Dđiển vi là ai

Trong vở kịch lịch sử vô cùng oanh liệt này, vai diễn của Điển Vi không quá nhiều, nhưng lại giống như một ngôi sao băng chói lọi nhất, lướt qua trên bầu trời sao đầy những tướng lĩnh sáng chói của thời kỳ Tam Quốc…

Trong doanh trại của Tào Ngụy có đông đảo các tướng lĩnh dũng mãnh, trong đó có lưu truyền một bài ca dao: “Tráng sĩ trong doanh có Điển quân, cầm một đôi kích tám mươi cân” được các tướng sĩ ngợi khen không ngớt, người tráng sĩ trong bài ca dao là một thủ lĩnh cận vệ có tướng mạo cao to uy vũ, không rời chúa công của mình nửa bước, tên gọi Điển Vi. Nếu như nói Ngụy Võ đại đế Tào Tháo là thần bảo hộ của Đông Hán trong những năm cuối cùng, vậy thì vị Điển quân này chính là chiến thần dùng cả mạng sống để bảo vệ Tào Tháo.

Trong vở kịch lịch sử vô cùng oanh liệt này, vai diễn của Điển Vi không quá nhiều, nhưng lại giống như một ngôi sao băng chói lọi nhất, lướt qua trên bầu trời sao đầy những tướng lĩnh sáng chói của thời kỳ Tam Quốc. Ông có đầy đủ tất cả những yếu tố mà một anh hùng hào kiệt cần có: Tính tình trung thành, dũng mãnh, không sợ hãi, võ công đứng đầu ba quân cùng với sự tích huyền thoại vô cùng hấp dẫn. Và ông đã để lại hình ảnh hy sinh vô cùng bi tráng trong định dạng cuối cùng của phần hạ màn, trở thành nhân vật khiến người ta kích động nhất trong thời kỳ Tam Quốc, và cũng trở thành một trong những vị tướng thời Tam Quốc được người đời sau yêu thích nhất.

Điển Vi là người của quận Trần Lưu, trong sử sách không để lại những tên gọi khác của ông. Những người như vậy, thông thường hoặc là thân thế thấp hèn, không có tên tuổi, hoặc là thân mang trọng án nên phải che giấu họ tên. Khi nhân vật thần bí Điển Vi lộ diện trong “Tam Quốc Chí” lần đầu tiên chính là xuất hiện với hình tượng của một thích khách [sát thủ]. Trong “Tam Quốc Chí” miêu tả ông là: “Tướng mạo khôi ngô, khỏe mạnh hơn người, có chí hướng, phẩm chất và nghĩa hiệp” hoàn toàn là một hiệp sĩ có võ nghệ cao cường mà lại chân thành và nhiệt tình. Tiếp theo, Điển Vi triển khai một hành động ám sát với kế hoạch kỹ lưỡng và ý chí quả quyết.

Thân đầy tuyệt kỹ, hay sách lược

Quận Trần Lưu thuộc khu vực Hà Nam là nơi mà Tào Tháo lần đầu khởi xướng nghĩa quân, triệu tập anh hùng để cùng nhau thảo phạt Đổng Trác. Khoảng thời gian này, tại khu vực Hà Nam xảy ra một vụ án mạng gây chấn động một vùng. Người gây án là Điển Vi, chỉ trong một đêm vang danh khắp chốn giang hồ, trong những con hẻm và quán trà đều có người kể lại sự tích của Điển Vi một cách sống động. Nguyên nhân của sự kiện này là như thế này, Lưu Thị ở Tương Ấp và Lý Vĩnh ở Tuy Dương không biết vì chuyện gì mà gây thù kết oán, cũng không biết là Điển Vi và Lưu Thị có mối giao tình sâu nặng như thế nào, Điển Vi cương quyết đứng ra đòi lại công bằng, báo thù cho Lưu Thị. Lý Vĩnh từng làm huyện trưởng ở Phú Xuân, có lẽ là một gia đình giàu có tại địa phương, Lý Vĩnh dường như đã từng làm qua chuyện xấu gì đó, lúc nào cũng đề phòng có người đến hãm hại mình, ông còn nuôi mấy trăm thị vệ ở trong nhà. Người tầm thường vốn dĩ không thể nào đến gần bên cạnh ông, chứ đừng nói là ám sát.

