Hoàn cảnh sáng tác là gì

Trang chủ VĂN HỌC NHÀ TRƯỜNG PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN Tìm hiểu và phân tích hoàn cảnh ra đời của tác phẩm...
  • PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

Tìm hiểu và phân tích hoàn cảnh ra đời của tác phẩm văn học (Phần 1)

Bởi
Tao Đàn
-
Tháng Mười 25, 2019
2773
Share
Facebook
Twitter
Pinterest
Linkedin
Email
Print

1. Tìm hiểu và phân tích hoàn cảnh lớn trong mối tương quan với hoàn cảnh nhỏ

Đây là bước thường gặp trong quá trình nghiên cứu tác phẩm văn học. Những nhà nghiên cứu, phê bình văn học uy tín, khi phân tích tác phẩm văn học, đều chú ý tìm hiểu, phân tích hoàn cảnh lớn trong mối quan hệ với hoàn cảnh nhỏ.

Hoàn cảnh lớn là hoàn cảnh lịch sử xã hội, văn hoá chung của thời đại, là cái bầu không khí chung của cả thời kì. Hoàn cảnh lớn này tác động đến tư tưởng, tình cảm của nhiều nhà văn, nhiều thế hệ cầm bút sáng tác cùng một thời đại.

Hồ Chí Minh quan niệm, Xã hội thế nào, văn học thế ấy. Cũng có thể nói thêm, thời đại thế nào, văn học thế ấy. Văn học là khoa học khám phá con người, khám phá những bí mật của tâm hồn con người bằng nghệ thuật. Nhưng, nói như Nam Cao, thì: Chế độ tạo ra lòng người; Tư tưởng, tình cảm, cảm giác và hành động của chúng ta đều khuôn theo những thói tục, những lề lối sẵn trong thời đại chúng ta. Thời thế đổi, lòng người đổi (Sống mòn). Vì thế, có thể thấy, tác phẩm văn học, xét đến cùng, là con đẻ của thời đại. Vì sao, có thể nói như vậy?

Như mọi người đều biết, tác phẩm văn học là đứa con tình thần của nhà văn. Nhà văn thai nghén, sinh thành ra tác phẩm văn học. Nhưng nhà văn nào cũng sống trong một thời đại cụ thể, hít thở bầu không khí của thời đại mình đang sống, trực tiếp hoặc gián tiếp, ít nhiều đều chịu sự chi phối bởi hoàn cảnh lịch sử xã hội, văn hoá của thời đại đó. Vì thế, xét đến cùng, tác phẩm văn học là con đẻ của thời đại, và về một phương diện nào đó, nó mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra nó. Thời đại tạo ra nhà văn, và thông qua nhà văn, sáng tạo ra tác phẩm văn học.

Ở bất kì thời đại văn học nào, mối quan hệ giữa văn học và đời sống cũng là mối quan hệ cơ bản, sâu sắc. Văn học bắt nguồn từ đời sống, nảy sinh từ hiện thực đời sống. Bêlinxki khẳng định: Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật. Chế Lan Viên nhấn mạnh: Dẫu tuyệt bút thì thơ cũng là con đẻ của đời. Còn Tô Hoài cũng cho rằng: Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời.

Trong sự tác động của thời đại đối với sự hình thành tác phẩm văn học, cần phải thấy sự tác động âm thầm mà sâu sắc của văn hoá. Bêlinxki từng lưu ý: Văn học như một dòng chảy mạnh mẽ ở bề sâu, thật sự có tác động đến nhà văn, nhưng đôi khi chính nhà nghiên cứu không hay biết. Lối tiếp cận như vậy không thể giúp ta đi sâu vào những tác phẩm lớn, và khi đã như vậy thì bản thân văn học hiện ra rất nhỏ bé, không có gì đáng để ý. Thời đại có thể thay đổi, nhưng truyền thống văn hoá, mạch ngầm văn hoá vẫn cứ tồn tại và tác động đến văn học của những thời đại tiếp theo.

