Boộ đề thi đại học cũ

Đặng Chung   -   Thứ sáu, 01/05/2020 16:43 [GMT+7]

Sau những năm chỉ tổ chức duy nhất một kỳ thi chung trên cả nước, kỳ thi THPT quốc gia ở nước ta đã có những thay đổi. Và từ 1975 đến nay, sau 45 năm thống nhất đất nước, kỳ thi được coi là quan trọng nhất với học sinh cả nước đã trải qua nhiều lần đổi mới. Việc đổi mới thi cử luôn được xem là một trong những khâu đột phá của đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo của Việt Nam.

Thí sinh trong một kỳ thi đại học trước năm 2015. Ảnh: Nam Nguyễn

6 năm đất nước không có kỳ thi đại học

Chứng kiến học trò của mình, những học sinh lớp 12 đang trải qua những ngày tháng khó khăn khi vừa đảm bảo việc học tập, ôn thi, vừa phòng dịch COVID-19, vừa chuẩn bị tâm thế cho những đổi mới thi cử, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie [Hà Nội] nhớ lại thời của mình. Đó là những năm 1960-1970, vì chiến tranh khốc liệt, nên học sinh vừa học, vừa phải tránh bom đạn. Thời đó, thầy và bạn bè học bài vào ban đêm, nhờ ánh sáng của chiếc đèn dầu nhỏ đặt trong hộp gỗ khoét một lỗ vừa đủ cho ánh sáng hắt vào trang sách.

Cũng vì khó khăn, vất vả, đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, nên từ năm 1965-1970,  ở miền Bắc chỉ có một kỳ thi nhẹ nhàng để tốt nghiệp. Thầy Khang tham gia kỳ thi tốt nghiệp diễn ra giữa lúc đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng khốc liệt. Thế hệ của thầy, học sinh đỗ tốt nghiệp được tuyển vào đại học, cao đẳng bằng hình thức xét tuyển hồ sơ mà không phải thi.

Sau 6 năm đất nước không có kỳ thi đại học, đến năm 1971, hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng lại được tổ chức. Sau này, khi đất nước thống nhất, thí sinh muốn vào đại học đều phải trải 2 kỳ thi: Thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Trong đó, kỳ thi đại học được tổ chức tại địa phương để thí sinh đỡ vất vả, giảng viên các trường đại học, cao đẳng và sinh viên về các tỉnh coi thi. Bộ Giáo dục [khi đó] ra đề. Thí sinh trúng tuyển sẽ được phân vào các trường. Ai đạt kết quả cao sẽ được gửi sang nước ngoài để học tập.

Cuộc cải cách giáo dục bắt đầu từ năm 1981, khi hệ thống giáo dục chuyển từ 10 năm sang 12 năm [bỏ lớp vỡ lòng], kéo theo sự đổi mới chương trình sách giáo khoa.  Lúc này, mỗi thí sinh đăng ký 1 trường đại học, cao đẳng phù hợp với nguyện vọng và năng lực của mình.

Từ những năm 1990 đến 2001, học sinh cả nước bước sang thời có 1 kỳ thi tốt nghiệp và 2 kỳ thi đại học, 1 kỳ thi cao đẳng. Lúc đó, trường đại học tự ra đề thi dựa vào bộ đề của Bộ GDĐT. Với thế hệ những người sinh năm 1970 tới năm 1979, việc thi đại học là cả một hành trình, lặn lội cả trăm km, cơm đùm cơm nắm, lều chõng lên thành phố dự thi. Bởi lúc đó, thí sinh đăng ký vào trường nào thì về trường đó dự thi, đăng ký thi bao nhiêu trường thì phải trải qua bấy nhiêu kỳ thi để giành suất vào đại học.

Thời thi “3 chung” của sĩ tử

Từ năm 2002, Bộ GDĐT đã tiến hành đổi mới tuyển sinh đại học bằng kỳ thi có tên “3 chung”  - chung đề, chung đợt và chung kết quả xét tuyển. Thí sinh sau khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp, nếu được công nhận tốt nghiệp THPT thì được tham dự kỳ thi đại học [chia làm 2 đợt] diễn ra đầu tháng 7 hằng năm.

Kỳ thi này được nhiều chuyên gia đánh giá là khá nghiêm túc do được tổ chức ở các trường đại học, nhưng đổi lại là sự vất vả và tốn kém của thí sinh. Ngày đó, lò luyện thi mọc lên ở khắp nơi. Khu vực Đại học Bách khoa, ĐH Sư phạm Hà Nội những ngày tháng 5, tháng 6 luôn tấp nập, các lò luyện thi hoạt động hết công suất.

