Sự khác nhau chủ yếu của tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng và tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu

Tái sản xuất xã hội là gì? Để tìm hiểu các quá trình sản xuất sẽ được khôi phục và mở rộng như thế nào, bài viết này sẽ trình bày về khái niệm, cấu trúc các khâu, nội dung và hiệu quả của tái sản xuất xã hội.

I. Những khái niệm cơ bản về tái sản xuất xã hội

– Sản xuất của cải vật chất là cơ sở của đời sống xã hội. Xã hội không thể ngừng tiêu dùng, do đó không thể ngừng sản xuất.

Vì vậy bất cứ quá trình sản xuất xã hội nào, nếu xét theo tiến trình đổi mới không ngừng của nó, chứ không phải xét theo hình thái từng lúc, thì đồng thời là quá trình tái sản xuất.

Tái sản xuất là quá trình sản xuất được lặp đi lặp lại thường xuyên và phục hồi không ngừng.

– Có thể xem xét tái sản xuất trong từng đơn vị kinh tế và trên phạm vi toàn xã hội.

Tái sản xuất diễn ra trong từng đơn vị kinh tế được gọi là tái sản xuất cá biệt.

Còn tổng thể những tái sản xuất cá biệt trong mối liên hệ hữu cơ với nhau được gọi là tái sản xuất xã hội.

– Xét về quy mô của tái sản xuất, người ta chia nó thành hai mức độ là: tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng.

1. Tái sản xuất giản đơn

Tái sản xuất giản đơn là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô như cũ.

Tái sản xuất giản đơn là đặc trưng chủ yếu của nền sản xuất nhỏ.

Trong tái sản xuất giản đơn, năng suất lao động rất thấp, thường chỉ đạt mức đủ nuôi sống con người, chưa có sản phẩm thặng dư hoặc nếu có một ít sản phẩm thặng dư thì cũng chỉ sử dụng cho tiêu dùng cá nhân, chứ chưa dùng để mở rộng sản xuất.

2. Tái sản xuất mở rộng

– Tái sản xuất mở rộng là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô lớn hơn trước.

Tái sản xuất mở rộng là đặc trưng chủ yếu của nền sản xuất lớn.

Để có tái sản xuất mở rộng thì năng suất lao động xã hội phải đạt đến một trình độ cao nhất định, vượt ngưỡng của sản phẩm tất yếu và tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm thặng dư bởi vì sản phẩm thặng dư dùng để đầu tư thêm vào sản xuất mới là nguồn lực trực tiếp của tái sản xuất mở rộng.

– Lịch sử phát triển nền sản xuất xã hội cho thấy việc chuyển từ tái sản xuất giản đơn sang tái sản xuất mở rộng là quá trình lâu dài gắn liền với quá trình chuyển nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn.

Quá trình chuyển tái sản xuất giản đơn sang tái sản xuất mở rộng là một yêu cầu khách quan của cuộc sống.

Bởi vì, một là, do dân số thường xuyên tăng lên; hai là, do nhu cầu về vật chất, tinh thần của con người cũng thường xuyên tăng lên.

Do đó, xã hội phải không ngừng mở rộng sản xuất, làm cho số lượng và chất lượng của cải ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.

Tái sản xuất mở rộng có thể được thực hiện theo hai hướng (có thể gọi là hai mô hình) sau là theo chiều rộng và theo chiều sâu.

2.1. Tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng

– Đó là sự mở rộng quy mô sản xuất chủ yếu bằng cách tăng thêm các yếu tố đầu vào (vốn, tài nguyên, sức lao động…).

Do đó, số sản phẩm làm ra tăng lên. Còn năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất không thay đổi.

– Tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng sẽ khai thác được nhiều các yếu tố đầu vào của sản xuất (đất đai, tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, sức lao động…) nhưng lại làm cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhanh chóng bị cạn kiệt và thường gây ra ô nhiễm môi trường nhiều hơn.

2.2. Tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu

– Đó là sự mở rộng quy mô sản xuất làm cho sản phẩm tăng lên chủ yếu nhờ tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào của sản xuất.

Trong mô hình này, các yếu tố đầu vào của sản xuất căn bản không thay đổi, giảm đi hoặc tăng lên nhưng mức tăng chậm hơn mức tăng năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào.

– Điều kiện chủ yếu để thực hiện tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu là ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến.

Tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu sẽ sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, nên vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa giảm được các chi phí vật chất trong một đơn vị sản phẩm làm ra.

Thông thường khi mới chuyển từ tái sản xuất giản đơn sang tái sản xuất mở rộng thì đó là tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng, rồi mới dần dần chuyển sang tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu. Nhưng trong những điều kiện có thể, cần thực hiện kết hợp cả hai mô hình tái sản xuất nói trên.

II. Các khâu của quá trình tái sản xuất xã hội

Sản phẩm xã hội vận động không ngừng bắt đầu từ sản xuất rồi qua phân phối, trao đổi và kết thúc ở tiêu dùng (tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cá nhân).

Cùng với sự vận động của sản phẩm, các quan hệ kinh tế giữa người với người cũng được hình thành.

Tái sản xuất xã hội là sự thống nhất và tác động lẫn nhau của các khâu:

– Sản xuất;

– Phân phối, trao đổi; và

– Tiêu dùng.

Trong đó mỗi khâu có một vị trí nhất định.

1. Sản xuất

Sản xuất là khâu mở đầu, trực tiếp tạo ra sản phẩm, giữ vai trò quyết định đối với các khâu khác. Bởi vì người ta chỉ có thể phân phối, trao đổi và tiêu dùng những cái do sản xuất tạo ra.

Chính quy mô và cơ cấu sản phẩm cũng như chất lượng và tính chất của sản phẩm do sản xuất tạo ra quyết định đến quy mô và cơ cấu tiêu dùng, quyết định chất lượng và phương thức tiêu dùng.

2. Tiêu dùng

Tiêu dùng là khâu cuối cùng, là điểm kết thúc của một quá trình tái sản xuất.

Tiêu dùng là mục đích của sản xuất, tạo ra nhu cầu cho sản xuất.

Tiêu dùng là “đơn đặt hàng” của xã hội đối với sản xuất. Nó là một căn cứ quan trọng để xác định khối lượng, cơ cấu, chất lượng, hình thức sản phẩm.

Vì vậy, tiêu dùng có tác động mạnh mẽ đối với sản xuất. Sự tác động này có thể theo hai hướng: thúc đẩy mở rộng sản xuất nếu sản phẩm tiêu thụ được và ngược lại, sản xuất suy giảm khi sản phẩm khó tiêu thụ.

3. Phân phối, trao đổi

Phân phối và trao đổi vừa là khâu trung gian, là cầu nối sản xuất với tiêu dùng, vừa có tính độc lập tương đối với sản xuất và tiêu dùng, vừa có tính độc lập tương đối với nhau.

– Phân phối bao gồm phân phối cho sản xuất tức là phân chia các yếu tố sản xuất cho các ngành sản xuất, các đơn vị sản xuất khác nhau để tạo ra các sản phẩm, và phân phối cho tiêu dùng, tức là sự phân chia sản phẩm cho các cá nhân tiêu dùng.

Tính chất và nguyên tắc của quan hệ phân phối và bản thân quy luật phân phối đều do tính chất của nền sản xuất và quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất quyết định.

Song, phân phối có thể tác động thúc đẩy sản xuất phát triển nếu quan hệ phân phối tiến bộ, phù hợp, đồng thời nó cũng có thể kìm hãm sản xuất và tiêu dùng khi nó không phù hợp.

– Trao đổi bao gồm trao đổi hoạt động thực hiện trong quá trình sản xuất và trao đổi sản phẩm xã hội.

