Các chất gây nghiện là gì

Nhiều người không hiểu tại sao hoặc làm thế nào người khác nghiện ma túy. Họ có thể lầm tưởng rằng những người đó thiếu đạo đức hoặc ý chí kém cỏi. Và họ cho rằng có thể ngừng sử dụng ma túy chỉ bằng cách lựa chọn tôi muốn vậy. Trong thực tế, nghiện chất là một rối loạn phức tạp. Và việc bỏ thuốc thường cần nhiều thứ hơn là ý chí mạnh mẽ và dự định tốt đẹp.

Các chất gây nghiện làm thay đổi bộ não theo những cách khiến việc bỏ thuốc trở nên khó khăn. Ngay cả đối với những người muốn. Không đâu xa lạ, các bác, các chú nhà mình bảo bỏ thuốc lá, nhưng mấy ai thành công. Điều gì khiến cho các chất gây nghiện ảnh hưởng lên não mạnh mẽ như vậy? Và phải chăng một khi đã nghiện chất sẽ không còn “đường rút lui”?

1. Nghiện chất là gì?

Chất muốn nhắc đến ở đây là những chất tác động lên hoạt động tâm thần của con người. Chúng có thể là chất cấm: cần sa, cocain, heroin, thuốc lắc, ma túy đá… gọi chung là ma túy. Cũng có thể là chất không cấm: rượu, nicotine, caffein… Hoặc thậm chí là thuốc: thuốc ngủ, thuốc giảm đau [morphin]…

Nghiện là một bệnh mãn tính đặc trưng bởi việc tìm kiếm và sử dụng chất là bắt buộc. Hoặc khó kiểm soát, bất chấp hậu quả có hại. Hầu hết mọi người ban đầu khi quyết định dùng chất là tự nguyện. Nhưng khi sử dụng chất nhiều lần dẫn đến những thay đổi trong não. Thách thức người nghiện tự kiểm soát và chống lại sự thôi thúc mãnh liệt dùng thuốc của họ.

Bạn đã thực sự hiểu rõ về: Cần sa, ma túy đá, heroin? Chúng rốt cuộc là gì và khác nhau ở điểm nào?

2. Lạm dụng chất và lệ thuộc chất

Trước đây, người ta đưa ra hai khái niệm: lạm dụng chất và lệ thuộc chất. Trong đó:

  • Lạm dụng chất. Là vấn đề sử dụng chất không đúng cách gây ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày. Biểu hiện bằng tiếp tục sử dụng chất đó dù biết tác hại của nó gây ra. Ví dụ: vấn đề sức khỏe, pháp luật, giảm khả năng lao động, học tập… liên quan đến dùng chất. Cá nhân đó không có sự ham muốn bắt buộc phải sử dụng chất.
  • Lệ thuộc chất. Là một hội chứng liên quan đến ham muốn bắt buộc phải sử dụng chất đó. Có hoặc không có dung nạp và cai chất. Cá nhân đó tiếp tục sử dụng chất đó một cách dai dẳng. Dù rằng các vấn đề sức khỏe có liên quan đến sử dụng chất đó đã được chẩn đoán.

Tuy nhiên, tại phiên bản thứ 5 của Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần đã không còn hai khái niệm này nữa. Vì chúng khá dễ nhầm lẫn không chỉ trong cộng đồng mà còn cả trong giới y khoa. Thế nên người gộp chúng lại để cho ra khái niệm rối loạn sử dụng chất

3. Rối loạn sử dụng chất được phân loại như thế nào?

Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần, để chẩn đoán rối loạn này cần có ít nhất là 2/11 tiêu chuẩn dưới. Các tiêu chuẩn này xảy ra trong 12 tháng.

  • Dùng chất với lượng lớn hơn hoặc trong một thời gian dài hơn dự định.
  • Mong muốn dai dẳng hoặc nỗ lực giảm hoặc kiểm soát sử dụng chất đó không thành công.
  • Dành nhiều thời gian để tìm kiếm, sử dụng hoặc hồi khỏi các tác dụng của chất đó.
  • Ham muốn mạnh mẽ hoặc thôi thúc sử dụng chất này.
  • Không thực hiện đúng vai trò chính tại nơi làm việc, trường học hoặc ở nhà do dùng chất.
  • Tiếp tục dùng chất dù có các vấn đề xã hội hoặc cá nhân xảy ra. Hoặc làm trầm trọng hơn do ảnh hưởng của việc sử dụng chất.
  • Từ bỏ hoặc giảm các hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc giải trí quan trọng do dùng chất.
  • Dùng chất lặp lại trong các tình huống nguy hiểm về mặt thể chất.
  • Tiếp tục dùng chất dù biết nguy cơ hoặc làm nặng thêm các vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần do dùng chất.
  • Dung nạp với chất.
  • Có triệu chứng cai khi ngưng dùng chất. Đó là các triệu chứng khi không có chất đó, sẽ biểu hiện. Và các triệu chứng biến mất khi tiếp tục sử dụng chất đó.

