Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước. Thành ủy, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng tới công tác cải cách hành chính và được triển khai đồng bộ trên cả 6 nội dung: cải cách thể chế; thủ tục hành chính [TTHC]; tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Trong đó, cải cách TTHC gắn với công tác dân vận của chính quyền quận, huyện đã đạt được những kết quả rất quan trọng.

Ảnh minh họa: Internet

Thực trạng cải cách thủ tục hành chính gắn với công tác dân vận của chính quyền quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14, trong năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn chủ đề “Năm thực hiện chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” để thực hiện. Theo đó, công tác cải cách hành chính càng được quan tâm, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh xác định đẩy mạnh cải cách TTHC là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, công tác dân vận của chính quyền ở các quận, huyện của Thành phố đã làm tốt việc thực hiện cải cách TTHC theo hướng công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các khoản thu, chi từ ngân sách và các nguồn khác và quy trình giải quyết TTHC theo quy định của pháp luật được đánh giá cao. 

Thực hiện chủ đề “Năm dân vận chính quyền” từ 2018 đến nay, lãnh đạo Thành phố chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, xuyên suốt, phát động phong trào thi đua cao điểm về cải cách hành chính, với chủ đề: “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội”, thực hiện Đề án ủy quyền 85 nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND và chủ tịch UBND quận, huyện trên các lĩnh vực: đô thị - môi trường; kinh tế - ngân sách - dự án; văn hóa - xã hội và tư pháp - nội vụ. 

Việc ủy quyền đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm khâu trung gian là các sở, ngành thẩm định, góp phần thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; đồng thời công bố quy trình và thời hạn giải quyết 40 thủ tục hồ sơ liên thông tại Văn phòng UBND Thành phố, xác định rõ thời gian tham mưu, xử lý hồ sơ tại các cơ quan, đây là khâu đột phá trong công tác cải cách hành chính so với trước và tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế, cải thiện chỉ số cải cách hành chính[1].

Công tác dân vận chính quyền trong thực hiện cải cách TTHC ở các quận, huyện trên địa bàn Thành phố được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan nhà nước các cấp đẩy mạnh thực hiện quản lý theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2008; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, kiên quyết loại bỏ những TTHC gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng hệ thống văn bản điện tử kết nối liên thông. Thực hiện chữ ký số thay cho việc ký và gửi văn bản truyền thống; tăng cường các điểm tiếp dân, các hộp thư để người dân tham gia góp ý và đề xuất sáng kiến. Ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, thường xuyên kiểm tra đột xuất hoạt động công vụ. Chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác triển khai thực hiện Hệ thống đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với dịch vụ công tại các cơ quan, đơn vị. Cải tiến nâng cao chất lượng các cuộc họp, xin lỗi với công dân khi để xảy ra chậm trễ giải quyết TTHC[2].

Trong quá trình triển khai, công tác dân vận chính quyền tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được chính quyền quận, huyện luôn quan tâm, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, là cơ sở để vận động nhân dân tự giác chấp hành. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những hạn chế như: một số quận, huyện chưa xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dân vận; việc công khai, minh bạch các chủ trương, chương trình, dự án liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân chưa thường xuyên, có nơi còn hình thức; việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân, vấn đề đơn thư khiếu nại, tố cáo và bức xúc của Nhân dân chưa giải quyết kịp thời, giải quyết TTHC theo quy định của pháp luật vẫn còn một số nơi để chậm. 

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do, một số TTHC chưa được công khai, minh bạch, kịp thời trong các chủ trương, chính sách; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở quận, huyện; các khoản thu, chi từ ngân sách và các nguồn khác; TTHC và quy trình giải quyết TTHC ở một số quận, huyện chưa đúng với thời gian quy định. Hầu hết các nội dung này mới tiến hành trong các hội nghị cán bộ chủ chốt của quận, huyện, xã, phường, thị trấn; một số TTHC chỉ niêm yết công khai ở trụ sở quận, huyện, xã, phường, thị trấn mà chưa có các hình thức phổ biến rộng rãi đến người dân. Tình trạng chậm hoặc không công khai rộng rãi, kịp thời quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống cấp nước sạch, thoát nước thải, các trường học, các địa điểm vui chơi giải trí… khiến người dân thắc mắc. Những trường hợp “quy hoạch treo”, thay đổi quy hoạch nhiều lần mà không có sự giải thích thỏa đáng khiến người dân sống trong khu vực quy hoạch không hài lòng, có trường hợp nảy sinh khiếu kiện và khiếu kiện kéo dài. 

Giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính gắn với công tác dân vận của chính quyền quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu: “Tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính, các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn... Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong cải cách hành chính. Phấn đấu sự hài lòng của các cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ công của các cơ quan nhà nước từ 90% trở lên”[3]. Vì vậy, tiếp tục triển khai nhiệm vụ cải cách TTHC gắn với công tác dân vận của chính quyền quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ về thể chế, tổ chức bộ máy và TTHC góp phần cho hoạt động của chính quyền quận, huyện thật sự dân chủ, sát dân, giải quyết kịp thời, chính xác những kiến nghị, vướng mắc của người dân; đảm bảo quyền được thông tin, quyền giám sát và góp ý cho chính quyền của Nhân dân. Bộ máy hành chính ở cấp quận, huyện cần được phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng của từng cơ quan, đơn vị cũng như mỗi cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cần cải cách mạnh mẽ về thể chế và tổ chức sao cho phù hợp với điều kiện của đô thị đặc biệt; rà soát lại các quy định, chính sách, không còn phù hợp, tạo điều kiện môi trường thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Từng bước hiện đại hóa bộ máy chính quyền quận, huyện; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành và chất lượng phục vụ Nhân dân. 

Hai là, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quan tâm giải quyết những công việc liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm và thực hiện phong cách: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “nói đi đôi với làm”; nắm vững thực tiễn, bám sát cơ sở, liên hệ thường xuyên với cơ sở. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh việc công khai các lĩnh vực đời sống xã hội; các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư liên quan đến lợi ích của người dân; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, các hình thức tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với các tầng lớp nhân dân. 

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao văn hóa giao tiếp trong giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm việc tự ý đặt ra các thành phần hồ sơ, giấy tờ không có trong quy định; có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực khi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho tổ chức, công dân. Triển khai mô hình “Hòm thư góp ý” để lấy ý kiến đánh giá của doanh nghiệp và người dân, qua đó đề ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức cũng như chất lượng, hiệu quả trong giải quyết TTHC. Các đơn vị chuyên môn cần tăng cường phối hợp kiểm tra, đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ tại các cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm.

Có thể nói, cải cách TTHC gắn với công tác dân vận chính quyền ở các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp chính quyền quận, huyện thường xuyên chú trọng phát huy tính dân chủ trong thực hiện chính sách, xây dựng cơ chế, chủ động nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của người dân./. 

------------------------------------

Ghi chú:

[1],[2] UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng kết đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị [khóa X] và Quyết định số 489-QĐ/TU ngày 16/7/2011 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

[3] Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nguyễn Thị Thủy - Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề