Kinh tuyến và vĩ tuyến cách nhau bao nhiêu độ?

Bài viết này có đồng tác giả là đội ngũ biên tập viên và các nhà nghiên cứu đã qua đào tạo, những người xác nhận tính chính xác và toàn diện của bài viết.

Nhóm Quản lý Nội dung của wikiHow luôn cẩn trọng giám sát công việc của các biên tập viên để đảm bảo rằng mọi bài viết đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Bài viết này đã được xem 51.456 lần.

Vĩ độ và kinh độ là các phép đo vị trí trên trái đất. Nếu biết cách đọc vĩ độ và kinh độ trên bản đồ, bạn có thể xác định toạ độ địa lý của bất cứ điểm nào trên bản đồ. Mặc dù bạn có thể dễ dàng tìm được vĩ độ và kinh độ trên các bản đồ trực tuyến chỉ bằng một cú nhấp chuột, nhưng đôi khi cũng hữu ích nếu bạn biết cách đọc trên bản đồ giấy. Để đọc đúng vĩ độ và kinh độ, trước tiên bạn phải hiểu các khái niệm cơ bản của các phép đo này. Khi đã nắm được những điều cơ bản, bạn hãy học cách xác định các điểm vĩ độ và kinh độ trên bản đồ và xác định chính xác các vị trí.

Các bước

  1. Làm quen với khái niệm về vĩ độ. Vĩ độ là phép đo khoảng cách của một điểm về phía bắc hoặc nam của đường xích đạo, một đường tưởng tượng chạy ngang qua điểm trung tâm của trái đất giữa hai cực. Trái đất được chia thành 180 vĩ tuyến. Các vĩ tuyến này chạy ngang vòng quanh trái đất, trong đó có 90 vĩ tuyến bắc và 90 vĩ tuyến nam.

  2. Hiểu định nghĩa kinh độ. Kinh độ là phép đo khoảng cách của một điểm về phía đông hoặc tây của đường tưởng tượng chạy dọc từ giữa trái đất từ cực bắc đến cực nam, gọi là kinh tuyến gốc. Các kinh tuyến là một loạt các đường chạy dọc từ cực bắc xuống cực nam, còn gọi là meridians (giữa trưa), vì tất cả mọi vị trí trên cùng một kinh tuyến đều có thời điểm giữa trưa vào cùng một lúc. Có 360 kinh tuyến ở cả hai bên kinh tuyến gốc, trong đó có 180 kinh tuyến đông và 180 kinh tuyến tây.

    • Kinh tuyến đối diện với kinh tuyến gốc ở phía bên kia trái đất được gọi là kinh tuyến nghịch.

  3. Học về các đơn vị đo vĩ độ và kinh độ. Các phép đo vĩ độ và kinh độ thường được thể hiện bằng độ (°), phút (′), hoặc giây (″). Khoảng cách giữa các vĩ tuyến hoặc kinh tuyến là 1°. Để có phép đo chính xác hơn, mỗi độ có thể được chia thành 60 phút, và mỗi phút lại được chia thành 60 giây (tổng cộng có 3.600 giây trong mỗi độ).

    • Vĩ độ và kinh độ được đo bằng độ thay vì các đơn vị đo lường tuyệt đối (như dặm hoặc km), vì trái đất có hình cầu. Trong khi khoảng cách giữa các vĩ tuyến là không đổi (60 hải lý hoặc 111,12 km), thì do hình dạng của trái đất, khoảng cách giữa các kinh tuyến lại giảm dần về phía hai cực.

  4. Đo vĩ độ và kinh độ so với điểm 0. Khi đo vĩ độ ở cả hai hướng, đường xích đạo được coi là điểm bắt đầu, vĩ độ 0°. Tương tự, kinh tuyến gốc là điểm bắt đầu để đo kinh độ, tương ứng với kinh độ 0°. Mỗi một chỉ số vĩ độ hoặc kinh độ biểu thị khoảng cách kể từ điểm gốc ở cả hai hướng.

    • Ví dụ, cực bắc có vĩ độ là 90° bắc, nghĩa là 90° phía bắc xích đạo.
    • Kinh tuyến nghịch nằm ở 180° ở cả hai phía đông và tây kể từ kinh tuyến gốc.
    • Tượng nhân sư lớn Giza ở Ai Cập nằm tại 29°58′31″bắc, 31°8′15″đông, nghĩa là ngay dưới 30° vĩ bắc và 31° kinh đông so với kinh tuyến gốc.

