Quyy trình xử lý bệnh dịch tả lợn châu phi

Sau khi xâm nhiễm vào tỉnh ta từ ngày 01/3/2019tại xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn nay là [Thị xã Kinh Môn] đến ngày 05/12/2019 bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan ra địa bàn 12/12 huyện, thành phố, thị xã tại 255 xã, phường, thị trấn; ở 1.130 thôn và 24.787 lượt hộ có lợn tiêu hủy làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất chăn nuôi và kinh tế của người dân trong tỉnh, với số lượng lợn phải tiêu hủy 393.359 con [Trong đó: lợn nái và lợn đực giống là 54.148 con; lợn thịt và lợn con là 339.211 con] với tổng trọng lượng là 23.416,519 tấn đến nay toàn bộ các xã, phường, thị trấn qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Virus Dịch tả lợn châu Phi [ASFV] có thể tồn tại trong chuồng trại bị nhiễm ít nhất 1 tháng, ở máu và vật dụng chuồng nuôi tới 70 ngày, do đó khi chuồng trại có lợn chết vì ASFV nếu không áp dụng đúng quy trình vệ sinh tiêu độc thì rất khó để tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh.

Để giúp người chăn nuôi thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau khi hết dịch đảm bảo không còn mầm bệnh tồn tại trong chuồng và khu vực chăn nuôi giúp cho việc tái đàn sau dịch được an toàn. Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương xin giới thiệu đến bạn độc quy trình vệ sinh chuồng trại và quy trình tái đàn lợn sau khi bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi như sau.

I. Quy trình vệ sinh 

1. Vệ sinh bên trong chuồng trại

- Thu gom toàn bộ rác, chất thải chăn nuôi, phân, chất độn chuồng để tiêu hủy theo quy trình như đốt hoặc ủ sinh học, kể cả thức ăn, thực phẩm và sản phẩm động vật ở trong trại xảy ra dịch bệnh cũng phải được tiêu hủy và xử lý triệt để.

- Làm vệ sinh cơ học chuồng nuôi và khuôn viên trại. Phun sát trùng định kỳ 1 lần/ngày toàn bộ chuồng nuôi, khu vực nhà ở cho công nhân,…bằng thuốc sát trùng được phép sử dụng và lưu hành tại Việt Nam. 

- Rải vôi bột lên toàn bộ bề mặt nền chuồng, lối đi, đường ra vào các dãy chuồng nuôi. Đối với nền tường, rãnh thoát nước thải, máng ăn cầnsử dụng xút với tỷ lệ 1:50. Với lượng 1 lít dung dịch xút cho 1,5 m2  diện tích bề mặt chuồng nuôi, sau 60 phút tiến hành, rửa sạch lại bằng nước với vòi phun áp lực cao.

2. Vệ sinh dụng cụ chăn nuôi, bảo hộ.

- Thực hiện việc vệ sinh sát trùng kỹ các dụng cụ chăn nuôi trước khi nhập gia súc, đồng thời tiêu hủy bằng cách đốt các dụng cụ chăn nuôi, quần áo bảo hộ sử dụng một lần.

- Đối với một số dụng cụ chăn nuôi như ủng, lồng úm, máng ăn, máng uống…, phải ngâm trong dung dịch xút 1% trong vòng 1/2 ngày, sau đó cọ rửa lại bằng nước sạch và phun thuốc sát trùng, lên thực hiện ít nhất là 2 lần.

- Hệ thống núm uống tại các ô chuồng phải được tháo ra và ngâm trong dung dịch xút tỷ lệ 1% trong vòng 01 ngày. Tiến hành làm sạch ống dẫn nước bằng cách xả hết nước trong đường ống nước uống, pha thuốc sát trùng để ngâm đường ống ít nhất 24 giờ, sau đó xả rửa lại bằng nước sạch.

Đối với các thiết bị như máy móc, nhà chứa thức ăn chăn nuôi, tủ để thuốc, nhà ở của công nhân…phải được tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Các thiết bị dụng cụ bằng điện có thể xông formol và thuốc tím với tỷ lệ 40% cho 2,8 m³. 

3. Vệ sinh sát trùng phương tiện vận chuyển

Đối với các phương tiện vận chuyển thức ăn và các vật dụng khác trong trang trại phải tiến hành vệ sinh triệt để như thùng xe, bánh xe, gầm xe, hai bên hông xe…bằng xà phòng, sau đó sử dụng vòi phun sát trùng để phun toàn bộ xe.    

4. Vệ sinh bên ngoài, xung quanh trại

Chặt bỏ và đốt cháy hoàn toàn, các bụi dậm, cỏ dại tại khu vực xung quanh trại; rải vôi bột toàn bộ khu vực xung quanh chuồng nuôi và bên ngoài trại. Đối với ao hồ, cống rãnh tiến hành khơi thông cống rãnh; sử dụng vôi bột rải lên toàn bộ bề mặt cống rãnh. Kết hợp tiến hành tiêu diệt ruồi, muỗi, chuột bằng các loại hóa chất và thuốc diệt chuột được phép sử dụng và lưu hành tại Việt Nam.

Đối với hệ thống biogas cần thường xuyên theo dõi hoạt động và nhiệt độ của hầm biogas đảm bảo luôn hoạt động tốt với nhiệt độ bên trong hầm biogas ở giai đoạn sinh khí methane là 55ºC. Ở nhiệt độ này có thể tiêu diệt được nhiều mầm bệnh có trong phân đặc biệt virus Dịch tả lợn châu Phi có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 50ºC trong thời gian 3 giờ.

Trong thời gian này, người chăn nuôi nên đóng kín cửa chuồng, đối với những trại chăn nuôi theo mô hình chuồng hở, khuyến khích người chăn nuôi nên chuyển đổi sang mô hình chuồng kín nhằm giúp hạn chế tối đa mầm bệnh lây lan từ bên ngoài vào trại.

II. Quy trình tái đàn

- Sau 30 ngày tiêu hủy heo hoặc các sản phẩm heo bị nhiễm bệnh và đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo quy định thì tiến  hành cho tái đàn.

- Trước khi thả heo 1 ngày cần tiến hành phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại và khuôn viên trại.

- Thực hiện tái đàn từng bước với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở, sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy để xét nghiệm virus Dịch tả lợn Châu Phi, nếu xét nghiệm có kết quả âm tính với Dịch tả Châu phi mới được nhập 100% tổng đàn. 

- Heo được nhập về phải có nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất phát. Đối với heo nuôi nhằm mục đích sinh sản phải có lý lịch rõ ràng và có số tai, khuyến cáo nên dùng con giống tại chỗ.

- Thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin theo hướng dẫn của ngành thú y; thường xuyên giám sát đàn lợn kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khi phát hiện heo có triệu chứng khác thường. Tuyệt đối không được dấu dịch, không bán chạy và không vứt xác lợn chết ra môi trường.

Trên đây là các bước xử lý chuồng trại và quy trình tái đàn lợn sau khi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã được công bố hết dịch. Cơ quan chuyên môn rất mong được sự hợp tác chặt chẽ của người chăn nuôi.

Bài của Nguyễn Minh Đức, Phó CCT Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1+2 ra tháng 6/2020

Chủ Đề