Nguyễn Tuân là nhà văn lớn một nghệ sĩ

guyễn Tuân là nhà nghệ sĩ, nhà văn hóa lớn. Toàn bộ tác phẩm của ông để lại đã chứng inh điều đó. Suốt đời, ông đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo. Lang bạt, xê dịch, giang hồ cũng cốt để phát hiện ra quy luật về "cái đẹp, cái thật" của cuộc sống và con người.

Sinh ra trong một gia đình Nho học, sống tại kinh thành hoa lệ, tiếp thu không khí văn hóa đô thị, học tập có hệ thống tinh hoa của nền văn hóa dân tộc và thế giới, tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ tài danh đương thời hẳn nhiên Nguyễn Tuân đã tỏ lộ nét tài hoa, lịch lãm, uyên bác của mình từ rất sớm. Vốn sống xê dịch càng bổ sung kiến thức sách vở và kinh nghiệm riêng củ ông để biến thành "sự sống thật" trong tác phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân yêu quý Tản Đà. Có kiểu xê dịch, ngang bướng đã thành chướng ngại trên con đường sáng tạo; có kiểu xê dịch ngang bướng đã tạo ra những giá trị khi nó thật sự tạo ra nét mới có ích. Có thể nói suốt đời Nguyễn Tuân đã sống hết mình "vì cái đẹp và cái thật" [Nguyễn Đình Thi] của nghệ thuật, làm quà tặng cho đời - dẫu có lúc ông cũng tỏ ra "khinh thế ngạo vật" và không khỏi bị một số người chê trách. Nhưng rồi vì cái thành quả văn chương đồ sộ kia, khiến mọi người càng hiểu ông, yêu quý và kính trọng ông.

Ông viết nhiều thể loại, làm nhiều nghề. Ở lĩnh vực nào, ông cũng tỏ ra tài hoa. Chơi hết mình, làm hết mình là đặc điểm của ông. Nguyễn Tuân - nhà văn; Nguyễn Tuân - nghệ sĩ điện ảnh; Nguyễn Tuân - nhà ngữ Pháp; Nguyễn Tuân - ông già chống gậy; Nguyễn Tuân - người Hà Nội… và bao dịch ngữ khác mà người đời dành cho ông đã nói lên sự trân trọng và ngưỡng mộ của họ đối với một tài năng. Thời gian và tác phẩm đã đem lại cho ông những vinh quang không phải ai cũng có được. Bảy mươi chín tuổi, ông ra đi đột ngột nhưng thực tế đã chứng minh, với những nghệ sĩ lớn "chết không phải là hết". Sự ra đi của ông, có thể, trong khoảnh khắc nào đó, là "một sự tồn tại mới". 178 vòng hoa quanh mộ ông sau khi hạ huyệt chẳng phải là một giá trị, một "sự sống" đó sao?

Câu trả lời chính xác có lẽ: Ông là một nhân cách, một cá tính sáng tạo nổi bật, cụ thể hơn, ở ông có những nét phẩm chất hiếm thấy: sự trung thực, thẳng thắn trong suy nghĩ, hành động; sự tài hoa, sắc sảo trong sáng tạo.

Quả là không phải Nguyễn Tuân mới độc quyền những thuộc tính đó, nhưng ở ông chúng đã thành phong cách, thành thi pháp nổi trội. Cái đẹp, cái thật như một phạm trù mỹ học, một quan niệm riêng của ông. Từ những ngày đầu cầm bút viết cho "Trung Bắc tân văn", "Đông Tây", "An Nam tạp chí", "Tiểu thuyết thứ bảy" đến những tác phẩm "Vang bóng một thời", "Thiếu quê hương", "Chiếc lư đồng mắt cua", "Tóc chị Hoài, "Nguyễn"… đã hình thành ở ông một nét riêng độc đáo. Cái đẹp mà ông quna niệm, nó bàng bạc trong cuộc sống hằng ngày từ mái tóc, dáng đi, từng cử chỉ, từng nét văn hóa, nỗi niềm sầu xứ… Tất cả đều được Nguyễn Tuân tái hiện hấp dẫn, sinh động nhưng không kém phần chân thực dù thời gian này ông chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm duy mỹ của Đốtxtôiépski - môn đệ của phái "Nghệ thuật vị nghệ thuật".

