sao để đó là phương tiện hữu ích cho cuộc sống. Quan trọng nhất, các bạn vẫn luôn là chính mình, không phải là bản sao ai khác".

Vậy với bạn, lẽ sống của bạn là gì? Nếu bạn chưa từng nghĩ đến thì có lẽ không quá sớm để bạn nghĩ về nó. Nếu bạn đã từng nghĩ đến, bạn đã làm gì để trả lời...

(Trích Lẽ sống của giới trẻ ngày nay: đừng để tuổi trẻ lãng phí, Bích Dậu, tuoitre.vn, 20/12/2006)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (NB). Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, lẽ sống là gì?

Câu 2 (TH). Theo anh/chị, điều gì làm nên sức hấp dẫn, thuyết phục của văn bản?

Câu 3 (VD). Theo anh/chị “Mỗi ngày, …chọn cho mình một niềm vui và làm một việc có ích" có tác dụng gì đối với cuộc sống con người?

Câu 4 (VDC). Anh/chị có đồng ý với quan điểm sau của Phó hiệu trưởng Trường đào tạo cán bộ TP “Chúng ta phải có khát vọng và nó phải rõ ràng, thậm chí là cần có cả tham vọng, bởi điều đó làm chúng ta đi xa hơn” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn nghị luận trả lời câu hỏi sau: “Lẽ sống của bạn là gì?”

Câu 2. (5,0 điểm)

Phân tích chi tiết âm thanh tiếng sáo trong đoạn trích sau:

Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, tha thiết bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, SGK Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục, 2016, tr.7)

Liên hệ với chi tiết âm thanh cuộc sống trong đoạn trích dưới đây, từ đó nhận xét về nghệ thuật lựa chọn chi tiết của nhà văn Tô Hoài và Nam Cao.

Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài… Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!

(Trích Chí Phèo, Nam Cao, SGK Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục, 2016, tr.154)

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1 (NB). Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, lẽ sống là gì?

Lời giải:

"Lẽ sống là điều bạn tự giải mã khi trả lời câu hỏi, mình sống vì điều gì? Phải chăng đó là sống có ích, sống nhân hậu; biết lạc quan, biết ước mơ và biết phấn đấu, phân khúc cuộc đời để thực hiện những kế hoạch mình ấp ủ. Lẽ sống cần được bắt đầu bằng nội lực của bạn. Mỗi ngày, bạn hãy chọn cho mình một niềm vui và làm một việc có ích".

Câu 2 (TH). Theo anh/chị, điều gì làm nên sức hấp dẫn, thuyết phục của văn bản?

Lời giải:

- Bàn về vấn đề có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi người.

- Trích dẫn ý kiến, lý giải sâu sắc của những nhà chuyên môn.

Câu 3 (VD). Theo anh/chị “Mỗi ngày, …chọn cho mình một niềm vui và làm một việc có ích" có tác dụng gì đối với cuộc sống con người?

Lời giải: Học sinh có thể trả lời theo quan điểm riêng nhưng phải hợp lý, thuyết phục.Gợi ý:

- Tạo động lực, phấn chấn trong công việc, cuộc sống.

- Gắn kết mối quan hệ giữa người với người.

Câu 4 (VDC). Anh/chị có đồng ý với quan điểm sau của Phó hiệu trưởng Trường đào tạo cán bộ TP “Chúng ta phải có khát vọng và nó phải rõ ràng, thậm chí là cần có cả tham vọng, bởi điều đó làm chúng ta đi xa hơn” không? Vì sao?

Lời giải: HS trả lời theo quan điểm cá nhân nhưng phải hợp lý, thuyết phục.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn nghị luận trả lời câu hỏi sau: “Lẽ sống của bạn là gì?”

Lời giải:

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn nghị luận: có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn và kết đoạn. Có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, v.v (0,25đ)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Lẽ sống của bạn là gì? (0,25đ)

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành: HS lựa chọn các tao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách, nhưng phải làm rõ lẽ sống của bản thân. Có thể trình bày theo hướng sau: (1,0đ)

- Giải thích lẽ sống là gì?

- Nêu lẽ sống của bản thân.

- Lý giải vì sao lựa chọn lẽ sống đó (có thể trình bày ý nghĩa của lẽ sống).

- Hướng hành động để thực hiện lẽ sống đã chọn.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25đ)

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25đ)

Câu 2. (5,0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25đ)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích âm thanh tiếng sáo trong đoạn trích của tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Liên hệ với âm thanh cuộc sống trong đoạn trích của tác phẩm Chí Phèo, từ đó nhận xét nghệ thuật lựa chọn chi tiết của nhà văn Tô Hoài và Nam Cao. (0,5đ)

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận: Triển khai vấn đề thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, chi tiết. (0,5đ)

* Phân tích âm thanh tiếng sáo: (1,5đ)

- Ý nghĩa chi tiết âm thanh tiếng sáo:

+ Đây là âm thanh quen thuộc, nét văn hóa của người miền núi thường xuất hiện vào mùa xuân.

