Ngẫm hay muôn sự tại trời thế giới quan nào vì sao

Hãy cho biết trong đoạn thơ dưới đây, thế giới qua...

Câu hỏi: Hãy cho biết trong đoạn thơ dưới đây, thế giới quan của Nguyễn Du là thế giới quan nào?“Ngẫm hay muôn sự tại trời,

A. Thế giới quan tôn giáo

B. Thế giới quan duy tâm

C. Thế giới quan duy vật

D. Thế giới quan thần thoại

Đáp án

B

Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm

Đề thi HK1 môn GDCD lớp 10 năm 2018 Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình

Lớp 10 GDCD Lớp 10 - GDCD

Mở đầu Truyện Kiều là những câu thơ mà hầu như người Việt Nam nào cũng thuộc làu:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

Cảo thơm lần giở trước đèn

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

Cái “cõi người ta” ấy thực ra không phải chỉ là những thân phận phụ nữ và cũng không hẳn chỉ là “trăm năm”. Cái sự biến cải khôn lường “bãi biển thành nương dâu” ấy chính là triết lý nhân sinh, nỗi niềm thế sự đã thành điển hình có sức khái quát rất cao, đọc lên nghe có gì đó ngậm ngùi, buộc người ta phải suy ngẫm, chiêm nghiệm, phải tự soi xét bản thân và thời cuộc. Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. “Những điều trông thấy” của Nguyễn Du, dẫu được viết như là đề từ của “Đoạn trường Tân Thanh” (Truyện Kiều) nhưng không chỉ gói gọn trong những kiếp người, những thân phận được lấy từ Kim Vân Kiều truyện mà là cả một “cõi người ta” Nguyễn Du từng chứng kiến, từ người gảy đàn ở Long Thành (Long Thành cầm giả ca), từ những kiếp cô hồn trong Văn chiêu hồn và những cảnh ngộ trong Sở kiến hành lần nhà thơ đi sứ Trung Quốc cũng như sự biến cải khôn lường của triều đình nhà Lê, gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền mà trong những năm tháng gió bụi, nhà thơ đã trải qua. Dẫu “đau đớn lòng”, nhà thơ vẫn kêu lên “tiếng kêu mới đứt ruột” (Đoạn trường tân thanh) để thức tỉnh cả thế giới.

Ở đoạn kết cũng vậy, triết lý nhân sinh, thuyết Tài - Mệnh tương đố và những đúc kết về cuộc đời thể hiện cách nói rất riêng của Đại thi hào Nguyễn Du:

Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Có đâu thiên vị người nào

Chữ Tài chữ Mệnh dồi dào cả hai.

Trong đời sống hàng ngày, nhân dân ta thường hay đúc kết: Cũng là cái số cả, tất cả do trời định, trời thương thì mọi sự tốt đẹp, suôn sẻ, không thương thì rủi ro, bất hạnh cũng đành chịu. Hoặc giả: có duyên, tốt phúc thì lấy được chồng giàu sang, phú quý, còn vô duyên, hồng nhan bạc phận thì như cánh hoa tàn. Trong Truyện Kiều, nhiều lần Nguyễn Du đã để cho nhân vật Thúy Kiều cảm thấu sâu sắc triết lý này và chấp nhận quy luật Tài - Mệnh tương đố:

Hạt mưa sá nghĩ phận hèn

Liều đem tấc cỏ quyết đền ba sinh...

Phận dầu, dầu vậy, cũng dầu...

Đến phong trần, cũng phong trần như ai...

Thân lươn bao quản lấm đầu

Tấm lòng trinh bạch lần sau xin chừa…

Thời nay, đọc những câu ấy lên Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao nghe có gì đó cam chịu, an phận thủ thường, không phù hợp, nhưng nhiều người vẫn thích ngâm ngợi, nhất là những người có tuổi. Nguyễn Du đã nâng quan niệm về chữ “thân” trong ca dao: Thân em như hạt mưa sa/ Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa, Thân em như dải lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai, Thân em như hạc đầu đình/ Muốn bay không cất nổi mình mà bay thành một triết lý: Muôn sự tại trời, trời kia bắt mỗi người có một thân phận và người càng có tài thì mệnh càng bạc. Tài - Mệnh luôn tương ứng với nhau:

Có tài mà cậy chi tài

Chữ Tài liền với chữ Tai một vần

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.

