Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có

[TCTG]- Trong Biên niên sử về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một sự kiện được ghi lại. Đó là vào tháng 6-1968 theo lời mời của Bác, đồng chí Hà Huy Giáp, Phó trưởng ban cùng các đồng chí Lê Xuân Đồng, Phan Hiền, những cán bộ phụ trách của Ban Tuyên huấn TW đã đến làm việc với Bác. Đúng là Bác mời, bởi mở đầu buổi làm việc ấy Bác đã nói: “Hôm nay Bác mời các chú đến để bàn…”

40 năm tròn đã đi qua kể từ thời điểm mở đầu sự kiện ấy, tháng 6-1968, và cho đến đầu tháng 8-1969, Bác còn nghe đồng chí Hà Huy Giáp báo cáo, đây là lần thứ 22, Bác nghe báo cáo và cho ý kiến về những điều đã được bàn luận và thực hiện sau đó. Đó là việc nêu gương Người tốt việc tốt và biên soạn phát hành rộng rãi những tập sách Người tốt việc tốt để “mọi người có ý thức làm theo và làm hơn thế”, như lời căn dặn của Bác.

Những điều Bác nói, những ý kiến Bác phát biểu, bàn luận trong những ngày tháng 6-1968 sau này đã được ghi lại thành văn bản, đăng báo, in trong nhiều tập sách và đưa vào Tuyển tập Hồ Chí Minh với tựa đề “Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách người tốt, việc tốt”[1]. Trong bài nói này của Bác có đoạn:

“- Các chú có biết nhân dân ta sống với nhau như thế nào không? [một đồng chí trả lời – Thưa Bác, nhân dân ta có câu “tối lửa tắt đèn có nhau”].

- Đúng là như vậy! Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa là như thế. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, định nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu, bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao lại là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được!... Mấy chục năm nay, nhân dân ta thực hành chủ nghĩa Mác-Lênin bằng cách ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng và sống với nhau có tình có nghĩa. Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin thiết thực nhất”…[2].

Như vậy chỉ trong một đoạn văn ghi lại lời Bác, dài hơn 100 chữ, đã có 7 lần Bác nhắc đến “tình nghĩa”, trong đó có 4 lần Bác sử dụng mệnh đề “Sống với nhau có tình có nghĩa”; đồng thời cũng 4 lần Bác nói về “chủ nghĩa Mác-Lênin” từ hiểu đến thực hành, tuyên truyền, giáo dục. Đây không phải là phép điệp từ của tu từ học thông thường mà là một sự chủ ý nhấn mạnh, khẳng định, thể hiện nỗi niềm đau đáu trong suy tư và mong đợi của Hồ Chí Minh về học tập, hiểu biết thực hành lý luận cách mạng, rèn luyện tư cách đạo đức của người cách mạng, của cán bộ đảng viên, điều mà Người đã nêu ra trong bài giảng tại các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng được mở ra ở Quảng Châu [Trung Quốc] trong những năm 1925 – 1928 nhằm chuẩn bị về tư tưởng và lý luận, lực lượng và tổ chức cho sự thành lập Đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc đi lên con đường đấu tranh cách mạng, triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Trở lại với đoạn văn trích, lời Bác Hồ nói, tháng 6-1968, chúng ta thấy, trước hết Bác khẳng định: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa” cũng tức là “Sống với nhau có tình có nghĩa” đã trở thành giá trị truyền thống, đạo lý làm người tốt đẹp của nhân dân ta. Lời Bác nói cũng chính là ngôn ngữ thường ngày của mỗi người dân Việt, truyền đời, tiếp nối qua bao thế hệ. “Sống với nhau có tình có nghĩa” từ trong suy tư được thể hiện ra thành lời nói, việc làm, hướng nội và hướng ngoại, tự nhủ và khuyên bảo nhau, là mệnh lệnh của lương tâm, trái tim cá nhân và là sức mạnh của dư luận xã hội mang ý nghĩa bình phẩm, đánh giá, phê phán điều chỉnh ý nghĩa, thái độ, hành vi ứng xử của mỗi người. Thay vì là những phạm trù đạo đức vốn mang tính trừu tượng, lý thuyết sách vở, chẳng hạn như Trung, Hiếu, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín cần rất nhiều sự diễn giải, biện luận thì “Sống với nhau có tình có nghĩa” lại như những gì diễn ra trong cuộc sống thực sinh động, cụ thể, trực tiếp với sự trải nghiệm của mỗi người khi sống với nhau có tình có nghĩa, mình sống có tình có nghica với mọi người và mọi người sống có tình có nghĩa với bản thân mình, ngược lại sẽ là vô tâm, vô tình, vô cảm, thờ ơ, hững hờ, bạc nghĩa, bội nghĩa, ăn cháo đá bát, rút ván qua cầu.

