Tại sao võ nguyên giáp được phong đại tướng

Từ 34 chiến sĩ vào tháng 12 năm 1944, bằng tài năng tổ chức và rèn luyện của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng bước xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành một đội quân hùng hậu, vững mạnh với những chiến công lẫy lừng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngay từ ngày đầu thành lập, các đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã tôn sùng và gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp là “Anh cả”. Nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam [22/12/1944 - 22/12/1949], Bác Hồ nói: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần trở lại thăm Điện Biên Phủ tháng 4/1994. Ảnh: Catherine karnow

Đúng như vậy, lịch sử còn khắc ghi, sau khi chỉ huy quân đội cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thành công, năm 1947, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Quân đội ta đã đánh bại cuộc tiến công chiến lược vào căn cứ địa Việt Bắc Thu Đông 1947, đập tan chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp xâm lược. Sau chiến thắng quan trọng này, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 111/SL ngày 20/01/1948, phong quân hàm Đại tướng đầu tiên cho Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang Việt Nam Võ Nguyên Giáp.

Trở lại với những trang sử vàng của dân tộc và của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta không thể quên được câu nói của Bác Hồ tại buổi lễ trao quân hàm Đại tướng cho Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp. Người nói: “Bác thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao cho chú chức Đại tướng để chú lãnh đạo quân đội đánh thắng giặc Pháp”. Trước khi nói những lời sâu sắc ấy, Bác Hồ xúc động lấy khăn lau nước mắt. Ở tuổi 37, được trao quân hàm Đại tướng, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp xúc động, vinh dự lắm và càng thấy trách nhiệm của mình trước Đảng, Chính phủ và nhân dân nặng nề, lớn lao hơn gấp bội.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến từng trận đánh. Ảnh: TTXVN

Không phụ sự tin tưởng của Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là của nhân dân cả nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo, chỉ huy quân đội ta cùng đồng bào cả nước liên tiếp lập chiến công, từng bước đánh bại thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng “Điện Biên phủ chấn động địa cầu”. Hơn thế, sau khi đánh thắng quân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục chỉ huy Quân đội ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Bức điện lịch sử với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” mà Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường trực Quân ủy gửi đến toàn mặt trận trước Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử không chỉ thể hiện tầm nhìn, tố chất của một thiên tài quân sự mà còn là lời hịch cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội và nhân dân ta trên toàn miền Nam.

Tên tuổi của Đại tướng không chỉ gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Sau giải phóng ở các cương vị khác nhau nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn có những đóng góp to lớn xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, cánh tay đắc lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp bàn mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Công lao và cống hiến xuất sắc, nổi bật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam là rất rõ ràng và vô cùng ấn tượng. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chính là nhà chiến lược quân sự thiên tài, đã hoạch định chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự, đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân độc đáo của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Còn Quân đội nhân dân Việt Nam với những phẩm chất cao quý đã được thể hiện một cách sâu sắc, cô đọng nhất trong lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Quân đội ta với những phẩm chất cao quý ấy là sản phẩm được tạo ra bởi sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến trong chiến dịch. Ảnh: Tư liệu

Nhưng người có công đầu trong việc tạo dựng nên hình tượng đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” chính là Anh cả - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không chỉ là anh Bộ đội Cụ Hồ đẹp nhất mà chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp nhất tổ chức xây dựng, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam để được nhân dân dành tặng danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.

Để có danh hiệu bình dị, gần gũi, thân thương mà cao quý ấy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu kiên trì, bền bỉ, bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh của lớp lớp thế hệ. Thực chất đó chính là quá trình cán bộ, chiến sĩ ta thực hiện Mười lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người soạn thảo ra Mười lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gương mẫu đi đầu phấn đấu, rèn luyện để thực hiện tốt nhất Mười lời thề danh dự ấy. Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trong sâu thẳm trái tim mình, bằng tất cả sự tin yêu, kính trọng, cán bộ, chiến sĩ ta ai cũng nhớ về và noi gương người Anh cả - anh Bộ đội Cụ Hồ đẹp nhất - Đại tướng Võ Nguyên Giáp./.

