Các công việc của kế toán giá thành

Kế toán giá thành là công việc liên quan đến các loại chi phí, giá thành thực tế của sản phẩm/dịch vụ mà một doanh nghiệp đang kinh doanh. Trong các doanh nghiệp F&B, đây là vị trí đóng vai trò quan trọng, đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hãy cùng iPOS.vn tìm hiểu thêm về kế toán giá thành qua bài viết dưới đây nhé!

Nội dung

1. Kế toán giá thành là gì?

Kế toán giá thành là người đảm nhận nhiệm vụ xác định đầy đủ, chính xác các loại chi phí, giá thành thực tế của sản phẩm, từ đó làm cơ sở để xác định giá bán hàng hóa phù hợp, đảm bảo tối đa lợi nhuận cho doanh nghiệp. Kế toán giá thành luôn có mối quan hệ chặt chẽ với kế toán chi phí.

Kế toán giá thành sẽ tổng hợp số liệu để đưa ra giá bán phù hợp nhất

Ở các nhà hàng hay quán ăn nhỏ, vị trí kế toán giá thành thường bị lược bỏ và chỉ có một kế toán viên duy nhất phải đảm nhiệm tất cả các công việc. Tuy nhiên, đối với các nhà hàng quy mô lớn, các chuỗi nhiều cơ sở hoặc các thương hiệu F&B trực thuộc các công ty, tập đoàn thì họ sẽ có kế toán giá thành riêng để đảm bảo công việc được thực hiện đúng chuyên môn, riêng biệt hơn.

Xem thêm: Truy thu thuế là gì? Doanh nghiệp F&B cần biết lưu ý gì về việc truy thu thuế?

2. Các công việc của kế toán giá thành là gì?

Tính toán giá thành sản phẩm là một việc không thể thiếu trong các quán ăn, nhà hàng; phải chi li được giá cả của từng thành phần nguyên liệu và các yếu tố khác như điện, nước, nhân công,… thì mới có thể cho ra giá bán chính xác của sản phẩm mà không bị lỗ. Vì thế, kế toán giá thành cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Từ những số liệu tính ra được, kế toán giá thành còn phải phân tích ưu, nhược điểm của từng mức giá, đồng thời đề xuất giá bán hợp lý nhất.

Những công việc chính của một kế toán giá thành sẽ bao gồm:

2.1. Tính giá thành sản phẩm

Kế toán giá thành sẽ tập hợp các khoản chi phí sản xuất chung, bao gồm: chi phí nguyên vật liệu; chi phí khấu hao tài sản cố định, công cụ chế biến; chi phí điện, nước, gas; chi phí dịch vụ sơ chế/phụ gia thuê ngoài [nếu có]; chi phí tiền lương nhân công làm cơ sở để tính giá thành sản phẩm.

Khi các chi phí liên quan tới giá bán cuối cùng thay đổi thì kế toán giá thành cũng phải cập nhật theo

Sau khi đã thống kê các khoản chi phí cấu thành, kế toán giá thành mới có cơ sở để tính toán các loại giá thành kế hoạch, giá thành định mức và giá thành thực tế. Đồng thời, kế toán giá thành còn phải kiểm soát và quản lý các loại giá thành cho từng sản phẩm theo từng đơn hàng khác nhau [khách đến ăn có giá khác, khách mua qua app gọi đồ ăn có giá khác, khách lấy sỉ có giá khác]

Nếu các chi phí thành phần có biến động [tăng giá điện nước, giảm giá nguyên vật liệu, tăng mức thuế,…] thì kế toán giá thành cũng phải cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp.

2.2. Hạch toán các tài khoản kế toán

Nhiệm vụ của kế toán giá thành là phải hạch toán các loại tài khoản kế toán có liên quan đến giá thành theo phương pháp kế toán đã được doanh nghiệp đã lựa chọn. Bên cạnh đó, kế toán giá thành cũng cần đánh giá khối lượng nguyên liệu còn thừa, dở dang,… một cách khoa học, làm cơ sở để hạch toán giá thành sản xuất trong một kỳ đầy đủ và chính xác.

