Cưỡng chế hình sự, cưỡng chế hành chính.

Cưỡng chế hành chính là một nhóm có tính độc lập trong hệ thống cưỡng chế nhà nước nói chung. Cưỡng chế hành chính cùng với các nhóm cưỡng chế hình sự, cưỡng chế dân sự và cưỡng chế kỷ luật hình thành nên hệ thống cưỡng chế nhà nước. Cưỡng chế hành chính là một hiện tượng pháp lý có tính độc lập, nó có những đặc điểm riêng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định đặc điểm của cưỡng chế hành chính gồm: quan niệm về phạm vi các nhóm của cưỡng chế hành chính; bản chất xã hội và đặc điểm của vi phạm hành chính; mối quan hệ chặt chẽ với đặc điểm của quan hệ xã hội được bảo vệ. Ngoài ra còn các yếu tố khác liên quan tới việc xem xét đặc điểm của cưỡng chế hành chính như: đặc điểm phương pháp điều chỉnh của luật hành chính, các yêu cầu về tổ chức và hoạt động của quản lý hành chính, .v.v...

Từ việc xem xét các yếu tố trên cho thấy, cưỡng chế hành chính có những đặc điểm sau:

Một là, cưỡng chế hành chính là loại cưỡng chế được áp dụng và thực hiện trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Đặc điểm này phân biệt nó với các loại cưỡng chế nhà nước khác như cưỡng chế hình sự tác động trong lĩnh vực tội phạm và hình phạt, cưỡng chế dân sự áp dụng trong lĩnh vực của những vi phạm các quan hệ tài sản và nhân thân phi tài sản. Cưỡng chế kỷ luật mặc dù cũng được áp dụng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, nhưng chỉ áp dụng trong lĩnh vực vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức và các quan hệ lao động khác có tính chất nội bộ trong các cơ quan, tổ chức.

Hai là, cưỡng chế hành chính bảo vệ trên phạm vi rộng các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi nhiều ngành luật khác nhau: hành chính, đất đai, dân sự, lao động... Cưỡng chế hình sự cũng bảo vệ ở phạm vi rộng các quan hệ xã hội tương tự như cưỡng chế hành chính, nhưng các quan hệ xã hội do hai loại cưỡng chế này bảo vệ không phải luôn trùng nhau. Có những quan hệ xã hội chỉ là đối tượng bảo vệ riêng của cưỡng chế hành chính hay hình sự. Nhìn toàn bộ, phạm vi các quan hệ xã hội được cưỡng chế hành chính bảo vệ rộng hơn so với cưỡng chế hình sự.

- Ba là, cưỡng chế hành chính chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan, người có thẩm quyền quản lý hành chính. Cưỡng chế hình sự do các cơ quan tư pháp áp dụng. Cưỡng chế dân sự do tòa án và cơ quan thi hành án dân sự áp dụng. Cưỡng chế kỷ luật cũng do nhiều cơ quan nhà nước khác nhau áp dụng, trong đó có các cơ quan quản lý hành chính, nhưng giữa chủ thể có thẩm quyền cưỡng chế kỷ luật và người bị kỷ luật có mối quan hệ tổ chức bên trong. Nói chung, số lượng chủ thể áp dụng cưỡng chế kỷ luật nhiều hơn chủ thể áp dụng cưỡng chế hành chính.

Tuy nhiên, ngoài các cơ quan, người có thẩm quyền quản lý hành chính, tòa án cũng có thẩm quyền áp dụng cưỡng chế hành chính trong những trường hợp nhất định như xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gây rối trật tự phiên tòa; quyết định áp dụng một số biện pháp xử lý hành chính.

Bốn là, cưỡng chế hành chính được áp dụng trong lĩnh vực hành pháp, do đó thủ tục áp dụng không đòi hỏi phức tạp, chặt chẽ như thủ tục áp dụng trong lĩnh vực tư pháp.

Cưỡng chế hành chính và cưỡng chế kỷ luật đều là các biện pháp cưỡng chế được áp dụng theo thủ tục hành chính. Nhưng do đặc điểm của mối quan hệ giữa chủ thể áp dụng và đối tượng bị áp dụng nên thủ tục áp dụng cưỡng chế hành chính được pháp luật điều chỉnh chi tiết, dân chủ và bảo đảm pháp chế hơn thủ tục áp dụng cưỡng chế kỷ luật.

Phần lớn các biện pháp cưỡng chế hành chính được áp dụng theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, cũng có một số biện pháp cưỡng chế hành chính được áp dụng theo thủ tục tố tụng tư pháp, bởi cơ quan tòa án. Đây là các biện pháp xử lý hành chính có tính cưỡng chế cao, tước quyền tự do của công dân trong thời gian tương đối dài. Vì vậy, để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính này cần phải được xem xét, quyết định bởi cơ quan tư pháp, theo trình tự tố tụng tư pháp chặt chẽ, bảo đảm quyền được bào chữa của người bị áp dụng các biện pháp này.

Năm là, việc áp dụng cưỡng chế hành chính vừa mang tính chất bảo vệ pháp luật, vừa mang tính chất thực hiện pháp luật. Các biện pháp ngăn chặn hành chính, xử phạt hành chính, cưỡng chế hành chính đặc biệt (biện pháp xử lý hành chính) và bảo đảm thi hành quyết định hành chính là những biện pháp cưỡng chế mang tính chất bảo vệ pháp luật; còn biện pháp khôi phục hành chính, với nội dung là sự thực hiện nghĩa vụ ghi trong quy định dưới sự cưỡng chế nhà nước, nên mang tính chất thực hiện pháp luật. Trong khi đó, việc áp dụng cưỡng chế kỷ luật nhà nước và biện pháp cưỡng chế hình sự đều có tính chất bảo vệ pháp luật, cưỡng chế dân sự cũng giống như cưỡng chế hành chính vừa có tính chất bảo vệ pháp luật, vừa có tính chất thực hiện pháp luật.