Trao đổi sản phẩm là sự tiếp tục của khâu phân phối, là sự phân phối lại cái đã được phân phối, làm cho sự phân phối được cụ thể hoá, thích hợp với mọi nhu cầu của các tầng lớp dân cư và các ngành sản xuất.

Trao đổi do sản xuất quyết định, nhưng trao đổi cũng có tính độc lập tương đối của nó, cũng tác động trở lại đối với sản xuất và tiêu dùng bởi vì khi phân phối lại, cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở sản xuất và tiêu dùng.

Tóm lại:

Quá trình tái sản xuất bao gồm các khâu sản xuất – phân phối – trao đổi và tiêu dùng sản phẩm xã hội có quan hệ biện chứng với nhau.

Trong mối quan hệ đó sản xuất là gốc, có vai trò quyết định. Tiêu dùng là mục đích, là động lực của sản xuất. Còn phân phối và trao đổi là những khâu trung gian nối sản xuất với tiêu dùng, có tác động đến cả sản xuất và tiêu dùng.

III. Nội dung chủ yếu của tái sản xuất xã hội

Ở bất cứ xã hội nào, quá trình tái sản xuất cũng bao gồm những nội dung chủ yếu là:

– Tái sản xuất của cải vật chất;

– Tái sản xuất sức lao động;

– Tái sản xuất quan hệ sản xuất; và

– Tái sản xuất môi trường sinh thái.

1. Tái sản xuất của cải vật chất

1.1. Những của cải vật chất (bao gồm tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng) sẽ bị tiêu dùng trong quá trình sản xuất và sinh hoạt xã hội. Do đó cần phải tái sản xuất ra chúng.

Tái sản xuất mở rộng của cải vật chất là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển xã hội.

Trong tái sản xuất của cải vật chất thì tái sản xuất ra tư liệu sản xuất có ý nghĩa quyết định đối với tái sản xuất ra tư liệu tiêu dùng. Nhưng tái sản xuất ra tư liệu tiêu dùng lại có ý nghĩa quyết định để tái sản xuất sức lao động của con người – lực lượng sản xuất hàng đầu của xã hội.

1.2. Trước đây, chỉ tiêu đánh giá kết quả tái sản xuất xã hội là tổng sản phẩm xã hội. Đó là toàn bộ sản phẩm do lao động trong các ngành sản xuất vật chất tạo ra trong một thời kỳ nhất định, thường được tính là một năm.

– Tổng sản phẩm xã hội được xét cả về mặt hiện vật và giá trị.

Về hiện vật, nó bao gồm toàn bộ tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng.

Về giá trị, nó bao gồm:

+ Giá trị của bộ phận tư liệu sản xuất bị tiêu dùng trong sản xuất; và,

+ Bộ phận giá trị mới. Bộ phận mới này gồm có giá trị của toàn bộ sức lao động xã hội (ngang với tổng số tiền công trả cho người lao động sản xuất trực tiếp), và giá trị của sản phẩm thặng dư (do lao động thặng dư tạo ra).

1.3. Hiện nay, do các ngành sản xuất phi vật thể (dịch vụ) phát triển và ở nhiều nước nó tạo ra nguồn thu nhập ngày càng lớn so với các ngành sản xuất khác, mặt khác, hầu hết các nền kinh tế quốc gia là nền kinh tế mở cửa với bên ngoài, nên Liên Hợp Quốc dùng hai chỉ tiêu là GNP và GDP.

– Tổng sản phẩm quốc dân (GNP, viết tắt của Gross National Product):

 Là tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng mà một nước sản xuất ra từ các yếu tố sản xuất của mình (dù là sản xuất ở trong nước hay ở nước ngoài) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).

–  Tổng sản phẩm quốc nội (GDP, viết tắt của Gross Domestic Product):

Là tổng giá trị thị trường của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ cuối cùng mà một nước sản xuất ra trên lãnh thổ của mình (dù nó thuộc về người trong nước hay người nước ngoài) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).

