Ca sĩ băng châu trước năm 1975 là ai?

Đăng bởi bangcoi vào lúc 16/03/2021

Vào đầu thập niên 70 tại Sài Gòn có sự xuất hiện của một khuôn mặt trẻ trung, còn mang dáng dấp một nữ sinh với những nét đẹp tươi sáng mà nhu mì, rạng rỡ nhưng vẫn còn phảng phất hương lúa ngọt ngào của miền Tây trù phú. Đó là nữ ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh và kịch nghệ, Băng Châu. Khi lên Sài Gòn thì Băng Châu đã bước chân vào một khúc quanh quan trọng cho cuộc đời của cô. Băng Châu được nhạc sĩ Châu Kỳ mời xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình "Tiếng Thùy Dương" của ông với nhạc phẩm "Nhớ Nhau Hoài" của Anh Việt Thu. Và khi về với chương trình "Trường Sơn" của Duy Khánh thì mọi người đã nhắc nhở đến nhiều về sự xuất hiện mới mẻ này trong làng Tân Nhạc.

Ca sĩ băng châu trước năm 1975 là ai?
Qua đến năm 1971 thì tên tuổi của Băng Châu mới thật sự được nổi bật với nhạc phẩm "Qua Cơn Mê" của Trịnh Lâm Ngân. Băng Châu khởi nghiệp ca hát vào năm 1970, được các nhạc sĩ Châu Kỳ, Khánh Băng và nhất là Duy Khánh nâng đỡ. Cô cộng tác với ban nhạc Tiếng Thùy Dương của Châu Kỳ và ban nhạc Trường Sơn của Duy Khánh. Băng Châu có một khuôn mặt gợi cảm với sóng mũi cô hơi dài và thanh tú. Cặp môi cô đầy đặn, khi khép kín miệng thì cặp môi ấy đẹp hơn là lúc nở nụ cười. Giọng hát Băng Châu mềm mại ngọt ngào. Cô được cái ưu điểm là dàn trải làn hơi đâu ra đó. Tiếng hát của Băng Châu là tiếng hát buồn man mác của người cô phụ đêm đêm chong đèn ngồi bên song cửa nhìn bóng trăng tà ngoài song và đối diện với ngọn hàn đăng trong cô phòng. Tiếng hát cô lúc buồn theo mùi hương nguyệt quí ngào ngạt tỏa ra chung quanh khuôn viên của căn nhà kia, từ lúc đèn đêm thắp sáng cho tới lúc cửa sổ khép kín và ánh đèn trong hương khuê phụt tắt. Đó là lúc hương cau, hương bưởi và hương dạ lý thay nhau lan tỏa trong sương khuya và trong những cơn gió mỏng hiu hiu. Những mùi hương ấy ở chốn cùng thôn tuyệt tái thì ngoài nàng ra không có ai thưởng thức chúng, cho nên đó cũng chỉ là những thứ hương bị quên lãng và bị nhốt chung một phận buồn như nàng. Ngay sau lần đầu xuất hiện trên truyền hình, khuôn mặt của Băng Châu đã lọt vào mắt đạo diễn Lê Dân và cô được mời đóng phim "Trần Thị Diễm Châu", Trước khi đưa quyển "Châu Kool" của nhà văn Duyên Anh lên màn bạc, Đạo diễn Lê Dân đã đi lùng trong hàng ngũ các nữ nghệ sĩ cải lương, các nữ minh tinh màn bạc, các nữ ca sĩ để tìm một cô có vóc dáng và nhân diện có thể đóng vai từ một thiếu nữ ngây thơ, đến một người đàn bà bụi đời được thể hiện qua nữ nhân vật Trần Thị Diễm Châu có cái hổn danh là Châu Kool (vì ưa hút thuốc lá Kool). Ông gặp được Băng Châu. Cô là hiện thân pha trộn của ba mẫu người đàn bà khác nhau. Khi đóng vai Diễm Châu nữ sinh, cô có vẻ ngây thơ trong sáng và hành xử rất hồn nhiên. Khi đóng vai Diễm Châu thiếu phụ đa tình, cô thể hiện được mẫu người tình tứ thập phần gợi cảm. Khi đóng vai Diễm Châu nữ chúa trong làng dao búa cô thể hiện được vẻ dữ dằn sắt đá. Cuốn phim "Trần Thị Diễm Châu" vừa khi trình chiếu ở Sài Gòn thì tên tuổi của Băng Châu đã trở nên quen thuộc. Sau đó, cô được mời xuất hiện trong nhiều cuốn phim khác như "Trường Tôi", "Bốn Thủy thủ Sợ Ma", "Năm Vua Hề Về Làng"... Và từ đó, tên tuổi Băng châu lại nổi bật thêm trong lĩnh vực điện ảnh. Sau năm 1975, điện ảnh cách mạng đã góp phần tạo được dấu ấn thật xuất sắc qua những vai diễn đa dạng trong các bộ phim: Mối Tình Đầu (diễn cùng Thế Anh, Như Quỳnh…), Giữa Hai Làng Nước( diễn cùng Nguyễn Chánh Tín)…Băng Châu vẫn tham gia ca hát, diễn kịch, cô là một ca sĩ duyên dáng của đòan kịch nói Bông Hồng, nghe Băng Châu hát "Cuộc đời vẫn đẹp sao" rất ấn tượng và khả ái. Băng Châu đến Mỹ và cư ngụ ở Utah trong ba tháng sau đó về cư ngụ tại Nam Cali cho đến nay. Cô đã từng theo học ngành điện toán trong 3 năm trước đây vì cô không nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục cuộc đời ca hát ở hải ngoại. Ra hải ngoại, Băng Châu cũng vẫn hoạt động nghệ thuật trình diễn. Cô đã cộng tác với các trung tâm băng nhạc như Thanh Lan, Thúy Anh, Làng Văn. Ba cuốn băng nhạc của trung tâm Hạ Trắng dành riêng cho cô là "Lời Này Cho Anh", "Lời Cho Người Tình Xa" và "Em". Cô còn cộng tác với trung tâm băng hình Hải Đăng qua vở hài kịch "Share Phòng Lộn - Share Tình Lầm" của Nguyễn Minh Phương với Mai Lệ Huyền, Kim Xuyên Lan, Lucie Hương, Văn Chung, Hương Huyền, Linh Tuấn, Bảo Hiền. Trong vở kịch này cô cắt tóc theo kiểu demi-garcon nên khuôn mặt cô hơi dài. Tuy nhiên cô mặc chiếc robe rất đẹp, ôm sát nách thân hình tươi mát và thon gọn của cô. Áo có phần trên hở ức, hở nách như áo chấn thủ, phần dưới có xẻ ở ống chân. Qua chiếc áo ấy, cô gieo cho khán thính giả cảm giác mát rượi dù nó chỉ có màu chàm đậm nổi những vạch trắng nằm ngang.

