Kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Ngày 31/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1663/UBND-TTHCC về việc đôn đốc, thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu:

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Các sở, ban ngành; Ban quản lý khu kinh tế tỉnh tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện.

Về thúc đẩy hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến: Các sở, ban ngành; Ban quản lý khu kinh tế tỉnh; UBND các huyện thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình, kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại đơn vị, địa phương [theo Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh]. Tiếp tục giao chỉ tiêu đến từng phòng, đơn vị trực thuộc và cá nhân tại đơn vị để nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến tới từng cơ quan, địa phương trong năm 2022, cụ thể: 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến, 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến.

Để đạt được các chỉ tiêu nêu trên, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố tập trung vào giải pháp như: giao chỉ tiêu và đạt tối thiểu 80% hồ sơ phải được tiếp nhận và xử lý bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trực tiếp tại đơn vị; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện khi thực hiện các thủ tục hành chính [hồ sơ TTHC của tổ chức] thực hiện 100%  hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thay cho việc nộp hồ sơ thủ tục hành chính bằng hình thức trực tiếp như hiện nay. Hoàn thành việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương nghiên cứu giải pháp tham mưu cấp có thẩm quyền có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm thời gian xử lý hồ sơ; giảm lệ phí thực thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Nghiên cứu, thực hiện thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với một số loại hình dịch vụ công trực tuyến tương ứng với một số đối tượng người dân sử dụng phù hợp, khả thi trong tiếp cận, thực hiện dịch vụ, hoàn thành trong quý III năm 2022.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, tỉnh và các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương đã sẵn sàng để giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trước hết, kết nối, khai thác và sử dụng ngay các dịch vụ dữ liệu đã sẵn sàng cung cấp trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia [NDXP].

Hướng dẫn, triển khai hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số, trong đó có hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đình Trung

Cán bộ xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến

“Khó đến đâu, gỡ đến đó”

Mặc dù là nhiệm vụ mới, khó, song với quyết tâm phải làm bằng được, thời gian qua, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng DVCTT bằng nhiều hình thức linh hoạt, bảo đảm việc triển khai hiệu quả, thực chất, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế tại địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định việc triển khai DVCTT là phải làm từng bước, kiên trì tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu và làm quen với việc sử dụng DVCTT. Ban đầu, chúng tôi lựa chọn một số TTHC dễ thực hiện như đăng ký khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp, cấp đổi thẻ BHYT… để hướng dẫn người dân thực hiện. Đồng thời, cử 2 cán bộ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến và liên kết với ngân hàng để người dân thanh toán lệ phí hồ sơ qua QR-Code.

“Đa số người dân đều có tâm lý lo ngại về sự không thuận tiện, khó thao tác khi sử dụng DVCTT nên vẫn muốn đến trực tiếp cơ quan nhà nước để nộp hồ sơ. Để người dân tin, hiểu, chúng tôi hướng dẫn người dân kê khai đầy đủ thông tin hồ sơ qua giấy, sau đó để người dân tự nhập thông tin lên hệ thống, hỗ trợ người dân quét các giấy tờ liên quan; đồng thời hướng dẫn để người dân có thể thao tác tương tự trên điện thoại thông minh - anh Đỗ Tiến Luận - công chức Tư pháp - Hộ tịch, UBND xã Sơn Hùng chia sẻ.

Là xã có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ, tuy nhiên những “nút thắt” trong công tác chỉ đạo, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ xã và chưa có các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện đã khiến tỷ lệ phát sinh hồ sơ DVCTT trước đây của xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy ở mức thấp.

Luôn trăn trở, băn khoăn tìm cách tháo gỡ, quyết tâm thay đổi tư duy, cách làm, xã Bảo Yên thường xuyên quán triệt, đề cao tinh thần gương mẫu, đi đầu từ người đứng đầu cho đến cán bộ công chức trong chỉ đạo tổ chức thực hiện. Lãnh đạo xã trực tiếp giám sát, trao đổi với cán bộ phụ trách thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến để nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ cập nhật kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn người dân một cách tốt nhất.