Và đến những ngày tháng 7 nắng oi ả, sĩ tử khắp nơi đổ dồn về các thành phố lớn để dự thi đại học. Hình ảnh phụ huynh và học sinh rời chuyến xe khách đông đúc từ quê lên thành phố, khệ nệ bê đồ, hỏi han địa chỉ thuê nhà trọ… đã trở thành hình ảnh quen thuộc và ký ức khó quên của nhiều người. Ngày ấy, có gia đình bán thóc, bán bò để có tiền cho con “lai kinh ứng thí”. Với nhiều sĩ tử khi đó, đây có thể là hành trình xa nhà đầu tiên. Cảm giác xa lạ trước phố phường tấp nập, ước mơ vào đại học để thay đổi cuộc đời, hay đơn giản chỉ vì dành ánh mắt đầy ngưỡng mộ với những anh chị mặc màu áo xanh tình nguyện tiếp sức mùa thi... mà càng quyết tâm vào đại học để được như họ.

 Và có một thực tế là suốt hơn 10 năm tổ chức kỳ thi “3 chung” [2002-2014], tình trạng luyện thi đại học, học tủ, học lệch là một vấn đề nhức nhối và nhận được sự quan tâm của dư luận.  Ý định tổ chức một kỳ thi quốc gia chung tại Việt Nam đã từng được ấp ủ và lấy ý kiến từ năm 2009, nhưng do chưa chuẩn bị đầy đủ nên các nhà làm giáo dục Việt Nam đành phải hoãn lại.

Thi “2 chung” và vụ gian lận thi cử rúng động

Cho đến năm 2015, sau gần 5 năm chuẩn bị, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học chính thức ghép vào làm một, việc ra đề thi vẫn do Bộ GDĐT chủ trì. Kỳ thi này thường được gọi với cái tên “2 chung” - vừa đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, vừa là căn cứ để tuyển sinh đại học. Nó có tên gọi là kỳ thi THPT quốc gia.

Khác hẳn với các mùa thi trước, những năm thực hiện thi “2 chung” không còn cảnh tắc đường, “khăn gói quả mướp”  đổ dồn về thành phố dự thi. Những cảnh phụ huynh vật vờ, nằm ngủ tạm tại ghế đá công viên vì phải dậy từ 3h sáng, vượt vài trăm cây số đưa con lên các thành phố lớn để dự thi… đã là hình ảnh trong quá khứ. Lý do là kỳ thi được đổi mới theo hướng giao dần về cho các Sở GDĐT địa phương chủ trì.  Thí sinh được chủ động chọn điểm thi ở gần nhà, không phải vất vả đi lại như trước.

Tuy nhiên, vào năm 2018, việc giao địa phương tổ chức kỳ thi, mà kết quả được sử dụng cho việc xét tuyển đại học đã xảy ra vụ gian lận rúng động nhất trong lịch sử thi cử Việt Nam. Hàng loạt sai phạm, nâng khống điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình khiến dư luận cả nước bất bình. Những đường dây chạy “suất” vào các trường công an, quân đội, y dược được hình thành; thí sinh bị điểm liệt được nâng thành thủ khoa. Và kết quả, hàng chục giáo viên “nhúng chàm” đã vướng vòng lao lý.

Đối với nhiều phóng viên, những ngày tác nghiệp tại các “điểm nóng” gian lận thi cử thực sự là trải nghiệm khó quên. Đó là những ngày ngủ chập chờn, dự những cuộc họp báo hy hữu vào lúc 1h đêm; những giọt nước mắt khi biết được sự thật. Với những người làm công tác giáo dục, khi nhắc lại vụ gian lận thi cử, thấy đau như tự cứa vào da thịt mình. Bởi những hậu quả mà vụ gian lận thi cử gây ra đến bây giờ vẫn chưa thể khắc phục hết, khi thí sinh gian lận đã cướp mất cơ hội vào đại học của những thí sinh khác.

Năm 2020 - tiếp tục chặng đường đổi mới

Sau 4 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, khi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi quan trọng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kỳ thi đã có những thay đổi vào phút chót. Và năm 2020 chính thức đánh dấu khép lại chặng đường 5 năm của kỳ thi “2 chung”.

Bắt đầu từ năm nay, học sinh cả nước sẽ tham gia kỳ thi THPT với mục đích để xét tốt nghiệp. Trường đại học được tự chủ tuyển sinh, thí sinh đăng ký vào trường nào thì tham dự kỳ thi của trường đó. Kỳ thi lúc này gần giống với những năm 1990 đến 2001, nhưng chỉ khác là trường đại học được tuyển sinh làm nhiều đợt trong năm. 

Trước quá trình đổi mới thi cử, sĩ tử năm nay đang tập thích nghi dần với những thay đổi, dù có chút hoang mang, lo lắng.  Để động viên và hỗ trợ thí sinh, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc quan trọng nhất của học sinh lúc này là yên tâm ôn thi, bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được tổ chức an toàn, chặt chẽ, minh bạch. Do đó, đa phần các cơ sở giáo dục đại học vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển. Năm nay sẽ không có quá nhiều trường tổ chức thi riêng nên không thể lặp lại tình trạng tập trung quá đông thí sinh về một điểm, trong một thời gian nên sẽ không tạo áp lực về luyện thi, thi quá nhiều hay đổ dồn về các thành phố lớn. Sau năm 2020, học sinh chuẩn bị tâm thế cho những đổi mới, bởi sẽ có nhiều trường đại học tổ chức thi kỳ thi riêng, gắn với việc mở rộng quyền tự chủ đại học. 

