Phân tích những tiến đề về tư tưởng cho sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh

Trang chủ / Khoa học - thông tin - tư liệu / Bài viết chuyên đề

Đăng lúc: 08:05:52 20/12/2021 (GMT+7)8875 lượt xem

 ThS. Lê Nữ Sinh - GV Khoa Lý luận cơ sở

Cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, là tài sản tinh thần to lớn, quý giá của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta ngày càng đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì các thế lực chống đối Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam cũng luôn xác định khâu đột phá của chiến lược này là mặt trận tư tưởng chính trị, với mục tiêu số một là xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đấu tranh phòng, chống các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh là một chủ trương kiên quyết và nhất quán của Đảng ta. Nó gắn chặt với cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch và cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Như tinh thần Đại hội Đại biểu lần thư XIII đã xác định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động” (1).

Vậy để bảo vệ một cách đúng đắn những tư tưởng - di sản quý báu mà lãnh tụ Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, cho dân tộc, trước tiên cần hiểu một cách chính xác Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?

Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành cùng với quá trình lãnh tụ Hồ Chí Minh sống và hoạt động cách mạng. Khái niệm Tư tưởng Hồ Chí được hình thành cùng với quá trình phát triển nhận thức của Đảng ta về ý nghĩa, giá trị của tư tưởng này.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (2/1951), Đảng ta bắt đầu kêu gọi: “toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong, đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch” và khẳng định: “sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng mau đi đến thắng lợi hoàn toàn” (2).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), lần đầu tiên Đảng nêu lên khái niệm về tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta, và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của dân tộc”. Cương lĩnh 1991 khẳng định Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động.

Sau 10 năm, với những thành tựu to lớn nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước, trong Báo cáo chính trị của BCH TW Đảng khoá VIII thông qua tại Đại hội đại biểu lần thứ IX (4-2001), Đảng ta có bước phát triển trong nhận thức và tư duy lý luận khi khẳng định:

“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân…

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta” (3).

Đến năm 2011, khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta khái quát trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển):

 “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”(4).

Từ khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh qua các văn kiện Đảng chúng ta cần hiểu đúng và nắm vững một số ý cơ bản sau:

1. Về cấu trúc: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.

“Hệ thống” là tập hợp những bộ phận có liên hệ chặt chẽ với nhau. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống có nghĩa là bao gồm nhiều bộ phận, nhiều quan điểm, quan niệm có mối liên hệ biện chứng chặt chẽ với nhau. Hệ thống quan điểm đó vừa đề cập “toàn diện” đến nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của cách mạng Việt Nam; đồng thời ở mỗi lĩnh vực, mỗi vấn đề của cách mạng lại được bàn một cách “sâu sắc”, vừa có tính liên tục, vừa có sự nhất quán. Như Đại hội IX đã chỉ rõ, đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.... Từ di sản Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu còn làm rõ nhiều nội dung có giá trị to lớn khác không chỉ về cách mạng Việt Nam mà cả về cách mạng thế giới như tư tưởng dân chủ; tư tưởng ngoại giao; tư tưởng hội nhập, hòa bình, hợp tác và phát triển; phương pháp cách mạng và phong cách,…

Tuy tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc nhưng là về “những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam” chứ không phải về “tất cả các vấn đề của xã hội Việt Nam”, bởi ở thời kỳ Hồ Chí Minh sống và hoạt động cách mạng có những vấn đề chưa đặt ra cấp thiết hoặc chưa nảy sinh như hiện nay (ví dụ như vấn đề bùng nổ dân số, chênh lệch giới tính khi sinh, vấn đề phòng chống đại dịch COVID – 19…).

Nhận thức như trên sẽ tránh được các khuynh hướng sai lầm và xuyên tạc cho rằng không có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh mà chỉ một vài phát biểu ngắn gọn của Người; hoặc cái gì cũng quy về tư tưởng Hồ Chí Minh, lạm dụng thuật ngữ “tư tưởng Hồ Chí Minh” mà không hiểu tư tưởng của Người chỉ gắn với những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đồng thời cũng cần cảnh giác và phản bác lại những ý kiến cho rằng hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, không có trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay chúng ta khẳng định quyết tâm của Đảng và nhân dân ta là xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội thì đồng nghĩa với việc phủ nhận công cuộc đổi mới.

2. Về nguồn gốc, trong khái niệm nêu lên Tư tưởng Hồ Chí Minh “là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại”. Điều đó cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh không phải chỉ được hình thành từ những suy nghĩ chủ quan của Hồ Chí Minh mà dựa trên những cơ sở khoa học, những tiền đề tốt đẹp cả trong nước và trên thế giới. Điểm đặc biệt nằm ở chỗ Hồ Chí Minh đã kế thừa, tiếp thu một cách có chọn lọc, phát triển và vận dụng một cách sáng tạo “vào điều kiện cụ thể của nước ta” chứ không áp dụng “rập khuôn, máy móc”.

Sự phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với các giá trị truyền thống của dân tộc thể hiện ở chỗ không chỉ tiếp thu một cách có chọn lọc các giá trị tốt đẹp, tiến bộ mà còn nâng những giá trị ấy lên một tầm cao hơn, phù hợp với thời đại cách mạng mới. Điển hình như chủ nghĩa yêu nước - giá trị xuyên suốt trong bảng giá trị tinh thần của người Việt, đến thời đại Hồ Chí Minh không chỉ dừng ở việc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ đất nước mà còn là xây dựng chế độ mới tốt đẹp hơn, Người khẳng định: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu CNXH, vì có tiến lên CNXH thì nhân dân mình mỗi ngày một ấm no thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm" (5). Hay như truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân ta cũng được Hồ Chí Minh phát triển thành chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc;…

Sự kế thừa có chọn lọc trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ qua việc tôn trọng và tìm ra mặt tích cực, điểm chung của tất cả các học thuyết, các tôn giáo mà Người có dịp tìm hiểu chứ không hề có sự thành kiến. Người tiếp thu, kế thừa một cách có chọn lọc, có phân tích, đánh giá sàng lọc, phát huy điểm tích cực và loại bỏ những điểm không phù hợp để áp dụng vào cách mạng Việt Nam, đồng thời hoàn thiện tư tưởng riêng của mình. Hồ Chí Minh từng phân tích:

“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng cá nhân.

          Tôn giáo của Chúa Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả.

Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng.

Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.

Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết” (6).

Tính sáng tạo của Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng Việt Nam được thể hiện rõ trên nhiều vấn đề như: sáng tạo trong nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc ở một đất nước thuộc địa; sáng tạo trong vận dụng và phát triển học thuyết của Lênin về cách mạng thuộc địa; những sáng tạo về nhận thức và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; những luận điểm mới về xây dựng Đảng, đặc biệt là trong điều kiện Đảng cầm quyền; chiến lược “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” trong tập hợp lực lượng; sáng tạo trong lựa chọn mô hình nhà nước phù hợp với thực tiễn của dân tộc;…

3. Về nội dung, trong khái niệm được nêu ra tại Đại hội IX của Đảng đã liệt kê ra những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó, cần nhận thức được nội dung xuyên suốt nhất tư tưởng Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; đây cũng chính là lý tưởng cách mạng cả đời của Người.

Các nội dung “giải phóng dân tộc”, “giải phóng giai cấp”, “giải phóng con người” được đưa ra theo trình tự phù hợp với tiến trình cách mạng Việt Nam, từ một xã hội thuộc địa nửa phong kiến bị thực dân Pháp đô hộ thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa và cao hơn nữa là xây dựng xã hội cộng sản. Nắm vững điều này giúp chúng ta xác định được mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không để các thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc, đánh lạc hướng.

4. Về ý nghĩa, giá trị, Đảng ta khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.

Lịch sử đã chứng minh, cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận và định hướng để Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đường lối cách mạng đúng đắn, tổ chức lực lượng và lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và những thành tựu quan trọng về mọi mặt trong 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế.

Nhận thức rõ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta có cơ sở để phản bác lại những kẻ tự xưng là “người yêu nước”, người “bất đồng chính kiến” ở trong và ngoài nước đã lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc, bóp méo và bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, xuyên tạc và phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận những giá trị cơ bản, đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời cũng chống lại những quan điểm “cực đoan”, “tuyệt đối hóa” tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng ở Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ. Phải thấy được, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ tư tưởng “mở”, những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, vận dụng một cách linh hoạt trong điều kiện mới cho phù hợp.

Tóm lại, nắm vững khái niệm Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là chiếc chìa khóa để việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện một cách khoa học, toàn diện và sâu sắc. Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 đã khẳng định: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”. Vì vậy, việc tiếp tục giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh; việc kiên định mục tiêu, con đường phát triển độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là yêu cầu tất yếu khách quan cho sự tồn tại của một Đảng chân chính, cách mạng mà còn là yêu cầu quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam./.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.33

(2) ĐCSVN, Vǎn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, Ban NCLSĐTW, H, 1965, tr.15

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr.83-84.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, HN. 2011, tr.88

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG-Sự thật, H.2011, t.11, tr401

(6) Xem: Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, H, 1997, tr.43.