Chứng chỉ đại lý thuế tiếng Anh là gì

Chứng chỉ hành nghề đại lý thuế là gì? Tầm quan trọng của chứng chỉ đại lý thuế? Thi chứng chỉ đại lý thuế có khó không? Nội dung thi và thủ tục hồ sơ thi cấp chứng chỉ đại lý thuế cụ thể như thế nào? Đây là những câu hỏi được các kế toán, kế toán dịch vụ đang làm thủ tục kê khai thuế cho doanh nghiệp với tư cách cá nhân, pháp nhân quan tâm. Bài viết xin được trình bày những quy định về chứng chỉ hành nghề đại lý thuế và giải đáp những câu hỏi trên. 

Hình 1: Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế

1. Một số khái niệm về đại lý thuế và chứng chỉ hành nghề đại lý thuế

1.1. Đại lý thuế, vai trò của đại lý thuế

Đại lý thuế là doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế. 

Theo khoản 2 Điều 104 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, Đại lý thuế có quyền, nghĩa vụ sau đây:

  • Thực hiện các dịch vụ với người nộp thuế theo thỏa thuận trong hợp đồng;
  • Tuân thủ quy định của Luật quản lý thuế, pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan trong hoạt động hành nghề dịch vụ thuế;
  • Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm trước người nộp thuế về nội dung dịch vụ đã cung cấp.

1.2. Dịch vụ làm thủ tục về thuế

Dịch vụ làm thủ tục về thuế là hoạt động của đại lý thuế, thực hiện các dịch vụ quy định tại khoản 1, Điều 104 Luật Quản lý thuế theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết với người nộp thuế. Trong đó gồm có:

  • Dịch vụ về thuế, bao gồm: Thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, lập hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế và các thủ tục về thuế khác thay người nộp thuế; Dịch vụ tư vấn thuế.
  • Dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ
  • Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ khi có ít nhất một người có chứng chỉ kế toán viên. 
  • Doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/08/2021 như sau: 
Doanh nghiệp Siêu nhỏ
Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người; và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người; và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

1.3. Nhân viên đại lý thuế, tiêu chuẩn là nhân viên đại lý thuế

Nhân viên đại lý thuế là người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế do Tổng cục Thuế cấp, làm việc tại đại lý thuế và được Cục Thuế thông báo đủ điều kiện hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Nhân viên đại lý thuế phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

Hình 2: Các tiêu chuẩn phải có của nhân viên đại lý thuế

Nhân viên đại lý thuế được đăng ký hành nghề thông qua đại lý thuế. 

Lưu ý: tại một thời điểm, người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế chỉ được hành nghề tại 01 đại lý thuế.

1.4. Chứng chỉ hành nghề đại lý thuế

Chứng chỉ hành nghề đại lý thuế (hay chứng chỉ đại lý thuế) có tên đầy đủ là Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, đây là chứng chỉ do Tổng cục Thuế cấp cho người vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, kỳ thi này gồm môn pháp luật về thuế và môn kế toán. Mỗi đại lý thuế có ít nhất 2 nhân viên có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế là điều kiện bắt buộc để đại lý thuế được hoạt động.

Lưu ý: Người có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc chứng chỉ kế toán viên do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định thì được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế mà không phải tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế (Theo khoản 2 Điều 105 Luật quản lý thuế).

