Sai phạm trong cấp phép xây dựng

Kiểm toán nhà nước [KTNN] chỉ ra những sai phạm liên quan đến quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố. 

Ông Lê Đức Luận - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng, Kiểm toán Nhà nước [KTNN] - cho biết, trong năm 2021, KTNN đã thực hiện kiểm toán chuyên đề về quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn 18 tỉnh thành phố, từ đó, KTNN phát hiện ra những bất cập hạn chế. 

Theo đó, công tác ban hành văn bản còn bất cập: Chưa kịp thời ban hành, điều chỉnh các văn bản quy định về quản lý quy hoạch đô thị [QHĐT]; Chưa tổ chức lập, phê duyệt và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; Ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch còn chồng chéo, các văn bản quản lý QHĐT không phù hợp; Cấp phép xây dựng và quản lý sau cấp phép trên cơ sở văn bản hết hiệu lực hoặc không phù hợp.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh đồ án QHĐT: Đồ án quy hoạch chung [QHC] đô thị chưa phù hợp, thống nhất và còn chậm. Đồ án quy hoạch chi tiết [QHCT] chưa phù hợp với QHC, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu [QHPK] về mục đích sử dụng đất, chưa tuân thủ yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược, chưa đảm bảo quy định. Bố trí chưa đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; chưa đảm bảo 20% diện tích đất ở hoặc chuyển thành đất nhà ở thương mại; thậm chí không dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án QHCT để xây dựng nhà ở xã hội. Thẩm định, phê duyệt điều chỉnh đồ án QHCT, QHC điều chỉnh, QHPK chưa có ý kiến cơ quan có thẩm quyền; chưa tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan.

Cấp giấy phép xây dựng [GPXD] cho các trường hợp không thuộc đối tượng, chưa đảm bảo quy định hoặc Quy chuẩn Việt Nam và quy chuẩn có liên quan; GPXD được cấp không đảm bảo quy định, điều chỉnh GPXD còn bất cập. Nhiều công trình, dự án xây dựng khi chưa được cấp phép hoặc không đúng so với GPXD. Hầu hết địa phương chưa tổ chức kiểm tra hành vi vi phạm trật tự xây dựng kịp thời; áp dụng mức phạt vi phạm chưa phù hợp; chưa quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Một số dự án chuyển mục đích sử dụng so với GPXD không đúng quy định.

Từ những sai phạm trên, ông Lê Đức Luận cho hay, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó tập trung vào 3 nhóm kiến nghị. 

Thứ nhất, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh hoặc huỷ bỏ 1 số nội dung trong các văn bản còn bất cập, chưa phù hợp với pháp luật như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch Đô thị. Cụ thể như rà soát, điều chỉnh, huỷ bỏ nội dung khoản 1, điều 9 của   QĐ 2631 của UBND tỉnh Quảng Nam. Rà soát điều chỉnh QĐ 25 của UBND tỉnh Bình Định ban hành quy định về Luật thẩm định và phê duyệt quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh. Huỷ bỏ QĐ số 23 của UBND tỉnh Khánh Hoà; Rà soát sửa đổi bổ sung QĐ số 4104 ngày 29.12.2016 của tỉnh khánh Hoà; Thay thế và sửa đổi bổ sung 1 số văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý đô thị đã hết hiệu lực và không còn phù hợp với thực tiễn tại TPHCM..

Thứ hai, kiến nghị các đơn vị rà soát và điều chỉnh một số nội dung liên quan đến hạn chế phát hiện trong quá trình kiểm toán như: Hà Nội, TPHCM, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định...

Thứ ba, KTNN cũng có kiến nghị xử lý trách nhiệm của tập thể cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý đô thị, cấp phép xây dựng tại TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và 1 số địa phương khác. 

Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng nêu rõ, Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng [GPXD] có một số nội dung sai quy định. Trong đó có 12 GPXD không có nội dung màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp cốt xây dựng công trình không có cơ sở.

La liệt dự án sai quy hoạch, giấy phép xây dựng, thậm chí không phép. Ảnh: Hải Nguyễn.

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký ban hành Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Với kết luận vừa được ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tại Quyết định số 108. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tại Quyết định số 1259.

Đối với hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, thực hiện cụ thể hóa quy hoạch chung, UBND TP.Hà Nội đã lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/5.000, 1/2.000, 1/500 từ những năm 1999; các quy hoạch phân khu đô thị từ năm 2013-2015 làm cơ sở để lập thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý đầu tư xây dựng, cấp GPXD.

Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến quy hoạch, xây dựng còn nhiều tồn tại.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng [GPXD] có một số nội dung sai quy định. Trong đó có 12 GPXD không có nội dung màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp cốt xây dựng công trình không có cơ sở, có 3 GPXD cấp không phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt, tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận, có 9 GPXD cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng, có 2 GPXD ghi số tầng không đúng…

Về quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận và GPXD cũng nhiều sai sót.

Cụ thể, tại 31 dự án, công trình, chủ đầu tư thi công sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận, không có GPXD, sai GPXD, sai thiết kế được duyệt.

Đáng chú ý, theo cơ quan thanh tra, việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, không đúng tiến độ, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009, dẫn đến không đảm bảo về môi trường, kiến trúc cảnh quan và đời sống cư dân đô thị…

Trước hàng loạt vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường "nóng" về ùn tắc giao thông này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các cơ quan có liên quan khắc phục những vi phạm, tồn tại đã nêu tại kết luận.

Kết luận nhấn mạnh, việc rà soát, điều chỉnh khắc phục tồn tại, đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tính toán trên cơ sở hợp đồng đã ký, không chi trả cho tư vấn phần kinh phí khắc phục sai sót, tồn tại do lỗi tư vấn lập đồ án.

Ngoài ra, UBND TP.Hà Nội cũng cần chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND một số quận trên địa bàn như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông thực hiện việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra cá vi phạm, tồn tại nêu trong kết luận.

Chủ Đề