Cán bộ xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy giải quyết TTHC cho người dân

Ông Nguyễn Hồng Hương - Chủ tịch UBND xã Bảo Yên cho biết: Đưa DVCTT đến với người dân là nhiệm vụ khó, do đó xã thường xuyên rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm các thủ tục không cần thiết để tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Đến nay xã có 61 TTHC được cung cấp dịch vụ công ở mức độ 3, 21 TTHC được cung cấp ở mức độ 4. Xã cũng nhanh chóng thực hiện ký hợp đồng tạo lập và duy trì biên lai điện tử; mở tài khoản Ngân hàng Công thương Việt Nam [Vietinbank], Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn [Agribank] và tài khoản VNPT-PAY, tạo điều kiện để người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về DVCTT đến 100% khu dân cư và người dân thông qua hệ thống đài truyền thanh, các tổ chức đoàn thể, khu dân cư…

Sau một thời gian triển khai, đến nay người dân trong xã đã hiểu và có thói quen sử dụng DVCTT trong giải quyết TTHC. Từ đầu năm đến nay, xã tiếp nhận trên 860 hồ sơ TTHC, trong đó có 27,42% hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, là một trong những xã có số lượng hồ sơ trực tuyến cao của huyện Thanh Thủy.

Đưa dịch vụ công trực tuyến đi vào thực chất, hiệu quả

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để nhiều địa phương tạo bước đột phá trong triển khai DVCTT, hạn chế việc phải đến trực tiếp cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện TTHC.

Để khắc phục những khó khăn trong triển khai thực hiện, đem tiện ích của DVCTT đến với đông đảo người dân, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỉ lệ giải quyết DVCTT, nhất là tại cấp xã. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản đẩy mạnh triển khai cung cấp DVCTT, mở rộng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thu phí, lệ phí đối với các TTHC; đồng thời xây dựng, cập nhật quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng TTHC trên Cổng dịch vụ công, hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh và đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết TTHC với Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Đồng chí Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Với mục tiêu “thực chất, hiệu quả, làm đến đâu chắc đến đó”, ngay trong tháng 10/2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai thí điểm việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 tại Bộ phận một cửa cấp xã thay cho cấp huyện tại huyện Tân Sơn và Thanh Ba đối với 2 TTHC thuộc lĩnh vực đất đai. Phối hợp với Cục Thuế tỉnh, VNPT Phú Thọ hoàn thành kết nối kỹ thuật, đảm bảo cho việc cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện TTHC về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Hiện nay, 100% UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành mở tài khoản ngân hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi sử dụng DVCTT.

 Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Tân Sơn hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán trực tuyến

Những “nút thắt” về thói quen và trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, người dân cũng đã được tháo gỡ thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn triển khai DVCTT, thanh toán trực tuyến từ cấp huyện đến cấp xã trong thời gian qua. Kiên trì và tận tụy, các cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông luôn chủ động hỗ trợ, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ cán bộ công chức tại Bộ phận một cửa các xã, thị trấn; xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đến từng huyện, xã.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động phối hợp với Viễn thông Phú Thọ, Cục Thuế tỉnh thiết lập, đăng ký sử dụng biên lai điện tử; Bưu điện tỉnh thực hiện thủ tục ủy quyền, bàn giao biên lai thu tiền để thu phí, lệ phí và thanh toán hộ cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thanh toán các dịch vụ hành chính công bằng tiền mặt. Nhờ đó, tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết TTHC trên môi trường mạng tại cấp xã từng bước tăng cao. Riêng trong tháng 10/2021, UBND các xã, phường, thị trấn tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 7.733/ 23.866 tổng số hồ sơ tiếp nhận, đạt 32,40%, tăng 11,82% so với tháng 9/2021, vượt kế hoạch đề ra.

 “Với sự đồng hành, hỗ trợ rất lớn từ Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, việc tiếp nhận và giải quyết TTHC trực tuyến từ cấp huyện đến cấp xã đã có nhiều chuyển biến thực chất, dần đi vào nền nếp. Việc cung cấp DVCTT của cơ quan nhà nước trên địa bàn được người dân và doanh nghiệp đồng tình, đánh giá cao giúp giảm thời gian, chi phí đi lại; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước” - đồng chí Nguyễn Tiến Như Khoa - Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Tân Sơn khẳng định.

Đưa DVCTT đến gần hơn với người dân cần cả quá trình nỗ lực bền bỉ, lâu dài của chính quyền các địa phương. Việc chuyển biến mạnh mẽ từ cấp xã thời gian qua đã khẳng định “chỉ cần quyết tâm ắt sẽ thực hiện hiệu quả”. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền cơ sở cùng sự trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cấp xã, DVCTT sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng, có hiệu quả. Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Lệ Thủy

Video liên quan

Chủ Đề