Châu bản triều Nguyễn tiếng ánh là gì

I.Châu bản triều Nguyễn, một kho tư liệu lịch sử vô giá

Châu bản triều Nguyễn, đúng như trên gọi của nó, là những văn thư trình lên nhà vua phê duyệt, mang dấu “ngự phê”, “ngự lãm” bằng màu son đỏ của Hoàng đế và đóng ấn tín của Hoàng đế cùng các cơ quan của triều đình nhà Nguyễn. Dấu ấn “ngự phê”, “ngự lãm” gồm nhiều loại hình khác nhau từ “Châu phê” có thể bằng một đoạn văn hay vài ba từ ngắn gọn như “Tri đạo liễu” [Biết cho], “Y tấu” [Y theo lời tâu], “Hảo” [Tốt], đến “Châu khuyên” là vòng  son đỏ điểm lên tên người hay sự việc mà nhà vua lựa chọn, “Châu điểm” là chấm son đỏ chấm lên đầu văn bản mà nhà vua chấp thuận, “Châu mạt” là nét son quẹt lên tên người hay sự việc không được nhà vua chấp thuận, “Châu cải”, “Châu sổ” là nét son gạch sổ lên những chỗ biểu thị sự phủ nhận hay cần chữa lại.

Các loại Châu phê, Châu khuyên, Châu điểm, Châu mạt, Châu sổ, Châu cải. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Tất cả những văn bản này do một cơ quan giữ vai trò như Văn phòng của Hoàng đế đảm nhiệm. Thời Gia Long [1802-1819] lúc đầu do Thị thư viện, Thị hàn viện, Nội hàn viện chuyên trách, sang thời Minh Mệnh [1820-1840] đổi thành Văn thư phòng, năm 1829 chuyển cho Nội các với chức năng “giữ sổ sách và chầu hầu tả hữu”[1]. Trải qua triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị [1841-1847] tổ chức của Nội các với các cơ quan chuyên trách và số lượng quan chức, nhân viên có nhiều thay đổi theo hướng qui định chặt chẽ nhiệm vụ văn thư và lưu trữ  của triều đình. Năm 1847, vua Thiệu Trị xác định Nội các “chầu hầu nơi cung cấm, phụng thừa sắc chỉ, tiếp nhận sớ tấu, tuân thừa châu phê, chức vụ rất là quan trọng”[2]. Tất cả nguyên tắc, qui trình tiếp nhận văn thư, chuẩn bị trình lên Hoàng đế phê duyệt, đóng ấn triện, rồi phụng sao chuyển giao cho các cơ quan thực thi và bảo quản văn thư được qui định rất quy củ, chặt chẽ. Nội các có trách nhiệm bảo quản các văn bản gốc với đầy đủ dấu “Ngự phê” và các loại ấn triện, tàng trữ tại tòa Đông các sau nhà Tả vu của điện Cần chánh trong Cấm thành. Trong thời Pháp thuộc, Nam triều mất dần các quyền lực và năm 1933, vua Bảo Đại bỏ Nội các, lập một văn phòng mang tên Ngự tiền văn phòng.

Trong 143 năm tồn tại [1802-1945] kho tàng Châu bản triều Nguyễn hẳn rất đồ sộ. Nhưng rất tiếc là qua những biến cố lịch sử, qua chiến tranh và những tác động của thời gian, khí hậu, khối lượng Châu bản bị mất mát, hư hỏng khá nhiều. Năm 1942, Tổng lý Ngự tiền văn phòng Trần Văn Lý nhận thấy Châu bản không được bảo quản tốt nên xin thành lập Hội đồng kiểm kê do Ngô Đình Nhu làm chủ tọa và chuyển giao tất cả cho Viện Văn hóa. Năm đầu kháng chiến chống Pháp, Châu bản bị mất nhiều. Một phần Châu bản và các loại thư tịch của vương triều bị thất tán ra bên ngoài, bày bán tại các chợ ở Huế, lọt vào tay tư gia. Năm 1959, kho Châu bản các văn thư triều Nguyển được chuyển từ Viện Văn hóa sang Viện Đại học Huế. Tại đây, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam do GS Trần Kinh Hòa làm Tổng thư ký được thành lập để kiểm tra lại kho tư liệu này và tổ chức nghiên cứu, xuất bản. Theo thống kê của Ủy ban, kho Châu bản lúc đó có 611 tập và nhiều tập rời. Trước năm 1975 kho Châu bản lại chuyển lên Đà Lạt rồi chuyển về Sài Gòn. Sau khi chiến tranh kết thúc, Cục Lưu trữ nhà nước tiếp quản khối tư liệu này và do Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tại thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Năm 1991, kho Châu bản được chuyển ra thủ đô Hà Nội, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Lưu trữ nhà nước, nay là Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, quản lý.

Tại thời điểm đó, nhiều tờ Châu bản chưa đóng thành tập, tình trạng hư hỏng rất đáng lo ngại, phần lớn bị mốc, kết dính, đóng bón thành cục[3]. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã xây dựng một chương trình cứu vãn Châu bản nhằm cứu di sản này khỏi nguy cơ bị hủy hoại và phục hồi, gia cố để bảo quản lâu dài, từng bước nghiên cứu, công bố và tổ chức khai thác. Đây là bản thống kê số lượng Châu bản năm 2012 của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I:

Bảng 1: Thống kê số tập của kho Châu bản triều Nguyễn

STT

Triều đại

1959

1975

1991

2003

2012

1

Gia Long [1802-1819]

5

5

5

7

7

2

Minh Mệnh [1820-1840]

83

81

81

86

86

3

Thiệu Trị [1841-1847]

51

51

51

53

53

4

Tự Đức [1848-1883]

352

345

345

382

382

5

Kiến Phúc [1884]

1

1

1

1

1

6

Hàm Nghi [1884-1885]

0

0

0

1

1

7

Đồng Khánh [1886-1888]

4

4

4

26

26

8

Thành Thái [1889-1907]

74

74

74

98

98

9

Duy Tân [1907-1916]

35

35

35

51

54

10

Khải Định [1916-1925]

4

4

4

10

10

11

Bảo Đại [1926-1945]

2

2

2

20

55

Tổng cộng:

611

602

602

735

773

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Tổng số Châu bản đến năm 2012 là 773 tập gồm khoảng trên 85.000 văn bản. Ngoài ra còn khoảng hơn 3.000 tờ bị kết dính chưa được xử lý. Số Châu bản đó trải dài suốt gần một thế kỷ rưỡi trị vì  của triều Nguyễn, qua 11 đời vua Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại. Theo sự ước tính của GS Trần Kinh Hòa, số Châu bản còn đến nay chiếm khoảng chưa đến 1/5 khối lượng Châu bản triều Nguyễn[4].

Châu bản triều Nguyễn gồm nhiều thể loại văn thư từ chiếu, chỉ, dụ…, đến khải, biểu, tấu, trình…Trừ một số bản “phụng sao”, phần lớn là nguyên bản, bản gốc với nguyên dấu ấn “Ngự phê”, “Ngự lãm”. Đây là một kho tàng tư liệu gốc rất quý giá, phản ánh trung thực tư tưởng chính trị cùng chủ trương, đường lối và các chính sách đối nội, đối ngoại của triều Nguyễn. Ngoài các văn bản từ nhà vua ban xuống, trong kho tàng Châu còn có loại tấu, khải, trình… do các cơ quan của triều đình, các địa phương tâu lên xin ý kiến nhà vua. Loại văn bản này phản ánh khá khách quan tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội đa dạng của đất nước từ tình trạng mùa màng, thủy lợi, công thương nghiệp, đời sống người dân, các cuộc bạo loạn,… đến những vụ khiếu kiện, những hiện tượng tham nhũng, việc thuyên chuyển, thăng giáng quan lại các cấp, những thay đổi trong bộ máy nhà nước và triều chính… Đây là một nguồn sử liệu gốc vô cùng quý giá phản ánh tổ chức và hoạt động của vương triều Nguyễn, tình hình mọi mặt của đất nước. Chính Quốc sử quán nhà Nguyễn đã khai thác nguồn tư liệu này để biên soạn các bộ chính sử của vương triều như Đại Nam thực lục tiền biên và Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyền, các bộ hội điển như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Minh Mệnh chính yếu. Đối chiếu một  số tập của Châu bản so với các bộ thư tịch trên, tôi thấy các sử thần triều Nguyễn chỉ mới sử dụng một tỷ trọng nhỏ những thông tin của Châu bản để biên soạn[5].

Châu bản còn chứa đựng nhiều thông tin quý để nghiên cứu bút tích của các vua triều Nguyễn, chữ viết qua các giai đoạn phát triển thời Nguyễn, phần lớn là chữ Hán và cả chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp. Những đoạn Châu phê của Bảo Đại cho biết ông vua cuối cùng này của triều Nguyễn không phải chỉ thạo tiếng Pháp, chữ quốc ngữ mà chữ Hán viết cũng khá đẹp. Trên Châu bản còn có dấu ấn của nhiều loại ấn chương của Hoàng đế, Hoàng tộc và các cơ quan chính quyền từ triều đình đến địa phương. Ngọc tỷ của  Hoàng đế có “Ngự tiền chi bảo” đóng vào dưới lời “Ngự phế”, trên chữ “Khâm thử”, trên những chữ ngày, tháng, niên hiệu trong các chỉ dụ, chương sớ của nhà vua; “Quốc gia tín bảo” đóng vào dòng chữ ghi niên hiệu nhà vua; “Sắc mệnh chi bảo” đóng vào các loại sắc, chiếu; “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành” đóng vào chiếu văn, chỉ dụ; “Văn lý mật sát” là loại ấn kiềm đóng vào những chữ quan trọng, những chổ sửa chữa, giáp phùng trong các dụ, chỉ… Tổ chức Tông nhân phủ, nội các, các bộ và các cơ quan của triều đình, hệ thống tổ chức quân đội, hệ thổng tổ chức chính quyền các cấp đều để lại dấn tích các loại ấn tín trên Châu bản. Các loại ấn tín và cách sử dụng cũng có những thay đổi qua các triều vua. Đây là loại tư liệu trực tiếp rất phong phú để nghiên cứu ấn chương học thời Nguyễn[6]. Châu bản viết trên loại giấy đặc biệt, loại giấy dó giành cho văn thư của triều đình. Qua các Châu bản có thể nghiên cứu về nghề làm giấy loại đặc biệt này về mặt chất liệu cũng như kỹ thuật và nghệ thuật làm giấy.

Châu bản là loại văn thư có dấu phê duyệt của Hoàng đế và ấn tín các cơ quan nhà nước, thuộc loại độc bản, quý hiếm, văn bản gốc với tính xác thực cao và giá trị thông tin về nhiều mặt, phản ảnh trung thực tình hình đối nội, đối ngoại của vương triều Nguyễn, trong đó có quan hệ giao lưu với nước ngoài. Do những giá trị xác thực đó và những ý nghĩa mang giá trị quốc tế, ngày 14 tháng 5 năm 2014 UNESCO đã công nhận Châu bản triều Nguyễn là Di sản Tư liệu thế giới, khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

II.Những Châu bản liên quan đến Hoàng Sa-Trường Sa

Từ mấy năm nay, nhiều nhà khoa học nghiên cứu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã chú ý khai thác kho Châu bản triều Nguyễn.

Trên Website “Biên giới lãnh thổ” của Ủy ban Biên giới quốc gia đã công bố và dịch, giới thiệu một số đơn vị Châu bản liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Cho đến nay, thống kê có 10 đơn vị Châu bản đã được công bố, giới thiệu.

Bảng 2: Thống kê Châu bản đã công bố của Ủy ban biên giới quốc gia

Số

TT

Thời điểm

Bảo quản

1

27-6-MM11 [1830]

TT LT1: T 43-58

2

22-11-MM14 [1830]

TTLT1: T49-293/294

3

13-7-MM16 [1835]

TT LT1: T 54-94

4

13-7-MM16 [1835]

TTLT 1: T54-92

5

11-7-MM18 [1837]

TT LT1: T 57 -210

6

13-7-MM18 [1837]

TT LT1: T 57- 244

7

13-7-MM18 [1837]

TTLT1: T 57-245

8

2-4 nhuận-MM19 [1838]

TTLT1: T 68-21

9

21-6-MM19 [1838]

TT LT1: T 68-215

10

19-7-MM19 [1838]

TT LT1: T 64 -146/147

Nguồn: //biengioilanhtho.gov.vn

Trong bản trên và các bảng sau, những chữ viết tắt xin đọc như sau:

MM = Minh Mệnh, TT = Thiệu Trị, TTLT1 = Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1

27-6 MM11 [1830] = ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11, năm 1830. TTLT1: T43-58 = Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1: Tập 43 tờ 58]

Trong công trình nghiên cứu Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tác giả  đã khai thác và sử dụng 13 tờ Châu bản. Trong Phụ lục 2 [tr. 179-202], tác giả giới thiệu bản chụp màu 8 văn bản số 1, 2, 4, 7, 8, 9, 10, 11[7].

Bảng 3: Thống kê Châu bản đã sử dụng của Nguyễn Nhã

Số TT

Thời điểm

Bảo quản

1

27-6-MM11[1830]

TT LT1: T 43-58

2

22-11-MM14 [1833]

TT LT1: T 49 – 293/294

3

15-4-MM15 [1834]

UB Biên giới QG

4

13-7-MM16 [1835]

TT LT1: T 54 - 94

5

13-7-MM16 [1835]

TT LT1: T 54 - 92

6

12-2-MM17 [1836]

TT LT1: T 55 - 336

7

11-7-MM18 [1837]

TT LT1: T 57 - 210

8

13-7-MM18 [1837]

TT LT1: T 57 - 244

9

2-4 nhuận-MM19 [1838]

TT LT1: T 68 - 21

10

21-6-MM19 [1838]

TT LT1: T 68 - 215

11

19-7-MM19[1838]

TT LT1: T 64 - 146-147

12

26-1-TT7 [1847]

TT LT1: T 41 - 42

13

28-12-TT7 [1847]

TT LT1: T 51 - 235

Nguồn: Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2013

Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại Giao xuất bản năm 2013, giới thiệu 19 văn bản Châu bản[8]. Trong số đó, văn bản 1 là bản tâu trình về việc chọn người sung vào Quốc sử quán và sự phê chuẩn của nhà vua, hoàn toàn không liên quan đến chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, còn lại 18 văn bản thống kê như sau:

Bảng 4: Thống kê theo sách Tuyển tập Châu bản…

Số TT

Thời điểm

Bảo quản

1

27-6-MM11 [1830]

TTLT1: Q43-58

2

27-6-MM11 [1830]

TTLT1: Q43-61

3

27-6-MM11 [1830]

TTLT1: Q43-59

4

27-6-MM11 [1830]

TTLT1: Q43-60

5

22-11-MM14 [1833]

TTLT1: Q49-293-294

6

15-4-MM15 [1834]

UB Biên giới QG

7

13-7-MM16 [1835]

TTLT1: Q54-94

8

13-7-MM16 [1835]

TTLT1: Q54-92

9

12-2-MM17 [1836]

UB Biên giới QG

10

11-7-MM18 [1837]

TTLT1: Q57-210

11

13-7-MM18 [1837]

TTLT1: Q57-244

12

13-7-MM18 [1837]

TTLT1: Q57-245

13

2-4 nhuận-MM19 [1838]

TTLT1: Q68-21

14

6-4nhuận-MM19 [1838]

TTLT1 Q68-40

15

21-6-MM19 [1838]

TTLT1: Q68-215

16

19-7-MM19 [1838]

TTLT1: Q64-146/147

17

26-1-TT7 [1847]

TTLT1: Q41-42

18

28-12-TT7 [1847]

TTLT1: Q51-235

Nguồn: Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Thế giới, Hà Nội 2013

Trong số 18 văn bản trên có hai văn bản số 6 và 9 ghi xuất xứ là Ủy ban Biên giới quốc gia, nhưng không có ký hiệu. Qua làm việc với Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, tôi được biết văn bản số 6 tìm thấy ở đảo Lý Sơn và Trung tâm đã giám định, xác nhận đúng là tờ Châu bản với đầy đủ đặc trưng của loại văn thư này thời Nguyễn. Còn văn bản số 9 là bản sao chụp trắng đen, không phải bản chụp trực tiếp từ bản gốc vốn có màu và không có trong kho Châu bản của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Trung tâm cho biết theo thông tin từ Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao thì Châu bản này có hai văn bản: 1 bản chụp năm 2012 tại Thư viện trường Đại học Hawai, 1 bản chụp năm 2000 tại Thư viện trường Đại học Havard. Những bản Microfilm về Châu bản lưu hành tại Mỹ đếu xuất phát từ bản Microfilm do Tổng thống Việt Nam cộng hòa tặng Tổng thống Mỹ trước đây, từ đó được sao chụp chuyển cho một số trường đại học. Tôi sử dụng tờ Châu bản này theo bản chụp đen trắng của Ủy ban biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao gửi cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia I[9].

Ngoài 18 văn bản trên, gần đây nhà sử học Phan Thuận An ở Huế đem một tờ Châu bản ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 [15-2-1939] do gia đình lưu giữ trao tặng Bộ Ngoại giao. Như vậy cho đến nay, chúng ta biết cả thảy 19 đơn vị Châu bản triều Nguyễn liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được phát hiện và công bố.

Bảng 5: Thống kê và tóm lược nội dung các tờ Châu bản về HS-TS

Số

TT

Thời điểm

Xuất xứ

Bảo quản

Nội dung chủ yếu

Chú

thích

1

27-6-MM11 [1830]

Thủ    ngự Đà Nẵng tâu

TTLT1 T43-58

Thuyền buôn Pháp qua HS bị mắc cạn. Cho thuyền cứu hộ

2

27-6-MM11

[1830]

Thủ    ngự Đà

Nẵng tâu

TT LT1

T43-61

Thuyền buôn Pháp qua HS bị mắc cạn. Cho thuyền cứu hộ

3

27-6-MM11

[1830]

Thủ    ngự Đà

Nẵng tâu

TT LT1

T43-59

Thuyền buôn Pháp qua HS bị mắc cạn. Cho thuyền cứu hộ

4

27-6-MM11 [1830]

Thủ    ngự Đà Nẵng tâu

TT LT1 T43-60

Thuyền buôn Pháp qua HS bị mắc cạn. Cho thuyền cứu hộ

5

22-11-MM14 [1833]

Nội các tâu

TT LT1

T49-293, 294

Khảo sát HS về, được khen thưởng. Phái viên khai thừa 1 người, miễn tội

Còn     2

nội dung khác

6

15-4-MM15 [1834]

Bố  chính,   Án sát Quảng Ngãi   tâu

UB    Biên giới QG

Thuê ba thuyền, chọn dân phu, thủy thủ  cùng đi khảo sát HS

Tìm thấy

ở Lý Sơn

7

13-7-MM16 [1835]

Nội các tâu

TT LT1 T54-94

Đi HS trở về quá hạn, xét thưởng phạt

Còn     2 nội dung

khác

8

13-7-MM16

[1835]

Nội các  truyền dụ

TT LT1

T54-92

Đi HS trở về quá hạn, truyền dụ thưởng phạt

9

12-2-MM17 [1836]

Bộ Công phúc trình

UB    Biên giới QG

Thuyền đi  HS cắm cọc  gỗ làm mốc giới

Bộ

Ngoại giao

10

11-7-MM18 [1837]

Bộ Hộ tâu

TT Ltnn1 T57-210

Quảng Ngãi xin chi tiền gạo thuê cho dân phu đi HS

Còn     3

nội dung khác

11

13-7-MM18

[1837]

Bộ Công tâu

TT Ltnn1

T57-244

Đi HS trở về quá hạn, xét thưởng phạt

12

13-7-MM18

[1837]

Nội các  truyền dụ

TT LT1

T57-245

Đi HS trở về quá hạn, truyền dụ thưởng phạt

13

2-4      nhuận-

MM19 [1838]

Bộ Công tâu

TT LT1 T68-21

Thời hạn khảo sát HS, đi và về. Bình Định, Quảng Ngãi chuẩn bị chọn người đi HS. Gió chưa thuận

14

6-4nhuận-

MM19 [1838]

Bộ Công tâu

TT LT1

T68-40

Quảng Ngãi tâu 4 thuyền đã ra khơi

15

21-6-MM19

[1838]

Bộ Công tâu

TT LT1

T68-215

Kết quả kháo sát HS : 25 đảo, 4 bản đồ, nhật ký, thu sản vật

16

19-7-MM19 [1838]

Bố chính Quảng  Ngãi tâu

TTLT1 Q64-146/147

Miễn thuế năm cho 2 thuyền lớn thuê đi khảo sát HS

17

26-1-TT7

[1847]

Bộ Công tâu

TT Ltnn1

T41-42

Xin phúc tâu năm nay có đi HS không?

Châu phê: Đình

18

28-12-TT7

[1847]

Bộ Công tâu

TT Ltnn1

T51-235

Xin dừng khảo sát HS, năm sau phúc

trình lại. Châu phê: Đình

19

15-12-BĐ13 [3-2-1939]

Ngự tiền Văn phòng tâu

Bộ Ngoại giao

Xin thưởng cho Louis Fontain là Chánh đội lính Khố xanh bị  nhiệm bệnh ở HS và chết ở Huế

Do ông Phan Thuận

An tặng

Nguồn: Phan Huy Lê, tổng hợp các nguồn tư liệu

Trong số 19 đơn vị Châu bản liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, tôi chỉ nghiên cứu 18 văn bản thời Nguyễn trước thời Pháp thuộc, khi triều Nguyễn là một quốc gia độc lập tiêu biểu chủ quyền quốc gia. 18 văn bản này gồm 16 văn bản thời vua Minh Mệnh [các năm 1830, 1833, 1834, 1835, 1836, 1837, 1838] và 2 văn bản thời vua Thiệu Trị [năm 1847], trong khoảng thời gian từ năm 1830 đến 1847[10]. Hai tờ Châu bản thời Thiệu Trị cho biết từ năm Thiệu Trị 5 [1845] đã hoãn việc phái thuyền ra Hoàng Sa, chờ năm sau phúc trình lại. Năm Thiệu Trị 7 [1847] Bộ Công tâu vì việc công quá bề bộn, xin dừng lại, đợi năm sau phúc trình lại [Châu bản 17, 18]. Sau đó, chưa tìm thấy Châu bản tiếp theo. Vì vậy, tôi sử dụng cả 18 tờ Châu bản, nhưng tập trung khảo cứu 16 tờ Châu bản thời Minh Mệnh.

Về mặt văn bản học, trong số 18 tờ Châu bản trên, có 2 bản “phụng sao” có dấu ấn nhưng lời “Châu phê” viết lại bằng mực đen [Châu bản 1, 3], 3 tờ chỉ có “Châu phê” [Châu bản 9, 17, 18], 4 tờ chỉ có “Châu điểm” [Châu bản 12, 13, 14,15], 3 tờ có “Châu phê” + ”Châu điểm” [Châu bản 1, 3, 11], 3 tờ có “Châu phê” hay “Châu điểm” + dấu [Châu bản 5, 7, 10], 3 tờ chi có dấu [Châu bản 6, 8, 16]. Hai bản sao thuộc loại “phụng sao” tuy không phải bản gốc nhưng có dấu ấn nên vẫn có giá trị về mặt văn bản. Đấy đều là những tiêu chí xác nhận giá trị văn bản của Châu bản triều Nguyễn.

Trong khi nghiên cứu những văn bản này, tôi kết hợp với những tư liệu tương ứng và liên quan trong các nguồn tư liệu khác của nhà Nguyễn, quan trọng nhất là Đại Nam thực lục, Tiền biên và Chính biên, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam nhất thống chí.

1.Nhận thức của nhà Nguyễn về vị trí trọng yếu của Hoàng Sa-Trường Sa

Vương triều Nguyễn vừa mới thành lập năm 1802 thì năm sau, năm 1803 vua Gia Long đã cho lập lại đội Hoàng Sa và năm 1815 sai Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra thăm dò đường biển. Năm sau, năm 1816 lại sai thủy quân cùng đội Hoàng Sa ra khảo sát quần đảo này[11]. Điều đó chứng tỏ vua Gia Long và triều Nguyễn đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của hai quần đảo này và tiếp nhận sứ mạng quản lý của nhà nước.

Các vua Nguyễn và triều Nguyễn nhận thức rõ “xứ Hoàng Sa là cương giới trên biển của nước ta” [本 國 海 疆 之 黄 沙 處: Bản quốc hải cương chi Hoàng Sa xứ] [Châu bản 18]. Năm 1836, bộ Công đã tâu rằng: “Cương giới của nước ta, xứ Hoàng Sa là tối hiểm yếu” [本 國 海 疆 黄 沙 處 最 是 險 要 : Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu][12]. Vị trí tối hiểm yếu này không phải chỉ xét về một số lợi ích khai thác như các loại sản vật, một số đồ vật để lại của các tàu thuyền bị đắm, mà trước hết vì địa thế hiểm yếu, vì vai trò cương giới và phòng vệ trên mặt biển của đất nước. Đây là hai quần đảo gồm nhiều đảo, bãi cát và bãi đá ngầm rất hiểm trở mà từ thế kỷ XVII, đã nhận thấy “khi gió tây nam thổi thì tàu thuyền các nước đi bên trong [tức phía tây của đảo.Tg] bị trôi dạt tại đây, khi gió đông bắc thổi thì tàu thuyền đi bên ngoài [tức phía đông của đảo.Tg] cũng bị trôi dạt tại đây, đều bị chết đói, của cải đều bỏ lại đó”[13]. Đấy là hai quần đào mang hình thái địa hình ám tiêu san hô vùng nhiệt đới, gồm đảo nổi, thềm san hô bao quanh và sườn bờ ngầm dốc đứng rất hiểm yếu, giữ vai trò làm cương giới trên biển và bảo vệ cả mặt đông của đất nước.

Châu bản 18 [2 tờ] Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Trước đây, thời các chúa Nguyễn đã xác lập một nhận thức chung về hai quần   đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ thế kỷ XVII, Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, bản  A.2499 chép: “Giữa biển có dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng, dài khoảng 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng sừng sững giữ biển”, Thiên Nam lộ đồ, bản A.1081 chép: “Giữa biển có dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng, khoảng từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Huỳnh, ước dài năm, sáu trăm dặm, rộng ba, bốn mươi dặm, đứng sừng sững giữa biển”[14]. Trong chính sử triều Nguyễn, bộ Đại Nam thực lục tiền biên, năm 1754 đã xác nhận: “Đội Hoàng Sa ở Quảng Nam đi thuyền ra đảo  Hoàng Sa… Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, [phủ] Quảng Ngãi có hơn 300 bãi cát cách nhau hoặc đi 1 ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa”[15]. Trước đó, từ đầu  thế kỷ XVIII, bộ sử này đã chép: chúa Nguyễn sai Tổng binh trấn Hà Tiên Mạc Cửu “đo bãi cát biển Trường Sa [長 沙 海 渚: Trường Sa hải chử] dài ngắn,  rộng hẹp bao nhiêu”[16]. Cuối thế kỷ XVIII, trong Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn với Lời tựa năm 1776, tổng hợp những tư liệu trong sử sách kết hợp với những hiểu biết tích lũy trong thời gian làm Hiệp trấn Thuận Hóa, viết rõ: “Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía đông bắc có nhiều đảo, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi Hoàng Sa [黄 沙 渚: Hoàng Sa chử] dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy”[17]. Tác giả cho biết vùng đảo này gọi là Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa và hoạt động của đội Hoàng Sa kiêm quản cả đội Bắc Hải.

Như vậy là cho đến cuối thế kỷ XVIII, tổ tiên ta đã đạt đến một nhận thức rõ ràng, gọi vùng hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa ngày nay là “Bãi Cát Vàng” hay “Hoàng Sa”, “Đại Trường Sa”, “Vạn Lý Trường Sa” gồm hàng trăm hòn đảo và bãi cát, ước tính có khi viết 130 đảo, có khi viết 300 bãi cát mà đi thuyền từ đảo này đến đảo kia có khi mất một ngày hay vài canh. Phạm vi cũng ước tính dài khoảng 400 dặm, rộng 20 dặm hay dài năm, sáu trăm dặm, rộng ba, bốn mươi dặm hay kéo dài không biết mấy nghìn dặm. Cũng có khi viết Bãi cát biển Trường Sa [Trường Sa hải chử], Bãi Hoàng Sa [Hoàng Sa chử] hình như để chỉ riêng Hoàng Sa và Trường Sa cùng một số đảo của hai quần đảo này. Nói chung nhận thức thời đó dựa trên sự quan sát, nặng về ước tính, chưa đo đạc, tính toán cụ thể.

Sang thời Nguyễn, qua các họat động điều tra khảo sát và đo đạc, vẽ bản đồ thực hiện trong thời Gia Long, Minh Mệnh, nhận thức của nhà Nguyễn được nâng lên một trình độ mới về vị thế chiến lược cũng như hiểu biết cụ thể về toàn vùng và một số đảo cụ thể.

2.Tổ chức quản lý và thực thi chủ quyền

Thời chúa Nguyễn, lập đội Hoàng Sa kiêm quản cả đội Bắc Hải, để quản lý và khai thác Hoàng Sa-Trường Sa. Đội Hoàng Sa lấy người từ xã An Vĩnh huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi nên về mặt quản lý nhà nước cũng theo hệ thống tổ chức chính quyền chúa Nguyễn từ xã An Vĩnh, qua huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi lên đến thủ phủ chúa Nguyễn. Sang thời triều Nguyễn, tổ chức quản lý và lực lượng thực thi chủ quyền được nâng cao và tổ chức lại chặt chẽ, qui mô hơn.

Năm 1833 vua Minh Mệnh bảo Bộ Công rằng: “Một dải Hoàng Sa thuộc hải phận Quảng Ngãi”[18] và nơi xuất phát thuận tiện nhất cho các thuyền ra khảo sát Hoàng Sa là cửa biển Sa Kỳ và cù lao Lý Sơn quen gọi cù lao Ré, cũng thuộc tinh Quảng Ngãi. Vì vậy việc tổ chức lực lượng chuẩn bị khảo sát Hoàng Sa được giao cho tỉnh Quảng Ngãi với sự tham gia của một số tỉnh lân cận, nhất là tỉnh Bình Định. Tuy nhiên công việc điều hành do triều đình trực tiếp nắm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua. Nhà Nguyễn điều động một bộ phận quân đội tham gia, chủ yếu là thủy binh và một số thợ chuyên trách việc thăm dò hải trình, đo đạc vẽ bản đồ của vệ Giám thành tại kinh đô Huế. Tham gia vào việc quản lý vì thế có Bộ Công, Bộ Binh, bộ Hộ và Nội các, tất cả đặt dưới sự phê chuẩn, quyết định của nhà vua. Trong 18 đơn vị Châu bản liên quan đến Hoàng Sa có: 4 tờ tâu của Nội các, 7 tờ tâu của Bộ Công, 1 tờ tâu của Bộ Hộ, 2 tờ tâu của Quảng Ngãi và 4 tờ tâu của Thụ ngự Đà Nẵng. Qua các tờ Châu bản, thấy rõ mọi tổ chức và hoạt động liên quan đến Hoàng Sa-Trường Sa đều phải tâu trình lên nhà vua và do nhà vua quyết định, phê chuẩn, từ việc điều thủy quân, thợ của vệ Giám thành đến việc thuê dân phu, thời hạn đi và về của thuyền ra khảo sát, rồi việc đo đạc, vẽ bản đồ, ghi nhật ký, cắm mốc chủ quyền, cho đến việc thưởng phạt sau mỗi chuyến đi, tiền thuê dân phu, trả tiền thuê thuyền tư nhân, miễn tiền thuế…, tất cả việc lớn nhỏ đều phải tâu trình lên nhà vua. Đến thời Nguyễn, nhất là thời vua Minh Mệnh, việc quản lý và thực thi chủ quyền trên Biển Đông được nâng lên cấp quốc gia do Hoàng đế trực tiếp chỉ đạo và điều hành thông qua bộ máy triều đình và chính quyền những tỉnh liên quan. Có thể nói công việc quản lý và thực thi chủ quyền đã được nhà Nguyễn nâng lên cấp quốc gia ở trình độ cao nhất là do nhà vua trực tiếp chỉ đạo và quyết định.

