Người hoa người minh thương với văn hóa hội an năm 2024

Người hoa người minh thương với văn hóa hội an năm 2024

Giáo sư Trần Kinh Hòa (1917-1995) Nguồn BEFEO

Nghiên cứu về người Hoa, Minh Hương của Giáo sư Trần Kinh Hòa trước hết là các nghiên cứu về tác phẩm của người Hoa có ghi chép, mô tả về Việt Nam, trong đó phải kể đến cuốn sách biên khảo bằng tiếng Trung “Sử liệu mới về Quảng Nam thế kỷ 17: Hải ngoại kỷ sự” gồm 96 trang, xuất bản năm 1960 tại Đài Bắc. Nội dung cuốn sách xoay quanh các vấn đề như: Ngày tháng xuất bản sách Hải ngoại kỷ sự và nội dung sách: Sư Đại Sán và việc làm, sư Đại Sán du hành đến Quảng Nam và phần cuối sách là toàn văn sách Hải ngoại kỷ sự. Toàn bộ phần khảo cứu của Giáo sư Trần Kinh Hòa về Thích Đại Sán, tác giả cuốn sách Hải ngoại kỷ sự được dịch sang tiếng Việt và in trong bản dịch “Hải ngoại kỷ sự - Sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII”, Thích Đại Sán, Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam của Viện Đại học Huế dịch và xuất bản năm 1963, trang 238-279. Những khảo cứu về nhân vật Thích Đại Sán, một thiền sư Trung Hoa nổi tiếng đến Đàng Trong vào năm 1695 theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu và đã ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe trong hành trình thuyết giảng Phật pháp ở Việt Nam trong cuốn sách Hải ngoại kỷ sự có thể nói là khảo cứu tiên phong về nhân vật Thích Đại Sán. Cho đến nay, khảo cứu của ông về cuốn sử liệu Hải ngoại kỷ sự vẫn trở thành những nguồn tư liệu đáng tin cậy và không thể nào thiếu đối với các nhà khoa học khi nghiên cứu, tìm hiểu về giai đoạn lịch sử này.

Đến năm 1968, Giáo sư Trần Kinh Hòa có bài viết tiếng Trung “Chu Thuấn Thuỷ An Nam cung dịch kỷ sự tiên chú”, trên Hồng Kông Trung Văn đại học Trung Quốc văn hóa Nghiên cứu sở học báo, quyển 1, trang 208-247. Chu Thuấn Thuỷ, một trong số những trung thần của nhà Minh vì không chịu thần phục nhà Thanh đã lên thuyền xuất dương sang Nhật Bản, Việt Nam và các nước Đông Nam Á. An Nam cung dịch kỷ sự chính là tác phẩm du ký nổi tiếng của ông trong hành trình đến An Nam, ghi chép lại những sự việc chân thực trong thời gian ông ở tại nơi này như việc ông bị quản thúc ở Hội An, bị chuyển ra Dinh Cát Quảng Trị.... Bài viết của Giáo sư Trần Kinh Hòa ngoài việc tập trung chú thích cho tác phẩm An Nam cung dịch kỷ sự, còn giới thiệu sơ lược về cuộc đời gian truân của Chu Thuấn Thuỷ, đồng thời đưa ra những phân tích, nhận xét về giá trị chân thực của tác phẩm An Nam cung dịch kỷ sự đối với nghiên cứu lịch sử.

Ngoài những khảo cứu trên, Giáo sư Trần Kinh Hòa còn tham gia nghiên cứu nhiều tác phẩm nổi tiếng có thể kể đến như bài viết tiếng Trung “Chú thích “Thành trì chí” trong Gia Định thông chí của Trịnh Hoài Đức” được đăng trên Nam Dương học báo, quyển 12, tập 2, năm 1956, trang 1-31. Bài viết này về sau được dịch ra tiếng Việt với nhan đề “Thành trì chí của Trịnh Hoài Đức - Hoa kiều và Nam kỳ đầu thế kỷ 19” đăng trên Tạp chí Đại học, năm thứ IV, số 5, tháng 10 năm 1961, trang 62-74; năm thứ IV, số 6, tháng 12 năm 1961, trang 36-62; năm thứ V, số 1, tháng 2 năm 1962, trang 134-163. Ngoài ra ông còn có cuốn sách chuyên khảo tiếng Trung về tác phẩm “Cấn Trai thi tập”của Trịnh Hoài Đức do Phòng Nghiên cứu Đông Nam Á biên tập, Sở Nghiên cứu Tân Á xuất bản tại Hồng Kông năm 1962.

