Những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam

Trang chủ / Tin tức- Sự kiện

          Ngày 22/12/1944, thực hiện chủ trương của TW Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ được thành lập, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy.

          Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945, quân đội Việt Nam mang tên Vệ quốc đoàn. Trong kháng chiến chống Pháp quân đội ta mang tên là Quân đội nhân dân Việt Nam với chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, và lúc này quân đội ta đã bước vào thời kỳ trưởng thành.

         

Những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam

          Ảnh: Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

          Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như mọi bộ phận khác mang cái tên lịch sử là Giải phóng quân miền Nam đã góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa xuân 1975.

          Trên cơ sở của một cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, quân đội ta từ một lực lượng nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ đã vươn lên thành một đội quân hùng hậu, chính quy hiện đại.

          Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một quân đội kiểu mới; quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

          Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

          Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

         

Những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam

          Ảnh: 30/4/1975, ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

          Tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là cách gọi rất Việt Nam, thật gần gũi. “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho quân đội, mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

          Mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của Quân đội đều gắn liền sự giáo dục, rèn luyện không ngừng; cho nên nhân dân gọi người lính của quân đội cách mạng là “Bộ đội Cụ Hồ”. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một mẫu hình về con người mới có lý tưởng cao đẹp, có đạo đức trong sáng, thực hiện trọn vẹn, xuất sắc chỉ thị, những lời dặn và niềm tin sâu sắc của Bác.

          Những đặc trưng cơ bản của danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” được cô đúc trong lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/1964) là: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

          Trước hết “Bộ đội Cụ Hồ” từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ngay từ khi mới thành lập, họ đã được nhân dân coi như con em. Họ luôn luôn gắn bó với dân, được dân tin, dân phục, dân yêu vì dám xả thân “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Nói Quân đội ta “hiếu với dân” cũng do là như vậy.

          “Bộ đội Cụ Hồ” là những chiến sĩ có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Trung thành với Đảng cũng là trung thành với Tổ quốc Việt Nam, bởi Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, của dân tộc, lợi ích của Đảng là lợi ích của dân tộc. Trung với Nước, trung với Đảng được biểu hiện ở lòng yêu Tổ quốc thiết tha, căm ghét mọi kẻ thù xâm lược và các thế lực không tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự nghiệp cách mạng của chúng ta, là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Vì chung một lý tưởng, đều là con em nhân dân nên “Bộ đội Cụ Hồ” có phẩm chất rất đặc biệt, đó là sâu thẳm tình đồng đội. Đồng đội đồng thời cũng là đồng chí.

          “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là những người cầm súng thuần túy. Từ khi mới ra đời, Quân đội ta đã được xác định nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất và công tác. Trong thời chiến, lúc hòa bình, ba chức năng chiến đấu, công tác và sản xuất đều được coi trọng. Gan dạ và dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, tự lực tự cường, kiên nhẫn và nhiệt tình luôn luôn là những truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ Quân Đội Nhân Dân (QĐND) Việt Nam.

          Một nét đặc trưng tiêu biểu khác của “Bộ đội Cụ Hồ”, đó là tinh thần kỷ luật, tự giác cao. Trước đây, trong lịch sử, những người lính Việt Nam đã có truyền thống “quân lệnh như sơn”; thời nay, “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được rèn luyện bằng “12 điều kỷ luật”, bằng việc chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và mệnh lệnh của cấp chỉ huy.

          “Bộ đội Cụ Hồ” còn là những người lính có tinh thần quốc tế cao cả. Từ truyền thống nhân ái của dân tộc “tắt lửa, tối đèn có nhau”, “thương người như thể thương thân”, mấy mươi năm qua, với tinh thần “cứu bạn là tự cứu mình” đầy nhân văn, nhân ái, nhiều thế hệ chiến sĩ QĐND Việt Nam đã trở thành người chiến sĩ quốc tế, những “tình nguyện quân”, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ và nhân dân Lào, Cam-pu-chia trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, các cuộc chiến đấu chống lại các thế lực tay sai, phản động. Tinh thần quốc tế cao cả, vô tư của “Bộ đội Cụ Hồ” là một nét rất mới trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam.

          Sự xuất hiện của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc. Thời gian 76 năm đó so với lịch sử dân tộc là không dài, nhưng chỉ bằng thời gian đó, hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” đã đi vào lịch sử, đời sống đất nước, cộng đồng một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn và trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới.

          Nhân cách Bộ đội Cụ Hồ là sản phẩm của quá trình rèn luyện, phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Bởi vậy, việc tiếp tục nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển kiểu mẫu nhân cách đó lúc này và trong tương lai là nhiệm vụ cực kỳ to lớn và phức tạp. Để có thể làm tốt nhiệm vụ đó, điều cần thiết là phân tích kiểu nhân cách này, tìm ra những giá trị cốt lõi, bền vững, những giá trị mang tính đặc thù của một giai đoạn lịch sử; đồng thời phân tích sự tác động phức tạp của đời sống đương đại hiện nay đối với các giá trị đó, từ đó vừa củng cố các giá trị truyền thống, vừa bổ sung những giá trị mới cần có của nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ lịch sử mới hiện nay và những năm tới.

Đất nước ta đã trải qua các cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ và hết mực kiên cường, quả cảm. Ở đây, cùng với việc khẳng định ý nghĩa to lớn của những giá trị trong nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” được định hình trong nhiều năm chiến đấu; đồng thời, cần phải chú ý tính đặc thù của nó, vì đó là những giá trị được cổ xúy để củng cố, đồng thời bổ sung, phát triển những nhân tố mới, trước những đòi hỏi và đặc điểm rất mới của giai đoạn lịch sử hiện nay và sắp tới.

Những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam

          Ảnh: Hội nghị thường niên giữa hai đơn vị Quân đội Việt - Lào anh em.

          Ngoài sự hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, thật khó nói hết những gian lao và hy sinh ngã xuống của những người lính Cụ Hồ trong cả thời bình này. Họ luôn ngày đêm canh giữ biên cương, hải đảo; tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế; tham gia phòng chống tội phạm buôn bán người và buôn bán ma tuý xuyên biên giới. Họ luôn có mặt ở những điểm nóng để giúp dân khi xảy ra thiên tai, hoạn nạn; trong cuộc chiến chống đại dịch Covid19....

          Hình ảnh người lính cứu hộ bế từng người già, người bệnh, em bé ra đến nơi an toàn; ngâm mình trong nước gặt lúa, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa giúp dân… đã trở nên quen thuộc, in sâu trong lòng nhân dân. Những nơi xảy ra sự cố nghiêm trọng, lập tức có những người lính bên cạnh các lực lượng chức năng, lao vào giải cứu, hỗ trợ nhân dân. Và trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, biết bao cán bộ chiến sĩ đã nhường doanh trại cho người về nước cách ly, chăm lo cho người về cách ly từ chỗ ngủ, bữa ăn đến bảo đảm an toàn vệ sinh phòng dịch trong cả khu vực… Đó là sự hy sinh, là tấm lòng cao cả của bộ đội Cụ Hồ trong thời bình này.

          Chúng ta đang sống trong thời bình, song những ngày giờ các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ các cơ quan chức năng lao vào hiểm nguy để cứu nạn cứu hộ, để đem lại cuộc sống an lành cho dân - chính là những cuộc chiến không kém phần ác liệt.

Những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam

          Ảnh: Các chiến sỹ giúp dân dọn dẹp nhà cửa sau lũ lụt.