Rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc

Sau 40 năm kể từ khi cựu lãnh đạo Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình thực thi chính sách cải cách và mở cửa mang tính lịch sử, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, với tốc độ trung bình hàng năm là 9,3% và tỷ trọng GDP của toàn bộ nền kinh tế của nước này trên toàn cầu đã tăng từ 1,8% lên 15%.

Kiên định con đường Chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã đạt được sự tự cung tự cấp về lương thực, thành công trong việc đưa gần 800 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo tuyệt đối. Đây được xem như là một phép lạ trong việc giảm nghèo trong lịch sử. Dự trữ ngoại hối, năng lực sản xuất và khối lượng thương mại quốc tế hiện nay của Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ

Tính đến nay, cuộc chiến thương mại với Mỹ đã thực sự gây ra nhiều rắc rối cho Trung Quốc về kinh tế, thương mại và cả chính trị. Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực, cuộc chiến thương mại cũng đã buộc Trung Quốc phải mở cửa hơn nữa và thực hiện những cải cách sâu sắc hơn.

Trong Hội nghị nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc mở cửa nền kinh tế với thế giới bên ngoài; tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực đầu tư và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Có thể bạn quan tâm
  • Trung Quốc vỡ mộng Made in China 2025?

    11:23, 19/12/2018

  • Kinh tế Trung Quốc ra sao sau 40 năm mở cửa?

    06:20, 19/12/2018

  • Đòn giáng mới vào tham vọng của Trung Quốc

    11:01, 13/12/2018

Bên cạnh đó, để đảm bảo một thoả thuận ngừng bắn vĩnh viễn trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã hứa sẽ có những nhượng bộ đáng kể với Mỹ.

Sau 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc hiện có 4 sự tự tin, về: con đường riêng tự chọn; lý thuyết hướng dẫn; hệ thống chính trị và văn hóa. Trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ cởi mở hơn với thế giới nhưng không thể hi vọng rằng, nước này sẽ trở thành một phương Tây khác.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định rằng, sự thành công mà Trung Quốc có được trong vòng 40 năm qua là do nước này đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản với tư tưởng Chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc

Ông Tập nhấn mạnh rằng, con đường cải cách và mở cửa nền kinh tế trong tương lai còn nhiều khó khăn và thử thách. Do đó, Trung Quốc cần phải phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng một cách toàn diện, góp phần thúc đẩy mở cửa và hợp tác quốc tế với nhiều quốc gia trên thế giới.

Và những bài học đối với Việt Nam

Là một quốc gia láng giềng có những điểm tương đồng với Trung Quốc, vì vậy, những kinh nghiệm trong cải cách mở cửa của Trung Quốc, đều có giá trị tham khảo tốt cho Việt Nam.

Đối với các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi như Trung Quốc và Việt Nam, thực hiện cải cách mở cửa hay đổi mới, hội nhập quốc tế là một sự nghiệp hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ.

Thực tiễn Trung Quốc cho thấy, quá trình lãnh đạo cải cách mở cửa cũng là quá trình Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm tòi, và đã tìm ra được Ba cái một, bao gồm Một ngọn cờ - Chủ nghĩa xã hội đặc sắc là ngọn cờ đoàn kết nhân dân các dân tộc cùng phấn đấu; Một lý luận hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, và Một con đường con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc gồm 5 con đường nhỏ (công nghiệp hóa kiểu mới, đô thị hóa, thông tin hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và tự chủ sáng tạo đặc sắc Trung Quốc).

Thời kỳ đầu, cải cách tại Trung Quốc được tiến hành theo phương pháp dò đá qua sông, Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa phải làm vừa rút kinh nghiệm. Các biện pháp cải cách đều được thực hiện theo một lộ trình thống nhất, có tính đồng bộ và phối hợp với nhau. Cải cách bắt đầu từ nông thôn, sau đó là mở rộng ra thành phố. Mở cửa được bắt đầu từ bên trong, từng bước từ ven biển (đặc khu) đến ven sông, ven biên giới.

Sau đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành mở cửa ra bên ngoài bằng chiến lược đi ra ngoài, bao gồm thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, viện trợ phát triển mà điển hình là sáng kiến Vành đai và Con đường, cùng những thương vụ M&A đình đám.

Ngoài ra, các biện pháp cải cách còn được thực hiện có sự phối hợp, thời kỳ đầu là giữa kinh tế, chính trị và văn hóa, tiếp sau bổ sung thêm xã hội, và cuối cùng là môi trường sinh thái, từ đó tạo ra một bố cục được gọi là ngũ vị nhất thể bao gồm kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội văn minh sinh thái.

Khi đã xác định được trọng tâm và vấn đề hạt nhân thì các nguồn lực bao gồm nguồn lực "cứng" và nguồn lực "mềm" sẽ được tập trung vào đó để thực hiện. Như vậy, Đảng vẫn nắm được quyền chủ động và kiểm soát toàn bộ tiến trinh cải cách mở cửa, trong đó có việc thiết kế và thành lập Ban Chỉ đạo nhằm đi sâu vào các vấn đề cải cách.

Sự nghiệp cải cách mở cửa ở Trung Quốc và đổi mới ở Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, đều do Đảng Cộng sản của hai nước khởi xướng và lãnh đạo. Xây dựng thể chế kinh tế thị trường tại Trung Quốc và Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam đều là những việc hoàn toàn mới.

Vì vậy, những kinh nghiệm rút ra từ cải cách thể chế của Trung Quốc trong 40 năm cải cách mở cửa, có giá trị tham khảo nhất định cho Việt Nam.

Đọc thêm

  • Trung Quốc vỡ mộng Made in China 2025?

    20/12/2018, 06:20:00

  • Kinh tế Trung Quốc ra sao sau 40 năm mở cửa?

    20/12/2018, 06:20:00

  • Kinh tế Trung Quốc giảm tốc hay đi xuống?

    20/12/2018, 06:20:00

  • Đòn giáng mới vào tham vọng của Trung Quốc

    20/12/2018, 06:20:00