Lời khuyên ấy đặt trong hoàn cảnh xã hội bình đẳng và tiến bộ, ngày nay, khi người phụ nữ đã được giải phóng, gông cùm của xã hội phong kiến đã hoàn toàn bị xóa bỏ thì không phù hợp nhưng đặt vào hoàn cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII, đặc biệt là với những người con gái tài sắc, nhiều khát vọng tình yêu và khát vọng đổi đời mới thấy hợp lý. Đây cũng chính là sự mâu thuẫn trong nội tại tâm hồn, tư tưởng của Nguyễn Du: vừa mong giải phóng cho người phụ nữ, đề cao tình yêu và tài sắc của họ, vừa muốn an ủi họ hãy chấp nhận sự nghiệt ngã của số phận (mà thực chất là chấp nhận sự ngang trái do các thế lực cường quyền tạo nên).

Điều khác biệt của Nguyễn Du với các nhà tư tưởng, các bậc thức giả đương thời là ông đã đề cao chữ Tâm, đánh giá nó gấp 3 lần chữ Tài. Điều này đã trở thành triết lý kinh điển của thi nhân hàng trăm năm qua luôn được người đời sau đề cập và ghi nhận. Cho đến hôm nay, nhiều người vẫn coi đó là lời răn dạy cho mình trong công việc cũng như trong cuộc sống:

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

Sự phát triển cái Thiện - yếu tố đạo đức xã hội đã có nền móng từ lâu trong đời sống nhân dân, là căn cốt, cội rễ của nhân cách con người trở thành chữ Tâm là một bước chuyển trong triết lý nhân sinh của Nguyễn Du, một con người từng trải qua nhiều cảnh ngộ, phải quăng quật giữa mưa gió cuộc đời, thấm thía rất nhiều nỗi đau khổ của con người. Nguyễn Du đã gửi gắm suy nghĩ, đúc kết của mình về chữ Tâm (hay còn gọi là tình người, là tấm lòng yêu thương con người, là đạo đức xã hội) vào kiệt tác Truyện Kiều.

Nếu đem đối chiếu với cái kết thúc có hậu của Truyện Kiều thì rất hợp lý: Người sống có tâm đã được đáp đền, kẻ bạc ác đã bị trừng trị, nàng Kiều sau 15 năm tủi nhục đã được đoàn viên Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa. Nhưng thực tế, những triết lý ấy còn có một tầm phổ quát hơn, vượt ra ngoài Truyện Kiều, trở thành một lời răn dạy như tục ngữ, thành ngữ của nhân dân, trở thành nguyên tắc sống và làm việc, ứng xử trong phạm trù đạo đức của rất nhiều tầng lớp trong xã hội, từ trí thức, văn nghệ sĩ đến nông dân, công nhân, tiểu thương, người bác sĩ, người chiến sĩ...

Sức sống, sự lan tỏa, lay động, thức tỉnh của câu thơ: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài thực sự đã vượt ra ngoài tầm thời đại Nguyễn Du, vượt ra ngoài không gian biên giới Việt Nam, trở thành giá trị xuyên thời đại. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển hai vế Tâm - Tài thành Đức - Tài. Người nói: “Có Tài mà không có Đức thì thành người vô dụng. Có Đức mà không có Tài thì làm việc gì cũng khó’’. Triết lý sống Tâm - Tài của Nguyễn Du có giá trị bền lâu trong đời sống, giúp cho đạo đức xã hội được bền vững, góp phần xây dựng phẩm chất con người mới Việt Nam cũng như mọi cộng đồng khác trên thế giới. Đây chính là sự vượt xa về tầm tư tưởng cũng như tài năng của Nguyễn Du so với Thanh Tâm Tài Nhân

Đến với Kiều như một mối duyên nợ học hành, chẳng ngờ bao nhiêu năm sau đó những tiếng lục bát gây thương nhớ vẫn ngấm ngầm theo chân tôi trên suốt những chặng đường đời. Ở đây, tôi chỉ muốn kể lại đôi ba câu chuyện vụn vặt, gọi là: “Mua vui cũng được một vài trống canh”…

Tôi yêu văn chương từ thuở nhỏ, lúc nào cũng mơ được đắm mình trong cái phong khí văn thơ, nghệ thuật. Những năm 15, 16 tuổi, rồi chính mình cũng thử tập tọe làm thơ, thử qua đủ thể loại cổ điển từ lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, luật Đường… Khi lớn đến tuổi biết được sự đời, tôi cứ dần dà từng bước một tiến vào thế giới thơ văn cổ kính ấy mà mê mẩn, mà tấm tắc, mà nhớ tiếc một cái gì thật mĩ miều đã lùi vào quá vãng.