Ở đây, cần nhận ra ảnh hưởng sâu sắc của thời đại đối với văn học. Mỗi thời đại, thời kì, văn học có những đặc trưng và thi pháp riêng. Trong Việt Nam văn học (1942), Ngô Tất Tố đã chỉ ra sự thống nhất giữa học thuật và chính trị: Học thuật thường phải dựa theo phương hướng của chính trị. Chính trị ngảnh về đường nào, học thuật cũng phải đi theo con đường ấy. Ông cũng đưa ra được những nhận xét đúng đắn về đặc điểm của văn học Việt Nam qua các triều đại: Trong nền văn học nhà Lý, Nho giáo chỉ là Phụ, Phật giáo mới là phần chính; đời nhà Trần, Phật giáo không được trọng đãi như Nho giáo. Vì vậy trong nền văn học; Phật giáo dần dần phải nhường địa vị ưu thắng cho Nho giáo; đời Trần những kẻ học giả chưa bị trói buộc vào trong xiềng xích của nghề từ chương. Ấy cũng vì thế, nhà Trần mới có những bậc đạo học cao rộng như Chu Văn An và Trương Hán Siêu, tư tưởng tự do như Hồ Quý Ly. Và cũng vì thế, văn chương nhà Trần còn có khí cốt, không đến uỷ mị non nớt như các đời khác.

Nhìn một cách tổng quát, nền văn học Việt Nam qua các thời kỳ, qua từng giai đoạn đều mang những đặc điểm, tính chất riêng của văn học thời kì, giai đoạn ấy. Xét đến cùng, một trào lưu, một tác gia, một tác phẩm văn học ra đời cũng chỉ có thể xuất hiện trong một hoàn cảnh lịch sử xã hội, văn hoá cụ thể. Không thể có tác phẩm văn học nào xuất hiện một cách vu vơ. Ở đây, nếu có ngẫu nhiên, tình cờ thì từ trong bản chất sâu xa, nó vẫn mang quy luật tất yếu. Bởi lẽ, một nguyên tắc sống còn của nghệ thuật là phải gắn bó với thời đại, với đời sống. Tuy nhiên, hiện thực đời sống cũng không phải là cái gì chung chung, trừu tượng và cũng không hoàn toàn giống nhau ở các cây bút sáng tác trong cùng một thời đại. Có hiện thực lớn và hiện thực nhỏ; có đời sống rộng lớn và đời sống nhỏ hẹp. Một cây bút cắm được vào môi trường nào của đời sống xã hội, điều đó tưởng như ngẫu nhiên nhưng lại mang quy luật tất yếu đối với con đường nghệ thuật của nhà văn, đồng thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiền đồ và tầm cỡ của cây bút đó. Ông cha ta cũng đã từng phân biệt hai thứ văn như hai cách trồng cây: Một bên, thì mở rộng cho cây hàng trăm mẫu ruộng; tưới cho cây bằng nước sông Giang sông Hoài, mong cho thân cây cao hàng trăm trượng, sương gió tôi luyện cho cành của nó, móc mưa dầm cho gốc của nó, cành to gốc lớn, mặc ý vươn ra bốn mặt. Cho nên nó xanh tươi mầu mỡ biết bao! Rõ là một áng văn chương của tạo hoá! Một bên thì thả cho cây nửa sọt đất, tưới cho cây bằng nước vũng, nước khe, mong cho thân cây cao vừa gang tấc, hôm nay uốn cái cành, ngày mai tỉa cái lá, dọc ngang uốn éo, trăm vẻ đổi thay, tuy tạm đủ giúp cho ngắm nghía, nhưng sinh ý nào khỏi héo khô. Bởi vì cái tô sức ở bên ngoài thì bên trong tàn tạ; cái vun đắp ở bên trong, thì bên ngoài tốt tươi. Đó là cái gọi là cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ; mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn. Tầm cỡ của một tác giả, một tác phẩm văn học, một phần được xác định ở chỗ, tác giả, tác phẩm đó gắn bó mật thiết với đời sống xã hội, có phản ánh sâu sắc vấn đề lớn, vấn đề sống còn của thời đại hay không. Những nhà văn lớn, những kiệt tác xưa nay đều động chạm đến những vấn đề không chỉ lớn, có ý nghĩa sống còn đối với cộng đồng, dân tộc mà còn là những vấn đề có tính chất chung của toàn nhân loại, muôn thuở, muôn đời. Từ trong bản chất, cội nguồn của văn học nghệ thuật, người ta không thể không thừa nhận sự gắn bó sâu sắc, máu thịt của văn học với đời sống, với thời đại sản sinh ra nó. Ngay cả Hoài Thanh, người một thời bị quy kết là chủ trương của phái nghệ thuật vị nghệ thuật đối lập với phái nghệ thuật vị nhân sinh, cũng đã từng lên tiếng bác bỏ quyết liệt những người quy kết ông là vị nghệ thuật: Tôi chỉ tóm tắt một câu: tôi không chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật. Vốn bản tính điềm đạm mà nhà phê bình cũng không kìm nổi sự tức giận và gay gắt, ngay từ cái tên bài báo: Chung quanh cuộc biện luận về nghệ thuật: Một lời vu cáo đê hèn.Trong thực tế, có thể thấy, các nhà thơ lãng mạn như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, và cả nhà phê bình Hoài Thanh nữa, luôn có ý thức đề cao tính nghệ thuật, đòi hỏi văn chương trước hết phải là văn chương; nhưng dường như không ai trong số họ chủ trương một thứ nghệ thuật quay lưng lại với cuộc đời, với xã hội. Phải chăng, chính nhờ sự gắn bó với đời, không đối lập, tách rời văn chương với nhân sinh và xã hội, và bằng tài năng đích thực của mình, họ đã góp phần xứng đáng làm nên một cuộc cách mạng trong thi ca.