Trong băng hình "Đêm Sài Gòn 2" của trung tâm Asia, Băng Châu xuất hiện ở màn đơn ca bài "Chuyện Tình Không Suy Tư". Cô mặc chiếc áo nhung hở ức màu sậm mà ánh đèn rọi màu đỏ biến nó cùng mái tóc của cô trở thành màu hung hung. Áo buông dài, phủ cả mắc cá, nhưng có chẻ ở phần ống chân. Lại nữa, áo có những nếp xếp duyên dáng từ ngực vắt qua bờ vai làm nổi bật cốt cách thanh lịch của cô. Làn hơi trong, giọng hát của cô vẫn còn khỏe, nhưng cô ngân nga hơi khó khăn hơn xưa. Hiện nay, Băng Châu vẫn tham gia họat động văn nghệ, cô thu băng, làm đài phát thanh, đóng kịch cho một số băng video và vẫn được những trung tâm mời cộng tác. Cô cho biết thời gian này mặc dù không tràn trề danh vọng như trước kia nhưng cô cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc bên cạnh hai người con của mình.

Từ giọng hát ngọt ngào

Danh ca Băng Châu tên thật là Nguyễn Thị Xuân Mai, sinh năm 1950 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng lớn lên ở đất Cần Thơ. Nghệ danh Băng Châu được chính cô đặt khi mới chập chững vào nghề. Cô vốn học ban văn chương nên muốn đặt một cái tên thật ý nghĩa và Băng Châu có nghĩa là “viên ngọc lạnh”. Cái tên này đã đi theo cô từ lúc vào nghề cho đến nay, được vô vàn khán giả yêu mến.

Từ nhỏ, Băng Châu đã rất thích ca hát và theo học đàn ở trường từ khi học đệ thất (lớp 6). Sau đó, cô tham gia những chương trình hát cho chiến sĩ nghe và may mắn được gặp gỡ những nghệ sĩ nổi tiếng trong làng nhạc.