Ngày ấy, chúng tôi được học khá nhiều Truyện Kiều, từ bài khóa đến bài đọc thêm. Thực ra, từ cấp 2 tôi đã được học về Nguyễn Du nhưng ở tuổi ấy vẫn là chưa cảm thấy khoan khoái lắm khi phải ngâm những câu Kiều trong giờ kiểm tra đầu giờ. Chỉ khi đã có một độ chín nhất định, vượt qua cái tuổi dậy thì bỗ bã, đọc lại Kiều tôi mới thấy được những vẻ đẹp ẩn tàng phía sau.

Nhưng ấn tượng đầu tiên trong tôi lại là Nguyễn Du, người viết nên Truyện Kiều. Cho đến bây giờ, tôi cũng chưa liễu giải được tình cảm đặc biệt ấy nhưng cứ thấy giữa tâm sự của Nguyễn Du và của mình có nhiều chỗ đồng điệu. Ấy là cái mà ông bà ta hay gọi là: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

Chữ “Du” trong tên của thi hào thực sự gợi ra một điều gì đó mơ hồ, lãng mạn, chơi vơi, thanh thản, cũng gợi ra một chút gì phong trần, phiêu dạt. Mà quả thực cuộc đời ông cũng lại y như thế. Tài năng có thừa, cũng “pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm” như nhân vật chính của ông vậy. Nhưng số kiếp của Nguyễn Du thì long đong, gió bụi, đoạn trường.

Sinh ra trong khoảnh khắc lịch sử biến thiên, trong nỗi vô thường của guồng quay nhân thế, một Nguyễn Du tài năng trác tuyệt cũng phải chịu cảnh gió bụi dặm trường. Tôi yêu Nguyễn Du ở cái tài văn chương, càng yêu ông hơn ở nỗi đoạn trường tưởng như đến mức đất trời sụp đổ xuống đôi vai của chàng Nho sinh lớn lên trong gia đình trâm anh thế phiệt, chưa từng kinh qua khổ nhọc một ngày nào.

Ở đâu đó, tôi nghe người ta đoán rằng phải chăng Nguyễn Du đã mang cái nghiệp, cái nợ đời của mình mà thổi hồn vào Thúy Kiều, để dựng nên một hồng nhan bạc mệnh nổi tiếng nhất văn chương đất Việt. Nguyễn Du thấu cảm nỗi đau ly biệt, gập ghềnh của một số mệnh long đong, viết ra câu thơ thương Kiều đó mà lại chính như là thương mình vậy!:

Ngẫm hay muôn sự tại trời thế giới quan nào vì sao
Ảnh: Shutterstock

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Phật gia cho rằng con người đến với thế gian này là đều mang theo nghiệp chướng. Mọi đớn đau, nước mắt, thống khổ của con người đều bởi kiếp trước đã gây ra nghiệp quả, kiếp này đành lấy thân mình mà trả duyên nợ, oán ân. Nguyễn Du đương nhiên hiểu điều ấy, mà trong tác phẩm của mình tôi cũng thấy Thúy Kiều chưa một lần oán trời, trách đất cho số kiếp luân lạc 15 năm của mình. Chỉ thấy những lời như thế này:

Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.

Cái phong trần, cái thanh cao ấy hóa ra lại là ở… Trời cho. Âu cũng là bởi thân mình mang nghiệp nợ từ hằng bao ức kiếp mà tạo nên phúc phận hay ân oán kiếp này. Ngẫm kĩ ra, cái danh xưng “Ông Trời” ấy cứ trở đi trở lại không biết là bao nhiêu lần trong Truyện Kiều.Nguyễn Du đã nhắc đến “Trời” trong suốt tác phẩm của mình. Hầu như những câu thơ hay nhất, thâm trầm, sâu sắc nhất đều có yếu tố “Ông Trời” ấy:

Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

Hay như:

Nghĩ đời mà ngán cho đời
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen

Lại như:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay vần đến đâu

Có người nói Nguyễn Du ngán đời, chán chường, buông xuôi cho định mệnh, phó mặc cho số Trời, rồi ra vẽ nên một nàng Kiều cũng ủy khuất, đau buồn, trao phận mình hoàn toàn cho con Tạo. Nhưng tôi không tin điều đó lắm. Cách nhìn của cổ nhân khác với của chúng ta ngày nay, cớ chi cứ phải ép nhau nhìn theo một góc?

Người xưa vô cùng tôn trọng Tam tài: Thiên – Địa – Nhân. Ta không lạ gì những câu nói như: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên”. Sinh mệnh con người là do Trời cấp cho, do Tạo hóa ban tặng, bởi vậy thuận theo Trời mới chính là con đường chân chính nhất. Thuận theo an bài của Trời cao không phải là chuyện phó mặc, buông xuôi, mà chính là có phúc thì hưởng phúc, có nạn phải chịu nạn, có nghiệp phải trả nghiệp vậy thôi.