2. Tầm quan trọng của chứng chỉ hành nghề đại lý thuế

  • Có chứng chỉ hành nghề đại lý thuế là điều kiện để doanh nghiệp làm trong lĩnh vực dịch vụ thuế được cấp giấy xác nhận hoạt động. Vì đại lý thuế muốn hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán – thuế cần có giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, điều kiện cấp giấy xác nhận này cụ thể như sau:
  • Là doanh nghiệp đã được thành lập theo quy định của pháp luật;
  • Có ít nhất 02 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp;
  • Có ít nhất 01 nhân viên đại lý thuế có chứng chỉ kế toán viên làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp đối với trường hợp đăng ký cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.
  • Là điều kiện bắt buộc để có thể trở thành nhân viên đại lý thuế; Cho phép hành nghề dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ;
  • Đây là chứng chỉ giá trị giúp người sở hữu khẳng định được năng lực về kế toán, kiểm toán và pháp luật về thuế; giúp nâng tầm kiến thức, nâng cao giá trị bản thân, từ đó giúp có nhiều cơ hội hơn trong nghề nghiệp;
  • Được công nhận có đủ trình độ làm việc cho nhà nước và các doanh nghiệp để hoàn thành các thủ tục về thuế theo đúng quy định, đây là việc mà các doanh nghiệp lớn nhỏ đều coi trọng; 
  • Cơ hội việc làm rộng mở, cơ hội trở thành kế toán trưởng, chuyên gia tư vấn thuế chuyên nghiệp, giúp cho thu nhập tăng lên xứng đáng.

Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kế toán – thuế thuê ngoài cũng cần lưu ý về điều kiện có giấy xác nhận khi ký hợp đồng dịch vụ. Hiện nay, Tổng cục thuế công khai danh sách về đại lý thuế nên doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động kiểm tra, gồm có:

  • Đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế;
  • Bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế;
  • Bị thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế.

3. Thi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế có khó không?

Hình 3: Tại sao thi chứng chỉ hành nghề Đại lý thuế lại khó?

Thi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế là khó, bởi vì:

  • Yêu cầu về kiến thức: Đòi hỏi đòi hỏi người dự thi phải có kiến thức sâu, rộng về kế toán và pháp luật về thuế;
  • Tầm quan trọng của chứng chỉ: Mỗi đại lý thuế phải có ít nhất 02 người được cấp chứng chỉ này, chứng minh về năng lực của người sở hữu;
  • Quy định khắt khe về đối tượng dự thi: Không phải bất cứ ai cũng có thể tham gia thi, phải là những người đã được đào tạo bài bản về chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực kế toán, và phải có kinh nghiệm nhiều năm đi làm thực tế;
  • Quy định về điều kiện dự thi rất chặt chẽ, phải đáp ứng về năng lực hành vi dân sự; Bằng cấp, chuyên môn; Kinh nghiệm, thời gian công tác thực tế; Hồ sơ đầy đủ theo quy định;
  • Quy định về kỳ thi: Hiện nay mỗi năm tổ chức thi 1 lần, có nhiều yêu cầu về hồ sơ dự thi cần đúng đủ, bỏ thi không được hoàn phí dự thi đã nộp;
  • Thiếu tài liệu ôn thi chuẩn mực: Tài liệu ôn thi nhiều và rộng, đề thi thường bao quát rất nhiều vấn đề liên quan, việc ôn thi vẫn còn gặp nhiều khó khăn do vừa làm vừa học;
  • Do chưa có phương pháp ôn thi hiệu quả: Người dự thi cần lên kế hoạch ôn tập từng phần kiến thức, nếu không tự ôn được thì nên tìm đến các khóa ôn luyện.