Nghiên cứu tác phẩm văn học, cần phải thấy, tư tưởng, áp lực của thời đại đối với nhà văn có sức mạnh ghê gớm. Dường như không mấy ai có thể vượt ra khỏi tư tưởng của thời đại. Cho nên Hoài Thanh trước Cách mạng là người cổ vũ cho sự ra đời của cái tôi; sau Cách mạng, lại là người khẳng định vai trò của đoàn thể: Đoàn thể đã tái tạo ra chúng tôi; và trong bầu không khí mới của giang sơn, chúng tôi những nạn nhân của thời đại chữ tôi, hay gọi là tội nhân cũng được, chúng tôi thấy rằng đời sống riêng của cá nhân không có nghĩa gì trong đời sống bao la của Đoàn thể (Dân khí miền Trung, 1946). Cái ta ở đây được đặt trong thế đối lập, phủ định cái tôi, có phần cực đoan, chỉ xuất hiện trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc. Nguyễn Khải, một cây bút có tiếng là xông xáo, đầy bản lĩnh, nhưng phải đến năm 1987, khi viết Cái thời lãng mạn, cũng thừa nhận một sự thực, phải có sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng, phải được cởi trói thì nhà văn mới dám viết, văn học mới đổi mới được: Làm sao mà dám viết. Gan to bằng trời cũng không dám viết. Mà có viết thì nhà xuất bản nào dám in. Vì chúng ta không có quyền phê bình một chủ trương, một chính sách trước khi Đảng tự nhận cần phải sửa đổi. Sai thì cùng sai, đúng thì cùng đúng, tác phẩm văn học đã mất dần cái khả năng phát hiện, dự báo, đã xa cách hoặc đi ngược lại nhân tâm, dùng cái văn chương phù phiếm để che đậy lên điều giả dối.