Dù vô tình, tự giác hay không tự giáctrong quan niệm về cái đẹp phi giai cấp, phi khuynh hướng nhưng qua tác phẩm, cũng đã chứng minh rằng: ông là người suốt đời tôn thờ cái đẹp và sự sống thật. Cái đẹp và sự sống thật ấy làm sao lại không mang tính giai cấp, tính khuynh hướng này hoặc khác, ít hay nhiều. May thay, quan điểm duy mỹ của Nguyễn Tuân luôn bám vào truyền thống quá khứ tốt đẹp của dân tộc. Ở "Vang bóng một thời", hiện lên bức tranh về cái đẹp xưa của một thời suy tàn dưới chế độ phong kiến; Ở "Tóc chị Hoài", ông để ngòi bút say sưa vẽ lên mái tóc dài đẹp, đầy gợi cảm, trữ tình…

Ông có nhiều thời điểm buồn, bế tắc trước tình đời, tình người. Ông thích "Cái đẹp bây giờ tìm ở đâu?" nên có lúc nhừng sáng tác và mang tâm trạng u hoài.

Sau cách mạng tháng Tám, khi được gặp cuộc sống cách mạng, được giác ngộ cuộc sống giai cấp, ông có dịp nhìn nhận lại quan niệm của mình và tự nhận thấy rằng: "Cái đẹp chính là cuộc sống". Ông nghĩ đến "Cái xã hội thân thiện, tân mỹ của ngày mai" nên say sưa ca ngợi nó hết lời trong những tác phẩm sau 1945. Sự chuyển biến thật sự của Nguyễn Tuân có thể được xem từ "Đường vui" [1949] kết quả sau một chuyến đi, gặt hái dài ngày. Đến "Tình chiến dịch" [1950], khi ông đi cùng bộ đội, cùng ăn cùng ở và công tác,sự chuyển biến tư tưởng của ông đã rõ. Cái đẹp giờ mang tầm rộng lớn và triết lý, duy vật. Nếu không tắm gội thật sự trong không khí cách mạng của nhân dân sẽ không hiểu đúng đắn về chân giá trị của cái đẹp và cái thật ấy. "Vô đề", "Lột xác"… cũng thể hiện được tình cảm và niềm vui của một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống. Nguyễn Tuân nói: "Người nghệ sĩ như kẻ đóng một cái khung, phải tháo ra đóng lại, đến lúc cảm thấy không ai đóng hơn được mình mới thôi". Viết đối với ông là một lao động khổ hạnh, là "tháo ra đóng lại" để làm giàu kiến thức, kinh nghiệm và rèn luyenj tầm nhìn. Tả một cái cầu, ông phải dày công đếm từng cái trụ, miếng ván, từng nhịp… Ông ghi chép hàng trăm trang để sử dụng lại vài chục trang. "Đi để viết" là một cách nhìn dúng đắn, vì "chỉ có cuộc đời rộng rãi, chỉ có đường đời vô thường định mới dạy cho ta biết được những câu đẹp đẽ" [Chiếc va li mới]. Nhưng có lẽ, điều quan trọng là tâm hồn, tình cảm của ông đã say sưa nhập vào từng sự vật, thiên nhiên để cuối cùng hiện lên câu chữ những vẻ đẹp lung linh, xúc động lòng người.

Trong "Vang bóng một thời", ông chắt chiu từng cái đẹp quá quãng nhưng vẫn mang hồn cuộc sống đương thời. Trong "Những chiếc ấm đất" và "Chén trà trong sương sớm" mang vẻ đẹp rất quý phái, lịch lãm của thú uống trà. "Trên đỉnh non Tản" lại là vẻ đẹp chân thật khác mà chỉ có tác giả, sau khi thổi vào từng sự vật những linh hồn, thì mới thật sự đánh thức ở chúng nhũng tiềm lực và giá trị riêng. Cỏ cây, sông núi, đất đá bỗng có sựu sống xôn xao. Chính vì vậy, Thạch Lam - bạn văn cùng thời với Nguyễn Tuân đã có nhận xét như sau: "Chính bởi nói với nhà văn biết kính trọng và yêu mến cái đẹp, cái sáng tác của nghệ sĩ. Bởi vì Nguyễn Tuân là một nhà văn có tài năng đặc biệt, một nghệ sĩ có lương tâm".

