Câu ghép đẳng lập và câu ghép chính phụ trong tiếng Anh

Compound sentence - Câu ghép là một trong những loại câu được sử dụng trong tiếng Anh. Bài viết ngày hôm nay sẽ cung cấp những thông tin, kiến thức cần thiết về chủ điểm ngữ pháp quen thuộc, thường xuất hiện trong các đề thi này.

Key takeaways

  • Câu ghép trong tiếng Anh được gọi là compound sentence, là câu có ít nhất hai mệnh đề độc lập (Independent clause) có mối quan hệ về mặt ý nghĩa kết hợp với nhau.

  • Có 4 cách để thành lập câu ghép, bao gồm:

  • Sử dụng một liên từ kết hợp (coordinator)

  • Sử dụng liên từ tương quan (correlative conjunction)

  • Sử dụng một trạng từ liên kết (conjunctive adverb)

  • Sử dụng dấu chấm phẩy [ ; ]

Compound sentence - Câu ghép trong tiếng Anh là gì?

Câu ghép trong tiếng Anh được gọi là compound sentence, là câu có ít nhất hai mệnh đề độc lập (independent clause) có mối quan hệ về mặt ý nghĩa kết hợp với nhau. Các mệnh đề này có thể được nối với nhau bởi dấu chấm phẩy [ ; ] (semicolon), hoặc bởi dấu phẩy [ , ] (comma) và một liên từ (conjunction).

Ví dụ: She wanted to choose bright colors for their house, but he prefers dark colors

Cô ấy muốn chọn những gam màu sáng cho ngôi nhà của họ, nhưng anh ấy lại thích những gam màu tối hơn.

Câu ghép trên có hai mệnh đề độc lập được nối với nhau bởi dấu phẩy và liên từ kết hợp “but”, thể hiện hai ý trái ngược nhau. Mỗi mệnh đề độc lập đều chứa ít nhất một chủ ngữ và một động từ, có thể đứng riêng lẻ thành một câu và thể hiện một ý nghĩa hoàn chỉnh. Ngoài ra, hai mệnh đề độc lập này cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và có tầm quan trọng ngang nhau trong câu ghép.

Xét những câu ví dụ sau:

  • The fish were very hungry, so they ate the food quickly. (

    Những con cá đã rất đói bụng, vì vậy chúng ăn rất nhanh.)

  • Either I pick you up, or you’ll take a taxi home by yourself. (

    Tôi đón bạn, hoặc bạn sẽ tự bắt taxi về nhà.)

  • I didn’t have much experience; however, I still tried to get a job. (

    Tôi không có nhiều kinh nghiệm; tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng để có một công việc.)

  • Computers are very important today; they help people do many things. (

    Máy vi tính rất quan trọng trong thời đại ngày nay; chúng giúp con người làm rất nhiều thứ).

Trong các ví dụ trên, người học thấy rằng mỗi câu ví dụ đều có hai mệnh đề. Mỗi mệnh đề gồm một chủ ngữ và một động từ, thể hiện một ý nghĩa hoàn chỉnh. Những mệnh đề này được gọi là mệnh đề độc lập. Những câu chứa từ hai mệnh đề độc lập trở lên (như các câu ví dụ) được gọi là câu ghép. Các mệnh đề trong các câu ghép trên được liên kết với nhau bởi liên từ kết hợp (“so” ở ví dụ 1), liên từ tương quan (“either…or…” ở ví dụ 2), trạng từ liên kết (“however” ở ví dụ 3) và dấu chấm phẩy (ở ví dụ 4).

Trong tiếng Anh, câu ghép được gọi là compound sentence, là câu có từ hai mệnh đề độc lập trở lên được kết hợp với nhau. Các mệnh đề này có thể được liên kết bởi dấu chấm phẩy, hoặc bởi dấu phẩy và một liên từ.

