Nguyễn kim chung trưởng phòng văn hóa huyện đăk tô năm 2024

Huyện Đăk Tô đã và đang tập trung khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để ngành Du lịch sớm trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình số 48-CTr/HU của Huyện ủy trong thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó huyện đề ra 4 nội dung trọng tâm: Tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế, xã hội huyện nhà; thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên sản phẩm du lịch đặc trưng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

Đánh thức tiềm năng du lịch huyện Đăk Tô. Ảnh: TT

Trong phát triển du lịch, huyện Đăk Tô được đánh giá là vùng đất trù phú, có tiềm năng về cảnh quan tự nhiên, về văn hóa – lịch sử, tiêu biểu như: Thác Đăk Sing, suối nước nóng Kon Đào, rừng thông sinh thái thị trấn Đăk Tô, Khu chứng tích Nhà thờ Kon Hring.

Hiện nay trên địa bàn huyện Đăk Tô có 17 dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những nét văn văn hóa đặc trưng riêng, như các lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian hấp dẫn.

Bên cạnh đó, huyện Đăk Tô còn có tiềm năng khai thác du lịch từ những “địa chỉ đỏ” được rất nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm. Cụ thể, đến nay trên địa bàn huyện có 1 bảo vật quốc gia [Xe tăng T59 số hiệu 377]; 1 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt [Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh]; 1 di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh [Di tích Khu chứng tích Kon Hring] và 1 di tích lịch sử cách mạng được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa giai đoạn 2020-2025 [Trại giam Đăk Tô thuộc xã Kon Đào].

Để sớm phát huy thế mạnh của địa phương, trong năm 2023, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Đồng thời, huyện cũng quan tâm chỉ đạo, kêu gọi các ngành hữu quan, quần chúng nhân dân tổ chức sưu tầm những tư liệu, kỷ vật... phục vụ việc trưng bày tại nhà trưng bày khu di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Thông qua các bước chuẩn bị chu đáo, bước đầu huyện đã từng bước đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, du lịch muốn tìm hiểu về lịch sử đấu tranh của đồng bào các dân tộc huyện Đăk Tô nói riêng và của đồng bào, cán bộ chiến sĩ tỉnh Kon Tum nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện Đăk Tô. Ảnh: T.T

Về hoạt động văn hoá, huyện quan tâm duy trì tổ chức Ngày hội văn hóa, Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS huyện [2 năm/lần] gắn với các sự kiện văn hóa của tỉnh Kon Tum. Cùng với đó, huyện đã triển khai xây dựng điểm một làng văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo gắn phát triển du lịch.

“Chính quyền địa phương khuyến khích các hộ gia đình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện; xây dựng các điểm, tuyến du lịch chung với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm [OCOP] gắn với phát triển du lịch nông thôn” - ông Sa Phương chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế của địa phương, huyện gặp nhiều khó khăn trong phát triển du lịch, như: Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển du lịch tuy đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao; chưa có sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch; công tác quảng bá tiềm năng, lợi thế, kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ; chưa có cán bộ chuyên môn tham mưu lĩnh vực du lịch.

Ông Sa Phương cho biết: Trong thời gian tới, huyện Đăk Tô sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch của địa phương. Huyện chú trọng phát huy vai trò của nhân dân và cộng đồng dân cư trong việc tham gia các loại hình du lịch. Trong đó, huyện tập trung về phát triển các sản phẩm nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực, đồng thời truyền tải các thông điệp về giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc đến với du khách.

Chủ Đề