Trời cao luôn công bằng, chẳng lấy đi của ai quá thứ gì, cũng chẳng cho ai thừa thãi cả. Như Thúy Kiều, Trời đã cho nàng một nhan sắc tuyệt trần, lại cho một tài năng trác tuyệt: “Thông minh vốn sẵn tính Trời/ Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”. Nhưng ông Trời cũng bắt Kiều phải mang lấy nghiệp của một hồng nhan bạc mệnh: “Rủi may âu cũng sự Trời/ Đoạn trường lại chọn một người vô duyên”.

Nói về đạo Trời, Nguyễn Du có lẽ là một trong những nhà thơ nhắc đến Trời nhiều nhất. Nỗi ám ảnh sinh mệnh vô thường dường như luôn song hành trong từng bước đời của Kiều. Ngẫm lại, có khi chính 15 năm lưu lạc đoạn trường, có nhà không về được của Kiều cũng là một sự an bài vô cùng chặt chẽ của Tạo hóa. Gió bụi 15 năm, ong chê bướm chán 15 năm, nuốt nước mắt vào lòng 15 năm ấy hóa ra là để “trả nghiệp”, là để bồi hoàn tội lỗi vậy.

Nhưng thôi, tôi không muốn bàn thêm quá sâu về câu chuyện phức tạp ấy nữa, hãy trở lại một chút với những cảm xúc nguyên sơ, trong trẻo hơn hồi mới tập đọc Kiều.

Tôi nhớ đây là những câu thơ đầu tiên mình biết được trong Truyện Kiều:

Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh

Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Trong mắt cậu bé mười mấy tuổi ngày ấy, cả một bầu trời đẹp như mộng bỗng chợt hiện ra. Nó như là khung cảnh trong những câu chuyện cổ tích, lại như cảnh trong vài bức vẽ sơn dầu đậm đà màu sắc. Tiết Thanh minh của cả một miền đất Việt hiện lên thực là sống động, trong sáng, tươi tắn, có màu xanh của cỏ, màu xanh của trời, màu trắng của hoa lê, màu quần quần áo áo của những khách bộ hành du xuân.

Tôi còn cảm thấy có cái nao nức, khấp khởi thực sự rất hữu tình bên trong từng dòng thơ vô cùng phấn chấn ấy. Bao nhiêu năm sau, ngâm đi ngâm lại từng câu thơ, tôi lại cảm thấy như một trời kỉ niệm ấu thơ ùa về. Sau này, học nhiều hơn, đọc dày hơn mới thấy cái sáng tạo tuyệt vời của thi hào họ Nguyễn chỉ trong mấy dòng thơ ấy. Tôi chắc rằng trời Thanh minh ở Trung Quốc không có cái vẻ tươi tắn đầy hồn quê Việt này. Không tin bạn cứ thử đọc một bài thơ tả cảnh Thanh minh “đặc sệt” phương Bắc như bài “Thanh minh” này của Đỗ Mục mà xem:

Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn.
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.

Tạm dịch: Tiết thanh minh mưa rơi lất phất. Người đi trên đường buồn tan nát cả tấm lòng. Ướm hỏi nơi nào có quán rượu. Trẻ chăn trâu chỉ xóm Hoa Hạnh ở đằng xa.

Cái tê tái, cô độc trong mưa phùn tiết xuân ấy quả thực khiến người ta phải rét run cầm cập. Trời xuân ở đất bắc đôi khi u ám, xám xịt đến vậy. Trời xuân ở phương nam có cỏ hoa đua chen đầy sức sống, chính là khác nhau một trời một vực. Đọc tiếp một bài thơ cũng tên là “Thanh minh” khác của Đỗ Phủ, lại càng cảm thấy dư vị khác hẳn mấy câu thơ của Nguyễn Du:

Lữ nhạn thượng vân quy tử tái,
Gia nhân toàn hoả dụng thanh phong.
Tần thành lâu các yên hoa lý,
Hán chủ sơn hà cẩm tú trung.

Tạm dịch: Nhạn xa trên mây bay về vùng quan ải bụi đỏ. Người nhà nhen lửa bằng lá phong xanh. Lầu gác trên thành xứ Tần lẩn trong vùng hoa khói. Giang sơn của vua Hán nổi trong chốn thanh lịch.