Trong chương trình giảng dạy tiếng Việt, câu ghép được định nghĩa là câu do nhiều vế ghép lại. Mỗi vế câu ghép có cấu tạo giống như một câu đơn (có đủ chủ ngữ, vị ngữ) và thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của những vế câu khác. Các vế câu trong câu ghép thường được nối với nhau bởi hai cách:

  • Nối bằng quan hệ từ: và, nhưng, hoặc, hay, thì… hoặc cặp quan hệ từ: vì – nên, nếu – thì, tuy – nhưng….

  • Nối trực tiếp (không dùng từ nối). Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm.

Ví dụ:

  • Ba đi làm và em đi học.

Câu ghép có hai vế câu: “ba đi làm” và “em đi học”, được nối với nhau bởi quan hệ từ “và”.

  • Tuy pháp luật quy định rõ về việc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nhưng nhiều người đi xe gắn máy không tuân thủ.

Câu ghép có hai vế câu: “pháp luật quy định rõ về việc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông” và “nhiều người đi xe gắn máy không tuân thủ” được liên kết bởi cặp quan hệ từ “tuy… nhưng” thể hiện mối quan hệ tương phản.

  • Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị.

Câu ghép có ba vế câu: “Pháp chạy”, “Nhật hàng”, và “vua Bảo đại thoái vị”, được nối trực tiếp bởi các dấu phẩy.

Mọi thứ xung quanh tôi có nhiều sự khác biệt: hôm nay tôi trở thành sinh viên.

Câu ghép có 2 vế câu: “Mọi thứ xung quanh tôi có nhiều sự khác biệt” và “hôm nay tôi trở thành sinh viên” được nối trực tiếp bởi dấu hai chấm.

Nhận xét:

Từ những phân tích trên, người học có thể nhận thấy rằng: khái niệm và đặc điểm của câu ghép có nhiều sự tương đồng trong hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Tuy nhiên, người học cũng cần lưu ý, các vế câu ghép trong tiếng Việt có thể được nối trực tiếp với nhau bởi dấu phẩy (như ví dụ 3) hoặc dấu hai chấm (như ví dụ 4). Trong khi đó ở tiếng Anh, các mệnh đề độc lập trong câu ghép chỉ có thể được nối với nhau bởi dấu chấm phẩy, hoặc dấu phẩy nhưng phải đi kèm một liên từ.

Cách thành lập nên câu ghép

Câu ghép có thể được hình thành bằng việc kết hợp các mệnh đề độc lập (independent clauses) lại với nhau bằng cách sử dụng liên từ kết hợp (coordinating conjunction), liên từ tương quan (correlative conjunction), trạng từ liên kết (conjunctive adverb), hoặc dấu chấm phẩy (semicolon).

Sử dụng một liên từ kết hợp (coordinator)

Mệnh đề độc lập thứ nhất, + liên từ kết hợp + mệnh đề độc lập thứ hai

Ví dụ:The man had missed the train, so he took a taxi to work.

(Người đàn ông đã bỏ lỡ chuyến tàu, vì vậy anh ấy đã bắt taxi đi làm.)

Có 7 liên từ kết hợp trong tiếng Anh, bao gồm: for, and, nor, but, or, yet, so (có thể nhớ theo cụm được tạo nên từ ký tự đầu tiên của mỗi liên từ: FANBOYS). Khi dùng liên từ kết hợp để nối 2 mệnh đề độc lập, người học cần ghi nhớ lựa chọn liên từ phù hợp với mối quan hệ ngữ nghĩa giữa hai mệnh đề.

  • For (bởi vì): dùng để diễn đạt lý do hoặc mục đích.

  • And (và): dùng để thêm, bổ sung ý.

  • Nor (cũng không): dùng để bổ sung thêm 1 ý phủ định.

  • But (nhưng): dùng để diễn tả sự đối lập, trái ngược nhau.

  • Or (hoặc): dùng để đưa ra thêm một sự lựa chọn khác.

  • Yet (nhưng/ tuy nhiên): dùng để đưa ra một ý đối lập (tương tự như “but”).

  • So (vì vậy): dùng để nói về kết quả, hoặc tác động, ảnh hưởng gây ra bởi một sự vật/sự việc được nhắc đến trước đó.

Lưu ý về dấu câu:

Khi sử dụng liên từ kết hợp để thành lập nên câu ghép, người học cần lưu ý đặt dấu phẩy (,) sau mệnh đề độc lập thứ nhất. Nếu thiếu dấu phẩy này, câu văn sẽ mắc lỗi Run-on sentence.

Sử dụng liên từ tương quan (correlative conjunction)

Một số liên từ tương quan cũng có thể được sử dụng để cấu tạo nên một câu ghép. Trong trường hợp đó, hai mệnh đề được đặt xen kẽ giữa cặp liên từ tương quan, và đồng thời cũng thể hiện mối quan hệ về mặt ngữ nghĩa giữa các mệnh đề này.

Liên từ tương quan + MĐ độc lập thứ nhất, + liên từ tương quan + MĐ độc lập thứ hai

Ví dụ:Neither does he need to go, nor does he want to go.

Anh ấy không cần phải đi, và anh ấy cũng không muốn đi.

Liên từ tương quan “neither… nor…” liên kết hai mệnh đề cùng mang ý phủ định. Cả hai mệnh đề theo sau “neither” và “nor” đều được đảo ngữ.

Lưu ý về dấu câu:

Khi sử dụng liên từ tương quan để thành lập nên câu ghép, người học cần lưu ý đặt dấu phẩy (,) sau mệnh đề độc lập thứ nhất.

Một số liên từ tương quan khác thường được sử dụng:

Liên từ tương quan

Ý nghĩa và mục đích sử dụng

Ví dụ

either … or…


Thể hiện hai sự lựa chọn hoặc hai kết quả.

Either you can submit the report today, or you can send it tomorrow.

Bạn có thể gửi báo cáo hôm nay hoặc bạn có thể gửi nó vào ngày mai.

just as… so…

Thể hiện sự giống nhau về mặt ý nghĩa giữa hai mệnh đề.

Just as baseball is loved in America, so cricket is loved in England.

Giống như bóng chày được yêu thích ở Mỹ, cricket cũng được yêu thích ở Anh.

not only… but also


Nhấn mạnh các hành động, sự việc cùng xảy ra và cùng đúng.


Not only has he been late several times, but he has also done no homework.

Anh ấy không chỉ đến muộn nhiều lần mà còn không làm bài tập về nhà.

Lưu ý: mệnh đề sau “not only” được đảo ngữ.

whether… or…


Đưa ra hai sự lựa chọn hoặc hai phương án.

I don’t know whether she will go to the cinema, or she will go home to watch movies.

Tôi không biết liệu cô ấy sẽ đến rạp chiếu phim hay cô ấy sẽ về nhà xem phim.

no sooner… than

Thể hiện trình tự trước sau giữa hai mệnh đề.

No sooner had I gone out, than my friend arrived at my home.

Ngay khi tôi vừa rời khỏi nhà thì bạn tôi đến nhà tôi.

Lưu ý: mệnh đề sau “no sooner” được đảo ngữ.

Sử dụng một trạng từ liên kết (conjunctive adverb)

Mệnh đề độc lập thứ nhất; + trạng từ liên kết, + mệnh đề độc lập thứ hai

Ví dụ:The man had missed the train; therefore, he took a taxi to work.

Người đàn ông đã bỏ lỡ chuyến tàu; vì vậy, anh ấy đã bắt taxi đi làm.

Có rất nhiều cụm từ liên kết khác như as a result, on the other hand, for example… được sử dụng giống như trạng từ liên kết, dùng để nối những mệnh đề độc lập với nhau, nhằm thể hiện mối quan hệ về mặt ý nghĩa của các mệnh đề.

