Hạn chế trong xử lý nợ ngân hàng

Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã đặt ra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại…

Hạn chế trong xử lý nợ ngân hàng

Nợ xấu tăng

Thống kê cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 là 1,9%, cao hơn so với mức 1,69% tính đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn còn cao hơn nhiều so với con số trên. Bởi nợ xấu - nếu tính cả các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhưng chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn thì tỷ lệ lên tới 3,79%.

Đặc biệt, thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, các ngân hàng đã xử lý tái cơ cấu nhiều khoản nợ cho các khách hàng bị khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nếu tính cả các khoản nợ đến hạn mà chưa trả được cơ cấu theo các Thông tư 01, 03, 14 cũng như nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này có thể tăng lên 7,31%.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hơn 10 năm trước, hậu quả của nền kinh tế phát triển nóng, lạm phát tăng cao, bong bóng bất động sản… khiến nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tăng lên 12%. Ngành ngân hàng đã phải phấn đấu nhiều năm sau đó với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 mới gần đạt được mục tiêu xử lý các khoản nợ xấu trước đây thì đại dịch Covid-19 lại xuất hiện. Ngân hàng Nhà nước đã và đang xác định quy mô, mức độ nợ xấu có thể diễn ra trong năm 2022 cũng như những năm tới để có giải pháp ứng xử thích hợp trên cơ sở vừa ngăn chặn, vừa kiểm soát không để nợ xấu tăng thêm.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng khung pháp lý về chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu. Trong đó bao gồm: Thông tư 11/2021 về phân loại nợ và trích lập dự phòng; Dự thảo sửa đổi Thông tư 52/2018 về đánh giá tổ chức tín dụng; Thông tư 16/2021 nhằm thắt chặt việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng và Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giải pháp xử lý nợ xấu cũng được thảo luận do Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào năm 2022 và Ngân hàng Nhà nước đang đẩy nhanh tiến độ xử lý ngân hàng “0 đồng”.

Các ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro

Hiện nay, thời hạn cơ cấu nợ chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Sau thời hạn trên, bức tranh nợ xấu thực tế của các ngân hàng sẽ rõ ràng hơn, và khả năng nợ xấu tăng mạnh là điều mà các ngân hàng đã lường trước. Nhiều ngân hàng đã chuẩn bị đối phó với áp lực trên nên đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để gia tăng “bộ đệm” chống đỡ.

Đối với Vietcombank, ngân hàng này đã nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng ở mức 424%, cao kỷ lục trong toàn ngành ngân hàng. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu là 963.670 tỷ đồng và 0,63%, quy mô nợ xấu nội bảng và quỹ dự phòng của Vietcombank theo đó ở mức 6.070 tỷ đồng và 25.740 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp sử dụng toàn bộ quỹ dự phòng để đưa nợ xấu về 0, ngân hàng vẫn dư ra hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng BIDV cũng tăng cường trích lập dự phòng trong năm 2021, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước đến nay-  đạt 235%. Tại VietinBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng đạt 171%, tăng so với mức 132% của cuối năm 2020.  Agribank cũng đã dự liệu cho những phát sinh có thể xảy ra, năm 2021 ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng, nâng tiếp tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 120% lên 140% để dự phòng cho năm 2022.

Đối với các NHTMCP, một số ngân hàng cũng đã tăng tỷ lệ bao trùm nợ xấu khá cao như MB tăng từ 134% lên 233%, ACB tăng từ 160% lên 198%,Techcombank tăng từ 171% vào cuối năm 2020 lên 184%...

Tuy chưa thể lạc quan về con số nợ xấu do các ngân hàng đang áp dụng Thông tư 14 của NHNN về giảm, hoãn, cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên tình trạng nợ xấu chưa bộc lộ rõ ràng. Tuy vậy, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, tỷ lệ thu hồi các khoản cho vay tái cơ cấu cải thiện hơn khi tình hình dịch được kiểm soát, các doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất kinh doanh đang rất được kỳ vọng. Khi đó, các ngân hàng sẽ thu hồi, xử lý nợ xấu tốt hơn.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - TS. Nguyễn Quốc Hùng, điều quan trọng là ngành ngân hàng cần sớm tổng kết Nghị quyết 42/2017, trên cơ sở đó đề xuất, trình Quốc hội cho kéo dài hiệu lực hoặc ban hành Luật Xử lý nợ xấu để có thêm các công cụ hữu hiệu trong việc xử lý nợ xấu. Việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Quỳnh Chi