Cấy tế bào gốc giá bao nhiêu

Nhiều người chi hàng trăm nghìn USD cho các chuyến du lịch y tế để tiêm tế bào gốc hoặc thay thế huyết tương nhằm kéo dài tuổi thọ, song chuyên gia cảnh báo các liệu pháp này bị thổi phồng.

Mỗi năm, hàng triệu người vượt biên giới để tìm kiếm các liệu pháp y tế không có sẵn hoặc quá đắt đỏ tại quê hương. Hình thức này được các chuyên gia gọi chung là du lịch y tế. Đối với một số bệnh nhân, đây là cách cuối cùng để xoa dịu nỗi đau đớn từ căn bệnh hiểm nghèo đeo bám dai dẳng. Còn những người khác, mục tiêu đơn giản là kéo dài tuổi thọ.

Tại Anh, vào năm 2019, người trên 65 tuổi chiếm 19% dân số, tăng 23% so với năm 2009. Các tiến bộ khoa học về lĩnh vực đảo ngược lão hóa khiến nhiều người ôm niềm hy vọng kéo dài tuổi thọ bằng những chuyến du lịch y tế. Nhiều cá nhân có nhu cầu "bỏ tiền để mua thêm vài năm sống sót", theo giáo sư Peter Ward, Đại học Washington, tác giả cuốn The Price of Immortality.

Một trong những dịch vụ được ưa chuộng nhất là liệu pháp tế bào gốc, sử dụng các tế bào hình thành cơ thể để trẻ hóa và khắc phục những thương tổn do bệnh tật hoặc lão hóa. Lĩnh vực nghiên cứu có nhiều tiềm năng, nhưng tương đối ít phương pháp được phê duyệt trên thực tế. Theo nghiên cứu được công bố năm 2020, các quốc gia dẫn đầu về ngành du lịch dịch vụ tế bào gốc là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Mexico.

Chi phí sử dụng liệu pháp tế bào gốc đa dạng dựa vào loại tế bào sử dụng và nơi thực hiện liệu pháp, dao động khoảng 5.000 đến 50.000 USD. Tại Mỹ, liệu pháp tế bào gốc có giá từ 8.000 USD đến 12.000 USD, theo quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ [FDA]. Tại Mexico, bệnh nhân có thể chi trả từ 5.000 USD đến 20.000 USD để cấy ghép hoặc điều trị tế bào gốc. Các bệnh viện lớn tại Hàn Quốc cung cấp dịch vụ này với giá khoảng 6.000 đến 19.000 USD.

Liệu pháp tế bào gốc có thể chữa ung thư và nhiều loại bệnh khác, tuy nhiên, một số công ty trụ sở tại Mỹ thổi phồng nó như "giải pháp thần kỳ để chống lão hóa". Năm 2021, một phòng khám ở Iowa bị phát hiện đã phóng đại dịch vụ của mình trong buổi giao lưu với khách hàng tiềm năng. Tài liệu bán dịch vụ của phòng khám này ghi "Chống lão hóa: Truyền tế bào gốc giúp đảo ngược quá trình lão hóa tới ba năm! Bạn có muốn trẻ lại ba tuổi không?".

Tế bào gốc trên xương của người. Ảnh: Science

Theo các chuyên gia, trên thực tế truyền tế bào gốc của người khác vào cơ thể để điều trị các bệnh mạn tính có thể tạo ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ John Chi, Giám đốc khoa phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston từng tiếp nhận một bệnh nhân chịu hậu quả từ liệu pháp này.

"Bệnh nhân nhập viện với cột sống chứa đầy mô máu, khi tôi gắp từng mảnh, nó bắt đầu xuất huyết và trộn lẫn với mọi thứ xung quanh. Tôi chưa từng thấy điều tương tự", tiến sĩ John Chi kể lại.

Dị vật trong cột sống người bệnh này được tạo thành từ các tế bào gốc bất thường, đang phát triển mạnh mẽ. Lượng tế bào gốc được lấy từ một người khác. Trước đó, bệnh nhân đã điều trị tại các phòng khám khắp Mexico, Trung Quốc và Argentina, phải trả hàng chục nghìn USD mỗi lần tiêm. Tổng chi phí du lịch là gần 300.000 USD.