Ngày hôm đó, có một người đàn ông đánh xe đi tới, chở thức ăn và rượu đi ngang qua chợ, người này tự xưng mình là khách ở phương xa cố tình đến chào hỏi Lý Vĩnh, dừng xe ở phía trước viện lớn của Lý phủ. Người đàn ông này chính là Điển Vi. Sau khi Điển Vi quan sát tình hình xung quanh của Lý phủ, ông cũng không mặc bộ đồ đen bay lượn trên mái nhà để lẻn vào trong phòng của chủ nhân, cũng không dựa vào võ công xông thẳng vào đại viện theo kiểu khua đao múa kiếm đi mười bước giết một người. Mà chỉ dựa vào cải trang và kỹ năng diễn xuất cao siêu của mình, Điển Vi từ cổng chính bước vào trong nhà một cách quang minh chính đại, thuận lợi qua được cửa ải đầu tiên.

Sau khi ông và Lý Vĩnh gặp mặt, lập tức thay đổi sắc mặt, ông rút một con dao găm từ trong người ra, vung tay lên đâm dao xuống liền kết thúc mạng sống của Lý Vĩnh. Tiếp theo, Điển Vi giết chết vợ của Lý Vĩnh với tốc độ nhanh như một tia chớp. Một giây trước vẫn còn là một vị khách quý tươi cười niềm nở, một giây sau liền biến thành sát thủ thay trời hành đạo, đám hộ vệ trong Lý phủ không biết là vì bị dọa đến mất mật hay là trong lòng vốn dĩ không muốn bán mạng cho Lý Vĩnh, mà không một ai chạy lên để ngăn cản, chỉ mở to mắt ra nhìn Điển Vi bước ra khỏi Lý phủ.

Sau khi Điển Vi từ trên xe lấy ra cây kích mà mình thường sử dụng, không quan tâm đến những đốm máu dính trên áo, cũng không quay đầu lại nhìn, mà bước từng bước đi về phía chợ. Mấy trăm hộ vệ của Lý phủ lúc này mới hoàn hồn, tất cả lao ra như ong vỡ tổ. Mọi người cầm lấy vũ khí trên tay, đi theo Điển Vi ở khoảng cách không quá xa cũng không quá gần, không ai dám liều lĩnh đi lên phía trước.

Trên con phố dài, bá tánh lần lượt nhường đường cho Điển Vi đi qua, mọi người trong chợ đều kinh sợ, dù sao cảnh tượng một địch một trăm không phải là trận đánh có thể thường xuyên nhìn thấy. Điển Vi vẫn thản nhiên bước đi khoảng bốn năm dặm, lúc này mới tụ họp với đồng bọn của mình. Đám người này vừa đánh vừa chạy, rất nhanh sau đó đã thoát khỏi sự truy đuổi.

Từ đó về sau, trên đời này bớt đi một tên ác nhân, có thêm một hiệp sĩ trọng tình trọng nghĩa. Sau đó, đến những năm Sơ Bình [năm 190 – năm 193], Thái thú Trần Lưu Trương Mạc giơ cao ngọn cờ chính nghĩa, gia nhập đại quân thảo phạt Đổng Trác, vị hiệp sĩ này liền đầu quân dưới trướng của Trương Mạc, trở thành một tướng sĩ dũng mãnh thiện chiến.

Đúng vậy, câu chuyện xuất hiện của Điển Vi gần như là phiên bản trong “Du hiệp liệt truyện” hoặc “Thích khách liệt truyện”. Đổi một góc độ khác để nhìn lịch sử, thiên hạ Tam Quốc chia chia hợp hợp, chiến loạn khắp nơi, những anh hùng võ nghệ cao cường, nghĩa khí ngút trời liên tục xuất hiện, rất giống một thế giới võ hiệp chân thực. Những hiệp sĩ, đối xử chân thành với nhau, là sinh tử chi giao của nhau. Trong thế giới Tam Quốc thật sự có rất nhiều những hào hiệp như vậy, mang trong mình tình cảm nghĩa hiệp đầy nhiệt huyết hành tẩu thế gian, sống với hình ảnh thẳng thắn và quang minh lỗi lạc. Điển Vi, chính là một nhân vật kiệt xuất trong số đó.

Sức mạnh hơn người, giỏi binh thao

Lãnh chúa Trương Liêu mà Điển Vi góp sức đầu tiên là một chư hầu thảo phạt Đổng Trác vào cuối thời nhà Hán. Tuy nhiên trong “Tam Quốc Chí” lại không ghi chép những chiến tích có liên quan đến Điển Vi, mà tiếp tục tập trung bút mực vào việc mở rộng võ nghệ và tài năng của ông. Chỉ với sự kiện “giữ vững lá cờ”, một lần này đã làm nổi bật võ nghệ cao cường, lòng dũng cảm và tính cách không bị trói buộc bởi lễ nghĩa của Điển Vi.