Thời gian này, các đoàn văn nghệ cũng thường xuyên đến Cần Thơ biểu diễn. Trong những buổi giao lưu văn nghệ, Băng Châu có cơ duyên được gặp một ca sĩ trong đoàn văn nghệ là Tuyết Nhung. Ca sĩ Tuyết Nhung nhận ra khả năng của Băng Châu nên đã gợi ý cô lên Sài Gòn để phát huy được hết khả năng ca hát. Đến năm 1969, khi đang học lớp đệ nhị (lớp 11), Băng Châu bỏ học lên Sài Gòn để tìm kiếm cơ hội cho sự nghiệp. 

“Hồi đó, rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng về Cần Thơ như: Thẩm Thúy Hằng, Thanh Tuyền, Nhật Trường… Tôi thấy chị Thẩm Thúy Hằng ở ngoài đẹp quá, đẹp như tiên, được bao nhiêu người ái mộ. Mỗi lần chị Thẩm Thúy Hằng về Cần Thơ, biết bao người chạy theo chỉ để được nhìn thấy chị là cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Tôi nhìn chị mà mê lắm, ái mộ quá, lại được đi đây đi đó nên mơ ước được như chị. Đó là một trong những động lực khiến tôi muốn đi theo con đường âm nhạc”, danh ca Băng Châu chia sẻ.

Danh ca Băng Châu thời trẻ. 

Sau khi Băng Châu lên Sài Gòn, ca sĩ Tuyết Nhung đã dẫn cô đến gặp các nhạc sĩ tên tuổi ở đây, trong đó có 3 nhạc sĩ, gồm: Duy Khánh, Khánh Băng và Châu Kỳ. Và đây cũng là 3 nhạc sĩ đầu tiên đã nâng đỡ Băng Châu trong những bước đầu của sự nghiệp.

Người đầu tiên giúp đỡ Băng Châu chính là ca nhạc sĩ Duy Khánh, cũng là người thầy đã nâng đỡ cô rất nhiều. Tuy nhiên, lần đầu tiên Băng Châu xuất hiện trong một chương trình âm nhạc là “Tiếng thùy dương” của nhạc sĩ Châu Kỳ với nhạc phẩm “Nhớ nhau hoài” của nhạc sĩ Anh Việt Thu. Tiếng hát của một nữ ca sĩ tuổi vừa đôi mươi đã chinh phục đông đảo khán giả thời đó.

Nhưng phải đến một thời gian sau, với bài hát “Qua cơn mê” của Trịnh Lâm Ngân thu trong băng nhạc Trường Sơn của Duy Khánh, cái tên Băng Châu mới được chắp cánh để trở thành một tên tuổi nổi bật vào đầu thập niên 1970. Nữ danh ca kể rằng, bài hát này đã đóng dấu ấn vào tên tuổi của cô cho đến tận ngày nay, tức là 50 năm sau khi cô hát “Qua cơn mê”.

Thật ra, người thu âm bài này đầu tiên là Duy Khánh trong đĩa nhựa, sau đó Băng Châu thu âm lại vào băng cối. Từ đó, “Qua cơn mê” với tiếng hát Băng Châu đã trở thành một hiện tượng ở khắp miền Nam. Trên các đài phát thanh ở Sài Gòn, từ sáng đến tối, mở bất kỳ đài nào cũng đều có phát bản thu âm này.

Sau đó, Băng Châu cũng trải qua một mối tình chóng vánh với ca nhạc sĩ Duy Khánh. Nữ danh ca tiết lộ: “Danh ca Duy Khánh ngày đó là một người rất đào hoa, tốt với bạn bè, lúc nào cũng chịu chơi, xả láng hết mình, không tiếc gì. Chỉ phải cái, anh ấy đẹp trai, lại có tài nên được rất nhiều người đẹp theo đuổi, trong đó có tôi. Có lẽ vì vậy nên cuộc tình giữa chúng tôi không kéo dài. Anh Duy Khánh còn viết cho tôi một bài hát mà tôi không biết, sau này chị Thanh Tuyền nói tôi mới biết”.

Thời đó, Băng Châu được mệnh danh là “Người đẹp Tây Đô”. Nhà văn Hồ Trường An từng nhận xét rằng, Băng Châu có một khuôn mặt gợi cảm với sóng mũi hơi dài và thanh tú. Cặp môi cô đầy đặn, khi khép kín miệng thì cặp môi ấy đẹp hơn lúc nở nụ cười. Giọng hát Băng Châu mềm mại ngọt ngào. Ưu điểm của cô là dàn trải làn hơi đâu ra đó. 

