Khai niệm dấu hiệu vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

Thực trạng tình hình giao thông ở nước ta.

Tình hình giao thông hiện có rất nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải giải quyết như tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người dân còn kém (đây là nguyên nhân gây ra trên 80% số vụ tai nạn giao thông). Bên cạnh đó tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn rất phức tạp, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế… Không chỉ tại nhiều tuyến phố ở các thành phố lớn, trên các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, tình trạng vi phạm giao thông còn phổ biến hơn. Tại đây, một bộ phận người dân không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô tham gia giao thông hoặc chở quá số người quy định, đặc biệt là tình trạng phóng nhanh vượt ẩu của một số thanh thiếu niên… Khi được hỏi, mỗi người đưa ra một lý do: nhà gần, đi loanh quanh trong thôn, xóm mà,…

Khai niệm dấu hiệu vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
Xe chở quá khổ và gia súc thả rông trên đường bộ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông

Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn ở các xã, kể cả xã vùng sâu, vùng xa được xây dựng, nâng cấp. Từ đó góp phần giúp người dân giao lưu, thông thương thuận tiện. Bên cạnh đó, đời sống người dân tại vùng nông thôn được nâng lên, người dân có điều kiện mua sắm phương tiện xe máy để phục vụ đi lại và giao thương. Phương tiện giao thông ở vùng nông thôn tăng lên đáng kể nhưng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân lại hạn chế, tình trạng vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên tai nạn giao thông tại nông thôn đang là vấn đề đáng lo ngại. Tình trạng thanh niên nhiều vùng nông thôn trong các cuộc vui, thường uống rượu, bia đến say xỉn, sau đó lên xe máy điều khiển phóng nhanh vượt ẩu, trong khi kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống kém, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông cũng là vấn đề đáng báo động. Một vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn giao thông ở vùng nông thôn nữa là vẫn còn những chiếc xe độ chế tham gia giao thông.

Ngoài ra, một thực trạng nữa phải nhắc đến là hạ tầng giao thông tuy đã được đầu tư cải tạo nâng cấp nhưng chưa tương xứng với sự gia tăng nhanh của phương tiện giao thông. Tình trạng xe quá khổ quá tải diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nhiều ý kiến đề nghị, muốn xử lý triệt để xe quá khổ, quá tải, cần chặn đứng ngay từ đầu nguồn vận chuyển. Lực lượng thanh tra giao thông tiếp tục đẩy mạnh tuần tra, xử lý, đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp xe chở quá tải, không bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, thanh tra giao thông để nghị các cấp chính quyền địa phương cần phối hợp quản lý và kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận tải ngay từ đầu nguồn vận chuyển như tại kho hàng, bến bãi, công trình xây dựng... Trước tình trạng hoạt động của xe quá khổ, quá tải có dấu hiệu bùng phát trở lại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cũng đã có văn bản đề nghị các sở GTVT, các cục quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra tại cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp lớn trong khu công nghiệp, các mỏ đá, vật liệu xây dựng... Đồng thời, thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm tra tại những tuyến đường địa phương, quốc lộ được Tổng cục ĐBVN ủy quyền. Tổng cục ĐBVN cũng lưu ý lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép hoặc giấy phép giả ra khỏi cảng, bến thủy nội địa... Lực lượng chức năng cũng cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác.

Vai trò của pháp luật trong việc quản lý các phương tiện giao thông đường bộ

Nhiều năm qua, vấn đề đảm bảo TTATGT luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều chủ trương, biện pháp nhằm kiềm chế, làm giảm cả ba tiêu chí trong tai nạn giao thông (số vụ, số người chết, số người bị thương) đã được ban hành. Tuy vậy, tình hình vẫn còn nhiều bất cập và trở thành nỗi lo lắng, bất an của người dân khi tham gia giao thông. Để có thể thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, rõ ràng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, ban hành, bổ sung các quy định pháp luật ở lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông.

Để người dân có thể chuyển biến nhận thức và hành động, công tác tuyên truyền cần được thực hiện một cách thường xuyên liên tục, gắn với các buổi họp, các buổi sinh hoạt văn hóa, hội họp. Về lâu dài, cũng cần đưa việc thực hiện chấp hành Luật Giao thông đường bộ vào hương ước, quy ước của thôn làng, đồng thời lấy đó là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua, xét công nhận gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa… từ đó nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ ở vùng nông thôn, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn. Việc kiểm soát an toàn giao thông ở mỗi địa phương cần có sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng ở cơ sở như công an xã, dân quân tự vệ và sự phối hợp tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương. Cùng với đó, nên ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền xã với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thôn trên địa bàn… Như vậy,  sẽ góp phần làm cho hoạt động giao thông ở các thành phố và vùng nông thôn diễn ra an toàn, tính mạng và tài sản của người dân được bảo đảm.