Nghiên cứu về Minh Hương, Giáo sư Trần Kinh Hòa có bài viết “Vài vấn đề liên quan đến Minh Hương” được thuyết trình trong buổi hội thảo học thuật lần thứ 11 của Sở Nghiên cứu vào ngày 29 tháng 4 năm 1956, đăng trên Tân Á sinh hoạt, quyển thứ 8, kỳ số 12, ngày 31 tháng 12 năm 1956, trang 1-4. Bài viết của Giáo sư Trần Kinh Hòa đề cấp đến các vấn đề về Minh Hương ở Việt Nam, trong đó có đề cập đến Minh Hương xã ở Hội An như tên gọi, niên đại ra đời…

Bài viết tiếng Trung “Phố Đường nhân (người Tàu) ở Hội An và công việc buôn bán ở đó thế kỷ XVII-XVIII” được đăng trên Tân Á học báo, quyển thứ 3, kỳ thứ 1, năm 1957, trang 271-331. Vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII, Hội An là thương cảng nổi tiếng nơi giao thương trao đổi hàng hoá với các nước như Trung Hoa, Nhật Bản và các nước phương Tây… Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại cùng với những chính sách ưu đãi của các chúa Nguyễn đã thúc đẩy hình thành nên những con phố, tuyến đường, nơi các thương nhân tạm trú hoặc cư trú tại Đàng Trong của Việt Nam trong đó có phố của người Hoa (Đường nhân phố).

Đến năm 1960, Trần Kinh Hòa có bài viết “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và cổ tích tại Hội An”, đăng trên Việt Nam khảo cổ tập san, số 1, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn năm 1960, trang 1-33; Số 3, 1962, trang 7-43. Bài viết này về sau được dịch sang tiếng Nhật đăng trên tạp chí Kinh tế Asian, quyển 11, kỳ 5, trang 79-92, tháng 5 năm 1970. Nội dung bài viết tập trung đến các vấn đề về thời gian thành lập phố Khách và Minh Hương xã; các bậc Tiền hiên, Thập lão, Lục tánh, Tam gia…; về diện tích, hành chính và thuế lệ của Minh Hương xã; các cổ tích người Hoa ở Hội An (miếu từ, hội quán).

Trong Hội thảo quốc tế về Lịch sử Asian vào tháng 8 năm 1968 tại Đại học Malaya, Kuala Lumpur, Giáo sư Trần Kinh Hòa có tham luận nhan đề tiếng Anh “On the Rules and Regulations of the “Dương thương Hội quán” of Faifo (Hội An), Central Vietnam” (Luật lệ và quy tắc của Dương Thương Hội quán ở Hội An, miền Trung Việt Nam). Sau này được chỉnh sửa và đăng lại trên Southeast Asian Archives Vol. II, Kuala Lumpur. Khảo cứu này tập trung tìm hiểu lịch sử hình thành, vai trò và chức năng của hội quán đối với đời sống văn hóa, xã hội của Hoa kiều ở Hội An.

Năm 1974, Giáo sư Trần Kinh Hòa xuất bản tập khảo cứu nhan đề tiếng Anh “Historical Notes on Hội An (Faifo)” (Ghi chú về lịch sử Hội An) do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Nam Illinois tại Carbondale xuất bản, gồm 164 trang, 11 bản đồ và các minh hoạ. Nội dung khảo cứu này gồm có 4 phần và phụ lục: 1) Bối cảnh lịch sử; 2) Sự ra đời của Hội An và sự phát triển của nó trong lĩnh vực thương mại; 3) Thiết lập Minh Hương xã: Người sáng lập và lãnh đạo Minh Hương; 4) Miếu từ và Hội quán. Phụ lục: Văn bia tại Hội An. Đây được xem như một tổng thuật của Giáo sư Trần Kinh Hòa dựa trên các nghiên cứu trước đây của ông.

Ngoài các chuyên khảo trên, Giáo sư Trần Kinh Hòa còn có bài viết tiếng Trung “Hoa kiều Nam Việt thế kỷ XVII-XVIII” đăng trên Tân Á sinh hoạt, quyển 10, kỳ 12, trang 1-4 năm 1968. Bài khảo cứu này đề cập đến nguyên nhân và những đợt di thực lớn của người Hoa sang Việt Nam, lý giải sự phát triển đông đảo của người Hoa ở Trung kỳ Việt Nam… Có thể nói rằng, những nghiên cứu của Giáo sư Trần Kinh Hòa cho đến nay vẫn là nguồn tư liệu tham khảo khả tín đối với các nhà khoa học khi nghiên cứu về người Hoa, Minh Hương ở Việt Nam nói chung, ở Hội An, Quảng Nam nói riêng.

* Tài liệu tham khảo 1. Trần Kinh Hòa (2023), Sử Việt nhìn từ tài liệu Nguồn, Nguyễn Mạnh Sơn tuyển dịch và biên soạn, Nxb Đà Nẵng. 2. Nguyễn Văn Đăng, Về hoạt động của nhà Đông Phương học Trần Kinh Hòa (1917-1995) trên đất Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (90), 2012.