Cái đẹp mà Nguyễn Tuân quan niệm không phải là "nhất thần nhất biến", nó luôn thay đổi. Cái đẹp luôn gắn với cái thật đã tạo nên những phẩm chất bền vững, mới mẻ qua từng trang viết, từng nhân vật. "Văn chương Nguyễn Tuân là văn chương thực sự" [Nguyễn Đăng Mạnh]. Trong "Chữ người tử tù", ông đã hết mình đề cao ba điều: cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người [thiên lương]. Những ai không biết sợ ba điều trên thì không phải là con người, đó là loài quỷ sứ.

Nguyễn Tuân sau cách mạng tháng Tám càng hăm hở ra đi - những chuyến đi mang nặng nỗi niềm. Có ai như ông, trong thiếu thốn, khắc nghiệt của thời tiết vẫn một gậy, một ba lô đi dọc hai bờ sông Đà hùng vĩ để mở lòng đón nhận cái đẹp tiềm ẩn của tạo hóa, thiên nhiên. Những cành hoa ban trắng, sức dẻo dai lồng lộng của người lái đò sông Đà, những ngọn thác trắng xóa, những vầng mây Tây Bắc lượn lờ, cây trái sum suê hai bờ sông nước đã đi vào "Sông Đà" một cách lung linh, kỳ ảo, khiến cho con người không thể hững hờ trước cái đẹp, cái thật, cái say đắm lòng người của thiên nhiên. Đó chính là kết tinh nghệ thuật của một tâm hồn say sưa cái lạ và sức sáng tạo bay bổng, mạnh mẽ. "Sông Đà" là tác phẩm đánh dấu sự chín muồi trong tư tưởng và nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Cái đẹp và cái thật đã trở thành cứu cánh, nâng bổng tâm hồn và sức sáng tạo của Nguyễn Tuân lên một tầm cao mới, đồng thời, qua đó, ông tự khẳng định nhân cách công dân và tiềm năng nghệ thuật của mình.

Ông thủy chung với thể loại tùy bút và ngày càng làm giàu có cho thể loại ở sự tăng cường chất sống, chất triết lý, ở tài quan sát và miêu tả, ở nghệ thuật xây dựng hình ảnh và sức sáng tạo ngôn ngữ, ngữ pháp… Các phương thức đối lập, tương đồng, ẩn dụ, hoán dụ, khoa trương, đảo trang, mỹ từ Pháp… trong tác phẩm của ông cũng mang nét đẹp mới, thể hiện một tâm hồn luôn khát khao tìm tòi, phá cái cũ đã lỗi thời để xây dựng cái mới vừa hé mở. Đến hòn đảo Cô Tô, ông gọi đó là hòn đảo ngọc trai và say sưa ca ngợi"… Vỏ trân châu xanh hồng huyền ảo, càng nhìn càng ưa, và thấy như lộng lên cái thảm kịch của sinh vật nằm dưới rốn bể mà vẫn không chịu nguôi lòng tương tư cái nguồn sáng cội gốc đang bị trần sóng trên đỉnh đầu bẻ gãy hết tia chói. Màu vẽ lòng ngọc trai thật là kiều diễm như là nửa vòng cung cầu vòng bắc lên từ một thế giới đáy biển vẫn hoài bão ánh trời..." Với "Cửa Đại", ông lại say mê cảnh vậy, con người và phát hiện ra cảnh đời lam lũ, chen chúc, bọt bèo trên bến Hội An. Trong "Cầu Ma", ông lại nhập vào cảnh trời mây non  nước để ca ngợi cái ngàn tía muôn hồng của đất nước mến yêu. Có thể nói, ở lĩnh vực nào và đối tượng phản ánh nào, Nguyễn Tuân cũng thổi vào chúng một nét văn hóa đậm đà tính dân tộc. Cái ăn, cái mặc, thú tiêu khiển là một biểu hiện của văn hóa. Ông có "tâm hồn phở", "bữa ăn đẹp",… chính vì ông muốn làm giàu cho cảm giác, thị giác và thực đơn của mình sau đó chuyển vào người đọc.