Ví dụ: Câu trên có thể viết thành:

The man had missed the train; as a result, he took a taxi to work.

Người đàn ông đã bỏ lỡ chuyến tàu; kết quả là, anh ấy đã bắt taxi đi làm.

Lưu ý về dấu câu:

Khi sử dụng một trạng từ liên kết để thành lập nên câu ghép, người học lưu ý trạng từ này theo sau một dấu chấm phẩy và đứng trước một dấu phẩy.

Một số trạng từ liên kết được sử dụng phổ biến:

Trạng từ liên kết

Ý nghĩ và mục đích sử dụng

Ví dụ

As a result

Therefore

Consequently

Accordingly

Mệnh đề sau trạng từ liên kết thể hiện kết quả của hành động, sự việc được đề cập trong mệnh đề trước đó.

  • Sean hadn’t enjoyed the play; consequently, he didn’t recommend it to his sister.

Sean không thích vở kịch; do đó, anh ấy đã không giới thiệu nó cho em gái mình.

  • They were unable to get the funding; accordingly, they had to abandon the project.

Họ không thể nhận được tài trợ; do đó, họ đã phải từ bỏ dự án.

Moreover

Furthermore

In addition

Additionally

Besides

Mệnh đề sau các trạng từ này bổ sung thêm thông tin cho mệnh đề trước đó.

  • Studying further allows students to gain a wealth of knowledge; moreover, they can cultivate soft skills. Học cao hơn cho phép sinh viên có được nhiều kiến ​​thức; hơn nữa, họ còn có thể trau dồi các kỹ năng mềm.

  • The new appliance has several unique features; besides, it has a reasonable price.

Thiết bị mới có nhiều tính năng độc đáo, ngoài ra nó cũng có giá cả phải chăng.

However

Nevertheless

Nonetheless


Thể hiện sự đối lập, trái ngược giữa hai mệnh đề.

  • Living in big cities is convenient; nevertheless, the cost of living is high.

Sống ở các thành phố lớn rất tiện lợi; tuy nhiên, chi phí sinh hoạt cao.

  • He tried very hard for the exam; nonetheless, he didn’t pass it.

Anh ấy đã rất cố gắng cho kỳ thi; tuy nhiên, anh ấy đã không vượt qua kỳ thi đó.

In fact

Mệnh đề sau “in fact” bổ nghĩa hoặc phủ nhận lại ý của mệnh đề trước đó.

He was severely injured; in fact, he was near death by the time they reached him.

Anh ta bị thương nặng; thực ra thì, anh ấy đã gần chết vào thời điểm họ tìm đến anh ấy.

Otherwise

Sử dụng sau lời đề nghị, thể hiện kết quả của một sự việc nếu không làm theo đề nghị đó.

He should hurry up; otherwise, he will be late.

Anh ấy nên nhanh lên, nếu không thì anh ấy sẽ bị trễ.

Sử dụng dấu chấm phẩy [ ; ]

Mệnh đề độc lập thứ nhất; +Mệnh đề độc lập thứ hai.

Ví dụ: Poland was the first Eastern European country to turn away from consumerism; others soon followed. (Ba Lan là nước Đông Âu đầu tiên quay lưng với chủ nghĩa tiêu dùng ; những nước khác không lâu sau đó cũng đã thực hiện theo.)

Lưu ý: đối với dạng câu ghép được tạo nên với một dấu chấm phẩy, 2 mệnh đề độc lập cần có ý nghĩa liên quan mật thiết với nhau. Nếu không, chúng nên được viết thành 2 câu đơn, mỗi câu kết thúc bằng một dấu chấm.

Phân biệt câu ghép và câu phức trong tiếng Anh

Nhìn chung, câu ghép và câu phức tương đối giống nhau, dẫn đến việc nhiều người học nhầm lẫn. Dưới đây là bảng phân biệt hai loại câu trong tiếng Anh:

Câu ghép (Compound sentence)

Câu phức (Complex sentence)

Định nghĩa

Là câu có ít nhất hai mệnh đề độc lập (independent clause) có mối quan hệ về mặt ý nghĩa kết hợp với nhau.