Liệu pháp tế bào gốc không phải phương pháp chống lão hóa duy nhất thu hút nhiều người di chuyển hàng trăm kilomet. Lĩnh vực di truyền [liệu pháp gene] còn non trẻ cũng được lựa chọn. Các nghiên cứu đầy hứa hẹn chưa cho kết quả, chưa được phê duyệt, nhưng nhiều người sẵn sàng bỏ tiền cho dịch vụ được quảng cáo trên mạng.

"Tôi được biết một người Mỹ lên kế hoạch đến Pháp để trải nghiệm liệu pháp lọc huyết tương, tin rằng điều này làm trẻ hóa máu, loại các tế bào bệnh tật và cho anh cơ hội sống đến 500 tuổi", giáo sư Peter Ward cho biết.

Tiến sĩ Jaime Imitola, chuyên gia thần kinh học, nhà nghiên cứu tế bào gốc tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio, khuyến cáo cộng đồng không nên thực hiện các chuyến du lịch y tế kiểu này. Tuy nhiên, ông cho rằng những lời cảnh báo của giới chuyên môn thường không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của những người có nhu cầu.

Theo giáo sư Ward, khi du lịch y tế, bệnh nhân không được hưởng tiêu chuẩn chăm sóc họ vốn quen thuộc tại quê nhà, khó xác định bác sĩ và phòng khám có hợp pháp hay không. Nếu bay về nước quá sớm, một số người gặp phải tác dụng phụ mà không được điều trị kịp thời và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe.

"Trong trường hợp khả quan nhất, họ về nhà và mất chút tiền. Trong trường hợp tệ nhất, họ tự rút ngắn tuổi thọ của mình, một cách trớ trêu", giáo sư Ward nhận định.

Tế bào gốc đang được nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng bá như một liệu pháp “cải lão hoàn đồng” cho da, từ da mụn đến lão hóa, từ làm đầy sẹo đến dưỡng trắng da. Giá những sản phẩm này cũng “thượng vàng hạ cám”, từ vài chục ngàn đến cả trăm triệu đồng, với đủ chủng loại như tế bào gốc từ thực vật, động vật và cả con người.

Sau nhiều ngày tìm hiểu tại các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM, chúng tôi nhận thấy điểm chung là khi khách có nhu cầu làm đẹp, đa số nhân viên đều tư vấn các gói làm đẹp bằng tế bào gốc, với nhiều lời cam kết “có cánh”.

Ngày 9-8, chúng tôi đến cơ sở thẩm mỹ N.H. [đường Hoàng Dư Khương, quận 10] để tư vấn chăm sóc da mặt. Tại đây, chúng tôi được một nữ nhân viên tư vấn gói dịch vụ điều trị hơn 15 triệu đồng, bao gồm các bước như: nặn mụn, lăn kim, sử dụng tế bào gốc với liệu trình khoảng 4-5 lần và cam kết sau quá trình điều trị, da sẽ sáng bóng, sạch mụn, mờ sẹo.

“Để da mặt sạch thì chỉ cần nặn mụn và lấy thuốc uống; còn để da mặt căng bóng, hết sẹo thì phải qua lăn kim bằng công nghệ hiện đại, sau đó cấy tế bào gốc sống lên mặt. Tùy theo các bước điều trị, nhân viên sẽ tư vấn các loại tế bào gốc từ động vật hay thực vật cho phù hợp, cụ thể loại bôi có giá 700.000 đồng/lọ và tiêm trực tiếp thì 4 triệu đồng/lọ”, nữ nhân viên tư vấn.

Tìm đến một cơ sở làm đẹp [spa] khác nằm trong một con hẻm trên quốc lộ 13 [TP Thủ Đức], chúng tôi cũng được nhân viên tư vấn gói điều trị với giá 8 triệu đồng, bao gồm các bước: làm sạch da mụn, lăn kim, bóc tách đáy sẹo và sử dụng tế bào gốc trẻ hóa làn da có xuất xứ từ Hàn Quốc. Chủ cơ sở spa cam kết da sẽ sáng bóng, sạch mụn, mờ sẹo sau quá trình điều trị chỉ với liệu trình 5 buổi.