3.Lực lượng tham gia đoàn khảo sát

Lực lượng quản lý Hoàng Sa trước đây chủ yếu là đội Hoàng Sa kiêm quản cả đội Bắc Hải. Đội Hoàng Sa này thời chúa Nguyễn thường có 70 người[19], do Cai đội đứng đầu, lấy người xã An Vĩnh ở ngay vùng cửa biển Sa Kỳ. Đội Bắc Hải lấy người thôn Tứ Chính ở hay xã Cảnh Dương thuộc Bình Thuận. Họ là những người dân chài ven biển, từng dùng thuyền ra vào đánh bắt cá trên ngư trường Hoàng Sa-Trường Sa, rất am hiểu thời tiết, thủy triều, gió bão và có nhiều kinh nghiệm đi biển. Họ được miễn các loại tiền thuế và được cấp giấy phái đi làm nhiệm vụ của nhà nước. Họ thường mang theo lương thực đủ ăn trong 6 tháng, nhận giấy sai phái vào tháng 2, ra đi khoảng tháng 3 và tháng 8 trở về trước mùa  mưa bão. Trên đảo, họ bắt chim, cá, các loại hải sản để sống và làm nhiệm vụ quản lý, khai thác hải sản, thu lượm các vũ khí và của cải của những tàu thuyền bị đắm để lại. Khi trở về, họ phải vào cửa Thuận An đến kinh thành Phú Xuân để nộp, được giữ lại và đem bán một số sản vật, lĩnh bằng trở về quê[20]. Theo chế độ tuyển chọn và sử dụng như vậy thì đội Hoàng Sa thực ra là một đội dân phu có tổ chức làm nhiệm vụ công sai của nhà nước, gần như một thứ dân binh.

Sang thời Nguyễn, lúc đầu đội Hoàng Sa sớm được tổ chức lại và tiếp tục tham gia hoạt động như một lực lượng dân binh. Năm 1816 nhà Nguyễn bắt đầu điều thủy quân tham gia khảo sát Hoàng Sa. Chủ trương mới của nhà Nguyễn là dùng một bộ phận quân đội thường trực của nhà nước, cụ thể là thủy binh và vệ Giám thành, làm lực lượng chủ yếu cùng với dân phu tiến hành các hoạt động khảo sát.

Tổ chức quân đội của nhà Nguyễn qua nhiều lần thay đổi và nói chung được qui  định chặt chẽ dưới triều vua Minh Mệnh. Quân đội thường trực ở kinh thành gồm Thân binh bảo vệ nhà vua, Cấm binh bảo vệ cung cấm và Tinh binh bảo vệ cả kinh thành. Trong Tinh binh có Kinh kỳ thủy sư là các đơn vị thủy binh và vệ  Giám thành. Thủy sư gồm 3 doanh, mỗi doanh 5 vệ, mỗi vệ 10 đội, mỗi đội 50 người. Chỉ huy đơn vị đội có 1 Cai đội [chánh ngũ phẩm], 2 Đội trưởng [chánh thất phẩm] và 2 Ngoại ủy đội trưởng[21]. Châu bản và Đại Nam thực lục ghi chép một số trường hợp điều thủy binh ở kinh thành đi khảo sát Hoàng Sa như: Cai đội Phạm Văn Nguyên năm 1835 [Châu bản 7, 8], Chánh đội trưởng suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật [ĐNTL, T.4, tr.867], thủy sư Suất đội Phạm Văn Biện [Châu bản12] năm 1836; thủy sư Phạm Văn Biện [Châu bản 11], thủy sư Suất đội Phạm Văn Biện [Châu bản 12], năm 1836; thủy sư Suất đội Phạm Văn Biện [ĐNTL, T5, tr. 164] năm 1837. Đây là những đơn vị thủy binh cấp đội do Cai đội hay Đội trưởng chỉ huy, trong một số tờ Châu bản chép rõ “do Kinh phái” [Châu bản 11, 12] tức do triều đình điều động từ kinh thành đến, chứ không phải lấy thủy binh của tỉnh.

Vệ Giám thành lúc đầu vốn là đội Tuần thành do Giám thành phó sứ cai quản để bảo vệ thành Gia Định. Sau khi triều Nguyễn thành lập, đổi làm vệ Giám thành gồm một số đội Tuần thành, ở kinh thành và một số tỉnh. Năm 1804, vệ Giám thành ở kinh thành được xếp vào tinh binh và năm 1823 cho thuộc vào Hộ thành binh mã, chuyên vẽ đồ bản và chỉ bảo cách thức xây dựng[22]. Như vậy là vệ  Giám thành đã chuyển đổi chức năng thành một tổ chức mang tính kỹ thuật chuyên về đo đạc, lập bản đồ và bản vẽ xây dựng. Vì vậy triều Nguyễn đã điều một số nhân viên vệ Giám thành tham gia các đội khỏa sát Hoàng Sa để đo đạc đường biển, đo đạc và vẽ bản đồ các đảo. Châu bản còn ghi tên một số nhân viên của vệ Giám thành như Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng [Châu bản 7], Trương Viết Soái [Châu bản 11]. Riêng Trương Viết Soái, trước đã từng là Đốc biện trông việc luyện thuốc súng bị phạt “trạm giam hậu” [tội chém nhưng cho giam chờ xét], rồi cho đi “hiệu lực” [làm để chuộc tội] xây thàng Gia Định, đi khảo sát Hoàng Sa năm 1836. Soái đã khảo sát 11 bãi cát và đảo, nhưng đo vẽ bản đồ không được chu đáo, bị phạt cho về làm lính vệ Giám thành để sau này đi “hiệu lực” [Châu bản 12]. Năm 1838, theo lời tâu của Bộ Công, còn điều cả nhân viên Khâm thiên giám tham gia khảo sát Hoàng Sa [Châu bản13][23]. Thời Nguyễn, việc quan trắc thời tiết đã có một số tiến bộ, ngoài tòa Khâm thiên giám ở kinh thành, các tỉnh đã phải ghi nhật ký mưa gió, được cấp bồn bằng sành để đo nước mưa, hàn thử xích để đo độ nóng lạnh…Không rõ nhân viên Khâm thiên giám được phái đi khảo sát Hoàng Sa có được giao nhiệm vụ quan trắc thời tiết không và kết quả thế nào?

Vào đầu thời Nguyễn, đội Hoàng Sa vẫn giữ vai trò quan trọng. Năm 1803 vua Gia Long sai Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ là Cai cơ Vũ Văn Phú chiêu mộ dân ngoại tịch lập lại đội Hoàng Sa. Theo đó, đội Hoàng Sa lấy từ dân xã An Vĩnh và do Thụ ngự cửa Sa Kỳ tổ chức. Thủ ngự là chức cai quản các cửa biển, còn gọi là cửa tấn, có đồn binh đóng giữ. Cửa Sa Kỳ là cửa sông Sa Kỳ, một trong những cửa biển lớn của Quảng Ngãi và đặc biệt có vị trí gần đảo Lý Sơn hay Cù lao Ré, nơi thuyền bè ra vào đánh cá, buôn bán và cũng là con đường biển gần nhất ra Hoàng Sa. Đại Nam nhất thống chí miêu tả cửa biển Sa Kỳ: “Ở phía đông nam huyện Bình Sơn, cửa biển rộng 145 trượng [580m], khi nước lên sâu 6 thước [2,4m], nước ròng sâu 5 thước [2m][24], có ghềnh đá cao nổi lên mặt nước, trông như hình người đứng. Sau này có người vịnh thêm cảnh Thạch ki điếu tẩu [Lão câu ghềnh đá], thành 12 cảnh đẹp ở Quảng Ngãi”. Cách 12 hải lý là đảo Lý Sơn, có cửa biển Lý Sơn được miêu tả; “Cửa biển Lý Sơn ở huyện Bình Sơn, đối diện với cửa Sa Kỳ. Bốn phía đều có đá ngầm ghềnh đá, thác đá, thuyền đi phải tránh. Khi trước có đồn trấn giữ, nay đã bỏ. Từ cửa biển Sa kỳ, thuyền đi thuận gió đến cửa Lý Sơn, hết 5 khắc”[25].

Sau khi tái lập, năm 1815 nhà Nguyễn “sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa thăm dò đo đạc thủy trình”[26]. Nhưng từ năm 1816, thủy binh đã tham gia và sau đó, thủy binh cùng vệ Giám thành của triều đình giữ vai trò chủ lực và tùy theo nhu cầu từng đợt khảo sát, huy động thêm lực lượng địa phương theo chế độ dân phu và thuê thuyền. Châu bản cho biết cụ thể về 4 đoàn ra khảo sát Hoàng Sa với các thành phần như sau:

Năm 1834 đoàn gồm 3 thuyền gọi là “chinh thuyền” tức loại thuyền lớn để đi xa hay chiến đấu, được điều động theo tờ “tư” của Bộ Binh thực hiện tờ “sắc” của nhà vua. Trên 3 thuyền này có phái viên của triều đình và thủy binh thuộc biền binh của kinh thành. Thêm vào đó là 3 thuyền giao cho tỉnh Quảng Ngãi thuê thuộc loại nhanh nhẹ được tu bổ cận thận cùng các loại vật kiện đem theo. Mỗi thuyền có 8 thủy thủ, cộng 24 người là “dân phu miền biển am hiểu thành thục đường biển”. Trong số đó, có Đặng Văn Xiểm người phường An Hải huyện Bình Sơn đảm đương lái thuyền [đà công] và danh sách thủy thủ trong đó có 3 người phường An Hải, An Vĩnh là Phạm Vị Thanh, Trần Văn Kham, Nguyễn Văn Mạnh. Như vậy đoàn khảo sát Hoàng Sa năm 1834 gồm 6 thuyền, trong đó có 3 thuyền lớn của triều đình chở phái viên cùng thủy quân điều từ kinh thành và 3 thuyền thuê cùng dân phu, thủy thủ, người lái thuyền do tỉnh Quảng Ngãi điều động [Châu bản 6].