Nguyễn Minh Châu tâm sự: Nhà văn phải là một thứ côn trùng lấy cái râu mà thăm dò không khí thời đại. Nhưng nhà văn muốn có tầm cỡ thời đại thì phải ngụp sâu vào dân tộc mình, nhân dân mình. Trong lịch sử thơ ca của dân tộc ta, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, là những nhà thơ có tầm cỡ thời đại. Xuân Diệu thật sâu sắc khi chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa văn thơ Đồ Chiểu với thời đại của ông: Cánh buồm thơ của cụ Đồ Chiểu đã bọc lấy gió, lấy bão của thời đại cụ, gió bão khóc than và gào thét, đến nỗi bây giờ không thể tách cái khí thế của gió bão ra khỏi buồm. Chìm sâu trong chùm thơ mùa thu của Nguyễn Khuyến, người đọc có thể nhận ra bi kịch tinh thần, tâm sự yêu quê hương đất nước của một cách thầm kín của nhà thơ. Đằng sau hình ảnh bãi cát dài: Bãi cát dài, bãi cát dài Đi một bước như lùi một bước trong bài thơ Sa hành đoản ca (Bài ca ngắn đi trên bãi cát) của Cao Bá Quát là tâm sự bế tắc của nhà thơ, đồng thời cũng là sự bế tắc trên đường đời của cả một thế hệ tri thức lúc bấy giờ; qua đó, phản ánh sự bế tắc chung của cả xã hội lúc bấy giờ; qua đó, phản ánh sự bế tắc chung của cả xã hội thời Nguyễn. Đó cũng là tâm sự của đại thi hào Nguyễn Du: Cùng đồ lân nhữ dao tương kiến (Lúc đường cùng thương ta cùng trăng nhìn nhau từ xa) (Quỳnh Hải nguyên tiêu); Nhân đáo cùng đồ vô hảo mộng (Người đến bước đường cùng không có mộng đẹp) (Trệ khách) Ở đây, dấu ấn của thời đại trong sáng tác của những tác giả văn học tiêu biểu, ở mọi thời kì, là rất sâu đậm. Vì thế, Hoài Thanh gọi Tản Đà là con người của hai thế kỉ, là dấu gạch nối giữa văn học truyền thống và văn học hiện đại, là người dạo bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kì đương sắp sửa (Hoài Thanh), là người báo tin xuân cho phong trào Thơ mới 1932 1945. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự gắn bó của thơ Tố Hữu với cách mạng: Đường cách mạng, đường thơ. Thấy được sự gắn bó của thơ Phạm Tiến Duật với con đường Trường Sơn lịch sử trong những năm cao trào cả nước chống Mĩ, đó cũng là cơ sở để một số nhà nghiên cứu đưa ra nhận xét: Đường Trường Sơn đường thơ Phạm Tiến Duật.

Trong tác phẩm văn học, hoàn cảnh lớn có thể chỉ được gợi ra bằng những nét lớn, chứ không nhất thiết phải miêu tả cụ thể, tỉ mỉ với tất cả các mặt của đời sống xã hội. Hoàn cảnh lớn ở đây là hoàn cảnh lịch sử chung, là trạng thái nhân thế của cả xã hội, là tình thế thời đại với những quy luật, những xu thế khái quát nhất bật ra từ những mối liên hệ cốt yếu nhất của thời đại. Đặc trưng thẩm mỹ của tác phẩm văn học cho phép nhà văn tái tạo hoàn cảnh lớn, có khi chỉ qua những chi tiết tạo nên không khí chung của tác phẩm, tạo cái phông, cái nền để giúp người đọc nhận ra được hoàn cảnh chung của nhân vật và đời sống rộng lớn của xã hội và thời đại. Trong truyện ngắn Lão Hạc, hoàn cảnh lớn chỉ được Nam Cao miêu tả qua mấy dòng thật ngắn gọn: Sau trận ốm, lão yếu người đi ghê lắm. Những công việc nặng không làm được nữa. Làng mất vé sợi, nghề vải đành phải bỏ. Đàn bà rỗi rãi nhiều. Còn ít việc nhẹ nào, họ tranh nhau làm mất cả. Lão Hạc không có việc. Rồi lại bão. Hoa màu bị phá sạch sành sanh. Từ ngày bão đến nay, vườn lão chưa có tì gì bán. Gạo thì cứ kém mãi đi. Một lão với một con chó, mỗi ngày ba bào gạo, mà gia sự vẫn còn đói deo đói dắt. Chính cái hoàn cảnh lớn này đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới số phận của lão Hạc. Không có việc làm, không thể kiếm sống bằng bàn tay lao động lương thiện, lại không muốn tiêu vào tài sản mà lão dành dụm cho đứa con biền biệt đi xa, (Bây giờ tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu), cái chết đến với lão, dù bằng cách này hay cách khác, là một sự tất yếu.

