Hòa giải trong tố tụng là gì

02(33)/2006

Hòa giải trong tố tụng là gì

Mục lục

  • 0.Dẫn nhập
  • 1. Các yếu tố cấu thành của quá trình hòa giải và nguyên tắc hòa giải
  • 2.Khuyến khích hòa giải bằng cách quy định thủ tục hòa giải bắt buộc và tạo khó khăn cho quá trình tố tụng xét xử
  • 3.Khuyến khích hòa giải bằng việc hoàn thiện cơ chế hòa giải trong và ngoài tố tụng
  • 4.Tài liệu tham khảo

Hòa giải trong tố tụng dân sự -Nhìn từ góc độ kinh tế

LÊ NIẾT

02(33)/2006 - 2006, Trang 31-38

Ngày đăng:

  • Trích dẫn

TÓM TẮT

không có


ABSTRACT:

no


TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: no,


Trích dẫn:

×

LÊ NIẾT, Hòa giải trong tố tụng dân sự -Nhìn từ góc độ kinh tế, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 02(33)/2006, Trang 31-38

https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=264e9541-78de-42d8-872a-8dbca5d7d957

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

Trong dân gian đã có câu “vô phúc đáo tụ đình”; song lại có câu “dĩ hòa vi quý”. Trong Luật Dân sự, luật cũng đề cao nguyên tắc hòa giải.[1] Vì vậy từ lâu, hòa giải đã trở thành thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự. [2] Không những vậy, Luật Tố tụng dân sự còn phải điều chỉnh hành vi của người tham gia tố tụng sao cho họ hòa giải với nhau tốt hơn là đưa vụ án ra xét xử. Phương pháp điều chỉnh của Luật Tố tụng dân sự vì vậy dựa trên hai cơ sở: (1) bảo đảm quyền khởi kiện của bên có quyền trong giao dịch dân sự, song (2) khuyến khích các bên hòa giải.

Để giải quyết được hai vấn đề trên, không những phải nắm những nguyên tắc của luật, mà còn phải hiểu được tâm lý, hành vi của các bên tham gia tố tụng, để sao cho khi Luật Tố tụng dân sự đưa ra quy định A thì các bên sẽ lựa chọn hành vi B, là hành vi hướng đến hòa giải hơn là đưa vụ án ra xét xử. Trong lĩnh vực này, môn kinh tế học về hành vi (còn gọi là lý thuyết đấu trí/lý thuyết trò chơi - game theory) có thể cung cấp cho chúng ta nhiều kinh nghiệm thú vị. Bài viết này phân tích vai trò của kinh tế luật trong việc nghiên cứu hành vi của các bên tham gia tố tụng, khuyến khích họ thương lượng, hòa giải với nhau. Bài viết tập trungvào quá trình hòa giải bắt buộc trong tố tụng. Ngoài quá trình này, việc hòa giải của các bên còn có thể tiến hành thông qua các hình thức hòa giải ngoài tố tụng do các tổ hòa giải ở cơ sở hay các tổ chức trọng tài tiến hành.[3]


[1]Theo Điều 12, BLDS 2005 thì trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích. Ngay từ sau năm 1945, đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về hòa giải, như sắc lệnh 90-SL ngày 10/10/1945, 13-SL ngày 24/1/1946, 51-SL ngày 17/4/1946,85- SL ngày 22/5/1950.

[2]Chương XIII, BLTTDS.

[3]Xem Điều 2 Pháp lệnh về hòa giải ngày 25/12/ 1998 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa X ban hành: Về hòa giải cơ sở.


1. Các yếu tố cấu thành của quá trình hòa giải và nguyên tắc hòa giải

Theo Từ điển tiếng Việt, “hòa giải là việc thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột, xích mích một cách ổn thỏa”.[4] Từ điển pháp lý của Rothenberg cũng định nghĩa hòa giải (reconciliation) là “hành vi thỏa hiệp giữa các bên sau khi có tranh chấp, mỗi bên nhượng bộ một ít”.[5] Một định nghĩa khác của hòa giải (mediation) là “việc giải quyết tranh chấp giữa hai bên thông qua sự can thiệp của bên thứ ba, hoạt động một cách trung lập và khuyến khích các bên xóa bớt sự khác biệt”.[6] Cả ba khái niệm nêu trên cho thấy hòa giải có ba yếu tố. Thứ nhất là phải có tranh chấp giữa hai bên. Thứ hai là có sự thống nhất ý chí giữa các bên để giải quyết tranh chấp thông qua việc mỗi bên nhượng bộ một ít. Thứba là trong quá trình hòa giải phải có sự tham gia của bên thứ ba trung lập (trong tố tụng dân sự là thẩm phán) để cho ý kiến tư vấn, đồng thời công nhận thủ tục hòa giải thành giữa các bên trong tranh chấp. Nếu không có sự tham gia của bên thứ ba thì quá trình này không gọi là hòa giải mà là thương lượng.