Châu bản 6 [4 tờ] Nguồn: Ủy ban Biên giới quốc gia

Năm 1837, đoàn khảo sát gồm 4 thuyền do tỉnh diều động: 2 thuyền của Quảng Ngãi và 2 thuyền của Bình Định. Thành phần của đoàn gồm Thủy sư Phạm Văn Biện, người hướng dẫn Vũ Văn Hùng, người lái thuyền Lưu Đức Trực, nhân viên vệ Giám thành Trương Viết Soái và thủy binh, dân phu. Châu bản 12 chép “phụng chiếu” ghi “binh đinh 22 tên, [trong đó] thủy sư 20 tên, Giám thành 2 tên, dân phu 31 tên” [Châu bản 11, 12]. Số người trong đoàn cộng 53 người.

Châu bản 11 [2 tờ]. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Năm 1838, đoàn gồm 4 thuyền trong đó có “binh thuyền” của kinh thành và “dân thuyền” của Bình Định. Đoàn có Thị vệ, Khâm thiên giám, vệ Giám thành và thủy binh là lực lượng của triều đình[27] và “dân thuyền” gồm thuyền của dân và dân phu. Người hướng dẫn là Phạm Văn Sênh [Châu bản 13].

Năm 1838, đoàn gồm 4 thuyền, trong đó có 2 thuyền lớn gọi là “chinh thuyền” thuê tại Quảng Ngãi và 2 thuyền của Bình Định. Hai thuyền lớn được miêu tả cụ thể như sau.

Thuyền thứ nhất của Nguyễn Văn Chòm tên là Tín, sinh năm Bính Ngọ, 53 tuổi, người thôn Phổ An, tổng Nghĩa Hà, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa. Thuyền mang “thuyền bài” số 22, dài 2 trượng 7 thước [10,8m], rộng 6 thước 7 tấc [2,68m], sâu 2 thước 2 tấc [0,88m]. Lệ thuế hàng năm là 20 quan tiền.

Thuyền thứ hai của Trần Văn Đức, tên là Ân, sinh năm Canh Tý, 59 tuổi. Thuyền mang “thuyền bài” số 89, dài 2 trượng 1 tấc [8,04m], rộng 6 thước 7 tấc [2,68], sâu 2 thước 3 tấc [0,92]. Lệ thuế hàng năm là 15 quan tiền [Châu bản 16].
Thành phần của đoàn gồm “dân phu”, phái viên của triều đình.

Châu bản 16 [3 tờ]. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I


Như vậy đoàn khảo sát Hoàng Sa thường 3, 4 thuyền, nhiều nhất là 6 thuyền, trong đó có thuyền của nhà nước và thuyền thuê của dân. Lực lượng tham gia có bộ phận “kinh phái” gồm phái viên, thủy binh, vệ Giám thành và “tỉnh phái” gồm thuyền thuê của dân và dân phu. Mỗi đoàn số lượng người tham gia không có hạn ngạch, đoàn năm 1837 có con số cụ thể là 53 người. Dân phu không phải là lực lượng lao động đơn giản mà thường làm thủy thủ, người lái thuyền, người hướng dẫn. Theo chế độ nhà Nguyễn, họ được miễn tiền thuế, được cấp tiền gạo và khi trở về phải qua cửa Thuận An lên kinh đô khai nộp các sản vật thu được, trong đó họ được hưởng một phận và được quyền đem bán. Ngoài ra dân phu còn được hưởng chế độ thưởng phạt của nhà nước, thường được ưu tiên thưởng tiền và gạo. Năm 1837 Bộ Hộ tâu tỉnh Quảng Ngãi đã “phụng mệnh chi tiền và gạo thuê dân phu phái đến xứ Hoàng Sa làm công vụ” [Châu bản 10]. Năm 1837, tuy đoàn khảo sát trở về quá hạn và không đem về bản đồ nên Thủy sư Phạm Văn Biện bị trách phạt, còn binh và dân đều được gia ân ban thưởng: binh  được thưởng thêm một tháng lương tiền, dân phu được thưởng tiền 2 quan  [Châu bản 11].

Châu bản 10 [4 tờ]. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Sau hai lần điều đội Hoàng Sa đi khảo sát năm 1815, 1816, trong các Châu bản thời Minh Mệnh, Thiệu Trị không thấy nhắc đến đội Hoàng Sa. Lực lượng khảo sát được tổ chức lại gồm thủy binh và nhân viên vệ Giám thành điều động từ kinh thành và dân phu do tỉnh huy động. Dân phu là những người dân ven biển, am hiểu và thông thuộc đường biển ra Hoàng Sa, chủ yếu vẫn dân vùng cửa biển  Sa Kỳ và đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên nhà nước cũng điều động cả các vùng ven biển lân cận, trong đó mấy lần nói đến thuyền và dân phu tỉnh  Bình Định. Trong Việt sử thông giám cương mục khảo lược do Nguyễn Thông viết với Lời tựa đề năm 1877, đưa ra nhận định cho rằng đội Hoàng Sa từ trước đó [tức trước năm viết sách 1877] đã bị “bãi bỏ”[28]. Đây là một nhận định có cơ sở. Theo tôi, từ năm 1816 nhà Nguyễn đã có chủ trương thay đổi thành phần trong tổ chức lực lượng khảo sát Hoàng Sa, lấy quân đội chủ lực làm thành phần chủ yếu, tuy lúc đó đội Hoàng Sa vẫn còn và kết hợp với thủy quân. Sau đó, chưa thể xác định vào năm nào, nhưng chắc chắn sang thời Minh Mệnh thì không còn thấy đội Hoàng Sa. Tuy nhiên cần nhấn mạnh là đội Hoàng Sa dù không còn nữa nhưng thành viên của đội Hoàng Sa là cư dân vùng cửa biển Sa Kỳ và đảo Lý Sơn vẫn có mặt trong các đoàn khảo sát Hoàng Sa như những dân phu giữ vai trò thủy thủ, người lái thuyền, người hướng dẫn và truyền thống đội Hoàng Sa vẫn không ngừng được nuôi dưỡng và phát huy.

Đảo Lý Sơn gồm Đảo Lớn còn gọi là Cù lao Ré và Đảo Nhỏ còn gọi là Cù lao Bờ Bãi. Từ lâu một bộ phận cư dân xã An Vĩnh đã ra đảo Lý Sơn sinh sống, lập thành 2 phường An Vĩnh, An Hải. Năm 1993 đảo Lý Sơn tách ra khỏi huyện Bình Sơn, lập thành huyện đảo Lý Sơn, gồm 3 xã: An Vĩnh, An Hải trên Đảo lớn và An Bình trên Đảo Nhỏ. Cư dân trên đảo sống bằng nghề đánh bắt cá kết hợp với trồng ngô, khoai, lạc [thời Nguyễn phải nộp thuế dầu lạc] và gần đây thêm nghề trồng hành, tỏi nổi tiếng. Vùng cửa biển Sa Kỳ và trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều dấu tích của đội Hoàng Sa từ những tư liệu quý mà các dòng họ “hùng binh Hoàng Sa” như họ Phạm, họ Vũ, họ Đặng…còn lưu giữ đến miếu Hoàng Sa hay Âm linh tự, tục lệ “khao lề thế lính Hoàng Sa”, những ngôi “mộ gió”…Điều đó cho thấy cư dân vùng cửa Sa Kỳ và đảo Lý Sơn có nhiều cống hiến liên tục cho hoạt động của đội Hòng Sa kéo dài từ thời chúa Nguyễn, qua thời Tây sơn đến thời đầu Nguyễn và cả sau đó, khi đội Hoàng Sa không còn nhưng họ vẫn tham gia và có nhiều cống hiến to lớn trong sự nghiệp khai thác biển và bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

4.Phương thức quản lý và thực thi chủ quyền

Qua tư liệu Châu bản kết hợp với Đại Nam thực lục, Đại Nam hội điển sự lệ, phương thức hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền của nhà Nguyễn rất phong  phú và nâng cao hơn hẳn so với thời trước.

Thời hạn đi và về. Quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa ở giữa Biển Đông có nhiều gió bão nên trong điều kiện kỹ thuật thủ công, con người không thế sinh sống thường xuyên trên đảo. Vì vậy từ kinh nghiệm của cư dân đánh cá ven biển, thời chúa Nguyễn đã sớm xác lập thời gian thích hợp nhất để ra khảo sát Hoàng Sa là khoảng tháng 3 thuyền ra đảo và ở lại đó cho đến tháng 8 âm lịch, trước mùa bão tố, trở về, tức trong mùa hè - thu. Đó là thời gian tốt nhất cho hoạt động của con người trên vùng hải đảo này và cũng phù hợp với thời tiết và chế độ gió để đi và về. Chế độ gió vùng ven biển và quần đảo khá phức tạp. Nói chung, trong mùa hè, gió mùa tây-nam chiếm ưu thế rất thuận tiện cho việc từ ven bờ ra đảo, hướng gió đông, đông-bắc và bắc chỉ xuất hiện với tần suất thấp. Vào mùa đông,  gió mùa đông-bắc chiếm ưu thế, kết hợp với hướng gió đông, đông-nam, nam và tây-bắc[29]. Vì vậy thuyền phải trở về khoảng tháng 8, trước mùa giông bão và khi gió mùa tây-nam đã yếu và bắt đầu gió mùa đông-bắc.