+ Âm thanh là chất xúc tác hữu hiệu để phản ứng của Mị trước cuộc sống được xảy ra. Mị có những rung cảm, thấy thiết tha, bổi hổi và Mị nhẩm thầm bài hát của người đang thổi sáo. Đó là sự bắt đầu quá trình hồi sinh một số phận bị đày đọa đến mức tê liệt cảm xúc:

- Nghệ thuật của chi tiết:

+ Chi tiết gợi cảm, mộc mạc, bình dị nhưng cũng là chất thơ của tác phẩm.

- Chi tiết góp phần làm nổi bật tâm trạng và tính cách của nhân vật.

- Sử dụng từ láy giàu sức gợi.

- Liên hệ âm thanh cuộc sống: (1,0đ)

- Ý nghĩa của chi tiết:

+ Đây là những âm thanh đời thường, bình dị mà Chí Phèo được nghe sau một thời gian dài triền miên trong những cơn say.

+ Âm thanh đánh thức những rung động rất đời, rất người mở đầu cho quá trình thức tỉnh của Chí Phèo - con quỷ dữ làng Vũ Đại: Chao ôi là buồn; giúp Chí ý thức được thời gian, không gian và sự tồn tại của mình.

- Nghệ thuật của chi tiết:

+ Chi tiết gợi cảm; bình dị, mộc mạc nhưng rất đặc sắc tạo nên chất thơ cho tác phẩm.

+ Chi tiết góp phần làm nổi bật tâm trạng và tính cách của nhân vật.

- Nhận xét nghệ thuật lựa chọn chi tiết của nhà văn Tô Hoài và Nam Cao: (0,5đ)

+ Tiếng sáo, tiếng chim hót, tiếng người đi chợ về, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá… là những âm thanh rất quen thuộc, đời thường nhưng cũng là chi tiết gợi cảm, đặc sắc góp phần tạo nên chất thơ, chất lãng mạn cho tác phẩm.

+ Các nhà văn tài tình trong việc chắt lọc, chuyển hóa những điều quen thuộc ít giá trị, ít được mọi người quan tâm trong cuộc sống trở thành những điều ý nghĩa có sức mạnh lay chuyển nội tâm nhân vật và lay động người đọc. Chính vì vậy chúng trở thành chi tiết nghệ thuật đắt giá góp phần chuyển tải tư tưởng của tác phẩm.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận (0,5đ)

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25đ)

ĐỀ ÔN TẬP SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm )

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Tâm hồn ta cũng giống như một khu vườn. Nếu ta không chăm sóc thì dây leo, cỏ dại sẽ mọc đầy. Chúng sẽ hút hết khoáng chất bổ dưỡng, khiến cho những loại cây quý bị cằn cỗi mà không thể cho ra hoa thơm, trái ngọt. Vì mải mê chạy theo những đối tượng hấp dẫn bên ngoài nên ta bỏ bê tâm hồn mình, khiến cho nó xuống cấp trầm trọng mà không hề hay biết.

(2) Lúc nào ta cũng đi đứng vội vàng, nói năng hấp tấp, dễ dàng bực tức khi không vừa ý, sẵn sàng đưa ra lời nhận xét tiêu cực và cố chấp, mỗi khi được góp ý là tự ái và bỏ đi ngay. Một năm nhìn lại ta thấy mình được gì, mất gì? Những cái có được có phải là hạnh phúc đích thực không? Những cái mất có phải là những phẩm chất quý giá tạo nên một con người hiểu biết và yêu thương không? Có phải ta cảm thấy đời sống của mình ngày càng trở nên vô vị? Không chia sẻ được với ai, ta thu mình vào vỏ bọc của sự cô đơn, rồi trách đời, trách người. Đó là hậu quả tất yếu của lối sống “bỏ hình bắt bóng”.

(Trích Hiểu về trái tim – Nghệ thuật sống hạnh phúc, Minh Niệm, NXB Trẻ, 2014)

Câu 1. Ghi lại những chi tiết, hình ảnh miêu tả tâm hồn con người khi không được chăm sóc trong phần (1) của đoạn trích.

Câu 2. Xác định biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong phần (2) của đoạn trích.

Câu 3. Anh/chị hiểu lối sống “bỏ hình bắt bóng” trong văn bản trên là lối sống như thế nào?