Tranh màu của Ngụy Thái Tổ Tào Tháo, họa sĩ nhà Minh [ảnh: Phạm vi công cộng].

Khi chủ soái xuất chinh, cờ nha môn cao lớn là nghi trượng cần thiết mang theo, tượng trưng cho quân uy to lớn và sĩ khí dâng cao [cờ nha môn là một tấm cờ lớn dùng làm nghi trượng hoặc dấu hiệu nhận biết khi hoàng đế xuất tuần hoặc chủ soái xuất chinh đánh trận]. Cờ nha môn vốn dĩ rất nặng, cần phải có vài quân lính hợp sức lại mới có thể miễn cưỡng di chuyển. Nhưng từ khi Điển Vi gia nhập vào doanh trại thì tình hình đã thay đổi, một mình Điển Vi là có thể nhẹ nhàng giơ cao cờ nha môn, tháp tùng bên cạnh xe của Trương Mạc. Võ nghệ và sức mạnh của Điển Vi nhanh chóng được lan truyền khắp ba quân, và cũng nhanh chóng truyền đến doanh trại của Tào Tháo khi đó đang cùng nhau thảo phạt Đổng Trác.

Trương Mạc và Tào Tháo khi còn trẻ có thể nói là một đôi bạn thân có tình cảm rất tốt. Khi liên quân thảo Đổng đứng im một chỗ không chịu tấn công về phía trước, một mình Tào Tháo đưa quân tiến sâu vào bên trong quyết chiến với địch, Trương Mạc phái đại tướng đi viện trợ Tào Tháo. Minh chủ của đại quân liên minh là Viên Thiệu có mâu thuẫn với Trương Mạc, ra lệnh cho Tào Tháo giết Trương Mạc, Tào Tháo xuất phát từ giao tình riêng và đại nghĩa chung, cực lực khuyên can: “Mạnh Trác [tức Trương Mạc] là bạn thân của chúng ta, có mâu thuẫn gì cũng nên bao dung ông ấy. Hiện nay thiên hạ chưa ổn định, chúng ta lại càng không nên tàn sát lẫn nhau”. Trước khi Tào Tháo đi đánh Đào Khiêm, cũng chỉ yên tâm khi giao phó người nhà cho Trương Mạc. Sau đó Tào Tháo bình an trở về, nhìn thấy Trương Mạc, hai người nhìn nhau rơi lệ, vô cùng xúc động. Hai người có tình thâm nghĩa nặng như vậy, sau này, Trương Mạc cũng dẫn quân đi quy thuận dưới trướng của Tào Tháo.

Nào ngờ vào năm Hưng Binh thứ nhất [năm 194], Trương Mạc cùng với đám người của Trần Cung cấu kết với Lữ Bố, bí mật tạo phản, đôi bạn thân bỗng chốc đường ai nấy đi, Trương Mạc đi vào con đường bại trận mất mạng không thể quay đầu lại. Nhưng mà, nhân vật Điển Vi của chúng ta thì không đi theo chúa công của mình bước vào ngõ cụt, lúc này Điển Vi đã là ‘một nửa’ tướng sĩ của Tào doanh, và vào giờ phút then chốt đã chính thức gia nhập vào doanh trại của Tào Tháo. Dựa vào những chiến công hiển hách, Điển Vi được thăng chức lên làm Tư mã, dần dần trở thành một mãnh tướng dưới trướng của Tào Tháo.

Trên thực tế, Điển Vi đầu quân Tào Tháo cũng là một lựa chọn dựa trên cơ sở nghĩa hiệp. Khi đó Tào Tháo tấn công Từ Châu, Lữ Bố nhân cơ hội đánh lén đại doanh của Tào Tháo ở Duyện Châu, chiếm cứ Bộc Dương. Chỉ trong một thời gian ngắn, các quận huyện Duyện Châu lần lượt đầu hàng, chỉ có 3 tòa thành trì vẫn còn vất vả chiến đấu vì Tào Tháo. Tào Tháo nghe tin, vội vàng thống lĩnh chủ lực quay về Duyện Châu để quyết chiến với Lữ Bố, toàn bộ cục diện lúc này đối với Tào Tháo mà nói là vô cùng nguy cấp, chỉ cần một chút bất cẩn là toàn quân bị hủy diệt.

