Nội dung cơ bản của cơ chế kiểm soát chi qua Kho bạc nhà nước

Thường xuyên cải cách thủ tục hành chính kiểm soát chi

Theo KBNN, hiện nay, để tập trung các khoản thu, thanh toán chi trả các khoản chi ngân sách nhà nước qua KBNN, các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện theo 22 thủ tục hành chính đã được Bộ Tài chính ban hành trước đây (trước thời điểm Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực).

Các thủ tục hành chính này đều được Bộ Tài chính ban hành dưới hình thức Thông tư theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, được chia thành 4 lĩnh vực liên quan đến hoạt động của KBNN, bao gồm: nhóm thủ tục về thu và hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước; nhóm thủ tục về kiểm soát chi ngân sách nhà nước; nhóm thủ tục về đăng ký sử dụng tài khoản tại KBNN và nhóm thủ tục về kho quỹ .

Theo đánh giá của KBNN, về cơ bản, các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN đã đáp ứng được các nguyên tắc và yêu cầu về quy định thủ tục hành chính theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quân đến kiểm soát thủ tục hành chính.

Đồng thời, các thủ tục hành chính cũng thường xuyên được cải cách, đơn giản hóa, chuẩn hóa và công bố công khai, đáp ứng được yêu cầu quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, rút ngắn thời gian thực hiện 1 giao dịch nộp ngân sách nhà nước xuống bình quân còn khoảng 5 phút/1 giao dịch (so với trước đây là khoảng 30 phút); đối với kiểm soát chi đầu tư đã rút ngắn thời gian kiểm soát từ 7 ngày xuống còn khoảng 3 - 4 ngày làm việc; đơn giản hóa yêu cầu hồ sơ đối với đề nghị thanh toán.

Đối với chi thường xuyên, đã thực hiện kiểm soát theo cơ chế khoán chi đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước thực hiện gửi hồ sơ kiểm soát chi qua Cổng thông tin điện tử KBNN,...

Theo ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN, thực hiện chủ trương cải cách hành chính theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, KBNN đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục trong thu-chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là quy trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua KBNN, góp phần giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thực hiện việc thanh toán trước, kiểm soát sau, gắn với việc nâng cao trách nhiệm giải trình của các Bộ, ngành, đơn vị trong việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước và thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành KBNN.

“Từ đó tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để điều chỉnh tất cả các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN theo hướng cải cách, đơn giản hóa và phù hợp với các cơ chế, chính sách mới được ban hành nhằm tạo ra một cơ chế quản lý có hiệu quả; tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình giao dịch thu, chi với KBNN. Đặc biệt là góp phần xây dựng KBNN chuyên nghiệp, hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020”, ông Trần Mạnh Hà nhấn mạnh.

Thống nhất hướng dẫn quy trình

Đại diện KBNN khẳng định, việc kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua KBNN đang được hướng dẫn tại rất nhiều Thông tư. Qua đánh giá, về cơ bản, các nội dung quy định tại các Thông tư nêu trên đã đáp ứng được việc kiểm soát chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua KBNN. Thông qua việc kiểm soát chi đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều khoản chi sai chế độ theo quy định.

Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Hà cũng cho biết, các thông tư này đều căn cứ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2020, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước hiện đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Ngoài ra, việc hướng dẫn trên nhiều thông tư gây khó khăn cho đơn vị sử dụng ngân sách trong việc tra cứu và thực hiện. Đồng thời, chưa quy định rõ trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN cũng như một số nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể như kiểm soát chi các khoản: lương, mua sắm tài sản công, chi chế độ trợ cấp…

Từ những bất cập này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN và Thông tư số 62/2020/TT- BTC ngày 22/5/2020 hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua KBNN.

Theo ông Trần Mạnh Hà, Nghị định 11 và Thông tư số 62 đã đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài về quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các quy định trong lĩnh vực thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN.

Bên cạnh đó, Thông tư số 62 đã bao quát hết các nội dung chi thường xuyên, tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình giao dịch với KBNN; đồng thời phân định rõ trách nhiệm của KBNN trong từng khâu kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua KBNN, phù hợp với định hướng cải cách tin học hóa, đẩy mạnh triển khai dịch vụ điện tử, đáp ứng các yêu cầu về cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin theo chủ trương chung của Chính phủ.

Mới đây, KBNN cũng đã tổ chức tập huấn trực tuyến Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và Thông tư 62/2020/TT- BTC..

Nguyên tắc chung của việc kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 62/2020/TT-BTC, cụ thể như sau:

a) Các khoản chi phải có trong dự toán được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Luật NSNN; đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được ủy quyền quyết định chi; số dư tài khoản của đơn vị còn đủ để chi.

b) Tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của các hồ sơ, chứng từ đối với từng khoản chi, đảm bảo hồ sơ đầy đủ theo quy định pháp luật hiện hành và phù hợp giữa Chứng từ kế toán và các hồ sơ có liên quan.

c) Dấu và chữ ký trên chứng từ khớp đúng với mẫu dấu và mẫu chữ ký đăng ký giao dịch tại KBNN (mẫu dấu và mẫu chữ ký đăng ký giao dịch tại KBNN đảm bảo còn hiệu lực); Trường hợp thực hiện qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN, việc ký số trên các hồ sơ phải đúng chức danh các thành viên theo quyết định của cấp có thẩm quyền, đã thực hiện đăng ký với KBNN.

d) Nội dung chi phải phù hợp với mã nội dung kinh tế theo quy định của Mục lục ngân sách hiện hành (không bao gồm các khoản chi từ Tài khoản tiền gửi).

đ) Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức (mức chi) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trường hợp các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo cơ chế tự chủ thì kiểm soát đảm bảo theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với Quyết định giao quyền tự chủ của cấp có thẩm quyền, chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, dự toán được giao tự chủ, và hướng dẫn tại Khoản 5, Khoản 6 Điều này.

e) Mức tạm ứng đảm bảo theo đúng quy định tại Điều 7 Thông tư này. Nội dung đề nghị thanh toán tạm ứng phải phù hợp với nội dung đã đề nghị tạm ứng.

g) Đối với các khoản chi phải gửi Hợp đồng đến KBNN, KBNN căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của đơn vị sử dụng ngân sách, các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng, văn bản giao việc hoặc hợp đồng giao khoán nội bộ (đối với trường hợp tự thực hiện), số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán, điều kiện thanh toán, tạm ứng, tài khoản thanh toán, và giá trị từng lần thanh toán, để tạm ứng, thanh toán cho đối tượng thụ hưởng.

- Đối với các Hợp đồng có quy định phải bảo lãnh tạm ứng, KBNN kiểm soát đảm bảo thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng phải được kéo dài cho đến khi đơn vị sử dụng ngân sách đã thu hồi hết số tiền tạm ứng.

- Đối với các Hợp đồng có quy định phải thực hiện cam kết chi, KBNN kiểm soát theo quy định tại Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN và Thông tư số 40/2016/TT-BTC ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 113/2008/TT-BTC và một số biểu mẫu kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và KBNN (TABMIS).

- Đối với khoản chi mua sắm theo phương thức tập trung:

KBNN kiểm soát đảm bảo: Có trong danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia (do Bộ Tài chính ban hành); danh mục thuốc chữa bệnh tập trung (do Bộ Y tế ban hành); danh mục mua sắm tập trung cấp Bộ, cơ quan trung ương, địa phương (do các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành), đảm bảo Hợp đồng phù hợp với Thỏa thuận khung (thỏa thuận khung được đơn vị mua sắm tập trung đăng tải trên Trang thông tin điện tử về tài sản công hoặc Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công (đối với tất cả các gói thầu mua sắm tập trung) và Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan trung ương và tỉnh (đối với các gói thầu mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương và tỉnh). Trong đó:

+ Đối với tài sản mua sắm theo phương thức tập trung: KBNN kiểm soát Biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản theo mẫu số 06/TSC-MSTT kèm theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đảm bảo: Tên tài sản, đơn vị tính, số lượng, giá mua phù hợp với quy định tại Hợp đồng, Thỏa thuận khung (trường hợp áp dụng mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung).

+ Đối với khoản chi mua thuốc, dịch truyền, hóa chất...sử dụng trong quá trình điều trị khám chữa bệnh theo phương thức tập trung, KBNN kiểm soát tổng số tiền của các hóa đơn kê khai trên Bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành theo mẫu số 08a ban hành kèm theo phụ lục II Nghị định số 11/2020/NĐ-CP đảm bảo không vượt giá trị hợp đồng và Thỏa thuận khung (Đơn vị sử dụng ngân sách căn cứ Biên bản nghiệm thu để lập Bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành, trong đó tại cột nội dung công việc (cột số 2) kê khai số hóa đơn, tại cột thành tiền (cột số 6) kê khai số tiền tương ứng với giá trị của từng hóa đơn. Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và đơn giá, chủng loại thuốc đề nghị thanh toán, đảm bảo phù hợp với quy định tại Hợp đồng và thỏa thuận khung, biên bản nghiệm thu giữa đơn vị sử dụng ngân sách và nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ).

- Đối với các khoản chi không thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung:

+ Đối với khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ: KBNN kiểm soát Bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành theo mẫu số 08a ban hành kèm theo phụ lục II Nghị định số 11/2020/NĐ-CP đảm bảo nội dung công việc, đơn vị tính, số lượng, đơn giá phù hợp với quy định tại Hợp đồng; riêng đối với khoản chi mua thuốc, KBNN kiểm soát tổng số tiền của các hóa đơn kê khai trên Bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành đảm bảo không vượt giá trị hợp đồng (Đơn vị sử dụng ngân sách căn cứ Biên bản nghiệm thu để lập Bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành, trong đó tại cột nội dung công việc (cột số 2) kê khai số hóa đơn, tại cột thành tiền (cột số 6) kê khai số tiền tương ứng với giá trị của từng hóa đơn. Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và đơn giá, chủng loại thuốc đề nghị thanh toán, đảm bảo phù hợp với quy định tại Hợp đồng, biên bản nghiệm thu giữa đơn vị sử dụng ngân sách và nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ).

+ Đối với khoản chi còn lại: Đơn vị sử dụng ngân sách căn cứ nội dung Hợp đồng, Biên bản nghiệm thu để lập Bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành theo mẫu số 08a ban hành kèm theo phụ lục II Nghị định số 11/2020/NĐ-CP gửi KBNN cho phù hợp. KBNN kiểm soát nội dung công việc và giá trị thanh toán đảm bảo theo đúng quy định của hợp đồng, không vượt giá trị hợp đồng.

Trân trọng.