Bởi sống có tình là yêu mến gắn bó giữa người với người, bằng sự tinh tế, tế nhị duyên dáng, dễ cảm, dễ mến, trong sự đa dạng và nhiều chiều kích, tầng bậc trong đời sống tình cảm của con người, vui và bồn, yêu và ghét, giận, sợ cùng những ham muốn. Đồng thời đời sống tình cảm của con người, sống có tình của con người không chỉ là những phản ánh tâm lý thông qua lăng kích nhu cầu có tính bản năng. Cả tình cảm và nhu cầu của con người đều có nguồn gốc xã hội và mang tính lịch sử, tức là nó chịu sự định hướng, điều chỉnh bởi các chuẩn mực xã hội, cái mà ta gọi là nghĩa. Nghĩa là điều được coi là hợp lẽ phải, làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội; nghĩa còn là quan hệ tình cảm thủy chung, phù hợp với những quan niệm đạo đức nhất định. Nghĩa trước hết là nghĩa vụ.

Sống với nhau có tình có nghĩa trong các quan hệ xã hội hiện thực của mỗi con người, từ tuổi thơ, trong suốt cả cuộc đời, trong gia đình vợ – chồng, cha mẹ – con cái, ông bà – cháu, anh chị em; ngoài xã hôi là xóm làng, đến trường học là thầy trò, bạn đồng học – đồng môn, đi làm là đồng nghiệp. Mỗi người thực hiện đúng bổn phận của mình cũng là làm tròn nghĩa vụ của mình, tạo nên sự cố kết xã hội, bền chặt để vượt qua những thử thách do thiên tai, địch họa, cả những rủi ro, sa sẩy của mỗi cá nhân. Tình sâu nghĩa nặng là như vậy, cho nên cho dù sống với nhau chỉ là một ngày thì cũng “một ngày nên nghĩa”, và nếu như vì một lý do nào đó mà cái tình phải đứt đoạn thì cái nghĩa vẫn còn để con người chẳng thể nào quên được tình xưa, nghĩa cũ, để con người luôn nghĩ và làm sao có thể đáp nghĩa đền ơn, và do vậy càng sống với nhau có nghĩa có tình, trọn nghĩa vẹn tình.

Khẳng định rằng “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa”, Hồ Chí Minh đồng thời cũng khẳng định rằng: “Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào – đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”. Luận điểm này của Hồ Chí Minh thể hiện sự thấu triệt cái giá trị cốt lõi dân tộc – nhân văn trong sứ mạng lãnh đạo và giáo dục quần chúng của Đảng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam. Không xa rời cái căn cốt nhân văn và dân tộc, để giữ gìn, tiếp nối, nâng cao, hoàn thiện hệ giá trị truyền thống theo chủ nghĩa Mác-Lênin, hệ tư tưởng của thời đại. Đây chính là cuộc gặp gỡ kỳ diệu, tất yếu, tự nhiên giữa đạo lý làm người cuả dân tộc Việt Nam với tinh hoa trí tuệ của nhân loại trong thời đại cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức, nô dịch, thông qua sự lãnh đạo và giáo dục của Đảng ta, một Đảng luôn gương cao ngọn cờ dân tộc, đại diện cho những khát vọng lớn lao của toan dân tộc, của mỗi người Việt Nam là xây dựng xã hội mới, trong đó mỗi người sống với nhau có tình có nghĩa, càng cao đẹp hơn. Vì thế, học, hiểu thực hành chủ nghĩa Mác-Lênin là sống với nhau có tình có nghĩa, như điều Hồ Chí Minh khẳng định nếu thuộc bao nhiêu sách mà không sống có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được. Đồng thời Hồ Chí Minh cũng khẳng định “phải ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng, hai mặt vốn có, bổ sung cho nhau tạo thành đời sống hiện thực của con người đó là hoạt động và quan hệ xã hội.

Hồ Chí Minh đã nói “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[3]. Đây cũng là định hướng cơ bản cho việc đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy học và giáo dục trong các trường học. Mỗi người chúng ta đang “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, đạo đức Hồ Chí Minh đó là ‘sống với nhau có tình có nghĩa và là ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng. Thấm nhuần những lời khuyên bảo của Bác Hồ, chúng ta càng sáng tỏ hơn những vấn đề cơ bản của cuộc vận động lớn, từ mục tiêu đến nội dung, từ cách thức đến phương pháp, để qua cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người sống với nhau có tình có nghĩa càng cao đẹp hơn, và làm tròn nhiệm vụ cách mạng./.