Trong Đấu trí và Luật,[7] chúng ta biết rằng người ta phân đấu trí ra thành hai loại: đấu trí hợp tác và đấu trí bất hợp tác. Khi bên A kiện bên B ra tòa, họ đang ở trong một cuộc đấu trí bất hợp tác. Nhiệm vụ của kinh tế luật là phải tìm cơ chế để các bên có thể biến đổi từ đấu trí bất hợp tác thành đấu trí hợp tác. Trong bất kỳ cuộc đấu trí nào cũng có hai yếu tố, đó là chiến lược (strategy) và kết quả (payoff). Nhiệm vụ của đấu trí là phải tạo cơ chế sao cho kết quả của hợp tác bao giờ cũng cao hơn kết quả của việc bất hợp tác. Ngoài ra, còn phải tạo ra cho các bên niềm tin rằng kết quả là không thể khác được. Có như vậy các bên mối thực hiện chiến lược theo hướng hợp tác (hòa giải).

Một trong những cách để đưa các bên mau chóng đến hòa giải là thiết kế một cuộc đấu trí giống như trò chơi cắt bánh. Bên A cắt, bên B chọn. Khi vấn đề này xảy ra, bên A phải có cách giải quyết sao cho cả hai bên cùng có lợi, vì nếu không thì bên B sẽ chọn phần có lợi cho mình. Trên thực tế trường hợp này ít xảy ra, vì khi tranh chấp các bên đều có những quan điểm nhất định về quyền lợi của mình. Không thể đặt bên này vào trường hợp bên kia. Cũng không thể nói: tôi đề nghị chúng ta chia đôi số thiệt hại (trong một vụ tranh chấp về lỗi của mỗi bên khi thiệt hại xảy ra) để đạt thỏa thuận, khi rõ ràng một bên có lỗi nhiều hơn bên kia khi để xảy ra thiệt hại.

Cách giải quyết thứ hai là dựa trên đấu trí Rubinstein.[8] Trong cuộc đấu trí này, một bên được quyền đưa ra yêu cầu, bên kia có quyền từ chối hay đồng ý. Trong trường hợp bên kia từ chối, thì hai bên sẽ cùng không được gì. Khi đó, bên đề nghị phải đề nghị sao cho hợp lý. Rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm của đấu trí Rubinstein cho thấy rằng khi trò chơi này xảy ra, các bên có xu hướng chia đều lợi ích, khiến cho việc đạt được thỏa thuận diễn ra mau chóng hơn.

Như vậy, hòa giải là biện pháp có hòa giải. Vấn đề đặt ra là thẩm phán nên cư xử như thế nào để bên tham gia tranh chấp không thể lợi dụng hòa giải để kéo dài vụ kiện hay tẩu tán tài sản. Muốn như vậy, quá trình hòa giải cần phải được diễn ra nhanh chóng. Giải pháp để đạt được mục đích này thì nhiều người đã phân tích về khía cạnh tâm lý,[9] song về khía cạnh kinh tế và pháp lý, người ta thường tập trung vào hai giải pháp sau đây nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải diễn ra nhanh chóng hơn. Thứ nhất là làm cho quá trình kiện tụng và thi hành án khó khăn hơn (các bên khi đó sẽ chọn phương án hòa giải cho nhanh chóng). Thứ hai là hoàn thiện các quy định về hòa giải theo hướng cung cấp thông tin cho các bên để họ có thể quyết định hòa giải nhanh chóng hơn, đồng thời đặt ra những cơ chế như đấu trí Rubinstein (đã nêu trên đây) để mọi sự chậm trễ trong quá trình hòa giải đều phải trả giá. Nhìn chung, Luật Tố tụng dân sự của Việt Nam đã có những cải cách để làm tốt được vai trò thứ nhất thông qua các quy định gần đây trong Luật Sở hữu trí tuệ, xong vẫn chưa làm tốt được vai trò thứ hai. Nhận định này được phân tích trong hai mục dưới đây.


[4]Từ điển tiếng Việt Nxb Đà Nẵng, 1998, tr. 430.

[5]Rothenberg, R. Plain Language Dictionary of Law, Signet, 1996, tr. 410.

[6]Sđd, tr. 290.

[7] Lê Nết, Đấu trí và Luật. Nxb Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh, 2005.

[8]Sđd, tr. 94 - 98. Cuộc đấu trí này mang tên nhà kinh tế học Do Thái Daniel Rubinstein.

