Nuôi bao nhiêu cặp bồ câu mới thấy có lời

Trước đây người dân nuôi chim bồ câu chủ yếu là “làm cảnh” cho vui cửa, vui nhà. Nhưng bây giờ nuôi chim đang là một nghề hái ra tiền bởi đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế thu về lại cao. Đã có rất nhiều hộ thành công với mô hình này, điển hình như anh Nguyễn Văn Luân xóm Tiểu Khu, xã Thái Thịnh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Trong một lần tình cờ về thăm người bạn ở Ba Vì [Hà Nội], thấy gia đình bạn nuôi rất nhiều chim bồ câu thương phẩm, mỗi năm xuất bán ra thị trường hàng ngàn con chim. Thấy có hiệu quả nên ngay từ đầu anh đã thích mô hình này. Cũng là người có “máu” làm ăn nên thích là làm, anh Luân đã tìm đến trại giống Hoài Đức [Hà Nội] để mua 8 cặp chim giống [lúc đó là 100.000 đồng/1cặp chim bồ câu]. Anh đã học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè về cách xây dựng chuồng trại, cách cho ăn và chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho chim bồ câu…Sau thời gian nuôi, chăm sóc thấy chim sinh trưởng khỏe và cho sinh sản những con chim non đầu tiên. Với số vốn ít nên anh thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa làm, vừa học hỏi và rút kinh nghiệm trong chăn nuôi. Đến nay, số lượng chim bồ câu của gia đình tăng lên không ngừng với hơn 100 cặp, trong đó có 50 đôi chim con chuẩn bị nở, 50 đôi đang ấp trứng.

Thức ăn của chim rất đơn giản chỉ là lúa, ngô...cũng không tốn kém về thức ăn như các loài vật nuôi khác. Chuồng nuôi được anh Luân tận dụng những cây tre, cây luồng trên đồi để làm nên giảm được chi phí đầu tư ban đầu.

Chim bồ câu thường đẻ 8 lứa/1 năm, mỗi lứa được 2 trứng. Thời gian ấp trứng 15 ngày là nở và nuôi cho đến 1 tháng là có thể xuất bán. Với giá bán thịt 120.000 đồng/1cặp, còn nếu bán con giống thì sau khi nở phải nuôi thêm trừng 10 ngày cho chim cứng cáp hơn và bán với giá 150.000 – 160.000 đồng/1cặp. Một năm trung bình trừ chi phí anh có lãi 25 - 30 triệu đồng.

Giống chim bồ câu gia đình anh Luân nuôi là chim bồ câu ta, cho ăn chỉ lúa, ngô nên được bà con và thương lái rất ưa chuộng vì thịt chắc, thơm ngon. Có rất nhiều khách hàng đặt con giống và chim thịt nhưng anh sản xuất không kịp cung cấp cho thị trường.

“Nuôi chim bồ câu ta ban đầu tưởng chừng khó, nhưng khi nắm được kỹ thuật nuôi và tập tính của chúng thì cũng không hề khó mà còn rất đơn giản. Đặc biệt đầu tư vốn thấp, ít bị xảy ra dịch bệnh nên nhiều hộ dân có thể nuôi được. Tuy nhiên nuôi con gì cũng phải có tâm huyết, không nản chí, nản lòng thì mới đi đến thành công” - Anh Nguyễn Văn Luân chia sẻ.

Nguyễn Văn Phúc ở thôn Hiệu Chân [xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn] từng du học nước ngoài về công nghệ thông tin. Về nước, đang có việc làm tương đối ổn định, bất ngờ Phúc về quê, nuôi một đàn chim bồ câu. Lúc đó, người làng không ít điều ra tiếng vào. Phúc chuyển hướng nuôi chim không phải không có lý do. Một lần, đến nhà người bạn chơi, thấy nuôi chim bồ câu có giá trị kinh tế cao, không cần đầu tư lớn, thị trường tiêu thụ rộng, lợi nhuận cao, Phúc nhờ bố mẹ vay được mấy chục triệu đồng để mua lồng, thức ăn và 100 cặp chim bồ câu Pháp về nuôi. Anh lên mạng học hỏi và tham gia lớp tập huấn trước khi bắt tay vào nuôi chim. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, 80 cặp chim chết dần, chỉ còn 20 cặp lành lặn. Áp lực lớn nhưng Phúc không dừng lại. Anh dành thời gian tham quan các mô hình, học hỏi kinh nghiệm và mua thêm 30 cặp chim nữa. Lần này anh thành công. 50 cặp chim sinh trưởng ổn định và bắt đầu đẻ trứng. Phúc tự tin với hướng đi của mình. Từ 50 cặp chim quý giá ấy, đàn chim được Phúc gây dựng lớn dần. Chỉ sau một thời gian chăm sóc, Phúc nhận ra phải đầu tư máy móc mới có thể nâng cao hiệu quả kinh tế. Anh quyết định mua máy ấp trứng để bảo đảm tỷ lệ chim nở, thuận lợi trong việc nhân rộng số lượng đàn.

Thất bại ban đầu đã cho Phúc nhiều kinh nghiệm quý. Nuôi bồ câu Pháp chỉ khó khi người ta chưa hiểu tập tính sinh hoạt, chu kỳ sinh trưởng cũng như các loại bệnh mà loài chim này hay mắc phải. Theo anh, nuôi chim bồ câu cần có chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng. Ngay từ khi bồ câu mới nở, Phúc cho uống thuốc, tiêm phòng định kỳ đầy đủ; mỗi tuần tổng vệ sinh chuồng trại một lần. Những yếu tố này giúp đàn chim giảm nguy cơ mắc bệnh tật. Cứ sau 5 năm, phải thay đàn bố mẹ một lần để bảo đảm sức sinh sản. Nếu để quá, cặp bồ câu sẽ cỗi, đẻ thưa, con yếu. Tuy nhiên, đây chỉ là lý thuyết chung. Ðể có được thành công còn đòi hỏi tâm huyết của người nuôi.

Sau một thời gian chăm sóc chim, Nguyễn Văn Phúc sáng chế mẫu lồng chim riêng cho trang trại của mình. Hệ thống lồng nuôi này không chỉ giúp tiết kiệm diện tích, quản lý dễ dàng đàn chim, mà còn giảm đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan. Với mật độ 8 con/m2, hệ thống lồng được thiết kế nhiều tầng, phân thành nhiều lô rất hợp lý. Hiện Phúc còn là người cung cấp lồng chim công nghiệp cho người tiêu dùng.

Tính đến thời điểm này, Phúc nuôi 9.000 cặp chim bố mẹ sinh sản, gồm nhiều giống khác nhau, trong đó chủ yếu là bồ câu Pháp. Bình quân mỗi tháng, trang trại của Nguyễn Văn Phúc xuất ra thị trường tới 7.000 cặp chim, trong đó, có 5.000 cặp chim thịt, còn lại là chim giống. Ngoài ra, Phúc nuôi hàng trăm cặp cu gáy sinh sản cung cấp ra thị trường. Trong đó giá chim thịt khoảng 130 đến 140 nghìn đồng/cặp. Chim giống thì tùy theo độ tuổi mà mức giá khác nhau. Với quy mô sản xuất ngày càng lớn, Phúc không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều gia đình quanh khu vực. Trang trại của anh hiện sử dụng thường xuyên hơn 10 lao động.

Chủ Đề