4. Lệ thuộc, dung nạp và nghiện chất khác nhau như thế nào?

Lệ thuộc [Dependence]

Bao gồm lệ thuộc tâm lý và thể chất.

  • Phụ thuộc về thể chất có thể xảy ra khi sử dụng thường xuyên bất kỳ chất nào. Dù hợp pháp hoặc bất hợp pháp, ngay cả khi dùng theo quy định. Đó là do cơ thể thích nghi một cách tự nhiên với một chất có thường xuyên trong cơ thể. Và khi chất đó bị giảm đi, cơ thể lại một lần nữa cần được điều chỉnh. Trong lúc điều chỉnh, cơ thể sẽ xuất hiện triệu chứng cai. Ví dụ, khi bạn uống rượu lâu năm, một ngày nọ, bạn phải vô viện, không có rượu uống. Cơ thể bạn sẽ phản ứng bằng cách run tay, vã mồ hôi, bồn chồn, lo lắng, mất ngủ… Nếu được uống rượu ngay lúc này, các triệu chứng cai sẽ bay biến đi hết.
  • Phụ thuộc về tâm lý là khi bạn ham muốn tha thiết, mãnh liệt phải có chất đó để dùng. Sự phụ thuộc về thể chất có thể dẫn đến việc thèm thuốc để giảm các triệu chứng cai thuốc.

Dung nạp [tolerance]

Là cần dùng liều cao hơn của chất đó để có được tác dụng tương tự. Hoặc với lượng tương tự nhưng hiệu quả đạt được là kém hơn. Thường đi kèm với lệ thuộc thuốc, và có thể khó phân biệt hai loại này.

Nghiện [addiction]

Là một rối loạn mãn tính đặc trưng bởi tìm kiếm và sử dụng chất là bắt buộc, mặc dù hậu quả tiêu cực. Như vậy có thể thấy, nghiện gần nhất với lệ thuộc tâm lý. Nghiện có thể không có lệ thuộc thể chất hoặc dung nạp.

5. Các chất gây nghiện ảnh hưởng lên não như thế nào?

Hầu hết các chất gây nghiện có ảnh hưởng đến “hệ thống thưởng” của não.

Bình thường cơ thể chúng ta cũng có những hoạt động lành mạnh có thể kích hoạt hệ thống này. Ví dụ: ăn uống, yêu đương… Chúng kích hoạt hệ thần kinh, gây ra trạng thái hưng phấn thông qua dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh. Khi hệ thống khen thưởng này được kích thích, chúng sẽ thúc đẩy người đó lặp lại các hành vi gây ra sự kích hoạt đó.

Khi một người tiếp tục sử dụng ma túy, não sẽ thích nghi bằng cách giảm khả năng đáp ứng của các tế bào trong hệ thống thưởng. Điều này làm giảm nhiều các tác động của chất mang lại so với lần đầu tiên sử dụng [hiện tượng dung nạp]. Vì thế họ cần dùng liều cao hơn cho những lần sau. Đồng thời, sự thay đổi này khiến người nghiện ít đạt được sự hưng phấn, khoái cảm. Từ những việc trước đây họ từng thích như thức ăn, tình dục hoặc các hoạt động xã hội.

6. Hậu quả của nghiện chất

Về lâu dài, hệ thống não bị thay đổi, làm ảnh hưởng đến chức năng khác: iệc sử dụng lâu dài cũng gây ra những thay đổi trong các hệ thống và mạch hóa học não khác, ảnh hưởng đến các chức năng bao gồm:

  • Học tập.
  • Đánh giá tình huống.
  • Ra quyết định.
  • Chịu đựng căng thẳng.
  • Trí nhớ.
  • Hành vi.

Biết bao nhiêu hoàn cảnh thương tâm đã xảy ra vì sử dụng chất gây nghiện. Tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, học đường, vi phạm pháp luật… Dù nhận thức được những kết cục có hại này, nhiều người sử dụng ma túy vẫn tiếp tục dùng chúng. Đó là bản chất của nghiện.