[9]Xem Fisher, R. và Ury, W. (2000) Getting to Yes — Làm thế nào để đạt được thỏa thuận, Nxb TP. Hồ Chí Minh. Để đạt được mục đích này dưới góc độ tâm lý, Fisher và Ury đã đề ra ba nguyên tắc sau đây: (i) tách con người ra khỏi vấn đề, (ii) tập trung vào lợi ích, không tranh cãi về lập trường, và (iii) tạo ra các phương án để đôi bên cùng có lợi.


2. Khuyến khích hòa giải bằng cách quy định thủ tục hòa giải bắt buộc và tạo khó khăn cho quá trình tố tụng xét xử

a. Định hướng hành vi của các bên trong tố tụng qua quy định về án phí hay quy trình xét xử thông qua bồi thẩm đoàn

Xét về góc độ kinh tế, con người ai cũng tự nguyện lựa chọn giải pháp có lợi nhất cho mình. Khi quá trình xét xử trở nên khó khăn, người ta sẽ chọn giải pháp ít tốn kém hơn, là hòa giải. Thí dụ, Luật Tố tụng dân sự của Việt Nam hiện nay chọn giải pháp tăng tiền tạm ứng án phí nếu giá ngạch của vụ kiện tăng. Điều này sẽ làm các bên ngần ngại trước khi khởi kiện vụ án và tìm kiếm giải pháp hòa giải. Tuy nhiên, cách này có thể sẽ không hiệu quả, vì nếu các bên không khởi kiện thì sẽ không có thủ tục hòa giải trước tòa. Các thủ tục hòa giải ngoài tòa thông thường sẽ có hiệu quả kém hơn. Kinh nghiệm giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế cho thấy khả năng hòa giải thường thành công sau khi nguyên đơn đã khởi kiện và gây sức ép cho bị đơn.[10]

Như vậy làm thế nào để vừa bảo vệ quyền khởi kiện của các bên, vừa khuyến khích các bên hòa giải? Giải pháp của Luật Tố tụng dân sự Hoa Kỳ có thể là cách để chúng ta tham khảo. Thứ nhất, để đảm bảo công dân có quyền bảo vệ quyền lợi của mình, pháp luật Hoa Kỳ khuyến khích công dân kiện tụng. Để khởi kiện một vụ án, nguyên đơn chỉ phải trả một khoản án phí nhỏ, khoảng 150 USD. Sau đó, tòa án sẽ xem xét khả năng tiếp tục vụ kiện. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, các bên phải cung cấp cho nhau mọi chứng cứ mà mình có; trong trường hợp đặc biệt do tòa án yêu cầu, kể cả những chứng cứ không có lợi cho mình. Thủ tục này gọi là thủ tục khám phá - discovery[11] Quá trình này làm giảm chi phí tìm chứng cứ cho các bên. Sau giai đoạn này, các bên sẽ xem xét xem tranh chấp có thể được giải quyết theo con đường hòa giải hay ra tòa. Việc hòa giải được khuyến khích, vì điều này làm giảm chi phí kiện tụng và tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, tự định đoạt của các bên. Nếu tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử, thì trước tiên các bên phải trình bày trước bồi thẩm đoàn (Jury). Các vị bồi thẩm là những công dân bình thường, không nhất thiết phải có kiến thức về pháp luật. Các vị bồi thẩm (thông thường 11 người) sẽ đưa ra ý kiến của mình diễn biến sự việc và phán quyết xem ai sai, ai đúng, đồng thời ấn định mức bồi thường thiệt hại (trừ trường hợp các bên có quy định khác).[12] Các phán quyết này phải là phán quyết nhất trí. Bên thua kiện có thể kháng án lên tòa phúc thẩm, tuy nhiên tòa án chỉ có thể xem xét những vấn đề thuộc về áp dụng luật, chứ không xem xét lại diễn biến vụ kiện, trừ trường hợp bên thua kiện trưng ra được những bằng chứng mới. Như vậy, điều này cũng tiết kiệm được chi phí tranh tụng và giảm được gánh nặng cho tòa án.[13]