Khai niệm dấu hiệu vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
Xe chở hàng cồng kềnh nghênh ngang lưu thông trên quốc lộ nhưng không hề bị xử lý

Nhằm đạt được mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, bên cạnh các giải pháp đang triển khai thì công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục theo hình thức “mưa dầm - thấm lâu” ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Cần phát huy tốt vai trò của Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT. Ở mỗi địa phương cần thành lập các tổ tuyên truyền về an toàn giao thông lấy thành phần nòng cốt là Tổ trưởng, bí thư Đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, phụ nữ và công an để làm công tác tuyên truyền vận động người dân. Hình thức và nội dung tuyên truyền cần thường xuyên đổi mới nhằm tạo sức hấp dẫn đối với người nghe. Có thể kể đến các hình thức tuyên truyền hiệu quả như: tuyên truyền miệng, sân khấu hóa, qua hệ thống loa truyền thanh ở các phường, xã, thị trấn,...

Riêng đối với hình thức tuyên truyền miệng đòi hỏi người báo cáo viên phải có kiến thức sâu về an toàn giao thông, có khả năng truyền đạt, trao đổi thông tin hai chiều giữa người nói và người nghe nhằm tạo sức hấp dẫn, qua đó giúp người nghe ghi nhớ sâu, thậm chí có thể biến người nghe thành một “báo cáo viên mới” để tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền pháp luật về giao thông. Đây được coi là kênh thông tin nhanh chóng, kịp thời, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận trong xã hội; tuyên truyền, biểu dương các tấm gương sáng trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT, đồng thời phê phán mạnh mẽ các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về TTATGT.

Để điều chỉnh các hành vi trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay cần có các văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn khi tham gia giao thông cũng là những quy tắc xử sự chung nằm trong khuôn khổ pháp luật.

Thu Trung

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 63 - 21

Câu hỏi: Dấu hiệu pháp lý của nhóm các tội xâm phạm an toàn giao thông được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Đại Tâm. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

    Các tội xâm phạm an toàn giao thông là các tội quy định đối với người (có năng lực hành vi dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên, ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 265 và khoản 4 Điều 266, người phạm tội có thể từ đủ 14 tuổi trở lên) có những hành vi vô ý gây nguy hiểm cho xã hội xâm phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ hoặc đường hàng không.

    Các tội xâm phạm an toàn giao thông được quy định tại Mục 1 Chương XXI BLHS bao gồm 25 Điều được chia thành năm nhóm:

  •      Nhóm các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ (có 7 tội thuộc nhóm này) bao gồm từ Điều 260 đến Điều 266.

    Các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông là các tội phạm quy định đối với người (có năng lực trách nhiệm dân sự, từ đủ 16 tuổi trở lên, ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 265 và khoản 4 Điều 266, người phạm tội có thể từ đủ 14 tuổi trở lên) có những hành vi vô ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến những quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Hành vi của người phạm tội thuộc nhóm này phải gây ra thiệt hại và thiệt hại được định lượng trong điều luật thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự (trừ Điều 265): Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (riêng với tội đua xe trái phép quy định tại Điều 266 thì, thiệt hại được quy định là: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.).

  •      Nhóm các tội xâm phạm an toàn giao thông đường sắt (có 5 tội thuộc nhóm tội này): bao gồm từ Điều 267 đến Điều 271.

     Nhóm các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường sắt là các tội quy định đối với người (có năng lực trách nhiệm dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên) có những hành vi vô ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến những quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường sắt. Hành vi của người phạm tội thuộc nhóm này phải gây ra thiệt hại và thiệt hại được định lượng trong điều luật thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

  •      Nhóm các tội xâm phạm an toàn giao thông đường thủy (có 6 tội thuộc nhóm này): bao gồm từ Điều 272 đến Điều 276 và Điều 284.

     Nhóm các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường thuỷ, đường hàng hải là các tội quy định đối với người (có năng lực trách nhiệm dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên) có những hành vi vô ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến những quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thuỷ, đường hàng hải. Hành vi của người phạm tội thuộc nhóm này phải gây ra thiệt hại và thiệt hại được định lượng trong điều luật thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự (trừ Điều 284): Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

  •      Nhóm các tội xâm phạm an toàn giao thông đường không (có 4 tội thuộc nhóm này): bao gồm từ Điều 277 đến Điều 280.

     Nhóm các tội xâm phạm an toàn giao thông đường không là các tội quy định đối với người (có năng lực trách nhiệm dân sự, từ đủ 16 tuổi trở lên) có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến những quy định cảu pháp luật về an toàn giao thông đường không.

  •      Nhóm các tội xâm phạm các công trình giao thông, chiếm đoạn tàu bay, tàu biển, vi phạm các quy định về hàng không, hàng hải của Việt Nam (có 4 tội thuộc nhóm này): bao gồm từ Điều 281, 282, 283 và 284.

Nhóm các tội phạm này là các tội quy định đối với người (có năng lực trách nhiệm dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên, đối với các tội quy định tại Điều 282 và 283 người phạm tội có thể là người nước ngoài) có những hành vi cố ý gây nguy hiểm, xâm phạm những quy định pháp luật về hàng hải, hàng không, quản lý các công trình giao thông, quyền sở hữu tàu bay, tàu biển.

Công ty Luật TNHH Đại Tâm chịu trách nhiệm về nội dung trả lời với câu hỏi trên và giữ bản quyền. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua Tổng đài 24/7 gọi số: 1900.9244 để nhận được sự tư vấn hoặc gửi thắc mắc đến Email:  để được hỗ trợ cụ thể hơn.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.