2.3. Lập các báo cáo phân tích

Kế toán giá thành cần lập bảng tổng hợp, phân tích hiệu quả của hoạt động sản xuất theo từng đơn hàng đã được sản xuất và bán ra, hay nói cách khác là giá thành thực tế với giá thành kế hoạch [đã được dự kiến trước đó]. Theo định kỳ, kế toán giá thành phải đưa ra các loại báo cáo như:

  • Báo cáo hoạt động sản xuất: báo cáo nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu, báo cáo thực trạng sử dụng nguyên vật liệu, báo cáo tình hình tồn kho hiện tại.
  • Báo cáo giá thành: Giá thành theo theo sản phẩm, bảng chi phí giá thành.
  • Báo cáo chi phí sản xuất: Báo cáo tính toán và phân bổ khấu hao tài sản cố định và các công cụ, thiết bị phục vụ cho việc chế biến đồ ăn đồ uống [như bếp, lò nướng, lò vi sóng, máy hút mùi, máy ép,…]; tổng hợp các loại chi phí trả trước ngắn hạn, dài hạn; chi tiết về các loại chi phí chung, các khoản phí,…

2.4. Một số công việc khác

Kế toán giá thành cần theo dõi chi tiết việc nhập và xuất nguyên liệu và thành phẩm hàng ngày, thực hiện kiểm tra – cập nhật các phiếu nhập kho và xuất kho, đảm bảo số lượng, đơn giá khớp với đơn đặt hàng được ký duyệt. Một việc rất quan trọng khác là kiểm soát việc tiêu hao nguyên vật liệu, đảm bảo theo định mức quy định.

Kế toán giá thành cũng cần phải lập và lưu giữ hồ sơ chứng từ kế toán cho nhà hàng

Kế toán giá thành cũng cần hỗ trợ, hướng dẫn các nhân viên có trách nhiệm liên quan thực hiện các nghiệp vụ về chi phí sản xuất, hàng tồn kho. Ngoài ra, kế toán giá thành còn phải phối hợp với nhân viên kế toán tổng hợp hoàn thiện bảng phân tích, báo cáo tình hình lãi lỗ; phân loại và lưu trữ cẩn thận các chứng từ, sổ sách kế toán liên quan.

Ở các nhà hàng hoặc doanh nghiệp lớn có bộ phận thu mua thì kế toán giá thành cần phối hợp với bộ phận thu mua trong việc khảo sát giá của nguyên vật liệu, các mặt hàng cần thu mua để có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo tối ưu hóa doanh thu – lợi nhuận cho doanh nghiệp.

3. Những yêu cầu và mức lương đối với vị trí kế toán giá thành?

Hiện nay, hầu như các doanh nghiệp đều đặt ra một số yêu cầu nhất định đối với ứng viên ứng tuyển vị trí kế toán giá thành. Trong đó có thể kể tới một số yêu cầu như:

  • Tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng chuyên ngành kế toán. Nếu trái ngành thì cần phải tham gia các khóa học và lấy được các chứng chỉ kế toán bắt buộc.
  • Hiểu biết về báo cáo kế toán và tổng hợp số liệu.
  • Có nghiệp vụ kế toán giá thành vững
  • Thành thạo tin học văn phòng
  • Có khả năng sử dụng các phần mềm kế toán phổ thông và các phần mềm kế toán chuyên biệt cho ngành F&B
  • Có kinh nghiệm ít nhất 6 tháng – 1 năm trở lên [phần lớn các nhà hàng, doanh nghiệp F&B đều yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm, nếu không sẽ rất mất thời gian đào tạo và chỉ việc]
  • Có thể sử dụng thêm 1 ngoại ngữ [trong trường hợp nhà hàng thường xuyên phải làm việc với những đối tác cung cấp nước ngoài]
  • Chăm chỉ, nhiệt tình, nhanh nhạy,…
    Mức lương kế toán phổ biến nhất là từ 8-10 triệu đồng/tháng

Mức lương phổ biến hiện nay trong ngành kế toán cho những kế toán viên đã có từ 1 năm kinh nghiệm trở lên sẽ là 8-10 triệu đồng/tháng. Tùy vào khối lượng công việc, quy mô nhà hàng hoặc doanh nghiệp F&B mà họ có thể thương lượng lên mức 15 triệu đồng/tháng. Riêng những kế toán giá thành xuất sắc, có kinh nghiệm lâu năm, thành thạo trong công việc, có thể sử dụng ngoại ngữ và làm ở những đơn vị lớn có khả năng đạt được mức lương 20 – 30 triệu đồng/tháng.

Xem thêm: Định giá thế nào khi kinh doanh trà sữa ở nông thôn?

Trên đây là một số thông tin về vị trí kế toán giá thành trong các nhà hàng, doanh nghiệp F&B mà iPOS.vn tổng hợp được. Đối với những đơn vị không có vị trí kế toán giá thành, nếu các chủ kinh doanh F&B đang cần một giải pháp kế toán hiện đại, chuyên biệt cho lĩnh vực dịch vụ ăn uống, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn sử dụng phần mềm kế toán

Chủ Đề