Nhờ kinh nghiệm đi biển dày dạn của dân chài ven biển Quảng Ngãi nên các đoàn thuyền đã vượt qua sóng gió biển khơi để đi và về an toàn, nhưng không ít hiểm nguy do sự thất thường của gió bão và thuyền nhỏ yếu. Năm 1839, đoàn thuyền do phái viên Suất đội thủy binh Phạm Văn Biện cầm đầu, “bị bão sóng làm tản mát”, đầu tháng 7 “lục tục về tới kinh đô”[30]. Phái viên nói nhờ có thủy thần cứu giúp nên nhà vua sai Bộ Lễ làm lễ tạ ơn ở cửa biển Thuận An. Qua nhiều thế hệ tham gia đội Hoàng Sa và làm dân phu đi khảo sát Hoàng Sa, người  dân vùng cửa biển Sa Kỳ, nhất là đảo Lý Sơn đến nay vẫn lưu giữ trong ký ức những hình ảnh hiểm nguy của những con người ra đi không mấy khi trở về.

Từ cửa Sa Kỳ hay đảo Lý Sơn, hầu hết các tư liệu đều chép thời gian thuyền ra đảo mất khoảng 3 ngày 3 đêm. Theo một số tờ Châu bản, từ tháng 2 bắt đầu công việc chuẩn bị, điều quân, thuê thuyền, tập trung về Quảng Ngãi rồi chờ gió thuận sẽ ra khơi. Thời hạn đi và về qui định chặt chẽ là tháng 3 khởi hành và tháng 8 trở về kinh. Qua thời hạn đó là bị phạt. Nhưng cũng có năm gió không thuận cũng phải chờ và phải tâu báo về kinh. Ví dụ năm 1838, cả đoàn thuyền 4 chiếc đã chuẩn bị và có mặt tại Quảng Ngãi, binh thuyền của kinh thành ngày 21 tháng 3, thuyền và dân phu ngày 3 tháng 4, người hướng dẫn Phạm Văn Sênh ngày 9 tháng 4, nhưng phái viên nhận thấy “từ ngày 10 đến 26 tháng 4, gió đông vẫn thổi, chưa tiện ra khơi”[31] [Châu bản 13]. Phái viên của đoàn phải báo lên tỉnh, tỉnh xem xét xác nhận rồi trình lên Bộ Công để tâu lên nhà vua. Nhưng không rõ vì lý do gì trong tờ Châu bản 14 ngay sau đó, ngày 6 tháng 4 nhuận,  Bộ Công lại tâu, đoàn thuyền đã nhổ neo ra khơi tại cửa biển Sa Kỳ ngày 3 tháng 4. Tuy ngày tháng có gì đó chưa thật khớp nhưng hai tờ Châu bản cho thấy việc ra khơi quá hạn là bị kiểm tra, xem xét rất nghiêm ngặt. Còn trở về quá hạn thì trường hợp đoàn thuyền do Cai đội Phạm Văn Nguyên chỉ huy năm 1835 trở về quá hạn, đã bị Bộ Công và Bộ Hình tra hỏi, trị tội và đã bị cách chức, bắt gông. Sau nhà vua xét thấy Phạm Văn Nguyên tuy về quá hạn nhưng không phải vì tư lợi nên gia ân, tha đánh đòn 80 trượng và phục lại chức cũ [Châu bản 7,8].

Châu bản 7 [4 tờ]. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Khảo sát, đo đạc, ghi nhật ký, vẽ bản đồ. Việc đo đạc đã được thực hiện từ thời chúa Nguyễn và đầu thời Nguyễn. Nhưng đến thời Minh Mệnh công việc này được coi là nhiệm vụ trọng yếu, được tổ chức chặt chẽ và đạt nhiều tiến bộ. Đo đạc bao gồm đo độ nông sâu của đường biển và đo độ dài ngắn, rộng hẹp của các đảo, bãi cát để vẽ thành bản đồ. Công việc này vào đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn tiếp thu được một số kỹ thuật phương Tây và tiến bộ hơn trước. Trong thời gian xây dựng lực lượng ở Gia Định từ cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Ánh đã thu nạp được một số sĩ quan Pháp, trong đó có sĩ quan hải quân, công binh. Họ giúp Nguyễn Ánh kỹ thuật xây thành kiểu Vauban, đo đạc thủy trình. Thành Gia Định xây dựng năm 1790 gọi là thành Bát Quái là tòa thành xây theo kiểu Vauban đầu tiên, sau đó được mở rộng cho thành Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Kỹ thuật đo đạc thủy trình cũng được vận dụng trong việc đo đạc các cửa biển gọi là cửa tấn. Riêng về họa đồ thì nay còn lưu giữ được hai bản đồ đầu tiên do người Việt Nam vẽ theo kỹ thuật phương Tây: bản đồ Hoài Đức phủ toàn đồ do Lê Đức Lộc, Nguyễn Công Tiến vẽ năm Minh Mệnh 12 [1831] và bản đồ Hà Nội năm Tự Đức 26 [1873] do Phạm Văn Bách vẽ và Sở Địa chất Đông Dương in năm 1916. Đây là những bản đồ vẽ trên cơ sở đo đạc tại thực địa và theo những nguyên tắc họa đồ phương Tây. Nhân viên vệ Giám thành đã nắm được những kỹ thuật mới này và được nhà Nguyễn giao vẽ các bản vẽ xây dựng các kiến trúc, thành lũy trong nước và điều một số đi khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ vùng Hoàng Sa.

Yêu cầu đo đạc vẽ bản đồ từ năm 1836 được Bộ Công tâu lên nhà vua qui định rất cụ thể: “Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, tình hình hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về, dâng trình”[32]. Như vậy là phải đo đạc chu vi, kích thước các chiều, độ nông sâu từng hòn đảo, bãi cát, khảo sát cả bãi đá ngầm, tình trạng hiểm trở và thủy trình từ cửa biển trong bờ ra các đảo ấy, ước tính số dặm. Tất cả các kết quả đo đạc và hoạt động của đoàn phải ghi thành Nhật ký. Hạn chế lớn nhất của đo đạc và vẽ bản đồ thời Nguyễn so với phương Tây là chưa biết tính kinh tuyến, vĩ tuyến và xác định tọa độ.

Qua các lần khảo sát, nhân viên vệ Giám thành đo đạc, vẽ một số bản đồ Hoàng Sa. Ví dụ lần khảo sát năm 1838 có phái viên của Bộ Công là Viên ngoại lang Đỗ Mậu Thưởng và Thị vệ Lê Trọng Bá. Khi trở về, các phái viên đó báo cho Bộ Công tâu lên: “Lần này đã đến được 25 đảo của ba sở, trong đó hàng năm đã lần lượt đến là 12 đảo, chưa từng đến là 13 đảo. Theo người hướng dẫn Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 sở, lần này đến được 3 sở, còn 1 sở ở phía nam các sở trên, khoảng cách khá xa, lại vì gió Nam thổi mạnh, việc đến đó không thuận tiện, chờ gió thuận thì muộn, đợi đến năm sau lại đến đó. Lại xem 4 bản đồ đem về, 3 bức vẽ riêng, 1 bức vẽ chung, đối chiếu thì chưa thật minh bạch, cùng một bản Nhật ký cũng chưa được hoàn thiện, xin cho Bộ thần hỏi rõ ràng và sai vẽ lại cho hoàn thiện để tiến trình” [Châu bản 15]. Qua tờ Châu bản này, có thể thấy sau nhiều lần khảo sát, nhà Nguyễn đã đi đến một nhận thức bao quát về hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Trong quan niệm lúc đó, cả vùng hai quần đảo này gọi chung là “toàn xứ Hoàng Sa” [黄 沙 全 處] và phân biệt làm 4 sở [四 所 ], ba sở ở phía Bắc chắc là quần đảo Hoàng Sa ngày nay và một sở cách khá xa về phía Nam, chắc là quần đảo Trường Sa ngày nay. Các đảo phía Bắc trước đây đã đến được 12 đảo và lần này khảo sát thêm được 13 đảo, cộng 25 đảo. Công việc khảo sát được ghi chép thành Nhật ký và lần khảo sát năm 1838 đã vẽ được 4 bản đồ, trong đó có 1 bản chung và 3 bản đồ riêng, chắc là chung của 3 sở và riêng từng sở. Đây là đợt khảo sát thành công nên sau khi Bộ Công đem bản đồ tiến trình lên nhà vua đã được vua Minh Mệnh  khen thưởng. Nhà vua khen: “trải qua nhiều nơi, xem đo tường tất so với phái viên mọi lần thì có hơn” và thưởng cho phái viên Đỗ Mậu. Thưởng cùng những người tham gia áo và tiền[33].

Châu bản 15 [2 tờ]. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Tất nhiên cũng có trường hợp khảo sát, đo đạc và vẽ bản đồ không đạt yêu cầu, bị phạt. Ví dụ lần khảo sát năm 1835, nhân viên vệ Giám thành Trần Văn Tân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng vì vẽ bản đồ không được rõ ràng, bị phạt 80 trượng, nhưng chuẩn cho tha [Chân bản 7]. Lần khảo sát năm 1837, nhân viên Giám thành Trương Viết Soái khảo sát được 11 đảo và bãi cát nhưng vẽ bản đồ không chu đáo, cũng bị phạt cho về làm lính vệ Giám thành [Châu bản 12].

Ngoài bản đồ do nhân viên vệ Giám thành đạc họa, triều Nguyễn cũng có bản đồ Hoàng Sa do phương Tây vẽ. Ví như năm 1817 thuyền Ma Cao vào cửa biển Đà Nẵng, đem bản đồ Hoàng Sa dâng trình và được thưởng 20 lạng bạc[34]. Bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ thời Minh Mệnh, có thể năm 1838, thể hiện đường bờ biển và hình hài đất nước khá đúng và trên đó có hai quần đảo Hoàng Sa-TS vẽ thành một dải đảo ghi là Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa. Đấy là nhận thức tổng hợp về hai quân đảo Hoàng Sa-Trường Sa của nước Đại Nam thời Nguyễn. Rất tiếc là các bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa thời Nguyễn đã bị mất và cho đến nay chưa tìm thấy dấu vết, kể cả trong kho Châu bản triều Nguyễn.