4. Phân biệt chứng chỉ hành nghề đại lý thuế và chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán CPA

Chứng chỉ đại lý thuế Chứng chỉ CPA
Điều kiện thi Có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành trở lên; Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng Có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành trở lên; Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng
Nội dung thi Thi 2 môn: Pháp luật về Thuế;  Kế toán – Thi chứng chỉ kế toán viên gồm 4 môn:  Pháp luật về kinh tế và luật doanh nghiệp;  Tài chính và quản lý tài chính nâng cao; Thuế và quản lý thuế nâng cao; Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao– Thi chứng chỉ kiểm toán viên thi thêm 3 môn: Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao; Phân tích hoạt động tài chính nâng cao;  Ngoại ngữ trình độ C của 1 trong 5 ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức
Ứng dụng của chứngchỉ
  • Có thể mở đại lý thuế cung cấp các thủ tục về thuế cho doanh nghiệp khi có đủ 2 thành viên được cấp chứng chỉ
  • Cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ
– Có thể đăng ký hành nghề kế toán, kiểm toán– Mở công ty dịch vụ kế toán; mở công ty kiểm toán– Có thể làm đơn cấp chứng chỉ Đại lý thuế
Hình thức thi Trên giấy hoặc trên máy tính dưới hình thức thi viết hoặc trắc nghiệm trong thời gian từ 60 phút – 180 phút tùy thuộc hình thức thi Thi viết mỗi môn thi trên giấy trong thời gian 180 phút; môn thi ngoại ngữ thời gian làm bài là 120 phút
Tần suất tổ chức Mỗi năm tổ chức ít nhất 01 kỳ thi Tổ chức ít nhất mỗi năm một kỳ thi thường vào quý III hoặc quý IV
Tổ chức cấp chứng chỉ Tổng cục Thuế cấp Bộ tài chính cấp
Thông tư áp dụng Thông tư số 10/2021/TT-BTC ngày 26/01/2021 Thông tư số 91/2017/TT-BTC ngày 31/08/2017

5. Nội dung thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế và miễn môn thi

 5.1. Nội dung thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế:

a) Môn pháp luật về thuế

Nội dung thi bao gồm: Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành về quản lý thuế, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, các loại thuế khác; phí và lệ phí thuộc Ngân sách nhà nước.

b) Môn kế toán

Nội dung thi bao gồm: Luật Kế toán, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác về kế toán.

* Ngôn ngữ sử dụng trong các kỳ thi là tiếng Việt

* Hình thức thi: Bài thi được thực hiện trên giấy hoặc trên máy tính dưới hình thức thi viết hoặc thi trắc nghiệm; thời gian cho mỗi môn thi tùy thuộc vào hình thức thi, từ 60 phút đến 180 phút. 

Ví dụ: Hình thức thi năm 2022 là thi viết kết hợp trắc nghiệm trên giấy, thời gian làm bài là 150 phút/môn thi

 5.2. Miễn môn thi

a. Miễn môn thi pháp luật về thuế 

Đối với người dự thi đã có thời gian làm việc trong ngành thuế đáp ứng các điều kiện sau:

– Có thời gian 60 tháng liên tục tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc, giữ ngạch chuyên viên, kiểm tra viên thuế, chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) và có thời gian làm công tác quản lý thuế hoặc giảng dạy nghiệp vụ thuế tối thiểu 36 tháng (được tính cộng dồn trong 05 năm làm việc đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc);

– Không bị kỷ luật hành chính trong thi hành công vụ từ hình thức khiển trách trở lên trong thời gian 24 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc;

– Đăng ký xét miễn môn thi trong thời gian 36 tháng kể từ tháng nghỉ hưu, nghỉ việc.

b) Miễn môn thi kế toán 

Đối với người dự thi nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

– Người đã tốt nghiệp đại học, sau đại học thuộc ngành, chuyên ngành kế toán, kiểm toán và có thời gian làm kế toán, kiểm toán 60 tháng liên tục trở lên tính đến thời điểm đăng ký xét miễn môn thi. Thời gian làm kế toán, kiểm toán được tính sau khi tốt nghiệp đại học, sau đại học thuộc ngành, chuyên ngành kế toán, kiểm toán đến thời điểm đăng ký xét miễn môn thi.