“Tiếng hát Băng Châu lúc buồn theo mùi hương nguyệt quý ngào ngạt tỏa ra chung quanh khuôn viên của căn nhà từ lúc đèn đêm thắp sáng cho tới lúc cửa sổ khép kín và ánh đèn trong hương khuê phụt tắt. Đó là lúc hương cau, hương bưởi và hương dạ lý thay nhau lan tỏa trong sương khuya và trong những cơn gió mỏng hiu hiu”, nhà văn Hồ Trường An từng cho biết.

Đến minh tinh màn bạc

Năm 1971, đạo diễn Lê Dân tìm kiếm gương mặt nữ chính Trần Thị Diễm Châu cho phim cùng tên được chuyển thể từ tiểu thuyết “Châu Kool” của nhà văn Duyên Anh. Ông đã đi tìm rất nhiều trong các nữ nghệ sĩ cải lương, các nữ minh tinh màn bạc, các nữ ca sĩ để tìm một người có thể đóng được một nhân vật đa diện, từ một thiếu nữ ngây thơ, đến một người đàn bà bụi đời giống như nhân vật Diễm Châu có biệt danh là Châu Kool trong tiểu thuyết nhưng đều chưa phù hợp. Cuối cùng, ông gặp được Băng Châu.

Đạo diễn Lê Dân từng kể, ông thấy hình dáng Băng Châu qua phim ca nhạc truyền hình nên cho mời đến thử vai và tuyển ngay vào vai nữ chính của phim “Trần Thị Diễm Châu”. Như là định mệnh, gặp Diễm Châu trong phim, Băng Châu ngoài đời đã hóa thân cả hồn lẫn xác vào nhân vật. 

“Đây là điều bất ngờ khi lần đầu tiên tôi giới thiệu Băng Châu với đoàn làm phim. Bởi thoạt nhìn cô ca sĩ mới xuất hiện vài lần trên truyền hình này, mọi người đều nhận thấy ở Băng Châu nét dịu hiền của một cô gái “tỉnh lẻ” vừa lên thành phố, không thể nghĩ cô sẽ đóng được vai ác liệt của một nữ chúa du đãng trong phần sau của phim. Nhưng sau buổi đầu tiên tiếp xúc, chuyện trò thoải mái để tìm hiểu Băng Châu, tập cho cô đóng thử một đoạn rất gay cấn của kịch bản và cảm nhận được sự nhạy cảm của cô, tôi đã tin tưởng và quyết định chọn cô vào phim”, đạo diễn Lê Dân từng kể.

Băng Châu trong vai Diễm Châu. 

Theo đạo diễn Lê Dân, Băng Châu là hiện thân pha trộn của 3 mẫu người khác nhau. Khi đóng vai Diễm Châu nữ sinh, cô có vẻ ngây thơ trong sáng và hành xử rất hồn nhiên. Khi đóng vai Diễm Châu thiếu phụ đa tình, cô thể hiện được mẫu người tình tứ thập phần gợi cảm. Khi đóng vai Diễm Châu nữ chúa, cô thể hiện được vẻ dữ dằn sắt đá.

Băng Châu đã hoàn thành xuất sắc vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp. Bộ phim “Trần Thị Diễm Châu” vừa trình chiếu ở Sài Gòn thì tên tuổi của Băng Châu ngay lập tức tạo được một dấu ấn lớn trong giới trẻ đô thành. 

“Chính nhờ sự “chạm ngõ” đầy thuận lợi như vậy, điện ảnh đã mở rộng vòng tay đón nhận “Người đẹp Tây đô”. Băng Châu được mời xuất hiện trong nhiều phim khác và từ đó lại nổi bật thêm trong lĩnh vực điện ảnh”, đạo diễn Lê Dân từng cho biết.

Thật vậy, từ thành công đầu tiên với lĩnh vực điện ảnh này, Băng Châu được mời xuất hiện trong nhiều phim khác như: “Vĩnh biệt tình hè”, “Trường tôi”, “4 thủy thủ sợ ma, “5 vua hề về làng”…

Sau năm 1975, danh ca Băng Châu tiếp tục sinh hoạt âm nhạc, đóng phim, đến tháng 9/1979 thì sang Mỹ định cư, cộng tác với nhiều trung tâm băng đĩa hải ngoại. Ngoài ca hát, Băng Châu còn là một MC, xướng ngôn viên truyền hình và truyền thanh được yêu thích ở hải ngoại.

Theo Câu chuyện Pháp luật