Là sự kết hợp giữa một mệnh đề độc lập (independent clause) với một/ nhiều mệnh đề phụ thuộc (dependent clause)

Cách thành lập câu

  • Sử dụng liên từ kết hợp (Coordinating conjunction)


  • Sử dụng liên từ tương quan (Correlative conjunction)


  • Sử dụng trạng từ liên kết (Conjunctive adverb)


  • Sử dụng dấu chấm phẩy (Semicolon)

  • Sử dụng mệnh đề quan hệ (Relative clause)


  • Sử dụng mệnh đề danh từ (Noun clause)


  • Sử dụng liên từ phụ thuộc


Sự khác nhau

  • Hai mệnh đề trong câu ghép có thể tách rời nhau, trong khi các mệnh đề của câu phức không thể tách riêng.

  • Câu ghép có thể sử dụng thay bằng liên từ “and”

Xem thêm: Câu phức (Complex sentence) là gì - Cách sử dụng và bài tập có đáp án (zim.vn)

Bài tập về câu ghép

Bài tập 1

Hoàn thành những câu dưới đây bằng cách sử dụng liên từ kết hợp cho phù hợp.

  1. I called him many times, _________ he did not answer.

  2. He is working hard, ___________ he is making progress.

  3. John is not going to the party, ________ does he want to go.

  4. Tristan wants to eat out, _________ he is low on budget.

  5. I didn’t attend the party, ________ I was sick.

  6. Teachers should always talk to a sad child, _________ he might need help.

  7. You should drive faster, _________ we will be late for the meeting.

  8. Liam had many options, _________ he chose to stay with her.

Bài tập 2

Hoàn thành những câu dưới đây bằng cách chọn trạng từ liên kết phù hợp.

  1. He missed his train; therefore/however, he managed to go to the company on time.

  2. Jack easily gets angry; otherwise/consequently, nobody talks to him.

  3. She likes children; in fact/as a result, she loves them so much.

  4. He was badly hurt; however/moreover, he recovered fast.

  5. He is the right man for the job; accordingly/additionally, he has all the required experience.

  6. He studies well; besides/as a result, he scores well.

  7. Everybody wants to succeed; nevertheless/furthermore, not everyone puts in the required effort.

  8. Charlie must be driving back home; therefore/additionally, he is not receiving your call.

Bài tập 3

Dịch những câu sau sang tiếng Anh.

  1. Chúng tôi đã tham gia cuộc thi nhưng chúng tôi không thắng giải thưởng nào.

____________________________________________________________________

  1. Anh ấy không những là một bác sĩ mà anh ấy còn là một giảng viên đại học.

____________________________________________________________________

  1. Tôi không biết liệu rằng anh ấy sẽ quyết định nghỉ việc hay là anh ấy vẫn tiếp tục làm.

____________________________________________________________________

  1. Cô ấy bị đau chân nhưng cô ấy vẫn cố gắng tham gia cuộc đua.

____________________________________________________________________

  1. Tôi không biết anh ấy; thực tế thì, tôi chưa gặp anh ấy bao giờ.

____________________________________________________________________

  1. Anh ấy không đến cuộc hẹn và cũng không gọi điện thoại cho tôi.

____________________________________________________________________

  1. Anh ấy là một người lên kế hoạch tốt; vì vậy, anh ấy hiếm khi bị trễ hạn.

____________________________________________________________________

  1. Anh ấy làm việc rất chăm chỉ; kết quả là, anh ấy luôn mệt mỏi.

____________________________________________________________________

Đáp án và giải thích

Bài tập 1

Đối với bài tập 1, đề bài yêu cầu điền liên từ kết hợp phù hợp vào chỗ trống. Người học cần ghi nhớ ý nghĩa và mục đích sử dụng của 7 liên từ kết hợp: for, and, nor,but, or, yet, so (FANBOYS). Sau khi xác định mối quan hệ về mặt ý nghĩa của hai mệnh đề độc lập, người học chọn liên từ kết hợp phù hợp để điền vào.