  1. Tìm một bản đồ có kẻ các đường vĩ tuyến và kinh tuyến. Không phải bản đồ nào cũng thể hiện kinh tuyến và vĩ tuyến. Thông thường, các kinh tuyến và vĩ tuyến thường có trên các bản đồ khu vực rộng như bản đồ atlas hoặc các bản đồ nhỏ hơn được thiết kế để mô tả địa hình cực kỳ chính xác, chẳng hạn như bản đồ địa hình. Ở Mỹ, các bản đồ địa hình chi tiết của hầu hết các khu vực được xuất bản bởi cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ.

  2. Xác định vị trí muốn tìm. Nhìn vào bản đồ và xác định đặc điểm hoặc khu vực mà bạn muốn đọc toạ độ. Dùng đinh ghim hoặc bút chì để đánh dấu chính xác điểm mà bạn muốn biết toạ độ.

  3. Xác định các vĩ tuyến và kinh tuyến. Các vĩ tuyến được thể hiện trên bản đồ bằng một loạt các đường ngang cách đều nhau trên bản đồ, còn các kinh tuyến được biểu thị bằng một loạt các đường dọc cách đều nhau từ trên xuống dưới. Hãy nhìn các con số dọc theo các cạnh của bản đồ chỉ tọa độ của từng đường kẻ. Các chỉ số này được gọi là “vạch.”

    • Vạch vĩ độ được đánh dấu dọc theo hai cạnh đông và tây của bản đồ. Vạch kinh độ được đánh dấu ở hai cạnh bắc và nam.
    • Tuỳ vào tỷ lệ của bản đồ, vạch toạ độ có thể ghi các phần nhỏ của độ thay vì từng độ. Ví dụ, có vạch ghi từng phút trong 1 độ thay vì từng độ (chẳng hạn như 32°0′, 32°1′, v.v…)
    • Bản đồ cũng thể hiện vị trí tương quan với đường xích đạo và kinh tuyến gốc của các vĩ độ và kinh độ (Bắc hoặc Nam, Đông hoặc Tây).
    • Đừng nhầm lẫn hệ thống vĩ tuyến và kinh tuyến với hình chiếu UTM, một dạng khác của hệ thống lưới toạ độ thường được ghi trên bản đồ. Các chỉ số UTM thường được ghi cỡ chữ nhỏ hơn (và không có ký hiệu độ) dọc theo các cạnh của bản đồ, và các đường lưới UTM có thể được kẻ màu khác với các kinh tuyến và vĩ tuyến.

  4. Dùng thước để đánh dấu vĩ độ của điểm đang tìm. Lấy thước và bút chì kẻ một đường ngang từ điểm đang tìm toạ độ đến cạnh đông hoặc tây gần nhất trên bản đồ. Đảm bảo đường kẻ của bạn phải song song với vĩ tuyến gần nhất.

  5. Vẽ một đường kẻ khác để đánh dấu kinh độ của điểm đang tìm toạ độ. Bắt đầu từ chính điểm đó, dùng thước kẻ một đường thẳng dọc đến cạnh bắc hoặc nam của bản đồ. Nhớ rằng đường kẻ phải song song với kinh tuyến gần nhất.

  6. Ước tính vĩ độ và kinh độ của điểm đang tìm bằng các vạch toạ độ. Tuỳ vào tỷ lệ của bản đồ, bạn có thể ước tính toạ độ của một điểm đến từng giây. Hãy nhìn vào giao điểm của các đường kinh tuyến và vĩ tuyến vừa kẻ với các vạch ghi trên các cạnh của bản đồ để ước tính tọa độ bằng vị trí của chúng tương ứng với vạch gần nhất.

    • Nếu bản đồ biểu thị giây, hãy tìm giây gần nhất với từng giao điểm của kinh tuyến hoặc vĩ tuyến trên cạnh của bản đồ. Ví dụ, nếu vĩ tuyến của bạn rơi vào khoảng 5″ bên trên vĩ tuyến 32°20′ bắc, điểm mà bạn muốn xác định toạ độ sẽ ở vĩ độ khoảng 32°20′5″ bắc.
    • Nếu bản đồ biểu thị phút mà không có giây, bạn có thể ước tính vĩ độ và kinh độ trong vòng 6 giây bằng cách chia khoảng cách giữa từng vạch thành 10 phần. Nếu kinh tuyến của bạn rơi vào khoảng 2/10 về bên trái của kinh tuyến 120°14′ đông, kinh độ của điểm đó sẽ vào khoảng 120°14′12″đông.

  7. Kết hợp các chỉ số với nhau để xác định toạ độ. Toạ độ địa lý là nơi mà các kinh tuyến và vĩ tuyến hội tụ tại một điểm. Nhìn vào vĩ độ và kinh độ của điểm mà bạn đang xác định và kết hợp lại (ví dụ 32°20′5″bắc, 120°14′12″đông).