Sinh dịch vụ ở Từ Dũ

25/02/2022

Vượt cạn cùng mẹ bầu, đối với các ông bố hoặc người thân là một cách thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, lo lắng và cùng hiện diện trong khoảnh khắc hạnh phúc đầu tiên về sự ra đời của thiên thần nhỏ.

Đồng cảm với tâm tình của người phụ nữ trong cơn đau đẻ, đồng thời cũng thấu hiểu sự bồn chồn, lo lắng của người thân bên ngoài phòng sinh, từ năm 2015 Bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức dịch vụ sinh gia đình, kịp thời đáp ứng nhu cầu của sản phụ, được cùng người thân trải qua thời khắc đặc biệt nhất.

Sinh dịch vụ gia đình là gì?

Dịch vụ gia đình là khi mẹ bầu bước vào giai đoạn chuyển dạ hoạt động [ Cổ tử cung mở từ 4cm trở lên], mẹ bầu được nhân viên y tế chuyển vào phòng sanh riêng & có 1 thân nhân vào đồng hành cùng vượt cạn, chia sẻ hạnh phúc khi đón chào thiên thần chào đời.

Giai đoạn trước khi vào chuyển dạ hoạt động thì mẹ bầu sẽ được nhân viên y tế theo dõi tại phòng chờ sinh dịch vụ. Người thân lúc này sẽ chờ thông tin tại đơn vị chăm sóc khách hàng.

Khu vực thực hiện các bài tập lăn bóng giúp chuyển dạ diễn tiến nhanh hơn và giảm đau hiệu quả tại phòng chờ sinh dịch vụ.

Đăng ký dịch vụ sinh gia đình như thế nào?

Khi có 1 trong các dấu hiệu sanh sau:

- Ra nước âm đạo

- Ra huyết âm đạo, ra nhớt hồng

- Đau bụng từng cơn, đau tăng dần

thai phụ cần đến bệnh viện ngay, vào CỔNG SỐ 1 – 284 Cống Quỳnh – P. Phạm Ngũ Lão – Q.1 - Khoa Cấp cứu 

Lúc này bạn đăng ký sanh dịch vụ, sẽ được hướng dẫn đến Đơn vị điều trị trong ngày - tầng trệt khu B để được thăm khám và hoàn tất hồ sơ nhập viện.

Trong quá trình làm hồ sơ nhập viện thai phụ có thể chủ động đăng ký trước dịch vụ sinh gia đình, hoặc trong trường hợp thai phụ chưa quyết định lúc này thì có thể đăng ký bất kỳ lúc nào khi đã lên Khoa sanh và theo dõi tại phòng chờ sinh dịch vụ [liên hệ nhân viên y tế khoa Sanh để được đăng ký]

Sau khi hoàn tất thủ tục nhập viện thai phụ sẽ được chuyển đến Phòng sanh dịch vụ - tầng 1 khu A.

Người nhà sẽ được hướng dẫn đến chờ tin tại đơn vị chăm sóc khách hàng – tầng trệt khu H.

***Ngoài ra sau khi khám tại Đơn vị điều trị trong ngày thai phụ có thể lựa chọn đăng ký dịch vụ sanh thương gia, sau đó người nhà sẽ đồng hành cùng thai phụ xuyên suốt trong quá trình theo dõi sanh và sanh tại Phòng sanh thương gia – tầng 1 khu B. Chi tiết về dịch vụ này mời bạn xem tại đây

Chi phí dịch vụ sinh gia đình như thế nào?

Chi phí sanh dịch vụ gia đình bao gồm các chi phí như sau:

  • Chi phí y tế cơ bản 
  • Chi phí sanh dịch vụ
  • Phí thu thêm dịch vụ sinh gia đình: 1.000.000đ

Vd: Bạn sanh thường ngôi chỏm: phí y tế cơ bản 706.000 + chi phí dịch vụ theo yêu cầu 2.500.000 + chi phí thu thêm dịch vụ sinh gia đình 1.000.000 = 4.206.000đ

- Sau khi sanh xong gia đình sẽ được chuyển về khoa hậu sản

Đăng ký phòng nằm hậu sản khi nào? Bảng giá phòng nằm hậu sản?

Sau khi hoàn tất thủ tục nhập viện người nhà được đăng ký nhận phòng hậu sản trước tại đơn vị chăm sóc khách hàng, hoặc đăng ký nhận phòng sau khi sanh [không đăng ký nhận phòng khi chưa nhập viện]

Các loại phòng nằm hậu sản và bảng giá chi tiết mời bạn xem tại đây

Khi đi sanh cần mang theo những gì?

a. Túi đồ cho mẹ: 

- Quần áo cho mẹ mặc khi xuất viện

- Đồ dùng cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, lược, khăn lau mặt, khăn tắm,...

- Quần lót, băng vệ sinh

Tại bệnh viện có trang bị một túi tiện ích gồm những vật dụng sau: mền, khăn mặt, quần lót giấy, quần lót vải, băng vệ sinh, khăn giấy, bàn chải, kem đánh răng, chai nước thủy tinh, ly uống sữa cho bé, hộp đựng cuống rốn. Túi này nếu các mẹ có nhu cầu sẽ đăng ký mua khi nhập viện.

 b. Túi đồ dùng cho bé gồm:

- Quần áo cho bé

- Các loại khăn cho bé:khăn sữa, khăn tắm, khăn quấn bé

- Tã giấy, khăn giấy

- Các vật dụng khác: ly, muỗng, thau nhựa…

c. Những giấy tờ quan trọng cần chuẩn bị

- 02 bản photocopy hộ khẩu thường trú [không cần công chứng], trường hợp không có sổ hộ khẩu thai phụ cần mang theo giấy xác nhận thường trú của địa phương.

- Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng/ Căn cước công dân: 2 bản photocopy không cần công chứng và mang theo bản chính để đối chiếu.

- Thẻ bảo hiểm y tế và các thẻ bảo hiểm khác[ nếu có]: mang thẻ BHYT bản chính hoặc bạn có thể trình diện thẻ BHYT thông qua ứng dụng VssID – bảo hiểm xã hội.

- Bản chính giấy chuyển tuyến BHYT [nếu có]

- Hồ sơ khám thai: gồm sổ khám thai, các kết quả siêu âm, xét nghiệm đã làm trong thai kỳ,…

- Hồ sơ khám chuyên khoa đối với mẹ có bệnh lý khác như tim mạch, đái tháo đường, viêm gan….[nếu có]

- Một số giấy tờ khác: Phiếu thu thập lấy máu cuống rốn [nếu có], …

Chủ Đề