– So sánh GNP với GDP thì ta có:

GNP = GDP + thu nhập ròng từ tài sản ở nước ngoài.

Trong đó, thu nhập ròng từ tài sản ở nước ngoài bằng thu nhập của người trong nước làm việc hoặc đầu tư ở nước ngoài chuyển về nước trừ đi thu nhập của người nước ngoài làm việc hoặc đầu tư tại nước đó chuyển ra khỏi nước.

Như vậy, nếu chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc dân phản ánh kết quả cuối cùng của các hoạt động kinh tế của một nước không kể các đơn vị kinh tế của nước đó nằm ở đâu (gồm các đơn vị nằm trên lãnh thổ nước sở tại và nằm trên lãnh thổ của nước khác), thì chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội chỉ phản ánh kết quả cuối cùng của các hoạt động kinh tế nằm trên lãnh thổ nước sở tại (gồm các đơn vị kinh tế của nước sở tại và các đơn vị kinh tế của nước khác nằm trên lãnh thổ nước sở tại).

– Quy mô và tốc độ tăng trưởng của cải vật chất phụ thuộc vào quy mô và hiệu quả sử dụng các nguồn lực như:

+ Tăng khối lượng lao động (số người lao động, thời gian lao động và cường độ lao động), và

+ Tăng năng suất lao động, mà thực chất là tiết kiệm lao động quá khứ và lao động sống trong một đơn vị sản phẩm, trong đó tăng năng suất lao động là vô hạn.

Sự khác nhau chủ yếu của tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng và tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu
Tái sản xuất xã hội là tất yếu để vươn tối một xã hội thịnh vượng. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.

2. Tái sản xuất sức lao động

– Cùng với quá trình tái sản xuất của cải vật chất, sức lao động xã hội cũng không ngừng được tái tạo.

Trong các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau, việc tái sản xuất sức lao động có sự khác nhau.

Sự khác nhau này do trình độ phát triển lực lượng sản xuất khác nhau, nhưng trước tiên là do bản chất của quan hệ sản xuất thống trị quy định.

– Nhìn chung, quá trình tái sản xuất sức lao động diễn ra trong lịch sử thể hiện ở sự tiến bộ xã hội.

Tất nhiên, tiến bộ luôn gắn liền với sự phát triển của những thành tựu khoa học, công nghệ mà thời đại sáng tạo ra. Vì vậy, tái sản xuất sức lao động ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.

+ Tái sản xuất sức lao động về mặt số lượng:

 Quá trình này chịu sự chi phối của nhiều điều kiện khác nhau, trước hết là của quy luật nhân khẩu. Quy luật đó đòi hỏi phải đảm bảo sự phù hợp giữa nhu cầu và khả năng cung ứng sức lao động của quá trình tái sản xuất xã hội.

Tái sản xuất mở rộng sức lao động về mặt số lượng chịu sự chi phối của các nhân tố chủ yếu: * Tốc độ tăng dân số và lao động; * Xu hướng thay đổi công nghệ, cơ cấu, số lượng và tính chất của lao động (thủ công, cơ khí, tự động hoá); * Năng lực tích luỹ vốn để mở rộng sản xuất của mỗi quốc gia ở từng thời kỳ.

+ Tái sản xuất mở rộng sức lao động về mặt chất lượng:

Thể hiện ở sự tăng lên về thể lực và trí lực của người lao động qua các chu kỳ sản xuất.

Tái sản xuất sức lao động về mặt chất lượng phụ thuộc vào nhiều nhân tố như: * Mục đích của nền sản xuất của mỗi xã hội; * Chế độ phân phối sản phẩm và địa vị của người lao động; * Những đặc trưng mới của lao động do cách mạng khoa học – công nghệ đòi hỏi; * Chính sách y tế, giáo dục và đào tạo của mỗi quốc gia.

