Review hồi ức của một geisha năm 2024

Hy sinh quãng đời thanh xuân, dùi mài rèn luyện để trở nên tuyệt mỹ trong mắt đàn ông, nhưng quyền được yêu, bộc lộ mơ ước thầm kín của geisha lại bị tước bỏ. Thân phận của họ sau tấm màn kín chỉ như những "người vợ hờ".

Hình ảnh một geisha. Ảnh: Colombia Picture.

Trong xã hội Nhật Bản trước thế chiến thứ hai, những người phụ nữ mang chức phận geisha được coi là biểu trưng của tài hoa, mực thước, mang lại niềm vui cho những quý ông bằng tiếng đàn, điệu múa, lối ăn nói hoạt bát, duyên dáng... Được yêu quý, trọng vọng, nhưng theo quy luật của nghề nghiệp, họ phải chôn chặt những khát khao thầm kín, ngay cả tình yêu trong thế giới đầy "chuẩn mực". Tất cả để tôn vinh nghề "làm đẹp cho đời chứ không phải kinh doanh thân xác".

Chiyo là một thân phận đi cùng sự nghiệt ngã này. Cô bé bị bán vào nhà geisha làm tôi tớ. Năm ấy, giữa mùa tuyết phủ trắng xóa, khi đang rơi vào sự tuyệt vọng tột cùng của nghèo khó, Chiyo 12 tuổi gặp một người đàn ông sang trọng, lịch lãm. Trong khoảnh khắc, cô hạnh phúc như cả một kiếp người đã được đổi thay. Ly sirô lạ miệng, số tiền nhỏ cùng ánh mắt trìu mến và nụ cười thân thiện từ người đàn ông có gương mặt phúc hậu ấy đã đi theo cô cả cuộc đời, đưa cô vượt qua những gian truân của cuộc sống. Cô cật lực làm việc, chịu đựng những lời xỉ vả, sự ganh tỵ của đàn chị, lưu lạc gian truân...

Cuộc gặp gỡ định mệnh. Ảnh: Colombia Picture.

Rồi cuộc đời cô đã thực sự thay đổi. Thế giới quanh cô là sự ngưỡng mộ, sủng ái và tình yêu của những người đàn ông thành đạt. Nhưng chính lúc trở thành một geisha bậc nhất thành phố Kyoto, cô lại bất lực với tình yêu duy nhất đời mình. Đỉnh cao phù du chỉ khiến cô cảm thấy thế giới quanh mình lạnh lùng đến tàn nhẫn.

98 phút của tác phẩm này không chỉ là tiếng lòng thổn thức của geisha, mà còn là nỗi bẽ bàng trong thân phận của những người phụ nữ Nhật Bản một thời.

Cuộc trình diễn không phô trương của đạo diễn Rob Marshall khiến người xem phải thổn thức trong từng ánh mắt, lời nói của nhân vật. Nó không đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật mà là một cuộc "vén màn" thân phận của những con người trong thế giới bí mật được chôn kín - thế giới của những geisha. Con mắt nhìn của đạo diễn vừa mang tính văn học, điện ảnh vừa mô tả lịch sử thật sống động. Như ông đã nói ở cuối phim, chuyện kể chẳng phải là cuộc đời của một bà hoàng, bà chúa mà đơn giản là cuộc đời của một geisha, con người bình thường nhưng thân phận thì chứa cả một lịch sử, làm người ta phải rung động.

Chương Tử Di và Củng Lợi trong phim. Ảnh: Colombia Picture.

Khởi chiếu tại các rạp ở TP HCM từ 20/10, Hồi ức của một geisha được cho là đến với công chúng thành phố khá muộn sau khi đình đám ở nhiều nơi trên thế giới. Cuộc ra mắt chạm trán với một "đại gia" cỡ bự khác là tác phẩm của Trung Quốc, Dạ yến. Cả hai phim cùng có sự tham gia diễn xuất của Chương Tử Di. Tuy nhiên, Hồi ức của một geisha có lợi thế hơn về mặt ngôi sao, với sự tham gia của Củng Lợi, Dương Tử Quỳnh. Hai mỹ nhân châu Á sắc sảo này đã diễn xuất thần bên cạnh cô em đang cố gắng vươn lên khẳng định mình.

Nếu từng ghé thăm Kyoto, bạn sẽ nhận ra ngay những khung cảnh quen thuộc như khu phố Gion, đền ngàn cổng Fushimi Inari Taisha, chùa Kiyomizu-dera, và rừng trúc Arashiyama. Một trong những cảnh phim mà mình thích nhất là lúc cô bé Chiyo chạy dưới hàng cổng đỏ của ngôi đền Fushimi Inari Taisha để đến nơi cầu nguyện, quyết tâm trở thành một geisha.

Điều đáng tiếc là với một bộ phim lấy geisha làm chủ đề chính, thì dường như đạo diễn và các diễn viên đã khá thờ ơ trong việc tìm hiểu sâu sắc về văn hoá Nhật Bản nói chung, và các đặc trưng của nghề geisha nói riêng. Có rất nhiều chi tiết nhỏ trong phim mà những người chỉ cần ghé thăm Nhật Bản một lần cũng dễ dàng nhận ra lỗi sai. Nhưng rõ rệt nhất là cách bộ phim xây dựng hình tượng Hatsumomo [do Củng Lợi thủ vai], một nhân vật hoàn toàn thiếu cốt cách của geisha, mặc dù luôn khoác lên mình những bộ kimono lộng lẫy.

Mặc dù trong truyện, Hatsumomo là một nàng geisha xinh đẹp nổi tiếng nhất nhì hanamachi, một tay nuôi cả okiya, thế nhưng trong phim, cô nàng luôn xuất hiện một cách rũ rượi, lả lơi, thua cả những maiko [geisha tập sự] mà mình gặp ở Kyoto. Thậm chí trong một cảnh phim, Hatsumomo vừa mới tắm xong, để cả mái tóc ướt chưa chải mà đi ra đường.

Thế nhưng đâu đó trong phim vẫn có những chi tiết sáng giá, gợi nhắc về sự tinh tế trong văn hoá Nhật Bản. Như đại tá Derricks đã thốt lên khi tắm suối nước nóng cùng các nàng geisha, “But here you make everything a ritual, don’t you?” [“Ở đây các bạn biến mọi thứ thành nghi lễ phải không?”]. Hoặc như khi Mameha chỉ cho cô bé Chiyo những khác biệt trong cách quỳ gối của một geisha so với một nông phu.

Nhìn chung, Hồi ức của một geisha tuy không phải là một bộ phim hoàn hảo, nhưng là một trong những tác phẩm điện ảnh đẹp về văn hoá Nhật Bản dưới lăng kính phương Tây, chỉn chu cả về mặt cốt truyện, hình ảnh và âm thanh.

Đăng Trình

![][//dangtrinh0612.files.wordpress.com/2020/07/geisha21.jpg?w=764&resize=764%2C520&h=520

038;h=520]

Published by dangtrinh0612

From time immemorial, I’ve been drawn to the secret world of books – the world that surpasses space and time. Writing came naturally as a by-product of extensive and intensive reading. On this blog you can read some of my works in English and Vietnamese. View all posts by dangtrinh0612

Chủ Đề