Điểm độc đáo của tố tụng Hoa Kỳ trong việc khuyến khích các bên hòa giải là sự khó dự đoán của các phán quyết do bồi thẩm đoàn đưa ra. Do phần lớn các vị bồi thẩm chưa từng được đào tạo luật nên họ chỉ xử theo lương tâm của họ. Điều này khiến cho các luật dẫu lách luật giỏi cũng chưa chắc giải quyết tranh chấp, vì vấn đề là ở lương tâm của bồi thẩm đoàn và khả năng thuyết phục của luật sư. Đây là những vấn đề không thể dự đoán trước. Do các bên không có khả năng tính được khả năng thắng hay thua của vụ kiện, nên họ có khuynh hướng hòa giải hơn là đưa vụ kiện ra xét xử. Do mức bồi thường thiệt hại của bồi thẩm đoàn quy định có thể rất lớn, nên bên biết mình khó thắng kiện sẽ tìm cách hòa giải và nhận lỗi hơn là ra tòa và phải chịu bồi thường thiệt hại với số tiền lớn. Ngoài ra, mức độ bồi thường thiệt hại còn phụ thuộc vào cách sắp xếp vụ xử. Cooter và Ulen (2003) đưa ra một vấn đề khá thú vị.[14] Đó là, trong một vụ kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nếu bên nguyên đơn nêu ra thiệt hại của mình trước bồi thẩm đoàn, thì bồi thẩm đoàn thông thường có khuynh hướng kết tội bị đơn. Tuy nhiên nếu giấu không nói thiệt hại (chỉ nói về hành vi trái luật), thì Bồi thẩm đoàn sẽ có cái nhìn chính xác hơn. Như vậy, tâm lý học cũng là vấn đề cần quan tâm trong tố tụng dân sự để tìm cách giải quyết những vấn đề liên quan đến việc làm thế nào để cho các bên e ngại việc đưa vụ án ra xét xử và lựa chọn hình thức hòa giải. Theo thống kê của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, nhờ những biện pháp kể trên (áp dụng phương thức xét xử bằng bồi thẩm đoàn, và cho phép bồi thẩm đoàn được áp đặt mức bồi thường thiệt hại cao), chỉ có khoảng 10% các vụ tranh chấp là phải giải quyết tại Tòa án.

Ở Việt Nam, do đặc thù của hệ thống pháp luật kế thừa từ truyền thống Châu Âu lục địa, chúng ta không xây dựng hệ thống bồi thẩm đoàn. Việt Nam cũng không cho phép đưa ra những phán quyết bồi thường thiệt hại có tính chất trừng phạt (punitive damages), vì vậy việc thất bại trong hòa giải chưa chắc đã làm bị đơn e sợ. Muốn đẩy nhanh phương thức hòa giải, nên chăng tòa án nên tăng mức bồi thường thiệt hại cho bên thua kiện khi đưa vụ án ra xét xử. Luật Sở hữu trí tuệ vừa thông qua ngày 25/11/ 2005 vừa qua đã lựa chọn phương án này. Tại Chương V của Luật có quy định Tòa án có quyền tự ấn định mức bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại do hành vi của bị đơn gây ra. Mức bồi thường thiệt hại được ấn định tối đa là 500 triệu đồng. Ngoài ra, bên thua kiện còn phải thanh toán các chi phí luật sư cho bên thắng kiện. Điều này sẽ khiến cho bên biết mình sắp thua kiện phải suy tính kỹ giữa hai giải pháp: một là thừa nhận hành vi xâm phạm và chịu mức bồi thường thiệt hại theo hòa giải ở mức thấp hơn, hai là không thừa nhận hành vi xâm phạm và đưa vụ án ra xét xử. Khi đó nếu bị đơn thắng, họ sẽ được bồi hoàn chi phí luật sư. Nếu bị đơn thua, họ phải đối diện với mức bồi thường thiệt hại rất cao, đồng thời với việc phải hoàn trả phí luật sư. Điều này sẽ khuyến khích các bên hòa giải nhanh hơn. Hy vọng kinh nghiệm thành công của tố tụng dân sự liên quan đến các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ được nhân rộng ở các dạng tố tụng dân sự khác.

b. Định hướng hành vi của các bên trong tố tụng thông qua quy định về bồi hoàn phí luật sư

Hiện nay, chúng ta vẫn có quan điểm là dùng mức án phí cao để cho các bên cân nhắc hình thức hòa giải hôn là khởi kiện. Như đã trình bày ở trên, giải pháp này không hiệu quả. Trong khi đó việc điều chỉnh hành vi của các bên có thể hữu hiệu hơn nếu quy định bên thua phải trả phí luật sư. Quan điểm này có đúng không?

Phí luật sư là một trong những chi phí rất lớn cho các bên khi tham gia tố tụng, đôi khi còn cao hơn án phí. Tuy các quy định về án phí đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn cản các bên giải quyết tranh chấp thông qua con đường Tòa án, các quy định bất thành văn về phí luật sư mới thực sự là mối quan ngại của các bên trong việc quyết định xem có nên khởi kiện hay theo đuổi vụ kiện hay không. Các nghiên cứu về kinh tế quan tâm đến vấn đề phí luật sư để đưa ra câu trả lời cho một vấn đề hiện nay vẫn còn tranh cãi: đó là luật có nên cho phép bên thắng kiện được đòi bồi hoàn phí luật sư hay không? Hiện nay theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hay của Bộ luật Dân sự của Việt Nam, không có điều khoản nào cho hay không cho phép bên thắng kiện được bồi hoàn phí luật sư. Trên thực tế, rất ít thẩm phán tuyên bố cho phép bên nguyên đơn được đòi phí luật sư. Lý do là vì nhiều người quan niệm thuê luật sư là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Vì thế bị đơn không phải là nguyên nhân trực tiếp để nguyên đơn gánh chịu phí luật sư. Không ai nghĩ rằng nếu không thuê luật sư thì nguyên đơn cũng khó lòng trình bày ý kiến của mình trước tòa một cách thuyết phục. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả của vụ kiện.