Không buồn tê tái, u ám như “Thanh Minh” của Đỗ Mục, nhưng cái tiết xuân trong thơ Đỗ Phủ cũng nhuốm một màu u hoài. Những gam màu nóng của bụi đỏ, nhen lửa, hòa trộn theo tỉ lệ cực kì cân xứng với gam màu lạnh, trầm của mây, lá phong xanh, hoa khói. Nhưng sao đọc lên, ta vẫn có cảm giác tịch mịch lạ thường như vậy? Phong khí của phương bắc quả là khác biệt với phương nam.

Ngẫm hay muôn sự tại trời thế giới quan nào vì sao
Ảnh: Shutterstock

Đọc Truyện Kiều, tôi cũng rất ấn tượng với lối tả cảnh ngụ tình xuất sắc của Nguyễn Du. Điểm này có lẽ nhiều người có cùng chung quan điểm. Những câu thơ như thế này, ai đọc mà chẳng xao xuyến, mà chẳng thổn thức đây:

Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

Mọi thứ hiện lên cứ nhỏ xíu, nhỏ xíu, dễ thương, đáng yêu vô cùng. Nào là: tiểu khê (suối nhỏ), nào là hàng loạt từ láy: thanh thanh, nao nao, nho nhỏ, nào là những hành động thật khẽ khàng: bước dần, lần xem, uốn quanh… Cảnh vật thu nhỏ lại trong tầm mắt, mọi thứ bỗng nhiên thật gọn gàng mà cũng thật là tình tứ!

Lại như những câu thơ tả thực mà đọc lên nghe hữu tình quá. Tôi cứ thích ngâm ngợi mãi những câu như thế này:

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng

Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đơm bông

Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân

Hơn 3000 câu Kiều, kể ra câu nào cũng đáng là chữ vàng, chữ ngọc cả. Nhưng tôi nhớ nhất là cái cảm giác man mác, ngậm ngùi, cảm giác chia phôi dâng đầy trong tim khi đọc đến đoạn Thúc Sinh giã biệt Thúy Kiều:

Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh

Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

Trong từng câu thơ đã ẩn tình một nỗi buồn biệt ly, tất cả như được phân làm đôi, giữa một bên đi và một bên ở: lên ngựa – chia bào, rừng phong thu – dặm hồng bụi cuốn, người về – kẻ đi, chiếc bóng năm canh – muôn dặm một mình, nửa in gối chiếc – nửa soi dặm trường. Nguyễn Du đã chẻ đôi câu thơ, tứ thơ bằng cái tình lưu luyến, tình thương nhớ giữa giai nhân và tài tử, giữa những người có duyên mà chẳng có phận được ở cạnh nhau.

Bên trong nghe có ý vị xót xa, có cái tiếc nuối, có cái buồn rầu, cũng có cái tiên đoán trước được số kiếp biệt ly của hai người. Đêm Thúc Sinh từ giã Thúy Kiều chẳng ngờ cũng là lần cuối hai người được lưu luyến ân tình sâu đậm với nhau như vậy. Đọc đi đọc lại đến cả trăm lần, tôi vẫn cứ vương vấn vương vấn mãi chuyện tình buồn chẳng có hậu của tài tử giai nhân. Lại cũng đúng như một câu Kiều: “Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” vậy!

Từ đọc Kiều, học Kiều, hiểu Kiều đến yêu Kiều hẳn không phải là một chặng đường giản đơn, chóng vánh. Bạn ắt là phải trải qua một quá trình chiêm nghiệm, suy ngẫm, thổn thức và tỉnh ngộ. Kiều gắn với tôi từ khi còn là một cậu bé tuổi 14, 15 đến tận lúc “tam thập nhi lập”, nghĩ lại cũng là một chặng đường đời đáng nhớ.

Như người ta vẫn nói, yêu nghĩa là không bao giờ nói lời hối tiếc, cũng chẳng bao giờ cần biết lý do. Truyện Kiều và tiếng lòng khắc khoải của thi nhân họ Nguyễn, những vần thơ say sưa, mê hoặc, âm vang và đẹp đến nao lòng, những kỉ niệm tuổi học trò phấn khởi, say mê, yêu văn chương, mải miết truy tầm cái đẹp… hôm nay tất cả ùa về trong một khoảnh khắc này, khoảnh khắc tôi nhận ra rằng:

Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

Có thể bạn quan tâm:

  • ‘Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng’, nguồn gốc câu thơ ít người hiểu
  • Những thông điệp sâu sắc Nguyễn Du gửi gắm qua Truyện Kiều (P.3): Trời đất vô tình đâu có chiều theo cái tình của con người mà vận tác?
  • ‘Truyện Kiều’ được kể trên sân khấu múa