3. Tái sản xuất quan hệ sản xuất

Nền sản xuất xã hội chỉ có thể diễn ra trong những quan hệ sản xuất nhất định. Quá trình tái sản xuất ra của cải vật chất và sức lao động gắn liền với tái sản xuất quan hệ sản xuất .

Sau mỗi chu kỳ sản xuất, quan hệ sản xuất được tái hiện, quan hệ giữa người với người về sở hữu tư liệu sản xuất, về quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm được củng cố, phát triển và hoàn thiện hơn, làm cho quan hệ sản xuất thích ứng với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất tạo điều kiện để nền sản xuất xã hội ổn định và phát triển.

4. Tái sản xuất môi trường sinh thái

Sản xuất của cải vật chất là quá trình con người tác động vào tự nhiên, khai thác các vật thể của tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu cho cá nhân và xã hội.

Do đó, các tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ cạn kiệt (đất đai canh tác bị bạc màu, tài nguyên rừng, khoáng sản, biển không khôi phục kịp tốc độ khai thác, các nguồn nước ngầm bị cạn kiệt…).

Mặt khác, do sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và nhiều nguyên nhân khác cũng làm cho môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm (đất, nước, không khí).

Vì vậy, tái sản xuất môi trường sinh thái (khôi phục các nguồn tài nguyên có khả năng tái sinh như độ màu mỡ của đất đai, trồng và bảo vệ rừng, nuôi trồng thuỷ hải sản và bảo vệ môi trường trong sạch, bao gồm cả môi trường nước, không khí và đất) là điều kiện tất yếu của mọi quốc gia và cả loài người đang quan tâm nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững, phải được thể hiện trong chính sách kinh tế và pháp luật của mỗi quốc gia.

IV. Hiệu quả của tái sản xuất xã hội

Hiệu quả của tái sản xuất xã hội là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh sự tiến bộ kinh tế – xã hội, có ý nghĩa quan trọng của nền sản xuất xã hội ở các thời đại khác nhau trong lịch sử.

1. Về mặt kinh tế

Hiệu quả của tái sản xuất xã hội có thể tính bằng hiệu quả tương đối hoặc hiệu quả tuyệt đối.

Hiệu quả tương đối của tái sản xuất xã hội là tỷ số tính theo phần trăm giữa kết quả sản xuất mà xã hội nhận được với toàn bộ lao động xã hội đã bỏ ra (gồm chi phí lao động quá khứ và lao động sống):

H = (K : C) x 100 %

Trong đó:

H là hiệu quả tương đối của tái sản xuất xã hội.

K là kết quả sản xuất xã hội.

C là chi phí lao động xã hội.

+ Hiệu quả tuyệt đối của tái sản xuất xã hội là hiệu số giữa kết quả sản xuất xã hội và chi phí lao động xã hội:

H = K – C

Trong đó, các đại lượng H, K và C đã được nêu ở trên.

Trong thực tế, người ta thường dùng nhiều chỉ tiêu khác nhau để tính hiệu quả kinh tế của tái sản xuất xã hội từng phần; như: Hiệu quả sử dụng tài sản cố định, hiệu quả sử dụng vật tư (tư liệu sản xuất), hiệu quả sử dụng lao động sống (năng suất lao động, v.v.).

2. Về mặt xã hội

Hiệu quả của tái sản xuất xã hội biểu hiện sự tiến bộ xã hội như:

– Sự phân hóa giàu nghèo và sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng ngày càng giảm;

– Đời sống của xã hội được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng ít;

– Đân trí ngày càng được nâng cao;

– Chất lượng phục vụ y tế, tuổi thọ… tăng lên.

3. Nếu hiệu quả kinh tế của tái sản xuất xã hội phụ thuộc chủ yếu vào trình độ của lực lượng sản xuất là đúng cho mọi xã hội, thì hiệu quả xã hội của tái sản xuất xã hội lại phụ thuộc trực tiếp vào quan hệ sản xuất, nó không giống nhau ở các xã hội khác nhau.