Bây giờ đã không thể nào xác định được Điển Vi đã đầu quân cho Tào Tháo từ khi nào và trong tình cảnh như thế nào, có lẽ là khi Trương Mạc bí mật mưu phản, hoặc có lẽ là vào lúc Duyện Châu đại loạn. Tóm lại, với tấm lòng nghĩa hiệp, Điển Vi quả quyết phục vụ dưới trướng một vị chúa công tài trí thực sự, dốc sức trợ giúp Tào Tháo xoay chuyển cục diện. Từ đó cuộc đời của Điển Vi mới thực sự trở nên tươi mới.

Khi đó Lữ Bố phái quân đội đóng trại bên ngoài phía thành tây Bộc Dương bốn năm mươi dặm, Tào Tháo chuẩn bị đột kích Bộc Dương. Trong trận chiến lớn đầu tiên của cuộc đời mình, Điển Vi vì cứu Tào Tháo đã đảo ngược tình thế nguy cấp, từ đó thành danh chỉ qua một trận chiến. Trong đêm hôm đó, Tào Tháo nửa đêm tập kích căn cứ Bộc Dương, đôi bên giao chiến với nhau từ nửa đêm cho đến khi trời sáng, cuối cùng công phá được doanh trại của địch.

Tuy nhiên, Tào Tháo còn chưa kịp quay về đội ngũ của mình, Lữ Bố đột nhiên dẫn theo quân chi viện đuổi đến, đôi bên lại giao chiến kịch liệt với nhau lần nữa, lại từ sáng sớm đánh đến lúc hoàng hôn. Lữ Bố được mệnh danh là đệ nhất mãnh tướng của Tam Quốc, lúc này càng đánh càng hăng, còn đội quân của Tào Tháo thì ngàn dặm xa xôi chạy đến tập kịch, tác chiến ngay trong đêm, lại còn đối đầu với quân địch ở ba phía, nếu còn tiếp tục kéo dài như vậy, tình huống chỉ có thể càng thêm nguy hiểm mà thôi.

Tào Tháo nhanh trí quả quyết, với khí phách quyết tâm phá tan mọi thứ, ngay lập tức chiêu mộ đội quân tiên phong phá trận, chuẩn bị tấn công đột phá vòng vây, để giành lấy cơ may cho toàn quân rút lui an toàn. Lần này Điển Vi cũng là người đầu tiên bước ra, thống lĩnh mấy chục dũng sĩ đi làm quân tiên phong. Điển Vi bảo mọi người đều mặc hai lớp áo giáp, không cần sử dụng khiên, một tay cầm  mâu, một tay cầm kích, toàn lực tấn công về hướng tây đang diễn ra tình hình chiến sự kịch liệt nhất.

Quân địch bắn ra cung và nỏ cùng một lúc, mũi tên như mưa bay, Điển Vi giả vờ không nhìn thấy, đứng phía trước quân lính, vừa đánh lui quân địch, vừa căn dặn đồng đội: “Khi quân địch đứng cách mười bước, thì nói cho ta biết!”, không lâu sau, đồng đồi hô lớn: “Mười bước rồi!”, Điển Vi im lặng không lên tiếng, tiếp tục đếm ngược: “Cách 5 bước, thì nói cho ta biết!”, rất nhanh sau đó đồng đội lại hốt hoảng hô lớn: “Quân địch đến rồi!”, Điển Vi hét lớn tiếng xông lên, âm thanh vang như sấm, hai tay vung đao múa kiếm chính thức khai chiến.

Điển Vi một lần nữa thể hiện ưu thế chém giết của một thích khách, binh khí trong tay ông giống như là có sự sống vậy, một móc một xiên, một nhát chém một nhát đâm, chiêu nào cũng lấy mạng kẻ địch, quân địch bị vũ khí của Điển Vi đâm trúng, liên tục ngã xuống. Những dũng sĩ mặc hai lớp áo giáp chắc chắn còn lại, đều dốc sức chiến đấu cùng Điển Vi, cuối cùng phá được vòng vây của quân địch, một tướng lĩnh dũng mãnh như Lữ Bố cũng chỉ có thể đứng nhìn đại quân của Tào Tháo rút lui an toàn mà không làm được gì.
[Còn tiếp…]

>> Xem trọn bộ Trung Nghĩa Truyện

Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch

Video liên quan

Chủ Đề