Trong tiểu thuyết Sống mòn (Nam Cao), hoàn cảnh lớn đến cuối tác phẩm mới thực sự diễn ra. Ấy là đại chiến thế giới lần thứ hai ập đến cùng với những hồi còi báo động rú lên, đẩy những kiếp sống mòn đến bên bờ vực thẳm. Nhưng hoàn cảnh lớn vẫn được gợi ra từ những trang đầu tiên của tác phẩm và theo suốt quá trình diễn biến của các sự kiện, các trạng thái tâm lý của nhân vật: Những cảnh sống đối lập đầy bất công, cảnh bọn cường hào đè nén, ức hiếp dân nghèo, những cảnh người nhà quê sống lay lắt trong đói nghèo, tăm tối. Ngòi bút Nam Cao không miêu tả trực tiếp với những chi tiết bề bộn tạo nên hoàn cảnh lớn, hoàn cảnh chung của cả một thời đại mà chỉ tập trung miêu tả hoàn cảnh hẹp, hoàn cảnh riêng của mấy anh giáo, cô giáo khổ trong cái trường tư thục ở ngoại ô Hà Nội, qua đó gợi lên được bầu không khí chung của cả xã hội rộng lớn. Đúng như Nguyễn Đình Thi nhận xét: Sống mòn tả cuộc sống thiểu não, quẩn quanh, nhỏ nhen của mấy người trí thức tiểu tư sản nghèo, một cuộc sống mù xám cứ mốc lên, gỉ đi, mòn ra, mục ra, không có lối thoát. Rộng hơn là vận mệnh những con người ấy, ra thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm, tủi nhục, trong đó đời sống không còn ý nghĩa, quay về hướng nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc.

Phân tích hoàn cảnh lớn, cần phải dựa vào thời điểm ra đời của tác phẩm, tìm hiểu những biến cố, sự kiện xã hội lớn, những trào lưu lịch sử lớn, những xung đột giai cấp, nghĩa là tìm hiểu những gì có khả năng tác động tới tư tưởng, tình cảm của nhà văn trong quá trình sáng tạo ra tác phẩm.

Nhưng mỗi nhà văn, do bản chất tư tưởng, hoàn cảnh, môi trường sống và hoạt động văn học khác nhau, vì thế, lại tiếp nhận tác động của hoàn cảnh lớn theo cách riêng, không giống nhau. Phân tích hoàn cảnh lớn trong quan hệ với hoàn cảnh nhỏ là phải chỉ ra được những chỗ khác nhau đó.

Hoàn cảnh lớn hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hoá của cả một thời kì, một thời đại không tác động tới việc hình thành tác phẩm văn học một cách đơn giản và trực tiếp.

Trần Đăng Suyền

  • TAGS
  • Trần Đăng Suyền
Share
Facebook
Twitter
Pinterest
Linkedin
Email
Print
Bài trướcBài thơ: Khi con ra đời Xuân Quỳnh
Bài tiếp theoNguyễn Bản Nhà văn ở ẩn

BÀI VIẾT LIÊN QUANXEM THÊM

PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

Phản biện tác giả Nguyễn Trọng Bình về văn bản Tôi đi học trong sách giáo khoa

PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

Đôi điều trao đổi thêm về việc nghiên cứu và giảng dạy văn thơ Bác Hồ

PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

Truyện Kiều trong chương trình trung học phổ thông Việt Nam từ trước đến nay mấy vấn đề suy nghĩ

PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

Một số kinh nghiệm về dạy kiểu bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ

PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

Sự gần gụi giữa Thơ và Truyện ngắn

PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

Về phương thức tiếp cận không gian trong thơ Đường

Tỏ lòng và khát vọng của trí làm trai

GÓC NHÌN TÁC PHẨM Tao Đàn - Tháng Mười Hai 25, 2021

Cảnh ngày hè và nỗi lòng Ức Trai

GÓC NHÌN TÁC PHẨM Tao Đàn - Tháng Mười Hai 25, 2021

Cắt gọt Tôi đi học từ sách giáo khoa lớp 8 xuống lớp 1...

QUAN ĐIỂM GIÁO DỤC Tao Đàn - Tháng Chín 13, 2021

Phản biện tác giả Nguyễn Trọng Bình về văn bản Tôi đi học trong...

PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN Tao Đàn - Tháng Chín 13, 2021

IQ quyết định sự tồn tại, EQ quyết định sự phát triển, DQ quyết...

DƯ LUẬN & TRANH LUẬN Tao Đàn - Tháng Chín 13, 2021

Giải mã những ẩn ức của Mị trong đêm tình mùa xuân

GÓC NHÌN TÁC PHẨM Tao Đàn - Tháng Tám 27, 2021

Chiếc khẩu trang Tản văn của Huỳnh Như Phương

BÚT KÝ - TÙY BÚT Tao Đàn - Tháng Tám 25, 2021