Câu 4. Từ đoạn trích văn bản trên, thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với anh / chị?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm )

Từ nội dung của đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình về việc chăm sóc khu vườn tâm hồn ở giới trẻ hiện nay.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, ngay sau câu nói đùa của anh Tràng: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, nhân vật người vợ nhặt về thật. Anh Tràng đã: “Chậc, kệ!”.

Về chi tiết này, có người đã trách anh Tràng: “Kệ” là thái độ vô trách nhiệm, biết là chưa chắc nuôi nổi mà lại đồng ý đưa cô ta về. Người khác lại bày tỏ sự cảm thông: ở vào hoàn cảnh rất éo le, anh Tràng hành động như vậy thật dũng cảm.

Anh/chị trình bày suy nghĩ của bản thân về các ý kiến trên?

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm )

Câu 1. Ghi lại những chi tiết, hình ảnh miêu tả tâm hồn con người khi không được chăm sóc trong phần (1) của đoạn trích.

Trả lời: Học sinh ghi lại được 2 chi tiết, hình ảnh trong các chi tiết, hình ảnh sau: dây leo, cỏ dại sẽ mọc đầy; hết khoáng chất bổ dưỡng; cằn cỗi mà không thể cho ra hoa thơm, trái ngọt; xuống cấp trầm trọng mà không hề hay biết. (0.5đ)

Câu 2. Xác định biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong phần (2) của đoạn trích.

Trả lời: Biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong phần (2) của đoạn trích: Câu hỏi tu từ. (0.5đ)

Câu 3. Anh/chị hiểu lối sống “bỏ hình bắt bóng” trong văn bản trên là lối sống như thế nào?

Trả lời: Lối sống “bỏ hình bắt bóng”: Là lối sống chỉ chạy theo những đối tượng hấp dẫn bên ngoài mà bỏ bê tâm hồn mình, khiến cho nó xuống cấp trầm trọng mà không hay biết. (1.00đ)

Câu 4. Từ đoạn trích văn bản trên, thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với anh / chị? Vì sao?

Trả lời: Học sinh có thể chọn một trong hai cách trả lời sau: (1.00đ)

- Cần nuôi dưỡng tâm hồn để có một tâm hồn đẹp. Vì việc nuôi dưỡng tâm hồn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc hoàn thiện nhân cách sống của mỗi người, nhất là đối với bản thân và các bạn trẻ.

- Phê phán lối sống “bỏ hình bắt bóng”. Vì lối sống ấy khiến cho tâm hồn con người phát triển theo chiều hướng tiêu cực, cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, vô vị; không dám sẻ chia, cô đơn, trách người, trách đời.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm )

Từ nội dung của đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình về việc chăm sóc khu vườn tâm hồn ở giới trẻ hiện nay.

Trả lời:

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn. (0.25đ)

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0.25đ)

Chăm sóc khu vườn tâm hồn

c. Triển khai vấn đề nghị luận (1.00đ)

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ vấn đề nghị luận. Có thể theo hướng sau:

- “Chăm sóc khu vườn tâm hồn” với cách nói ẩn dụ, tác giả đã chỉ ra việc chăm sóc tâm hồn mình cũng giống như việc chăm sóc một khu vườn. Nếu chăm sóc tốt khu vườn thì sẽ có hoa thơm, trái ngọt và ngược lại (nghĩa đen). Và việc chăm sóc tâm hồn cũng như thế, cần chăm sóc tốt tâm hồn mình để hoàn hiện bản thân (nghĩa bóng).

- Cuộc sống hiện đại, chăm sóc vẻ bề ngoài cũng quan trọng nhưng việc chăm sóc tâm hồn còn quan trọng hơn, nhất là đối với giới trẻ.

- Bên cạnh những bạn trẻ hiểu vai trò, ý nghĩa của việc chăm sóc tâm hồn thì ngày nay, rất nhiều bạn trẻ mải mê chăm chút vẻ bề ngoài mà quên chăm sóc tâm hồn mình.

- Từ đó, hành vi ứng xử của con người, nhất là ở các bạn trẻ, phát triển theo chiều hướng tiêu cực. Không chỉ ảnh hưởng tới bản thân mà nó còn có thể ảnh hưởng đến xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng.

- Bản thân mỗi bạn trẻ cần ý thức được vai trò của việc chăm sóc tâm hồn. Đừng sống vội vã nữa mà hãy “sống chậm lại, suy nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn”.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu. (0.25đ)

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt độc đáo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. (0.25đ)

Câu 2 (5,0 điểm)

Trả lời:

1. Hướng dẫn chung

Do đặc trưng của bộ môn nên giám khảo chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và biểu điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.

Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm; vận dụng đầy đủ các thang điểm, tránh t