Mối quan hệ giữa hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội được kết hợp trong quá trình tái sản xuất gọi là hiệu quả kinh tế – xã hội.

Kết hợp hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội là đặc trưng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Nó biểu hiện ở sự kết hợp chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.

V. Xã hội hóa sản xuất

– Sản xuất bao giờ cũng mang tính xã hội. Tính xã hội của sản xuất phát triển từ thấp đến cao gắn liền với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

– Tuy nhiên cần phân biệt tính xã hội của sản xuất với xã hội hóa sản xuất:

+ Trong nền sản xuất nhỏ, kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc, các hoạt động kinh tế thường được thực hiện ở các đơn vị kinh tế độc lập với nhau.

Nếu có quan hệ với nhau thì chỉ là quan hệ theo số cộng đơn thuần chứ chưa có quan hệ phụ thuộc hữu cơ với nhau. Nền sản xuất ở đây có tính xã hội nhưng chưa được xã hội hóa.

+ Xã hội hóa sản xuất chỉ ra đời và phát triển dựa trên trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất, gắn với sự ra đời và phát triển của nền sản xuất lớn.

Xã hội hóa sản xuất là sự liên kết nhiều quá trình kinh tế riêng biệt thành quá trình kinh tế – xã hội. Nó là một quá trình được hình thành, hoạt động và phát triển liên tục, tồn tại như một hệ thống hữu cơ.

Xã hội hóa sản xuất là quá trình kinh tế khách quan của sự phát triển tính xã hội của sản xuất, được quy định bởi sự phát triển cao của lực lượng sản xuất xã hội và của sản xuất hàng hóa.

Xã hội hóa sản xuất biểu hiện ở sự phân công, hợp tác lao động phát triển; mối liên hệ kinh tế giữa các đơn vị, các ngành, các khu vực ngày càng chặt chẽ; sản xuất tập trung với những quy mô hợp lý, sản phẩm làm ra là kết quả của nhiều người, nhiều đơn vị, nhiều ngành, thậm chí của nhiều nước, v.v..

Chính sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, của sản xuất hàng hóa thúc đẩy sự phân công và hợp tác lao động phát triển, phá vỡ tính chất khép kín, biệt lập của các chủ thể kinh tế, của các vùng, các địa phương và của các quốc gia, thu hút chúng vào quá trình kinh tế thống nhất, làm cho sự phụ thuộc lẫn nhau về cả “đầu vào” và “đầu ra” của quá trình sản xuất ngày càng phát triển và chặt chẽ – tức xã hội hóa sản xuất phát triển cả chiều rộng và chiều sâu.

– Về nội dung, xã hội hóa sản xuất thể hiện trên ba mặt:

+ Xã hội hóa sản xuất về kinh tế – kỹ thuật (xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất).

+ Xã hội hóa sản xuất về kinh tế – tổ chức (tổ chức, quản lý nền sản xuất xã hội cho phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở từng thời kỳ).

+ Xã hội hóa sản xuất về kinh tế – xã hội (xác lập quan hệ sản xuất trong đó quan trọng nhất là quan hệ sở hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu).

Ba mặt trên có quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên tính toàn diện của xã hội hóa sản xuất. Xã hội hóa sản xuất được tiến hành đồng bộ trên cả ba mặt nói trên và có sự phù hợp giữa ba mặt đó, là xã hội hóa sản xuất thực tế.

Nếu chỉ dừng lại ở xã hội hóa sản xuất về tư liệu sản xuất, không quan tâm đến xã hội hóa các mặt khác của quan hệ sản xuất thì đó là xã hội hóa sản xuất hình thức. Tiêu chuẩn quan trọng để xem xét trình độ xã hội hóa sản xuất là ở năng suất lao động và hiệu quả của nền sản xuất xã hội.

8910X.com

Bài liên quan: Tái sản xuất xã hội tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực tiễn.