– Người đã đạt yêu cầu môn thi kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao và còn trong thời gian bảo lưu tại kỳ thi cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên do Bộ Tài chính tổ chức.

c) Miễn môn thi pháp luật về thuế và môn thi kế toán 

Đối với người đáp ứng một trong các điều kiện sau:

  • Người có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc chứng chỉ kế toán viên do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định.
  • Người đã có thời gian làm việc trong ngành thuế tối thiểu 10 năm liên tục tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc, đáp ứng các điều kiện sau:
  • Đã giữ ngạch chuyên viên, kiểm tra viên thuế, chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) tối thiểu 10 năm hoặc có ngạch chuyên viên chính, kiểm tra viên chính, chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) trở lên và có thời gian làm công tác quản lý thuế hoặc giảng dạy nghiệp vụ thuế tối thiểu 60 tháng (được tính cộng dồn trong 10 năm làm việc đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc);
  • Không bị kỷ luật hành chính trong thi hành công vụ từ hình thức khiển trách trở lên trong thời gian 24 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc.
  • Đăng ký xét miễn môn thi trong thời gian 36 tháng kể từ tháng nghỉ hưu, nghỉ việc.

6. Thi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế 

Kỳ thi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế được Tổng cục Thuế tổ chức hàng năm, mỗi năm tổ chức ít nhất 01 kỳ thi. Thời gian, địa điểm thi sẽ được Hội đồng thi thông báo chính thức trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và ít nhất trên 01 phương tiện thông tin đại chúng trước ngày thi ít nhất 45 ngày.

Ví dụ: 

Thời gian thi năm 2022 đã được thông báo vào ngày 17/02/2022, ngày thi dự kiến 15/5/2022 (Chủ nhật)

– Địa điểm thi năm 2022: Miền Bắc là thi tại Hà Nội và miền Nam là thi tại Thành phố Hồ Chí Minh; hội đồng thi sẽ thông báo địa điểm thi, lịch thi cụ thể trước ngày thi ít nhất 15 ngày.

6.1. Điều kiện dự thi chứng chỉ hành nghề thuế

Người dự thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế là người Việt Nam hoặc người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên, phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Điều kiện về bằng cấp, chuyên môn: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc ngành, chuyên ngành kinh tế, thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành khác mà có tổng số đơn vị học trình hoặc tín chỉ hoặc tiết học của các môn học kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, phân tích hoạt động tài chính từ 7% trở lên trên tổng số học trình hoặc tín chỉ hoặc tiết học cả khóa học;
  • Điều kiện về kinh nghiệm, thời gian công tác thực tế: Có thời gian công tác thực tế về thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên. Thời gian công tác thực tế được tính cộng dồn từ thời gian tốt nghiệp ghi trên bằng đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi;
  • Điều kiện về hồ sơ đầy đủ, đúng theo quy định: Nộp đầy đủ hồ sơ dự thi, chi phí dự thi theo quy định.

6.2. Hồ sơ dự thi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế

 Người đăng ký dự thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế gửi hồ sơ dự thi đến hội đồng thi qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, bao gồm:

a. Đơn đăng ký dự thi theo Mẫu 1.1:

Hình 4: Đơn đăng ký dự thi theo Mẫu 1.1

b. Bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học theo quy định: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc ngành, chuyên ngành kinh tế, thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành khác mà có tổng số đơn vị học trình hoặc tín chỉ hoặc tiết học của các môn học kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, phân tích hoạt động tài chính từ 7% trở lên trên tổng số học trình hoặc tín chỉ hoặc tiết học cả khóa học;

Nếu bằng tốt nghiệp không thuộc ngành, chuyên ngành kinh tế, thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, người dự thi phải nộp kèm bản scan bảng điểm ghi rõ số đơn vị học trình hoặc tín chỉ hoặc tiết học của tất cả các môn học;

c. Giấy xác nhận thời gian công tác theo Mẫu 1.2:

Hình 5: Giấy xác nhận thời gian công tác theo Mẫu 1.2

 Hoặc bản scan sổ bảo hiểm xã hội chứng minh thời gian công tác theo quy định:  Có thời gian công tác thực tế về thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên. Thời gian công tác thực tế được tính cộng dồn từ thời gian tốt nghiệp ghi trên bằng đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi;

d. Bản scan chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) trong trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đưa vào vận hành hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) còn hiệu lực đến thời điểm đăng ký dự thi;

đ. File ảnh một ảnh màu 3×4 cm nền trắng chụp trong thời gian 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự thi;

e. Chứng từ nộp chi phí dự thi (file ảnh hoặc bản scan).