Ở nhiều nước Châu Âu, đặc biệt là Anh, cho phép bên thắng kiện được yêu cầu bên thua kiện trả phí luật sư. Một số nhà nghiên cứu như Rasmusen (1998) cho rằng điều này làm cho bị đơn ngần ngại không dám “ngoan cố”, từ đó dễ dàng chịu thua trước nguyên đơn để tránh phải trả án phí.[15] Tuy nhiên, cũng chưa có kết quả thống kê nào cho thấy việc cho phép bên thắng kiện đòi bồi hoàn phí luật sư của bên thua kiện sẽ làm các bên mau chóng đạt được hòa giải hơn. Katz (1999) đã tiến hành nghiên cứu nhiều thực nghiệm song chỉ nhận thấy kết quả rõ rệt nhất của việc cho phép bồi hoàn là ở chỗ các bên sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra thuê luật sư hơn trước kia, đồng thời các luật sư sẽ cạnh tranh với nhau về chất lượng hơn là về giá cả.[16] Dẫu sao, cũng chưa có nghiên cứu nào phủ định việc bồi hoàn phí luật sư có tác dụng tích cực đến việc thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng của tố tụng dân sự, đó là giảm chi phí cho các bên trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, và khuyến khích các bên hòa giải.

Tuy nhiên, có quan điểm lo ngại rằng việc cho phép bên thắng kiện được bồi hoàn phí luật sư sẽ khiến các bên tiêu quá nhiều tiền vào việc thuê luật sư, và thông thường bên nào thuê luật sư giỏi nhất sẽ thắng kiện. Hiện tại chưa biết điều này có phải là sự thật không, và đây là vấn đề mà cả hai chuyên ngành kinh tế và luật cần nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu một hệ thống pháp luật mà kết quả phụ thuộc vào luật sư bên nào giỏi, chứ không phải vì bên nào thực hiện đúng luật hơn, thì hệ thống pháp luật đó có vấn đề. Vì thế, thiết nghĩ chúng ta đừng nên cho rằng luật sư giải quyết được tất cả các vấn đề của vụ kiện, mà nên nghĩ rằng luật sư là công cụ để giúp tòa án tìm hiểu sự thật, và không nên để xảy ra tình trạng đáng tiếc, đó là một bên thua kiện vì không đủ tiền thuê luật sư, hay một bên được kiện song tiền trả luật sư còn cao hơn tiền được bồi thường.

Để giải quyết vấn đề này, luật tố tụng dân sự có thể quy định rằng tòa án có thể (không bắt buộc) ra quyết định buộc bên thua kiện phải hoàn trả phí luật sư nếu chi phí này là hợp lý, hoặc nếu các bên đã có thỏa thuận trước trong hợp đồng rằng bên thua kiện sẽ hoàn trả chi phí luật sư. Khi đó, câu hỏi đặt ra sẽ là: chi phí như thế nào thì sẽ được coi là hợp lý? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta lại phải quan tâm đến câu hỏi: yêu cầu bên thua kiện phải hoàn trả phí luật sư để làm gì? Để giảm bớt gánh nặng cho bên thắng kiện, hay để bên biết mình sẽ thua đừng cố kéo dài quá trình hòa giải? Nếu mục đích chúng ta muốn đạt được là mục đích thứ hai, thì mức độ hợp lý sẽ phụ thuộc vào khả năng kinh tế của bên thua kiện. Nếu bên thua kiện có hoàn cảnh khó khăn, tòa án có thể chỉ bắt họ bồi hoàn một khoản tiền án phí vừa phải. Ngược lại, nếu bên thua kiện là một công ty có tiềm lực kinh tế lớn, tòa án cần áp dụng mức bồi thường phí luật sư cao, bằng chi phí thực tế mà nguyên đơn phải gánh chịu. Thậm chí nếu bị đơn không chịu thi hành bản án, thì sẽ phải gánh chịu các khoản lãi phát sinh từ định mức bồi thường.