Cắm mốc giới, dựng bia miếu. Việc cắm mốc giới còn được phản ánh trong Đại Nam thực lục chính biên và trên tờ Châu bản số 9. Tờ Châu bản này chưa tìm thấy trong kho Châu bản của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, mà được chụp từ Microfilm của Đại học Hawai và Đại học Havard của Mỹ. Bản chụp đen trắng có một số chữ và đoạn bị mờ, không đọc được nhưng có thể đối chiếu với ghi chép của Đại Nam thực lục chính biên để bổ sung. Tờ Châu bản cho biết đội khảo sát Hoàng Sa năm 1836 do Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật cầm đầu. Binh thuyền từ cửa Thuận An đến tỉnh Quảng Ngãi. Bộ Công tiếp nhận được công văn Nội các giao  cho Bộ này chuẩn bị mỗi thuyền 10 cọc gỗ gọi là mộc bài, chuyển gấp đến Quảng Ngãi giao cho đoàn khảo sát. Trên Châu bản có hai đoạn Châu phê: một đoạn chữ nhỏ bên phải chữ mộc bài ghi kích thước, độ dài, rộng, dày của mộc bài bị mờ không đọc rõ và một đoạn ghi: “Thuyền đến xứ nào tức thì dựng cọc gỗ làm mốc [某 船 到 何 處 即 樹 木 為 誌: mộ thuyền đáo hà xứ tức thụ mộc vi chí] [Châu bản 9]. Về kích thước mộc bài, Đại Nam thực lục chính biên chép rõ: Mỗi cọc gỗ dài 5 thước [2m], rộng 5 tấc [0,20m], dày 1 tấc [0,04m]. Trên cọc gỗ khắc sâu dòng chữ to: “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, Cai đội thủy quân tên họ là gì, phụng mệnh đến Hoàng Sa đo đạc, đến đây lưu dấu. Hãy tuân lệnh” [明 命十 七 年 丙 申 水 軍 該 隊 姓 名 奉 命 往 黄 沙 相 度 至 此留 誌 欽 此: Minh Mệnh thập thất niên, Bính Thân, thủy quân cai đội tính danh phụng mệnh vãn Hoàng Sa tương độ, chí thử lưu chí. Khâm thử] [Châu bản 9][35]. Đấy là cách cắm mốc giới biểu thị chủ quyền quốc gia với năm tháng chính thức của vương triều, họ tên quan chức nhà nước và cụm từ kết thúc mang tính quyền lực của Hoàng đế “Khâm thử [Hãy tuân lệnh]”.

Châu bản 9 [1 tờ]: bản trắng đen và đen trắng [hai dòng Châu phê bị mờ]. Nguồn: Ủy ban biên giới quốc gia

Nhà Nguyễn còn chủ trương trồng cây, lập miếu và dựng bia trên Hoàng Sa. Năm 1833, khi nghe Bộ Công tâu “một giải Hoàng Sa trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu”, “thuyền buôn thường bị hại” nên sai chuẩn bị sang năm phái người đến “trồng nhiều cây”, để “sau cây cối to lớn, xanh tốt, người dễ phân biệt, ngõ hầu tránh được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”[36]. Năm 1835, lại cho lập miếu và dựng bia trên Hoàng Sa. Tại đây có một cồn cát trắng, được miêu tả cây cối xanh um, chu vi 1.070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, phía tây nam trước đây có miếu cổ với tấm bia khắc 4 chữ “Vạn Lý Ba Bình” [muôn dặm sóng yên]. Bờ ba phía đông, tây, nam đều có đá san hô thoai thoải, phía bắc “giáp với một cồn cát toàn đá san hô, sừng sửng nổi lên, chu vi 340 trượng [1.360m], cao 1 trượng 3 thước [5,2m], ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than thạch”. Chính tại đây, năm trước vua Minh Mệnh định “dựng miếu, lập bia” nhưng vì sóng gió to chưa làm được và năm nay “mới sai Cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu, cách tòa miếu cổ 7 trượng [28m]. Bên tả miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong. Mươi ngày làm xong rồi về”[37]. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết thêm bia đá cao 1 thước 5 tấc [0, 60m], mặt rộng 1 thước 2 tấc [0,48m][38]. Như vậy là tòa miếu xây năm Minh Mệnh 16 [1835] xây cách tòa miếu cổ 7 trượng tức 28m. Miếu và bia cũng có giá trị như một thứ mốc chủ quyền.

Thu lượm sản vật, của cải. Vùng Hoàng Sa có nhiều sản vật như chim, cá, san hô, ốc, đồi mồi, hải sâm…mà Lê Quý Đông và các sách địa chí đã miêu tả từ thế kỷ XIII-XIX. Hai quần đảo này lại là vùng hiểm yếu, có nhiều bãi cát, đá ngầm gây tai nạn cho tàu thuyền qua lại. Một số tầu thuyền qua đây bị tai nạn, để lại một số vũ khí, của cải các loại. Tư liệu của thương nhân phương tây, của Công ty Đông Ấn Hà Lan, Công ty Đông Ấn Pháp đã ghi lại nhiều tai nạn trên quân đảo Hoàng Sa, Trường sa. Vì vậy từ thời chúa Nguyễn, đội Hoàng Sa đã thu lượm được một số hóa vật mà Lê Quý Đôn qua sổ sách của một Cai đội đội Hoàng Sa là Thuyên Đức hầu, đã ghi lại một số hóa vật thu được như, năm Nhâm Ngọ [1702]: 30 hốt [thoi] bạc, năm Giáp Thân [1704]: 5.100 cân thiếc, năm Ất Đậu [1705]: 126 hốt bạc, từ năm Kỷ Sửu [1709] đến Quý Tỵ [1713]: mỗi năm chỉ thu được một ít đồi mồi, hải sâm, cũng có năm thu được khối thiếc, bát sứ, 2 khẩu súng đồng[39]. Công việc khai thác đó được tiếp tục thời Nguyễn. Theo Châu bản 15, đoàn khảo sát năm 1838 thu được 1 đại bác bằng đồng, các loại đá san hô đỏ, các loại chim và rùa biển. Rõ ràng nguồn thu này không lớn và thất thường nên không phải là mục tiêu chủ yếu của các đoàn khảo sát Hoàng Sa. Khi về trình báo tại kinh thành, nhà nước chỉ giữ lại súng đại bạc, của cải quý, còn các sản vật khác thường trả lại cho dân phu.

Cứu hộ thuyền buôn nước ngoài. Hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa với những đảo và bãi cát, bãi đá ngầm thường gây tai nạn cho những tàu thuyền qua đây. Điều đó đã được ghi nhận qua nhiều tư liệu từ thời chúa Nguyễn và tư liệu của nước ngoài. Châu bản ghi lại một số trường hợp tàu nước ngoài bị nạn tại Hoàng Sa đã được chính quyền nhà Nguyễn tổ chức cứu hộ.

Có 4 Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh 11 [1830][40] ghi lại và miêu tả khá cụ thể một tàu buôn của Pháp bị nạn ở Hoàng Sa Theo lời tâu của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng tên là Nguyễn Văn Ngự thì đây là một thuyền buôn của chủ tàu Pháp tên là Đô-ô-chi-ly, tài phó là Y-đóa, chở một phái viên của triều đình là Lê Quang Quỳnh, đi sang Lữ Tống tức Luzon của Philippines buôn bán. Ngày 20 thuyền rời bến thì ngày 27 thấy tài phó Y-đóa và 11 thủy thủ trở về trên một thuyền nhẹ, cho biết ngày 21 thuyền qua phía tây Hoàng Sa bị mắc cạn, nước ngập hơn 8 thước [3, 2m], còn chủ thuyền và phái viên đem 2 hòm bạc cùng 15 thủy thủ lên một thuyền khác đi sau. Được tin, Thủ ngự Đà Nẵng đã “lập tức cho thuyền tuần tiễu ở cửa tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm” [Châu bản 1, 2]. Sau đó, Thủ ngự của biển Đà Nặng lại tâu: “Thần lập tức điều động và sức cho thuyền tuần tiễu ở cửa tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm bọn phái viên, bảo vệ, đưa họ về cửa tấn” [Châu bản 3, 4][41]. Kết quả thuyền tuần tiễu đã gặp và đưa thuyền của chủ thuyền cùng phái viên và 15 thủy thủ về cửa tấn, người và của cải đều an toàn.

Châu bản 1 [2 tờ]. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Một trường hợp cứu hộ thứ hai được chép lại trong Đại Nam thực lục, chưa tìm thấy Châu bản. Năm 1836, một thuyền buôn của Anh Cát Lợi đi qua Hoàng Sa bị mắc cạn và vỡ đắm, hơn 90 người bám vào ván thuyền trôi dạt vào bờ biển Bình Định. Vua Minh Mệnh nghe tin, giao cho tỉnh thần lo cho nơi trú ngụ, cấp tiền gạo, lại phái Thị vệ thông ngôn đến thăm hỏi, ban cho thuyền trưởng, đầu mục mỗi người 1 áo đoạn vũ hàng màu, 1 quần vải tây, 1 chăn vải, người tùy tùng mỗi người 1 bộ quần áo vải mầu, rồi sai phái viên đã từng sang Tây phương là Nguyễn Tri Phương, Vũ Văn Giải đem họ đến Hạ Châu[42] cho về nước. Sự cứu giúp đó làm cho họ rất cảm kích[43].

III.Mấy nhận xét tổng hợp

Từ thế kỷ XVII, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam và chính quyền các chúa Nguyễn rồi Tây Sơn đã thực sự nắm quyền quản lý và thực thi chủ quyền. Sang thời Nguyễn, các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này được tổ chức đều đặn và nâng lên một trình độ mới. Qua nghiên cứu 18 tờ Châu bản kết hợp với những tư liệu lịch sử đương thời, có thể rút ra mấy nhận xét mang tính kết luận sau:

  1. Do nhận thức sâu sắc về vị thế quan trọng của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lúc đó gọi chung là xứ Hoàng Sa, là “cương giới trên biển”, “cương giới trên biển nước ta, xứ Hoàng Sa là tối trọng yếu” nên nhà Nguyễn nâng công việc quản lý và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này lên tầm quốc gia, đặt dưới sự tổ chức và điều hành của triều đình do nhà vua trực tiếp chỉ đạo và phê duyệt. Đó là một nhận thức sâu sắc và thái độ trách nhiệm cao của nhà Nguyễn đối với chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
  2. Lực lượng khảo sát và thực thi chủ quyền chuyển từ đội Hoàng Sa mang tính dân binh sang quân đội thường trực của nhà nước lấy thủy binh và vệ Giám thành do triều đình điều động làm chủ lực, kết hợp với chế độ thuê thuyền và dân phu làm nghề đánh cá ven biển vùng Quảng Ngãi và tỉnh lân cận. Cửa biển Sa Kỳ và đảo Lý Sơn là nơi tập kết lực lượng và xuất phát của các cuộc khảo sát Hoàng Sa, cũng là nơi tuyển chọn dân phu làm thủy thủ, lái thuyền, người hướng dẫn.
  3. Các đội thuyền ra quản lý và khảo sát Hoàng Sa thường khoảng từ ba thuyền đến sáu thuyền gồm binh thuyền của thủy quân và thuyền thuê của dân cùng binh lính và dân phu, khởi hành từ tháng 3, trở về khoảng tháng 8 âm lịch, trước mùa mưa bão và đi về thuận gió. Các Bộ Binh, Bộ Công, Bộ Hộ và Nội các của triều đình cùng tỉnh Quảng Ngãi và lân cận lo chuẩn bị chu đáo các đợt khảo sát và phải tâu lên nhà vua phê duyệt.
  4. Nội dung quản lý và thực thi chủ quyền bao gồm các hoạt động: đo đạc thủy trình; đo đạc và vẽ bản đồ các đảo, bãi cát; ghi chép Nhật ký; cắm cột mốc chủ quyền; trồng cây; xây miếu, dựng bia, thu lượm các sản vật và các thứ vũ khí, của cải do các tàu thuyền bị đắm để lại.
  5. Chế độ điều quân đội và thuê dân phu, thuyền của dân cũng như thưởng phạt sau mỗi chuyến khảo sát được qui định rõ ràng, vừa nghiêm khắc đề cao nhiệm vụ công sai, vừa ưu ái đối với binh lính, dân phu và những người đạt hiệu quả cao.
  6. Những nội dung quản lý và thực thi chủ quyền như trên không chỉ phản ánh trên Châu bản mà cả trong nhiều loại tư liệu khác, trong đó có các bộ chính sử, hội điển, địa chí của vương triều và những bản đồ cổ, những bộ sử của tư nhân. Tất cả tạo nên một hệ thống chứng cứ vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thời Nguyễn. Trong hệ thống tư liệu đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh giá trị và vai trò của Châu bản. Đây là loại văn thư mang tính quốc gia có dấu “Ngự phê”, “Ngự lãm” màu đỏ của Hoàng đế nhà Nguyễn cùng các loại dấu ấn của Hoàng đế và các cơ quan của triều đình, của chính quyền các cấp. Bản thân Châu bản là những văn bản mang tính pháp lý cao nhất của quốc gia theo chế độ quân chủ tập quyền. Vì vậy những tờ Châu bản triều Nguyễn mang nội dung về các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là những chứng cứ mang giá trị kép, vừa lịch sử, vừa pháp lý, những chứng cứ có sức thuyết phục cao và không thể tranh cãi.

* Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 8, năm 2014.

[1] Đại Nam thực lục, T 19, tr.350. Từ đây viết tắt ĐNTL.

[2] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, Huế 1973, T.2, tr.61. Từ đây viết tắt    KĐĐNHĐSL.

[3] Biên bản bàn giao ngày 12 tháng 11 năm 1991 [căn cứ Quyết định số 2680/KG ngày 17/8/1991 của Hội đồng Bộ trưởng và Quyết định số 97/CLT ngày 02/11/1991 của Cục Lưu trữ nhà nước] toàn bộ Châu bản được chuyển từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tại tp.HCM ra Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tại Hà Nội, biên bản bàn giao gồm 602 tập thống kê cũ, 137 tập  rời mới đóng, 17 tập châu bản triều Bảo Đại [tiếng Việt], 4 bó tài liệu rời lẻ, 15 tập châu bản kết dính.

[4] Trần Kinh Hòa, Giới thiệu về Châu bản triều Nguyễn, trong Mục lục Châu bản triều Nguyễn, T.1, Viện Đại học Huế, 1960, tr. 9.

[5] Phan Huy Lê, Châu bản triều Nguyễn và Châu bản năm Minh Mệnh 6-7 [1825-1826, trong Mục lục Châu bản triều Nguyễn, T.I; Tìm về cội nguồn, Nxb Thế giới, Hà Nội 2011, tr. 251-297.

[6] Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước-Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn, Nxb Hà Nội, 2013.

[7] Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2013, tr. 14-29. Tác giả sử dụng theo website: //biengioilanhtho.gov.vn của Ủy ban biên giới quốc gia. Tờ 12 ghi nhầm ngày 26-1 thành 20-1, tôi đính chính.

[8] Ủy ban Biên giới quốc gia, Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Tri thức, Hà Nội 2013. Trong bản trên, ghi xuất xứ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 là Q tức quyển. Nhưng thực ra ký hiệu của cơ  quan lưu trữ này gọi là Tập không phải Quyển.

[9] Khi nghiên cứu Châu bản triều Nguyễn và viết bài khảo cứu này, tôi đã nhận được sự cộng  tác và hỗ trợ nhiệt tình của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Xin chân thành cảm ơn!

[10] Trong bài viết này, khi trích dẫn tôi ghi Châu bản và số văn bản theo bảng 5, ví dụ: Châu bản 7 hay Châu bản, văn bản 7. Tôi tham khảo các bản dịch đã công bố, nhưng khi sử dụng và trích dẫn, đều đối chiếu với nguyên bản và chỉnh sửa theo nhận thức của tôi.

[11] ĐNTL, Sđd, T. 1, tr. 898, 922.

[12] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Q. 221-26a.

[13] Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2499-43b.

[14] Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông, Nxb Khoa học xã  hội, Hà Nội 2014, tr. 380, 386.

[17] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1977, tr.119. Dịch giả dịch “hoàng sa chử” là “bãi cát vàng” theo nghĩa danh từ chung. Theo tôi đây là tên riêng, nên dịch là “bãi Hoàng Sa” chỉ đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng sa.

[18] ĐNTL, Sđd, T. 3, tr. 743

[19] ĐNTL, Sđd, T. 1, tr. 222; Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, T. 1, tr.119.

[20] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, T. 1, tr.119-120.

[21] KĐĐNHĐSL, Sđd, T.9, tr. 17, 201; ĐNTL, Sđd, T. 2, tr. 923.

[22] KĐĐNHĐSL, Sđd, T.9, tr. 205-207.

[23] Câu văn như sau: “侍 衛 欽 天 監 城 及 水 師 兵 船: Thị vệ Khâm thiên Giám thành cập thủy sư binh thuyền” [Châu bản 13]. Có thể hiểu và chấm câu như sau: “Thị vệ, Khâm thiên, Giám thành cập thủy sư binh thuyền” nghĩa là: Thị vệ [của Bộ Công], Khâm thiên [giám], [vệ] Giám thành và binh thuyền thủy quân.

[24] Đơn vị đo chiều dài thời Nguyễn là thước lúc đầu đặt thước riêng, từ năm Gia Long 9 [1810] trở lại thước thời Lê, 1 thước = 0,40 m, 1 trượng = 10 thước = 4m.

[25] ĐNNTC, Sđd, T1, tr.422-423. Quảng Ngãi có 5 cửa biển là: cửa Sa Kỳ là cửa sông Sa Kỳ, huyện Bình Sơn; cửa Thái Cần là cửa sông Trà Bồng đổ ra Vũng Quýt hay Dung Quất, huyện Bình Sơn; cửa Đại [hay Cổ Lũy hay Đại Cổ Lũy] là cửa sông Trà Khúc và sông Vệ, huyện Tư Nghĩa; cửa Mỹ Á là cửa sông Trà Câu, huyện Mộ Đức nay là huyện Đức Phổ và cửa Sa Huỳnh là cửa đầm Nước Mặn, huyện Đức Phổ.

[26] ĐNTL, Sđd, T1, tr. 922

[27] Câu văn như sau: “侍 衛 欽 天 監 城 及 水 師 兵 船 : Thị vệ Khâm thiên Giám thành cập thủy sư binh thuyền...” [Châu bản 13]. Có thể hiểu là: “Thị vệ, Khâm thiên, Giám thành cập thủy sư binh thuyền” nghĩa là: Thị vệ, [Bộ Công], Khâm thiên [giám], [vệ] Giám thành và binh thuyền thủy quân.

[28] Nguyễn Thông, Việt sử thông giám cương mục khảo lược, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội    2009, tr. 138.

[29] Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, Kỷ yếu Hoàng Sa, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội 2014, tr. 21-22.

[30] ĐNTL, Sđd, T 5, tr. 532

[31] Châu bản 13 bị mất một chữ và thiếu nét một chữ: …自 四 月 初 十 日 至 二 十 六 日 東[風?] [?] 發 未 便 放 洋 : …tự tứ nguyệt sơ thập nhật chí nhị thập lục nhật, đông [phong?] [ ? ] phát, vị tiện phóng dương. Tạm dịch như trên.

[32] ĐNTL, Sđd, T. 4, tr. 867. Nội dung tương tự cũng được chép trong KĐĐNHĐSL, Q.221- 26b.

[33] ĐNTL, Sđd, T. 5, tr. 355; xem thêm KĐĐNHĐSL, Q.194-7, 8a.

[34] ĐNTL, Sđd, T.1, tr. 950

[35] Câu này trong ĐNTL [T.4, tr. 867] chép như sau: “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, Chánh đội trưởng Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc, đến đây lưu lại những chữ này” [明 命十 七 年 丙 申 水 軍 正隊 長 率 隊 笵 有日奉 命往 黄 沙 相 度 至 此 留 誌 等 字 : Minh Mệnh thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ, chí thử lưu chí đẳng tự].

[36] ĐNTL, Sđd, T.3, tr. 743

[37] ĐNTL, Sđd, T. 4, tr. 673; xem thêm KĐĐNHĐSL, Q.154-4b.

[38] KĐĐNHĐSL, Q.207-26a.

[39] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, T.1, tr. 120.

[40] Trong 4 văn bản ghi cùng ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh 11 [1830]: Bản 1 là nguyên bản có đủ dấu và chữ Châu phê “Lãm” [Đã xem] và dấu “Ngự tiền chi bảo” Bản 2 là bản do Nội các sự vụ Thị lang là Hà Tông Quyền và Trương Đăng Quế phụng sao từ bản 1 gửi cho thuyền buôn, chữ Châu phê “Lãm” chép lại bằng mực đen.

[41] Bản 3 là nguyên bản cũng có đủ dấu và chữ Châu phê “Lãm” [Đã xem] và dấu “Ngự tiền chi bảo”. Bản 4 là bản sao từ bản 3 gửi cho thuyền buôn như trường hợp bản 2.

[42] Hạ Châu là Miền Dưới, thế kỷ XIX chỉ vùng Nam Dương quần đảo tức vùng Đông Nam Á hải đảo ngày nay, nơi cụ có thể là Tân Gia Ba tức Singapore hay Giang Lưu Ba tức Batavia, nay là Jakarta, Indonesia.

[43] ĐNTL, Sđd, T. 4, tr. 1058. Xem KĐĐNHĐSL, Q. 176-1a, 1b.

Video liên quan

Chủ Đề