Sáu là, cưỡng chế hành chính có các cách thức bảo vệ pháp luật đa dạng như ngăn chặn vi phạm, xử lý vi phạm, cưỡng chế bảo đảm thi hành, khôi phục lại trật tự quản lý. Tương ứng với các cách thức bảo vệ pháp luật này là các nhóm biện pháp cưỡng chế hành chính ngăn chặn, xử lý vi phạm, bảo đảm và khôi phục. Trong hình sự, các biện pháp cưỡng chế bao gồm các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, hình phạt và các biện pháp tư pháp. Các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự nhằm mục đích ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn bị can, bị cáo gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội và để bảo đảm thi hành án. Các hình thức xử phạt hình sự so với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính nghiêm khắc và tính trấn áp cao hơn rất nhiều, điển hình là các hình phạt tù, chung thân và cao nhất là tử hình.

Trong khi đó, xử phạt hành chính ở mức cao nhất chỉ là giam hành chính trong ít ngày. Hoặc biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là biện pháp xử phạt, nhưng trong hình sự biện pháp tịch thu tang vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm không được coi là hình phạt mà chỉ là biện pháp tư pháp (mang tính chất hỗ trợ cho hình phạt trong trường hợp cần thiết). Trong cưỡng chế hình sự, tương đồng với nhóm các biện pháp xử lý hành chính là nhóm các biện pháp tư pháp như bắt buộc chữa bệnh hoặc biện pháp tư pháp áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như đưa vào trường giáo dưỡng hoặc biện pháp giám sát, giáo dục được áp dụng với người dưới 18 tuổi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự tiến hành theo dõi giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Các biện pháp này chỉ mang tính chất hỗ trợ cho hình phạt trong trường hợp cần thiết phải xử lý cơ bản, toàn diện người phạm tội, đồng thời loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện phạm tội, đem lại trật tự, an toàn cho xã hội. Trong khi đó các biện pháp xử lý hành chính được coi là nhóm cưỡng chế hành chính có tính chất nghiêm khắc nhất bởi nó có thể tước đoạt quyền tự do của con người. Nhìn chung, các biện pháp cưỡng chế hành chính mang tính chất phòng ngừa và sớm hơn cưỡng chế hình sự.

Cưỡng chế dân sự bao gồm các biện pháp phạt (phạt bội ước), các biện pháp khôi phục (bồi thường thiệt hại...) và các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng dân sự (biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự...). Tuy nhiên, chức năng chủ yếu của các biện pháp phạt và biện pháp khôi phục trong dân sự là “đền bù - khôi phục"; các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng dân sự nhằm ngăn chặn và bảo đảm thi hành án dân sự. Còn chức năng chủ yếu của cưỡng chế hành chính lại là trừng trị. Điều đó thể hiện ở chỗ các biện pháp xử phạt là nhóm cưỡng chế chủ yếu tác động đến vi phạm hành chính. Trong cưỡng chế hành chính, các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm hành chính cũng gần giống với các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng dân sự.

Cưỡng chế kỷ luật gồm các biện pháp phạt (cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc...) và các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm cho việc xử lý kỷ luật (tạm đình chỉ công tác). Trách nhiệm vật chất đối với công chức theo Luật cán bộ, công chức không phải là cưỡng chế kỷ luật mà là cưỡng chế dân sự đặc biệt. Cưỡng chế hành chính cũng có biện pháp phạt như cưỡng chế kỷ luật nhưng phạt hành chính hướng tới việc tổ chức quản lý hành chính giữa chủ thể quản lý và khách thể quản lý một tổ chức. còn phạt kỷ luật hướng đến trật tự quản lý bên trong của một tổ chức.

 Bảy là, đối tượng bị áp dụng cưỡng chế hành chính gồm cả tổ chức và cá nhân. Cưỡng chế dân sự cũng như cưỡng chế hành chính được áp dụng với cá nhân và tổ chức. Nhưng cưỡng chế hành chính thể hiện mối quan hệ giữa người bị cưỡng chế trước nhà nước. Cưỡng chế dân sự, ngược lại, thể hiện quan hệ giữa bên vi phạm với bên bị vi phạm dưới sự bảo đảm cưỡng chế của nhà nước.

Tám là, do đặc thù của cách thức bảo vệ pháp luật của các biện pháp cưỡng chế hành chính, cũng như lĩnh vực áp dụng rộng lớn nên không thể có một văn bản pháp luật chung nào quy định tất cả các biện pháp cưỡng chế hành chính trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước (Luật xử lý vi phạm hành chính cũng chỉ ghi nhận được đầy đủ hai nhóm cưỡng chế hành chính là nhóm biện pháp xử phạt và nhóm biện pháp xử lý hành chính). Ở mỗi lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước sẽ có một luật quản lý chuyên ngành, trong đó có đề cập việc áp dụng cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đó.

Như vậy, số lượng các văn bản quy định về cưỡng chế hành chính khá nhiều. Trong khi đó, các văn bản pháp luật quy định về các biện pháp cưỡng chế nhà nước khác có sự tập trung hơn. Cưỡng chế hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Cưỡng chế dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật thi hành án dân sự. Còn cưỡng chế kỷ luật được quy định trong Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Cửu Việt: Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Nxb, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000

2. Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Nxb, Công an nhân dân, Hà Nội, 2011

3. Lê Minh Quân, Bài Việt Hương: Về quyền lực trong quản lý nhà nước hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012

4. Nguyễn Duy Gia: Cưỡng chế hành chính nhà nước, Học viện Hành chính quốc gia, Hà Nội, 1996