  1. but

Tôi đã gọi anh ấy nhiều lần nhưng anh ấy không trả lời.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có ý nghĩa trái ngược nhau, vì vậy dùng liên từ “but”.

  1. and

Anh ấy làm việc chăm chỉ và anh ấy đang tiến bộ.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập bổ sung thêm ý nghĩa cho nhau, vì vậy dùng liên từ “and”.

  1. nor

Anh ấy sẽ không đến bữa tiệc và anh ấy cũng không muốn đi.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập cùng có ý phủ định, vì vậy dùng liên từ “nor”. Người học lưu ý mệnh đề sau “nor” được đảo ngữ.

  1. but

Tristan muốn ra ngoài ăn nhưng anh ấy có ít tiền.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có ý nghĩa trái ngược nhau, vì vậy dùng liên từ “but”.

  1. for

Tôi đã không đến bữa tiệc bởi vì tôi bị bệnh.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có quan hệ nguyên nhân - kết quả. Mệnh đề sau là nguyên nhân dẫn đến kết quả ở mệnh đề trước, vì vậy dùng liên từ “for”.

  1. for

Giáo viên nên nói chuyện thường xuyên với những đứa trẻ buồn bã bởi vì nó có thể cần được giúp đỡ.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có quan hệ nguyên nhân - kết quả. Mệnh đề sau là nguyên nhân dẫn đến kết quả ở mệnh đề trước, vì vậy dùng liên từ “for”.

  1. or

Bạn nên lái xe nhanh hơn hoặc chúng ta có sẽ bị trễ họp.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập nêu hai tình huống sự việc: hoặc là “lái xe nhanh hơn”, hoặc là “sẽ bị trễ họp”, vì vậy, “or” là liên từ phù hợp.

  1. but

Liam có nhiều sự lựa chọn, nhưng anh ấy đã chọn ở lại với cô ấy.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có ý nghĩa trái ngược nhau, vì vậy dùng liên từ “but”.

Bài tập 2

Đối với bài tập 2, đề bài yêu cầu chọn trạng từ liên kết phù hợp trong hai trạng từ được cho sẵn để điền vào chỗ trống. Người học cần ghi nhớ ý nghĩa và mục đích sử dụng của các trạng từ liên kết phổ biến. Tương tự với cách làm ở bài tập 1, người học xác định mối quan hệ về mặt ngữ nghĩa của hai mệnh đề độc lập, sau đó chọn trạng từ phù hợp trong hai trạng từ được cho.

  1. however

Anh ấy bị lỡ tàu; tuy nhiên, anh ấy vẫn cố gắng đến công ty đúng giờ.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có ý nghĩa trái ngược nhau, vì vậy dùng trạng từ liên kết “however”.

  1. consequently

Jack rất dễ nổi giận; do đó, không ai nói chuyện với anh ấy.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có quan hệ nguyên nhân – kết quả. Sự việc ở mệnh đề thứ nhất dẫn đến kết quả ở mệnh đề thứ hai, vì vậy dùng trạng từ liên kết “consequently”.

  1. in fact

Cô ấy thích trẻ em; thực ra thì, cô ấy yêu chúng rất nhiều.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập, mệnh đề thứ hai bổ sung và làm rõ hơn ý nghĩa của mệnh đề thứ nhất, vì vậy dùng trạng từ liên kết “in fact”.

  1. however

Anh ấy bị thương nặng; tuy nhiên, anh ấy đã hồi phục rất nhanh.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có ý nghĩa trái ngược nhau, vì vậy dùng trạng từ liên kết “however”.