[10]Trong vụ tranh chấp giữa công ty phần mềm DataCraft và công ty EIS (Toà Kinh tế, TAND TP. Hồ Chí Minh, tháng 8/1998), bị đơn chỉ chịu thanh toán khoản nợ sau khi bị khởi kiện ra tòa và nguyên đơn yêu cầu đưa vụ việc lên báo chí trước khi giám đốc EIS sang Mỹ tháp tùng đoàn đại biểu của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Như vậy việc khởi kiện đóng vai trò quan trọng trong việc gây sức ép để các bên hòa giải. Trong vụ tranh chấp giữa công ty Okamoto và công ty giải trí Saigon Wonderland (Tòa Dân sự, TAND TP. Hồ Chí Minh, tháng 2/2002), việc công ty Okamoto khởi kiện công ty Saigon Wonderland, sau đó yêu cầu công ty Phú Mỹ Hưng ra tòa với tư cách bên có quyền và nghĩa vụ hải quan đã khiến các bên tiến đến hòa giải nhanh chóng hơn, có lợi cho công ty Okamoto.

[11] Rule 26(b)(l), Federal Rules of Civil Procedure: “Các bên có thể khám phá (yêu cầu bên kia cung cấp) chứng cứ liên quan đến bất kỳ vấn đề gì, trừ những vấn đề bị cấm theo luật, liên quan đến các yêu cầu hay bào chữa của bất bên nào, kể cả các tài liệu, sách vở hay các vật chứng khác cũng như địa điểm mà bên đó cho là có cất giấu bằng chứng. Trong trường hợp có lý do chính đáng, tòa án có thể yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ”. Xem http:7/www.law.cornell.edu/rules/frcp/Rule 26.htm.

[12] Rule 38, Federal Rules of Civil Procedure. Xem http://www.law.comell. edu/rules/frcp/Rule38.htm.

[13] Jonathan Suirin (2005) thuyết trình về hệ thống tố tụng dân sự Hoa Kỳ tại Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh ngày 15/3/2005.

[14]Cooter R. và Ulen. (2003) Law and Economics. Addison Wesley, Chuông 8.

[15] Rasmussen, p. (1998) Games and Information. Edward Elgar, tr. 83.

[16] Katz, J. (1999) “Law and Economics - Legal Fees”, trong Geritz, E. (chủ biên, 1999) Encyclopedia of Law and Economics. Kluwer Law International.


3. Khuyến khích hòa giải bằng việc hoàn thiện cơ chế hòa giải trong và ngoài tố tụng

a. Khuyến khích hòa giải thông qua cơ chế ngoài tố tụng — bài học từ Luật Đất đai

Điều 135, 136 Luật Đất đai 2003 quy định trước khi thụ lý vụ án tranh chấp về đất đai, các bên phải tiến hành hòa giải ở cấp xã.[17] Theo qui trình này, nếu các bên có tranh chấp về đất đai không tự hòa giải được, thì gửi đơn đến Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp xã nơi có tranh chấp đề nghị giải quyết. UBND phối hợp với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức xã hội khác thành lập tổ hòa giải để tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn. Các quy định về hòa giải ngoài tố tụng được nêu trong Pháp lệnh về hòa giải ngày 25/12/1998 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khoá X ban hành. Khi tiến hành hòa giải, tổ hòa giải sẽ căn cứ vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức phong tục, tập quán tại địa phương và sự tự nguyện giữa các bên. Chỉ riêng tại tỉnh Bình Dương, tính đến cuối năm 2005, toàn tỉnh đã có 626 tổ hòa giải và 3.776 hòa giải viên. Cũng trong năm các tổ hòa giải đã tiếp nhận 2.078 việc, sau giải quyết đạt tỷ lệ hòa giải thành hơn 76%.[18] Ngoài việc làm giảm bớt gánh nặng của tòa án, việc tăng cường hòa giải ngoài tố tụng cũng giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời giảm chi phí tố tụng.

Bên cạnh đó, quy trình hòa giải ngoài tố tụng không phải không có vấn đề. Đã có trường hợp nội dung hòa giải được ghi sơ sài, hay thành phần hòa giải thiếu thành viên MTTQ hay các tổ chức khác mà quyết định hòa giải thành không được công nhận. Điều này rất mất thời gian cho các bên giải quyết tranh chấp, trong khi thời hiệu khởi kiện tranh chấp về đất đai cũng như các tranh chấp dân sự thông thường khác (trừ thừa kế) là 2 năm. Ngoài ra, việc một bên vắng mặt khi tổ chức hòa giải cũng không có quy định rõ ràng xem hình thức xử lý như thế nào: tạm hoãn, tạm đình chỉ hòa giải hay ra quyết định hòa giải không thành? Khi phương hướng giải quyết không rõ ràng, thời gian hòa giải sẽ kéo dài lâu hơn và mục tiêu “nhanh chóng, hiệu quả” đề ra từ đầu cho cơ chế hòa giải sẽ không đạt được. Có quan điểm cho rằng, hướng giải quyết cho những vướng mắc trên có thể là không nên câu nệ hình thức hòa giải cơ sở, vì đây chỉ là hoạt động mang tính chất xã hội hơn là pháp lý. Vì thế, việc thiếu sót một vài hình thức trong thủ tục hòa giải cấp xã không thể làm cho tòa án từ chối thụ lý vụ kiện. Nếu không, các bên sẽ lợi dụng sơ hở của pháp luật để tìm mọi cách kéo dài vụ kiện.