Ta có thể suy ngẫm và cảm xúc mạnh qua những trang tùy bút đầy chất văn hóa, cổ sử…của Nguyễn Tuân với những góc độ và khía cạnh khác nhau: có khi trữ tình thi vị, có khi hùng tráng bay bổng, có lúc châm biếm cay độc, có khi thấm đẫm chất humour. Vẻ đẹp ngôn, ngữ hình thức đã góp phần tôn vinh cho vẻ đẹp bên trong của từng hình ảnh, vật thể… Dĩ nhiên là ở giai đoạn đầu Nguyễn Tuân có quá đà, đẩy chúng lên đến mức cực đoan và khác người như cách để ông chống lại cái trật tự xã hội "ối quân ba phèng" và cái đẹp bị lăng nhục một cách thậm tệ. Suy cho cùng trong hoàn cảnh trước cách mạng, cái cực đoan ấy cũng có ý nghĩa của nó. Chữ nghĩa duy mỹ mà ông chịu ảnh hưởng - về một phương diện nào đó - đã làm đẹp và cứu vớt những bi đát của xã hội đang trên đường suy rã để cảnh báo, dự báo cho một nhu cầu, định hướng mới về cái đẹp trong tương lai.

Sau "Sông Đà", "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" lại là đỉnh cao mới của Nguyễn Tuân trên hành trình đi tìm cái đẹp. Điều này càng chứng minh thêm cho chân lý cuộc sống và nghệ thuật rằng: Cái đẹp nếu được bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống thì nó càng chân thật và tác dụng thẩm mỹ cao trong người đọc. Trong tác phẩm này, Nguyễn Tuân đã huy động tất cả tiềm lực sẵn có của mình về văn hóa để bình luận, chứng minh những vấn đề có liên quan đến vận mệnh dân tộc, sức mạnh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và bản chất xâm lược của kẻ thù. Tính thời sự - thời đại, cộng với yếu tính văn hóa dân tộc và tài năng thao tác ngôn ngữ đã làm cho bút ký Nguyễn Tuân trở thành sức mạnh tinh thần đặc biệt của con người Việt Nam trong những năm ác liệt. Con người, cảnh vật, tâm lý, tình cảm hiện lên trong tác phẩm sao mà tự hào, sảng khoái! Mười hai ngày đêm chống chọi bom B52, Nguyễn Tuân ở lại Hà Nội, đi dọc từng phố phường để tìm sự sống thật giữa tiếng bom và những đổ nát do kẻ thù gây ra. Ở đó có một đám cưới diễn ra bên trận địa cao xạ - một cảnh hiếm hoi mà ông quay được bằng ngôn ngữ để làm quà tặng cho đời. Sau ngày thống nhất đất nước 1975, ông tiếp tục đi và có "Sông Đà đỏ", "Thăng Long cầu mới 15 nhịp"… Đó là những "thực đơn" mới của giác quan mà ông là người suốt đời đi tìm, phát hiện không mệt mỏi. Đó là những trang bút ký trữ tình thấm đượm chất thơ luôn dào dạt tình yêu xứ sở, là những nét mới trong hệ hình thẩm mỹ về cái đẹp của Nguyễn Tuân.

Với những nét phác thảo trong bài viết ngắn này, chắc chắn là chúng ta không thể nói hết những phẩm chất văn chương đích thực của Nguyễn Tuân nhưng có một điều hiển nhiên khi nghĩ về ông ai cũng hình dung ra một con người độc đáo, kỳ lạ, suốt đời như một khách bộ hành đi tìm cái đẹp, cái thật giữa cõi người mà chưa bao giờ chịu dừng bước, chịu hà cánh trong sáng tạo cho đến hơi thở cuối cùng.

                                                                                      Huế 8.1998

                                                                                            H.T.H

Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 51 tháng 12/1998

Video liên quan

Chủ Đề