Huyên Nguyễn   -   Thứ sáu, 15/10/2021 09:40 [GMT+7]

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Hải Nguyễn

Tránh đi vào "vết xe đổ"

Những năm qua, bên cạnh mặt tích cực từ kỳ thi THPT mang lại thì thẳng thắn nhìn nhận, kỳ thi THPT quốc gia và sau này là kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế.

Khi kỳ thi THPT chuyển đổi mục đích chỉ còn xét tốt nghiệp nhưng các trường đại học vẫn lấy kết quả này để xét tuyển dẫn đến nghịch lý nhiều thí sinh đạt điểm cao, thậm chí điểm tuyệt đối nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 gây bức xúc.

Mới đây, tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đổi mới để năng động hơn, thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh, tăng cường phân cấp để các địa phương chủ động hơn. Năm 2022 là một bước đi đầu, có khả năng là một năm có tính chất giao thời chuẩn bị để thực hiện đổi mới toàn diện hơn vào năm sau.

Đánh giá về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học hiện nay, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT thẳng thắn chỉ rõ một số vấn đề cần giải quyết cụ thể rõ ràng.

Theo ông Vinh, Bộ GDĐT cần làm rõ việc có hay không gian lận, lỏng lẻo khi giao cho địa phương tổ chức thi, các khâu tổ chức đã được giám sát thật sự chặt chẽ hay chưa, cần có thanh tra, kiểm tra nghiêm túc. Đặc biệt, ông Vinh nhấn mạnh việc thực hiện công tác hậu kiểm.

TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh cần làm rõ những vấn đề còn lo ngại từ kỳ thi tốt nghiệp THPT để rút kinh nghiệm, tìm cách khắc phục. Ảnh: NVCC

Những năm qua, vẫn có nhiều nghi ngại trong tổ chức thi như phổ điểm bất thường, đề thi được tuồn ra ngoài trước giờ kết thúc làm bài, một trường dân tộc nội trú có 36 em đỗ đại học với 30 điểm trở lên, vụ điểm thi của chiến sĩ nghĩa vụ, đề tham khảo tương đồng đến 80% đề thi chính thức…

“Bộ GDĐT cần làm rõ những vấn đề dư luận còn băn khoăn. Trong đó, chú trọng việc ra đề thi chưa chuẩn hoá, điểm học bạ chênh với điểm thi, tổ chức coi thi chưa chặt chẽ… sau đó mới đưa ra phương án cho năm tới. Không thể vội vàng trong làm chính sách được, làm phải có nghiên cứu cụ thể”, ông Vinh bày tỏ.

Hướng tới đánh giá năng lực toàn diện

Theo ông Vinh, việc đổi mới cần có lộ trình và kế hoạch rõ ràng. Mới đây, Bộ GDĐT khuyến cáo các trường đại học chỉ sử dụng kết quả thi THPT là công cụ sàng lọc, sơ tuyển chứ không xét tuyển nhưng việc này cũng còn nhiều tranh luận. Bộ GDĐT cần làm rõ vấn đề về hệ thống khảo thí, đánh giá như thế nào, mục tiêu THPT sắp tới là gì.

Theo ông Vinh, năm 2022 là năm giao thời chính vì thế không nên có điều chỉnh lớn về mặt chủ trương, chính sách nếu chưa nghiên cứu kỹ. Ông kiến nghị đề thi năm tới cần có sự phân hoá rõ nét hơn để giúp các trường phân loại thí sinh, tạo công bằng trong xét tuyển.

Song song với việc này, các trường đại học tự chủ trong xét tuyển có thể sử dụng thêm xét học bạ là một công cụ đánh giá được toàn diện 3 năm học cấp 3, nhưng cần kết hợp thêm ứng dụng công nghệ để không có hiện tượng sửa điểm, nâng điểm học bạ phổ thông.

Về lâu dài việc xét tuyển đại học cần đánh giá tổng quát năng lực toàn diện, kiểm tra kiến thức nhiều môn như kỳ thi của Mỹ, Trung Quốc… thay vì căn cứ chủ yếu vào điểm thi 3 môn như hiện nay.

Bên cạnh đó, TS Vinh cho rằng nhà nước cần có cơ chế để khuyến khích thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, trước mắt là phát triển các trung tâm thuộc đại học quốc gia, thậm chí Bộ có thể thành lập trung tâm khảo thí của Bộ, trung tâm khảo mang tính dịch vụ công…

Ngoài ra, kỳ thi đánh giá năng lực cũng được tổ chức vài năm qua, vì thế, bản thân các đơn vị cũng cần có nghiên cứu, đánh giá, phân tích kết quả cụ thể về năng lực học tập của các thí sinh trúng tuyển qua kỳ thi đánh giá năng lực để có cơ sở để cải thiện kỳ thi ngày một tốt hơn. 

Video liên quan

Chủ Đề