Thực tế, đã có không ít khách hàng bỏ ra một số tiền lớn để làm đẹp bằng tế bào gốc, để rồi phải đến bệnh viện điều trị. Đầu năm 2022, chị T.X. [ngụ quận 8, TPHCM] đến cơ sở làm đẹp N.H. [đường Hoàng Dư Khương, quận 10] để chăm sóc da mặt. Được tư vấn, chị X. đồng ý thực hiện phương pháp làm sạch mụn, lăn kim và bóc tách đáy sẹo, tiêm tế bào gốc liệu trình 4-5 lần, tổng chi phí hơn 15 triệu đồng.

“Trong quá trình điều trị, tôi thấy da mặt có phần căng bóng, sạch mụn và bã nhờn, tuy nhiên kết thúc quá trình điều trị không lâu thì da tôi trở lại như ban đầu, thậm chí mọc nhiều mụn hơn và xấu đi. Tôi phải đến Bệnh viện Da liễu TPHCM để điều trị”, chị X. nói.

"Việc tiêm tế bào gốc không rõ nguồn gốc có nguy cơ gây nhiễm trùng [do tế bào gốc không được thu thập, xử lý và lưu trữ đúng cách, bị nhiễm khuẩn, virus] hay phản ứng miễn dịch, thậm chí có nguy cơ mắc ung thư vì sinh phẩm kém chất lượng" - TS-BS Phạm Nguyên Quý.

“Nổ” công dụng để trục lợi

PGS-TS Vũ Bích Ngọc, công tác tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên [Đại học Quốc gia TPHCM], cho biết, có rất ít bệnh viện ký kết chuyển giao công nghệ sản xuất tế bào gốc hoặc tế bào miễn dịch tại Việt Nam - như Đa khoa Vạn Hạnh, Đa khoa Tâm Anh, Quốc tế sản nhi Hải Phòng... Đa số những nơi này đều đang trong quá trình vận hành hoạt động sản xuất tế bào gốc phục vụ điều trị bệnh ở phạm vi nội bộ và được Bộ Y tế cho phép.

Đối với lĩnh vực làm đẹp, tế bào gốc có khả năng thay thế, sửa chữa, tái tạo tế bào lão hóa nên cơ chế tác động để làm mới các tế bào trong cơ thể là hoàn toàn có cơ sở khoa học và đã được chứng minh. Tuy nhiên, tác động làm đẹp ở góc độ khoa học được hiểu là tăng cường sức khỏe của nhiều loại mô và cơ, chứ không giới hạn ở hình thái bên ngoài.

“Đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào trong nước được cấp phép sản xuất và kinh doanh tế bào gốc như một loại thuốc lưu hành tự do. Do đó, việc mua bán, sử dụng tế bào gốc tại Việt Nam là hoạt động trái pháp luật. Mặt khác, chất lượng của các loại tế bào gốc này còn chưa được kiểm soát và khó đánh giá. Việc quảng cáo tế bào gốc từ người, từ động vật, thực vật, vi sinh vật... đều là thông tin thiếu kiểm chứng”, PGS-TS Vũ Bích Ngọc thông tin.

Theo TS-BS Phạm Nguyên Quý, chuyên ngành Ung thư [Đại học Kyoto, Nhật Bản], hiện chưa có đủ bằng chứng để khẳng định liệu pháp tế bào gốc có thể chữa hay hỗ trợ chữa các loại ung thư hoặc các bệnh mạn tính khác [như tiểu đường] như một số nơi đang quảng cáo. Tế bào gốc đang được thần thánh hóa công dụng, thậm chí nhiều đơn vị cố tình “bơm thổi” vì lợi ích kinh doanh.

“Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân và người nhà cần tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ, chuyên gia để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Nếu vẫn muốn thử dùng tế bào gốc, nên hỏi kỹ để chọn trung tâm có uy tín và tuân thủ quy định về liệu pháp tế bào gốc. Bệnh nhân cần lưu lại các hồ sơ giải thích về công hiệu, tác dụng phụ để có thể sử dụng khi cần kiện tụng sau điều trị”, TS-BS Phạm Nguyên Quý khuyến cáo.

Chủ Đề