b. Khuyến khích hòa giải thông qua cơ chế trong tố tụng - cơ chế cung cấp thông tin và chống lạm dụng thủ tục hòa giải

Để được thủ tục hòa giải đạt kết quả, các bên khi tham gia hòa giải phải được cung cấp đầy đủ thông tin. Ở điều nào Luật Tố tụng dân sự của Việt Nam có thể học hỏi Ở Luật Tố tụng dân sự của Hoa Kỳ. Như đã trình bày ở phần trên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử ở tòa án Hoa Kỳ, các bên phải cung cấp cho nhau mọi chứng cứ mà mình có, theo yêu cầu bên kia (discovery). Sau khi chấm dứt thủ tục khám phá, các bên không đưa ra thêm bằng chứng nữa, trừ khi chứng minh được rằng mình nắm được bằng chứng sau thời điểm đưa vụ án ra xét xử. Nhờ thủ tục này mà các bên nắm được các thông tin cần thiết để quyết định có nên hòa giải vụ việc hay không.

Ở Việt Nam, tuy truyền thống luật lục địa sẽ không áp dụng quy trình khám phá kiểu Mỹ, song các quy định của Luật Đất đai về hòa giải cấp cơ sở đã giúp các bên đưa hết lý lẽ của mình ra trước tổ hòa giải. Quá trình này làm giảm chi phí tìm chứng cứ cho các bên. Đây cũng là cơ hội để các bên có thể trao đổi quan điểm, chuẩn bị chứng cứ khi hòa giải không thành. Ngoài Luật Đất đai, Luật sở hữu trí tuệ cũng cung cấp các cơ chế cần thiết để nguyên đơn có thể nắm những chứng cứ thuộc phạm vi kiểm soát của bị đơn, nhờ các quy định rằng trong tranh chấp liên quan đến quy trình sáng chế, không phải nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh bị đơn đã xâm phạm, mà là bị đơn phải chứng minh mình không xâm phạm qui trình của nguyên đơn. Nguyên do của vấn đề này là do tình trạng mà môn kinh tế học gọi là thông tin bất đối xứng (assymetric information). Theo lý thuyết kinh tế, khi một bên nắm thông tin và bên kia không nắm thông tin, các giải pháp đưa ra chưa chắc đã tối ưu và có lợi cho các bên. Cách thức giải quyết khiếm khuyết này là buộc bên có thông tin phải bộc lộ thông tin, hoặc bằng phép thử, hoặc bằng quy định của pháp luật.[19]

Ngoài vấn đề cung cấp và bộc lộ thông tin, các quy định quá cứng nhắc ở thủ tục hòa giải trong tố tụng cũng có thể làm một bên tham gia tranh chấp trục lợi. Trong khi đó, pháp luật quy định nếu bị đơn được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì vụ việc sẽ được đưa ra xét xử.[20] Vấn đề là ở chỗ: thế nào là triệu tập hợp lệ, và chuyện gì sẽ xảy ra nếu một bên có mặt một buổi, rồi lại vắng mặt một buổi? Nhiều thư ký tòa án đã căn cứ vào giấy ủy quyền không hợp lệ mà coi một bên vắng mặt trong buổi hòa giải, hoặc giải thích rằng “triệu tập hợp lệ” là phải có tống đạt tại nơi cư trú bởi cơ quan công an. Như vậy bao nhiêu lần tống đạt bằng thư đến nơi cư trú của bị đơn đều bị coi là “không hợp lệ”. Ngay cả khi nguyên đơn và bị đơn đều có mặt tại buổi hòa giải, song không có mặt người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cũng khiến buổi hòa giải được giải thích là không thể tiến hành.[21] Ngoài ra, tuy pháp luật quy định thẩm phán phải chủ trì hòa giải, song trong nhiều trường hợp buổi hòa giải do thư ký chủ trì và ghi biên bản. Điều này dẫn đến việc biên bản hòa giải sau này có thể coi là sai về mặt tố tụng và bị kháng cáo, thậm chí giám đốc thẩm. Để giải quyết những khó khăn này, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự nên được bổ sung theo hướng đơn giản hóa thủ tục hòa giải và triệu tập các đương sự đến buổi hòa giải. Nếu có đương sự vắng mặt sau khi đã xác nhận giấy triệu tập đã gửi bằng thư bảo đảm và đương sự đã nhận được, thì đương nhiên coi đó là căn cứ để có thể xét xử vắng mặt đương sự lần sau. Ngoài ra, đương sự không có quyền vắng mặt quá 2 lần không có lý do chính đáng (không cần phải là 2 lần liên tục). Nếu đương sự vắng mặt thì tòa án vẫn hòa giải tranh chấp liên quan đến các đương sự có mặt. Nếu việc hòa giải về bản chất không thể thiếu sự đồng ý của đương sự vắng mặt thì mới coi việc vắng mặt là sự kiện dẫn đến việc tạm hoãn buổi hòa giải.

