Pháp lệnh 09 xử lý vi phạm hành chính

Vướng mắc khi áp dụng căn cứ để ban hành Quyết định tạm đình chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 [sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012] và một số văn bản hướng dẫn có liên quan có hiệu lực thi hành đã phần nào đáp ứng được yêu cầu đối với công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân như: rút ngắn thời gian áp dụng, nâng cao trách nhiệm khi quy định cụ thể cơ quan lập hồ sơ phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ…

Tuy nhiên, thông qua công tác kiểm sát các Quyết định tạm đình chỉ của Tòa án nhân dân cấp huyện đối với những đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nhưng trong quá trình lập hồ sơ phát hiện đối tượng này đang bị khởi tố, điều tra về một hành vi khác như “Tàng trữ trái phép chất ma túy”; “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy”; “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 249, Điều 250, Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015 [sửa đổi, bổ sung năm 2017] bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thấy rằng: căn cứ để ra Quyết định tạm đình chỉ là điểm a khoản 2 Điều 15 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội [sau đây gọi tắt là Pháp lệnh 09] việc áp dụng trong thực tiễn vẫn còn vướng mắc.

Thông qua bài viết này, tác giả muốn phân tích, làm rõ những vướng mắc trong thực tiễn đối với việc ban hành Quyết định tạm đình chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:

 Tại Điều 15 Pháp lệnh số 09 quy định về “Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính”.

“…

2. Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có một trong các căn cứ sau đây:

a] Hành vi của người bị đề nghị có dấu hiệu tội phạm và Tòa án phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự xem xét hoặc người bị đề nghị đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đó…”

Nội dung này đã được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2015/NĐ-HĐTP ngày 24/12/2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về Hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân như sau:

“Điều 8. Về hậu quả của việc đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

2. Trường hợp Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Pháp lệnh thì Tòa án sẽ mở lại phiên họp để xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi căn cứ tạm đình chỉ không còn. Thời gian tạm đình chỉ không tính vào thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính…

Căn cứ vào nội dung nêu trên thì Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong trường hợp “Hành vi của người bị đề nghị có dấu hiệu tội phạm và Tòa án phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự xem xét hoặc người bị đề nghị đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đó”. Ở đây, chúng ta cần lưu ý đến cụm từ “hành vi đó” nghĩa là: hành vi mà đối tượng đang bị xem xét để áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cụ thể là hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy” bởi lẽ: trong các hành vi liên quan đến tội phạm ma túy được quy định trong Bộ luật Hình sự thì chỉ có hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy” mới là đối tượng bị xác định, xem xét để lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khi giải quyết trong thực tiễn có hai trường hợp xảy ra đó là:

Trường hợp thứ nhất: “Hành vi của người bị đề nghị có dấu hiệu tội phạm và Tòa án phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự xem xét”.

Trường hợp thứ hai: “Người bị đề nghị đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đó”.

Trong hai trường hợp nêu trên, quá trình thực hiện các Tòa án nhân dân cấp huyện đã áp dụng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 và điểm a khoản 2 Điều 15 Pháp lệnh số 09 làm căn cứ ban hành Quyết định tạm đình chỉ. Thấy rằng: việc ban hành quyết định tạm đình chỉ nêu trên của Tòa án xuất phát từ việc đánh giá, nhận định về hành vi mà đối tượng đang được xem xét, lập hồ sơ và quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hành vi mà đối tượng đang bị bắt, khởi tố và điều tra; Tuy nhiên, có thể thấy rằng: điều luật quy định chỉ ban hành quyết định tạm đình chỉ đối với “hành vi đó” nghĩa là đối với hành vi đang bị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở CNBB.

Thực tiễn trong quá trình thụ lý giải quyết đối với các trường hợp đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nhưng lại phát hiện đối tượng có các hành vi khác như “Tội tàng trữ trái phép chất ma túy”; “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy”; “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”… nếu không ban hành quyết định tạm đình chỉ thì sẽ giải quyết như thế nào? Đây là một vấn đề chưa được pháp luật quy định cụ thể, bởi lẽ: như đã phân tích ở trên nếu như ngoài hành vi đang bị xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà đối tượng còn có các hành vi khác được quy định là tội phạm trong Bộ luật Hình sự thì người đó phải chấp hành các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự và việc giải quyết đối với biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ phụ thuộc vào kết quả của quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Với vướng mắc như đã phân tích trên, trong thời gian tới, để các cơ quan hữu quan có được sự thống nhất trong việc nhận thức và thực hiện công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ; Quan điểm cá nhân là cần sớm sửa đổi, bổ sung đối với nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Pháp lệnh 09 theo hướng như sau:

“…2. Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có một trong các căn cứ sau đây:

a] Hành vi của người bị đề nghị có dấu hiệu tội phạm và Tòa án phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự xem xét hoặc người bị đề nghị đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về  hành vi đó hoặc hành vi khác được quy định trong Bộ luật Hình sự…”.

Trên đây là một số nội dung trao đổi thông qua công tác kiểm sát các quyết định tạm đình chỉ đối với các quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân cấp huyện trong thời gian vừa qua. Rất mong có được sự chia sẻ và đóng góp để góp phần hoàn thiện cũng như đưa công tác này đi vào thực tiễn có hiệu quả và thống nhất./.

Nguyễn Đình Chung - P10

Viện KSND tỉnh Nghệ An

Chủ Đề