7. Tại sao cùng sử dụng một chất có người nghiện nhưng một số người lại không?

Không một yếu tố nào có thể dự đoán nếu một người xài chất đó, có nghiện chất hay không. Sự kết hợp của các yếu tố rủi ro càng nhiều, khả năng nghiện càng lớn. Xét theo ba khía cạnh:

  • Sinh học. Bộ gen của mỗi người khi sinh ra, chịu trách nhiệm đến một nửa nguy cơ nghiện thuốc. Giới tính, dân tộc, sự hiện diện của rối loạn tâm thần khác cũng ảnh hưởng đến nguy cơ nghiện.
  • Môi trường. Gồm nhiều ảnh hưởng khác nhau, từ gia đình và bạn bè đến tình trạng kinh tế và chất lượng cuộc sống. Sự lôi kéo của bạn bè, bị lạm dụng thể chất và tình dục, tiếp xúc sớm với ma túy, căng thẳng và hướng dẫn của cha mẹ có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng sử dụng và nghiện ma túy.

  • Phát triển. Các yếu tố di truyền và môi trường tương tác lên các giai đoạn phát triển quan trọng có ảnh hưởng đến nguy cơ nghiện. Mặc dù dùng thuốc ở mọi lứa tuổi có thể dẫn đến nghiện. Nhưng dùng ma túy càng sớm càng có nhiều khả năng bị nghiện. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thanh thiếu niên. Bởi vì các chức năng ra quyết định, phán đoán và tự kiểm soát vẫn đang phát triển. Thanh thiếu niên dễ có những hành vi nguy cơ cao, bao gồm cả thử thuốc.

Người ta nghĩ rằng tất cả các loại ma túy đều giống nhau. Nhưng liệu quan điểm này có đúng không? Tìm hiểu nhé: Cocain, thuốc lắc, LSD: bạn đã thực sự hiểu hết về chúng?

8. Xét nghiệm nào có thể được sử dụng để tầm soát đánh giá nghiện không?

Chúng ta có vài công cụ là những thang điểm, bảng câu hỏi để giúp tầm soát những đối tượng nguy cơ cao. Các xét nghiệm máu hay nước tiểu hiện tại chỉ giúp xác nhận bệnh nhân có dùng chất đó, ngay tại thời điểm lấy mẫu. Đó là yếu tố để gợi ý cho bác sĩ truy tìm, người dùng có nghiện chất đó hay không.

Ngoài ra, hình ảnh trên MRI có thể giúp nhìn thấy sự thay đổi cấu trúc của não khi dùng chất. Và có thể hỗ trợ trong chẩn đoán rối loạn này.

9. Nghiện có thể điều trị thành công không?

Giống như các bệnh lý mãn tính khác. Chẳng hạn như bệnh tiểu đường, hen suyễn hoặc bệnh tim,.. Điều trị nghiện nói chung không phải là một phương pháp chữa lành bệnh. Tuy nhiên, nghiện có thể điều trị và được quản lý tốt.

Những người đang hồi phục sau cơn nghiện sẽ có nguy cơ tái phát trong nhiều năm và có thể cả đời. Kết hợp thuốc điều trị nghiện với liệu pháp hành vi làm tăng cơ hội thành công cho hầu hết bệnh nhân. Phương pháp điều trị phù hợp cần điều chỉnh theo từng cá nhân.

Thêm một tin tốt là việc sử dụng ma túy và nghiện chất là có thể phòng ngừa được. Các nghiên cứu đã chỉ ra các chương trình phòng ngừa ở gia đình, trường học, cộng đồng và truyền thông có hiệu quả ngăn ngừa hoặc giảm sử dụng ma túy và nghiện.

Do đó, giáo dục và tiếp cận cộng đồng là chìa khóa trong việc giúp mọi người hiểu rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng ma túy. Giáo viên, phụ huynh và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần  giáo dục những người trẻ tuổi và ngăn ngừa sử dụng chất gây nghiện.

Tóm lại, nghiện chất là một rối loạn mãn tính, khả năng tái phát cao. Đặc trưng bởi sự thôi thúc, khó kiểm soát trong việc tìm kiếm dùng chất dù biết có hại. Những tổn thương trên não là có thật, chức năng não dần mất, có thể không phục hồi được. Nghiện chất dự phòng được. Giáo dục tuyên truyền là biện pháp tốt để ngăn ngừa thế hệ trẻ nghiện chất.

Video liên quan

Chủ Đề