  • Trường hợp đăng ký thi tiếp môn thi chưa thi hoặc thi lại môn thi chưa đạt yêu cầu, người dự thi gửi hồ sơ dự thi đến hội đồng thi qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gồm các tài liệu quy định sau đây:

Đơn đăng ký dự thi theo Mẫu 1.1

– Bản scan chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) trong trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đưa vào vận hành hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) còn hiệu lực đến thời điểm đăng ký dự thi; (nếu có thay đổi so với lần thi trước)

– File ảnh một ảnh màu 3×4 cm nền trắng chụp trong thời gian 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự thi.

Danh sách người dự thi (họ và tên, ngày sinh, số báo danh, môn thi tham dự, địa điểm thi) và các thông tin khác có liên quan được hội đồng thi đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trước ngày thi ít nhất 15 ngày

  • Trường hợp đối với người có môn thi được miễn thì phải gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế được nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến Tổng cục Thuế:

a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế theo Mẫu 1.3

Hình 6: Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế theo Mẫu 1.3

b) Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (đối với người Việt Nam) trong trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đưa vào vận hành hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) còn hiệu lực đến thời điểm nộp hồ sơ;

c) Một ảnh màu 3×4(cm) nền trắng chụp trong thời gian 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ;

d) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được miễn môn thi, nộp một trong các giấy tờ sau:

+ Giấy xác nhận thời gian công tác theo Mẫu 1.2;

+ Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, sổ bảo hiểm xã hội;

+ Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận điểm thi;

+ Bản sao có chứng thực chứng chỉ kiểm toán viên hoặc chứng chỉ kế toán viên.

6.3. Chi phí dự thi chứng chỉ hành nghề thuế

Người dự thi phải nộp chi phí dự thi theo thông báo của hội đồng thi. Chi phí dự thi được nộp bằng tiền mặt hoặc thông qua thanh toán điện tử theo hướng dẫn của hội đồng thi. Trường hợp người dự thi đã nộp chi phí dự thi nhưng bỏ thi thì không được hoàn trả lại khoản chi phí đã nộp. 

Ví dụ: Chi phí dự thi năm 2022600.000 đồng/01 môn đăng ký dự thi. Người dự thi được hoàn trả chi phí dự thi đã nộp trong trường hợp hội đồng thi thông báo không đủ điều kiện dự thi.

6.4. Kết quả thi

Hội đồng thi công bố kết quả thi, kết quả phúc khảo trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và gửi kết quả điểm thi, điểm phúc khảo cho người dự thi qua thư điện tử theo địa chỉ mà người dự thi đã đăng ký trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi hoặc ngày hết hạn nhận đơn đề nghị phúc khảo:

Môn thi đạt yêu cầu: Là môn thi đạt từ 50 điểm trở lên theo thang điểm 100 hoặc đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10.

Phúc khảo kết quả thi: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả thi, người dự thi có quyền làm đơn đề nghị phúc khảo bài thi gửi Hội đồng thi.

Bảo lưu kết quả thi: các môn thi đạt yêu cầu được bảo lưu 36 tháng tính từ tháng công bố kết quả thi, kết quả phúc khảo.

Tổng cục Thuế cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế theo Mẫu 1.4 trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày công bố kết quả thi chính thức hoặc ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện cấp chứng chỉ, Tổng cục Thuế trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Chứng chỉ được nhận trực tiếp tại Tổng cục Thuế hoặc gửi đến người được cấp qua dịch vụ bưu chính công ích.

Hình 7: Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế

MISA AMIS hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn nắm được các vấn đề về chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Chúc các bạn thành công và đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi!

Người viết: NLTH