Kiểm nghiệm hạt nông sản là gì

An toàn cho thực phẩm

Công ty chế biến thủy sản Cần Thơ luôn chú trọng bảo đảm việc vệ sinh an toàn trong chế biến sản phẩm.

GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch hội Hóa học TP Hồ Chí Minh cho rằng: Thực phẩm nhiễm vi sinh độc hại là nguyên nhân chính gây nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể, hóa chất, phụ gia dùng trong nông-thủy sản, thực phẩm có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hóa chất không được phép sử dụng như: hàn the, chất tạo ngọt tổng hợp, hay những hóa chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng lại dùng quá hàm lượng cho phép. Dư lượng thuốc trừ sâu, diệt nấm trên hoa quả vượt quá mức quy định, chất độc gốc tự nhiên: Tetrodoxin trong một số thủy sản như: Cá nóc, mực xanh... Ðộc tố sinh ra trong quá trình bảo quản không tốt, độc tố phôi ra từ bao bì đóng gói, chất độc sinh ra trong quá trình chế biến, nấu nướng, chất độc sinh ra trong quá trình pha chế... Chất lượng những sản phẩm bị ảnh hưởng những hóa chất kể trên không những ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khỏe của con người, ảnh hưởng xấu đến sự phồn vinh của nền kinh tế và sự hưng thịnh các hoạt động thương mại, văn hóa, nền an ninh chính trị, sự trường tồn của giống nòi.

Trên thế giới, cộng đồng các nước châu Âu [EU] đã quy định một miếng thịt bò hay miếng thịt lợn bán trong siêu thị đều có số liệu liên quan đến con vật bị làm thịt [như nguồn gốc, trọng lượng, thời gian giết mổ] giúp người tiêu dùng biết được lai lịch xuất xứ của con vật. Các loại nông sản, chè, cà-phê, hạt điều, hướng dẫn chi tiết về xuất xứ cũng hết sức chi tiết và thận trọng. Ðiều đó như một giấy thông hành, một hộ chiếu trong quá trình sản xuất, chế biến thương mại và tiêu dùng lương thực, thực phẩm của đầu thế kỷ 21.

Thủ tục này sẽ áp dụng cho bất kỳ nước nào, dù là nước không thuộc liên minh châu Âu, trong đó có nước ta. Sự kiện này rất quan trọng và rất bức thiết đối với nước ta trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, thương mại và tiêu dùng nông sản, lương thực, thực phẩm vào thị trường EU như: Chè, cà-phê, thủy sản, hạt điều, gạo, các loại đồ uống, mật ong, thực phẩm ăn liền, v.v.

Ông Nguyễn Ðăng Thỏa, Giám đốc Văn phòng công nhận chất lượng [Tổng cục Tiêu chuẩn - Ðo lường - Chất lượng] khẳng định: Doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, hợp tác xã, xí nghiệp vừa và nhỏ sẽ không sản xuất được thực phẩm có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu như các loại nông sản, các nguyên liệu đầu vào bị nhiễm các hóa chất bảo vệ thực vật. Các loại mycotoxin, kim loại nặng và các sinh vật gây bệnh. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa việc sản xuất và chế biến các loại thực phẩm có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời đáp ứng đầy đủ sở thích của người tiêu dùng là một yêu cầu có tính chất sống còn của nền kinh tế.

Trong lộ trình hội nhập với sự cạnh tranh khốc liệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại càng có ý nghĩa quan trọng quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp. Do đó việc điều hành, phối hợp trong quản lý chất lượng ở tầm vĩ mô và vi mô toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất, chế biến, thương mại tiêu dùng nông sản, lương thực, thực phẩm, nên theo phương châm từ gốc đến ngọn.

Ông Lê Doãn Diên, Tổng Thư ký Hội Khoa học và công nghệ Lương thực, Thực phẩm cho hay: EU đã ban hành cuốn sách trắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm một chương trình kiện toàn hệ thống pháp luật và mạng lưới lương thực, thực phẩm của EU nhằm kiểm soát sự an toàn của toàn bộ các giai đoạn hình thành nông sản, lương thực, thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Ðây là hàng rào kỹ thuật giữa EU và các nước xuất khẩu vào thị trường EU. Kết hợp hài hòa giữa công nghệ trước thu hoạch và công nghệ sau thu hoạch để thu được các loại lương thực và thực phẩm an toàn.

Chị Nguyễn Minh Thu, Giám đốc siêu thị Minh Thu [quận Thanh Xuân, Hà Nội] cho biết: Ở các nước phát triển người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến chất lượng thực phẩm, do đó tạo được sức ép rất lớn với nhà sản xuất và nhà quản lý, còn ở nước ta do cuộc sống phần lớn người dân vẫn còn khó khăn, cho nên yêu cầu chất lượng chưa đủ mạnh để có thể tạo thành sức ép. Thực chất, không ít nhà sản xuất chăm chút nhiều đến lợi ích riêng của mình, chẳng cần nghĩ đến hậu quả xấu do mặt hàng mà doanh nghiệp làm gây ra cho cộng đồng.

Một số chuyên gia cho rằng: Mặc dù đã có nhiều pháp lệnh về thú y, pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, luật về thủy sản, pháp lệnh chất lượng hàng hóa và các nghị định hướng dẫn thi hành, việc quản lý nhà nước vẫn còn chồng chéo, khó quy trách nhiệm, làm giảm hiệu năng quản lý. Ðặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng bỏng, việc tổ chức thanh tra gần như không có tác dụng ngay từ cấp xã, phường. Thực tế hiện nay, cứ bộ nào được giao quản lý ngành là có xu hướng phải thành lập phòng kiểm nghiệm riêng, vừa tốn kém, vừa khó tránh được trùng lặp, khó có đủ kinh phí để trang bị hoàn chỉnh đáp ứng được mọi yêu cầu kiểm nghiệm. Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa vẫn còn gặp nhiều hạn chế do số phòng thử nghiệm có trình độ và kinh nghiệm còn ít.

Ðể thống nhất hành động trong việc quản lý chất lượng hàng hóa, tránh dàn trải, đùn đẩy trách nhiệm, lãng phí tiền và nhân lực, cần gấp rút mở rộng hệ thống kiểm nghiệm đến các phòng thử nghiệm của các viện. Các cấp xã, phường, cần tăng cường hệ thống quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc thú y, hóa chất phụ gia thực phẩm đang được bày bán trên thị trường. Về phía các nhà sản xuất, cần rà soát, bổ sung, thiết lập thêm các quy định trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố, nghiêm cấm việc sử dụng phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng. Ðồng thời, nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa.

HÀ HƯƠNG

Video liên quan

Chủ Đề