Một vấn đề nữa là biên bản hòa giải nên được coi là thỏa thuận giữa các bên và có hiệu lực thi hành ngay. Việc phải đợi thêm 7 ngày sau khi có biên bản hòa giải mới ra quyết định công nhận hòa giải của các bên, rồi 15 ngày sau quyết định này mới có hiệu lực sẽ khiến cho các bên có thời gian suy nghĩ lại hay cố tình kéo dài vụ việc bằng cách phản đối lại những gì mình đã thỏa thuận trong biên bản hòa giải trước đó.[22] Thiết nghĩ, nên bãi bỏ quy định về thời gian chờ đợi 7 ngày để ra quyết định công nhận hòa giải các bên. Thời gian phúc thẩm quyết định công nhận hòa giải thành, nếu có, chỉ dựa trên những căn cứ do việc áp dụng pháp luật của thẩm phán có sai sót, chứ không phải là do đương sự không đồng ý với những gì mình đã ký trong biên bản mà không có lý do chính đáng.

Tóm lại, những vấn đề về quá trình hòa giải có thể là đối tượng nghiên cứu không những của khoa học pháp lý mà còn có thể là đối tượng nghiên cứu của khoa học kinh tế, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ thể quyền, đồng thời giảm chi phí cho xã hội liên quan đến việc bảo vệ công lý. Một quá trình hòa giải tốt sẽ giúp tòa án phải xác định được nội dung vụ việc tranh chấp. Kể cả khi hòa giải không thành, các thông tin mà tòa án có được qua quá trình hòa giải sẽ giúp tòa án áp dụng được luật vào trong vụ kiện tranh chấp để ra được kết quả.

Để quá trình hòa giải có hiệu quả, nên tạo cơ chế sao cho việc xét xử luôn bắt các bên phải trả giá cao hơn việc hòa giải. Phải tạo được cơ chế giống như đấu trí Rubinstein (đã nêu ở phần đầu), có nghĩa là càng chậm trễ thì càng phải trả giá cao. Nhiều nước đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để đạt được mục đích này, như tố tụng thông qua bồi thẩm đoàn, áp dụng mức bồi thường thiệt hại ấn định hay buộc bên thua kiện phải trả chi phí luật sư. Ở Việt Nam vấn đề này đã được giải quyết thí điểm trong các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

Vấn đề cần thiết hơn là phải hoàn thiện cơ chế hòa giải sao cho nó phát huy được ưu điểm vốn có, là nhanh chóng và hiệu quả. Chúng ta đã áp dụng cơ chế bắt buộc hòa giải ngoài tố tụng trong một số trường hợp người dân tranh chấp là do không hiểu luật hay không có bằng chứng. Trường hợp hòa giải bắt buộc ở cấp cơ sở trong Luật Đất đai là thí dụ điển hình. Bên cạnh đó, khi tiến hành hòa giải, cần cung cấp thông tin đầy đủ cho các bên để các bên dễ dàng hình dung được mình sẽ được gì hay mất gì nếu không có hòa giải. Ngoài ra, cần có quy định rõ ràng cách tính bồi thường thiệt hại hay các quy định về chế tài, để các bên nhận thấy nếu không hòa giải, tham gia tố tụng và thua kiện thì sẽ phải trả giá như thế nào. Cuối cùng, cần đơn giản hóa thủ tục hòa giải và nâng cao giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành; có như vậy hiệu quả của biện pháp hòa giải mới cao.


[17]Xem thêm Điều 159 Nghị định 181/2004/NĐ - CP ngày 29/10/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Tuy nhiên lưu ý là theo Công văn số 116/2004/ KHXX ngày 22/7/2004 của TAND Tối cao hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, các tranh chấp đất đai mà tòa án thụ lý trước ngày 1/7/2004 thì tòa án tiếp tục giải quyết mà không phải trả lại đơn kiện cho đương sự để tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã.

[18]Sở Tư pháp Bình Dương (2005) Báo cáo tình hình thực hiện công tác năm 2005 và phương hướng hoạt động năm 2006.

[19] Xem Lê Nết, Đấu trí và Luật. Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2005.

[20] Điều 182 BLTTDS.

[21] Điều 184 khoản 3, BLTTDS (chỉ áp dụng nếu việc hòa giải có liên quan đến người vắng mặt).

[22] Điều 187, 188 BLTTDS.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Hòa giải trong tố tụng là gì

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua


Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref