Quá trình nhất thể hóa Liên minh châu Âu là gì

Nhất thể hóa châu Âu, viễn cảnh đầy thách thức

Quá trình nhất thể hóa Liên minh châu Âu là gì

NDĐT- Quá trình nhất thể hóa châu Âu đang đối mặt chông gai khi Hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) sắp diễn ra mà 28 nước thành viên chưa tìm được những người chèo lái con thuyền EU vượt qua khó khăn, ghềnh thác.

Với các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của EU vẫn còn bỏ ngỏ, sự chia rẽ trong khối khiến ngôi nhà chung châu Âu được dự báo sẽ lúng túng trong quan hệ với Nga cũng như ngăn cản tiến trình cải cách sâu rộng của EU nhằm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế.

Bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên (EU) trong việc lựa chọn các lãnh đạo chủ chốt của khối đã đẩy Hội nghị cấp cao EU vừa qua tại Brussels (Bỉ) vào thất bại khi không thể thống nhất danh sách những người nắm giữ hai vị trí lãnh đạo quan trọng là Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Đại diện cấp cao EU phụ trách các vấn đề an ninh và đối ngoại. Các quốc gia này buộc phải hoãn đưa ra quyết định lựa chọn cho tới khi nhóm họp trở lại vào ngày 30-8 tới.

Đối với vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Đan Mạch T.Schmidt thuộc Đảng Dân chủ Xã hội giành được sự ủng hộ đông đảo của các nước thành viên, kể cả từ phía Anh. Tuy nhiên, Pháp phản đối đề cử này bởi Đan Mạch không phải là thành viên của Khu vực đồng Euro (Eurozone).

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Italy F.Mogherini, ứng cử viên sáng giá cho vị trí Đại diện cấp cao phụ trách các vấn đề an ninh và đối ngoại thay bà C.Ashton, cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước vùng Ban-tích và Ba Lan, với lý do bà F.Mogherini còn thiếu kinh nghiệm về ngoại giao. Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Litva D.Grybauskaite, một trong những người phản đối việc đề cử Bộ trưởng Ngoại giao Italy, cho biết, ông sẽ chỉ ủng hộ một người có quan điểm trung lập và phản ánh được quan điểm của tất cả các quốc gia thành viên trong cuộc khủng hoảng tại Ucraina.

Đây không phải lần đầu tiên các nước EU chia rẽ trong việc bầu ra người nắm giữ những vị trí quan trọng của khối. Trước khi được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ 2014-2019, cựu Thủ tướng Luxembourg C.Juncker đã phải chịu nhiều sức ép từ phía một số nhà lãnh đạo EU, nhất là Thủ tướng Anh D.Cameron. Ông D.Cameron cho rằng, cựu Thủ tướng Luxembourg có xu hướng gia tăng quyền lực của EC và xem nhẹ thẩm quyền của chính phủ các nước thành viên. Bất chấp sự phản đối gay gắt này, ông C.Juncker đã vững vàng bước vào cương vị mới với đa số phiếu thuận trong cuộc bỏ phiếu vào vị trí Chủ tịch EC. Nhưng, điều này lại đang khoét sâu những rạn nứt giữa Anh và các quốc gia khác trong EU, khiến xứ sở sương mù nhiều lần cảnh báo có thể sẽ rời bỏ ngôi nhà chung.

Quá trình nhất thể hóa châu Âu còn đối mặt những chông gai khi 28 nước thành viên chia rẽ sâu sắc về cách thức phản ứng với Moscow do những khác biệt từ lợi ích chiến lược.

Trong khi các quốc gia Trung và Đông Âu như Ba Lan, Litva muốn hành động cứng rắn hơn với Moscow thì các nước Tây Âu như Đức hay Italy lại quan tâm nhiều hơn đến quan hệ thương mại và năng lượng với Nga.

Theo các nhà phân tích, chính những khác biệt chưa thể dung hòa, cùng với bộ máy lãnh đạo chưa ổn định sẽ khiến EU lúng túng trong việc triển khai chính sách đối ngoại với Nga thời gian tới. Nội bộ bất đồng bị cho là hòn đá tảng ngăn cản tiến trình cải cách sâu rộng của EU nhằm khôi phục lại đà tăng trưởng kinh tế. Những dấu hiệu về sự mất ổn định của hệ thống ngân hàng đã xuất hiện ở Bulgaria và Bồ Đào Nha, dẫn đến những lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới ở châu Âu sau ba năm nỗ lực củng cố hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, EU cũng phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách khác như vấn đề nhập cư, mở rộng EU, vấn đề nợ xấu và thất nghiệp ở nhiều quốc gia thành viên

Để vượt qua những thách thức trước mắt và cải cách thành công, rõ ràng EU cần phải có những nhà lãnh đạo có khả năng đưa các thành viên đang chia rẽ sâu sắc có thể tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra trong các cuộc họp cấp cao bàn về vấn đề nhân sự của EU, có thể thấy, tiến trình nhất thể hóa châu Âu mà EU kỳ vọng không trải hoa hồng, và thách thức lớn nhất của khối chính là khôi phục lại sự đoàn kết nội bộ cũng như niềm tin của các nước thành viên đối với liên minh.

MINH HẰNG