  1. additionally

Anh ấy là người phù hợp với công việc; ngoài ra, anh ấy có tất cả kinh nghiệm được yêu cầu.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập, mệnh đề thứ hai bổ sung thêm ý cho mệnh đề thứ nhất, vì vậy dùng trạng từ “additionally”.

  1. as a result

Anh ấy học tốt; vì vậy, anh ấy đạt điểm số cao.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có quan hệ nguyên nhân – kết quả. Sự việc ở mệnh đề thứ nhất dẫn đến kết quả ở mệnh đề thứ hai, vì vậy dùng trạng từ liên kết “as a result”.

  1. nevertheless

Tất cả mọi người đều muốn thành công; tuy nhiên, không phải ai cũng nỗ lực đủ.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có ý nghĩa trái ngược nhau, vì vậy dùng trạng từ liên kết “nevertheless”.

  1. therefore

Charlie hẳn là đang lái xe về nhà; do đó, anh ấy không nhận cuộc gọi của bạn.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có quan hệ nguyên nhân – kết quả, sự việc ở mệnh đề thứ nhất dẫn đến kết quả ở mệnh đề thứ hai, vì vậy dùng trạng từ liên kết “therefore”.

Người học lưu ý cấu trúc: must be Ving: hẳn là đang làm gì, đây là cấu trúc câu suy đoán ở hiện tại.

Bài tập 3

Đối với bài tập 3, người học cần dịch câu từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Người học lưu ý sử dụng liên từ và dấu câu cho phù hợp.

  1. We took part in the competition, but we didn’t win any prizes.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có ý nghĩa trái ngược nhau, vì vậy dùng liên từ kết hợp “but” và dấu phẩy để nối hai mệnh đề.

Người học lưu ý cụm từ: take part in: tham gia.

  1. Not only is he a doctor, but he is also a lecturer.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập, nhấn mạnh hai sự thật cùng đúng đối với đối tượng “anh ấy”, vì vậy cần dùng liên từ tương quan “not only… but also” để nối hai mệnh đề.

Người học lưu ý mệnh đề sau “not only” được chia đảo ngữ.

  1. I don’t know whether he will decide to resign, or he will continue his job.

Câu ghép sử dụng liên từ tương quan để nối hai mệnh đề độc lập thể hiện hai sự lựa chọn, vì vậy dùng “whether…or”.

  1. Her leg was hurt, but she still managed to take part in the race.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có ý nghĩa trái ngược nhau, vì vậy dùng liên từ kết hợp “but” và dấu phẩy để nối hai mệnh đề.

  1. I don’t know him; in fact, I have never met him.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập, mệnh đề thứ hai bổ sung và làm rõ hơn ý nghĩa của mệnh đề thứ nhất, vì vậy dùng trạng từ liên kết “in fact”.

  1. Neither did he come for my appointment, nor did he call me.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập cùng có ý phủ định, vì vậy dùng liên từ tương quan “neither…nor”.

Người học lưu ý các mệnh đề sau “neither” và “nor” được đảo ngữ.

  1. He is a good planner, so he rarely misses a deadline.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có quan hệ nguyên nhân – kết quả, sự việc ở mệnh đề thứ nhất dẫn đến kết quả ở mệnh đề thứ hai, vì vậy dùng liên từ kết hợp “so” và dấu phẩy để nối hai mệnh đề.

Người học lưu ý cụm từ: miss a deadline: trễ hạn.

  1. He works very hard; as a result, he is always tired.

Câu ghép có hai mệnh đề độc lập có quan hệ nguyên nhân – kết quả, sự việc ở mệnh đề thứ nhất dẫn đến kết quả ở mệnh đề thứ hai, vì vậy dùng trạng từ liên kết “as a result”.

Tổng kết

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến compound sentence - câu ghép, hy vọng thí sinh có thể nắm được kiến thức này và áp dụng chúng khi sử dụng tiếng Anh.