Đại tá Phùng Kim Lân

 Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đều khẳng định rằng: trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã xuất hiện nhiều “Tướng có tiếng và tài giỏi”. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú có viết: các vị tướng đạt đến bậc “đại danh tướng” trong lịch sử dân tộc, đó là: Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Huệ. Đến thế kỷ thứ XX, trong thời đại Hồ Chí Minh, mẫu mực thứ tư để hợp thành “tứ đại danh tướng Việt Nam” đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nếu như trong bộ ba nhân tướng thời trung cổ, vị Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đã được nhân dân suy tôn thành “Đức Thánh Trần”, thì ở thế kỷ XX, “Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, cùng với đại võ công Điện Biên Phủ năm 1954 đã được - không chỉ Việt Nam, mà còn cả thế giới nữa - suy tôn là “Vị tướng huyền thoại”[1].

Trước hết, từ thầy giáo dạy lịch sử trở thành người chỉ huy quân sự. Có một câu hỏi mà chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới lý giải một cách thấu đáo đó là: Vì sao Người chọn Võ Nguyên Giáp - thầy giáo dạy lịch sử ở trường Tư thục Thăng Long, về dung mạo thuộc hàng “bạch diện thư sinh” đảm nhiệm việc thành lập tổ chức quân sự và chỉ huy quân sự, trong khi ở thời kỳ đó, có hàng chục học viên Việt Nam tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố [Trung Quốc] được đào tạo cơ bản về quân sự! Và ngay từ lần gặp đầu tiên năm 1940, tại Côn Minh [Trung Quốc], Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy ở Võ Nguyên Giáp một thiên tài quân sự và tin tưởng giao cho Ông nhiệm vụ chỉ huy quân sự của cách mạng Việt Nam; đồng thời Người căn dặn Võ Nguyên Giáp “Phải tranh thủ học tập về quân sự”[2], quyết định giao cho Võ Nguyên Giáp việc thành lập và chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22-12-1944. Đây là sự kiện đánh dấu và quyết định đến sự nghiệp chỉ huy quân sự của Võ Nguyên Giáp.

Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân [ngày 22-12- 1944]

Thứ hai, Võ Nguyên Giáp là vị chỉ huy được phong quân hàm duy nhất chỉ có một lần - cấp hàm Đại tướng. Sau chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 giành thắng lợi, ngày 20-01-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ. Đây không chỉ là trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao cho mà còn là sự tin tưởng vào tài năng, đức độ, “văn - võ song toàn”, có đầy đủ phẩm chất nhân cách một người làm “Tướng”. Điều ngẫu nhiên rất thú vị là Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911, sau 37 năm sau, Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp đúng ngày 25-8-1948 và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”; “Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”[3]. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào trái tim, khối óc và hành động cách mạng suốt cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thứ ba, trong 30 năm liền giữ cương vị là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam đánh thắng các đội quân quân xâm lược của chủ nghĩa phát xít, thực dân, đế quốc giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta đánh bại quân xâm lược của phát xít Nhật, để cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau đó, đánh thắng thực dân Pháp, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ - được mệnh danh là tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm”. Điều cần nhấn mạnh là, trong chiến dịch này, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”, Đại tướng đã ra nhiều quyết định quan trọng, trong đó có quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời làm tướng của mình là chuyển phương châm chiến dịch Điện Biên Phủ từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, với quyết tâm “ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh”. Chính quyết định ấy đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, lập lại hòa bình ở miền Bắc nước ta.

Hiệp định Giơnevơ ký kết chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp xâm lược nước ta, đặt ách thống trị kiểu thực dân mới, buộc nhân dân ta phải tiếp tục cuộc kháng chiến mới, gay go, ác liệt hơn. Với ý chí quyết tâm “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ tiếp tục giao nhiệm vụ chỉ huy Quân đội ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã buộc 10 đại tướng [7 tướng Pháp và 3 tướng Mỹ] phải hứng chịu thất bại ở Việt Nam. Đây không chỉ là chiến công lẫy lừng của quân và dân ta, mà còn là sự kiện nổi bật trong lịch sử chiến tranh ở thế kỷ XX. Với những chiến công đó, Đại tướng không chỉ là vị tướng huyền thoại trong lòng người dân Việt Nam, mà còn là một thiên tài quân sự được thế giới trân trọng và suy tôn là một trong 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới qua mọi thời đại.

Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới đất nước, dù trên cương vị nào được Đảng, Nhà nước đặt niềm tin giao cho, Đại tướng đều dồn hết tâm sức, trí tuệ và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Và điều đặc biệt là, Võ Nguyên Giáp được nhân dân vinh danh là Đại tướng của nhân dân; được cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân gọi với cái tên trìu mến “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam - điều mà hiếm gặp trên thế giới!

Thứ tư, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng đã để lại cho quân và dân ta, nhất là các tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội “cẩm nang”, “sách gối đầu giường” qua những tác phẩm tổng kết hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc mà Đại tướng là vị chỉ huy tài ba, lỗi lạc và đã giành chiến thắng. Tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp là những tác phẩm: “Phát động du kích chiến tranh”, “Tiến mạnh sang giai đoạn mới”, “Chiến tranh giải phóng và Quân đội nhân dân - ba giai đoạn chiến lược”, “Điện Biên Phủ”. Trong kháng chiến chống Mỹ: Đại tướng đã viết nhiều tác phẩm bàn về lực lượng vũ trang nhân dân, chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chiến tranh nhân dân trên địa bàn sông nước… Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ năm 1975, Đại tướng có điều kiện nhìn nhận, đánh giá những vấn đề thuộc về chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nghiên cứu sâu tư tưởng Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự Việt Nam…, và hàng loạt tác phẩm, hồi ký như: “Từ nhân dân mà ra”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam” “Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”, “Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi”, … Điều đó càng chứng tỏ phẩm chất “văn - võ song toàn” của Đại tướng, đúng như Giáo sư Vũ Khiêu đã viết: “Võ công truyền Quốc sử/Văn đức quán nhân tâm”.

Dù có tuổi nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn miệt mài làm việc

Thứ năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh biệt thế giới vào lúc 18 giờ 9 phút ngày mùng 4 tháng 10 năm 2013, đã để lại nỗi tiếc thương vô hạn với đồng bào chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế và tạo nên dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc Việt Nam và thế giới. Sự ra đi của Đại tướng là sự mất mát to lớn đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Hiếm có vị tướng nào được người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế dành tình yêu thương vô bờ bến đến như vậy! Giáo sư Vũ Khiêu viếng Đại tướng với lòng tiếc thương và cảm phục vô hạn: “Gương rọi đất trời rực sáng ngàn thu nhân lại trí/Lệ tràn sông núi khóc than hai bác Võ như Hồ”! Giáo sư Lê Văn Lan viết: “Mùa thu năm 2013, lịch sử thời hiện đại lại đang chứng kiến một điều huyền diệu: bậc Nhân tướng thời đại Hồ Chí Minh họ Võ - khi được lập ban thờ ở khắp nơi, được các động tác thực hành tín ngưỡng và những lời lẽ nguyện cầu của rất nhiều người suy tôn thành kính… cũng đang “hóa thánh” và “hiển thánh”, đang hóa thân thành bậc Thánh tướng thời hiện đại”[4], trở thành dấu ấn đậm nét trong đời sống tâm linh của nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, trở thành mẫu mực thứ tư trong “Tứ đại danh tướng Việt Nam”, là “Vị tướng huyền thoại” của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại công lao, tài năng, đức độ của người cộng sản kiên trung, mẫu mực, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người “Anh Cả” của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Với lòng kính trọng và ngưỡng mộ của các thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” dành cho Đại tướng, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta nguyện phấn đấu không ngừng theo tấm gương của Đại tướng, quyết tâm xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đến năm 2030, xây dựng Quân đội ta hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó./.

------------------

Tài liệu tham khảo:

- [1], [4]. Giáo sư Lê Văn Lan, Làm tượng “Tứ đại danh tướng Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa Quân sự, số 99, tháng 11- 2013, tr. 7.

- [2]. Trần Trọng Trung, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.61.

- [3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.594.

Video liên quan

Chủ Đề