Nguyễn Đức Thạc
Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội
———————

[1], [2] Hồ Chí Minh, Tuyển tập, t.2, Nxb ST, H, 1980, tr.477-493, 486-487

[3] Sđd, t.1, tr.208

Không thể tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin

[ĐCSVN] - Gần đây, âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng của các thế lực thù địch ngày càng xảo quyệt và nguy hiểm. Những quan điểm sai trái mà các thế lực thù địch đã tung ra đều có chung bản chất và mục đích, nhưng hình thức thể hiện ngày càng thay đổi đa dạng.


Có quan điểm công khai trắng trợn, thể hiện rõ sự thù địch, hằn học với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; có quan điểm thừa nhận lịch sử nhưng lại phủ nhận giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin... Đặc biệt, những luận điểm cố tình tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó “nâng tầm” một cách giả tạo tư tưởng Hồ Chí Minh là quan điểm có tính ngụy biện dễ làm cho một số người ngộ nhận, tin theo.

Thực tế đã và đang khẳng định bản chất cách mạng và khoa học, giá trị và sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” [1]. Theo Người, chủ nghĩa Mác - Lênin không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Nghiên cứu lịch sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ con đường Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin một cách cơ bản, hệ thống. Theo Người: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác” [2]. Và trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ “tách mình” ra khỏi C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin để đưa ra các quan điểm riêng, mà như Người nói là “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà kinh điển đó, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam”. Nếu không có chủ nghĩa Mác - Lênin thì không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ khi tiếp nhận được chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới thực sự được xác lập và phát triển.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận chủ yếu quyết định sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, chủ nghĩa Mác - Lênin đã cung cấp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời, đặt “hòn đá tảng” những vấn đề có tính nguyên tắc về lập trường quan điểm, về tinh thần xử lý mọi việc. Những phạm trù cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng nằm trong những phạm trù cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những cống hiến đó có được trước hết do Người đã nắm được bản chất cốt lõi, “linh hồn sống” trong tư tưởng của các nhà kinh điển Mác - Lênin là phép biện chứng duy vật.

Theo Hồ Chí Minh, mục đích học chủ nghĩa Mác - Lênin là để phụng sự lợi ích chung, chứ không có gì cao xa, nếu không hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư, tự lợi là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”[3].

Bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng. Vì thế, không thể tách rời mối quan hệ vốn có giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế cho chủ nghĩa Mác - Lênin và ngược lại. Cũng không thể đề cao hoặc tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như bằng cách này hay cách khác lại phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin.

Đối với các thế lực thù địch, với âm mưu và động cơ chính trị đen tối, chúng luôn tìm cách tuyên truyền luận điểm cho rằng: Ở Việt Nam bây giờ học thuyết Mác - Lênin đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, chỉ cần nói tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nói chủ nghĩa Mác - Lênin. Trước luận điểm này, cần có sự nhạy cảm chính trị để thấy rõ, đây không phải là sự ca ngợi, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh theo đúng giá trị đích thực, vốn có trong tư tưởng của Người. Trái lại, với luận điểm trên, các thế lực phản động muốn cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc lý luận chủ yếu của tư tưởng này là chủ nghĩa Mác - Lênin, làm suy yếu và tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này là hết sức nguy hiểm vì đích cuối cùng luận điểm này hướng đến đó là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; tiến tới phủ nhận nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, làm suy yếu và đi đến xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ Luận cương chính trị [10-1930] cho đến văn kiện Đại hội VI [năm 1986] luôn nhất quán khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta có sự phát triển, bổ sung trên có sở sự vận động của thực tiễn. Theo đó, Đảng khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Đây là biểu hiện về nhận thức đúng, sâu sắc mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng.

Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Đại hội XII của Đảng đã tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới và rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam” [4]. Như vậy, Đảng ta xác định rất rõ: công cuộc đổi mới hiện nay phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Những biểu hiện tư tưởng cố tình tách rời, cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cách “ra vẻ” đề cao hoặc “nâng tầm” tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn trái với quan điểm, đường lối của Đảng ta. Vì vậy, cần kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.315.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.668

4. Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.69

ThS Vũ Hoàng Sơn - Tạ Quang Đạo

Video liên quan

Chủ Đề