Thắng tài dậu là ai

Những thông tin rò rỉ từ giới giang hồ cho rằng, đầy lo xa, con đường trốn chạy của Thắng đã được vạch từ trước với một lộ trình hết sức vòng vèo. Từ Hồng Công, hộ chiếu và vé máy bay cho Thắng, Phát, anh ruột Hạnh "sự" - một Việt kiều Canada - đã sắp sẵn, giúp gã đàn anh lên máy bay chuồn sang Ba Lan. Từ đó, những tay buôn thuốc lá lậu người Việt lại đưa Thắng sang Đức, CH Séc rồi sang TP Tula, CHLB Nga.
>> Thắng "Tài Dậu” sẽ bị xử lý như thế nào?

Từ đầu năm 2002, Ban chuyên án Năm Cam và đồng bọn đã liệt Nguyễn Văn Thắng, tức Thắng "Tài Dậu" vào danh sách một trong 3 đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Hai đối tượng kia là Thọ "Đại úy" (Nguyễn Văn Thọ) và Phát "lợn" (Nguyễn Thế Phát).

Thế nhưng, trước khi lệnh truy nã được phát ra vào ngày 20/3/2002, Thắng "Tài Dậu" đã nhanh chân biến mất. Từ đó đến nay, Thắng đã  3 lần xin ra đầu thú nhưng không thực hiện.

Bất ngờ, lúc 14h chiều ngày 27/11/2007, Thắng "Tài Dậu" đã trình diện tại Cơ quan điều tra Bộ Công an, kết thúc cuộc trốn chạy gần 6 năm trời.

Giang hồ cần một cái tên

Thắng "Tài Dậu" là cách gọi ghép tên Nguyễn Văn Thắng với tên bố mẹ anh ta. Thắng, năm nay 51 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại 239 Tây Sơn và cư trú tại 77 Lương Sử A, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.

Ngoài ra, Thắng còn có một ngôi nhà xây không phép, bị thanh tra, lập biên bản nhiều lần tại số 35, khu tập thể F361, phường Yên Phụ, Hà Nội, do bà Trịnh Thị Dậu đứng tên.

Đây cũng là địa chỉ nhiều lần được đội ngũ phóng viên báo chí đặc biệt quan tâm để dò tìm thông tin, tung tích của Thắng trong nhiều năm qua. Trong vụ án Năm Cam, Ban chuyên án đã từng tạm kê biên căn nhà này và giao lại 1/4 cho bà Dậu bảo quản.

Trong giới giang hồ, cái tên Thắng "Tài Dậu" bắt đầu nổi lên từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Trong khi những Phúc “bồ”, Khánh “trắng”, Sơn “bạch tạng” ở Hà Nội, Cu Nên, chị em Dung "Hà" ở Hải Phòng đua nhau tác oai tác quái bằng những trò đâm chém, bảo kê, tranh giành lãnh địa... và đua nhau vào tù thì Thắng "Tài Dậu" lại chọn con đường khôn ngoan, chỉ gây dựng “sự nghiệp giang hồ” ở những công việc “không cần tiếng, chỉ cần miếng”, kín đáo, ít thu hút sự chú ý của Công an.

Khởi nghiệp, Thắng đứng ra tiêu thụ đồ gian cho những kẻ bất lương. Khi đám này, nhờ những cú làm ăn tội lỗi, bắt đầu phất lên, Thắng tiến thêm một bước, “xẻ thịt” chúng bằng cách lập xới bạc và tổ chức cá độ bóng đá. Thật khổ, giang hồ kiếm tiền dễ như bỡn, có kẻ nào lại không máu me cá độ, cờ bạc?

Kín tiếng, Thắng giàu lên rất nhanh, trong khi những kẻ rót tiền nuôi gã “mập” thì cứ lần lượt rơi rụng hoặc vào tù. Thế nhưng, những tên giang hồ mạt vận vẫn không oán Thắng mà ngày càng nể trọng gã.

Nguyên nhân là nhờ quen biết và sự khôn ngoan, Thắng đã tạo dựng được một "ATK" ("an toàn khu") ở biên giới phía Bắc, thậm chí ngay trên đất Trung Quốc làm chỗ “lặn” cho những tên lưu manh cộm cán bị “lốc ổ”. 

Vì thế, hắn trở thành chỗ dựa rồi trở thành đàn anh của không ít giang hồ có máu mặt, dù không hề “lấy số” bằng con đường bạo lực. Tuy nhiên, bản thân Thắng cũng từng có hai lần bị pháp luật sờ gáy vì tội tổ chức cướp và tổ chức đánh bạc.

Rút kinh nghiệm, khi được tự do, Thắng "Tài Dậu" đã nép hẳn vào bóng tối, từ đó vươn tay ra điều hành những “chiến dịch” cá độ bóng đá lớn. Chường mặt ra hỗ trợ Thắng trong nghề kinh doanh bất hợp pháp nhưng béo bở này là 2 quái thủ đất Hà thành: Trần Quốc Sơn (Sơn “bạch tạng”) và Nguyễn Thị Hạnh (Hạnh “sự”).

Nghề này ít nguy cơ bị bắt quả tang, bởi mọi giao dịch đều thực hiện qua điện thoại, với toàn những tiếng lóng kiểu “chai”, “lít”, “vé”, “chục”... Tuy nhiên, nó siêu lợi nhuận. Những trận đấu lớn của các giải C1, UEFA, bóng đá Anh, hay Euro... tiền cá cược của đôi bên lên tới 3-5 tỉ đồng.

Với các trận đấu trong nước, tiền cá cược ít nhất cũng lên tới trên dưới 1 tỉ đồng/trận. Bất luận bên nào thắng, kẻ tổ chức đường dây là Thắng “tài dậu” cũng được hưởng 10%. Trừ mọi chi phí, một số tiền khổng lồ vẫn đều đặn chảy vào túi Thắng.

Đường dây của gã đã vượt biên giới quốc gia, kết nối được với các đường dây quốc tế ở Ma Cao, Hồng Công, Singapore, Đài Loan v.v...

Kế hoạch thống nhất giang hồ Nam - Bắc

Dù liều lĩnh khét tiếng thì những giang hồ gốc Bắc cộm cán nhất tại TP HCM như Thắng “chập”, Cường “híp”, Dung “Hà”, Trà “hinh”, Tuấn “con”... vẫn phải chịu lép trước Nguyễn Chí Thành, tức Thành “chân”, kẻ được mệnh danh là người đặt nền móng cho dân “trà Bắc” ở phương Nam.

Thành “chân” quê gốc Hải Phòng, nguyên là thủy thủ tàu viễn dương. Đầu thập niên 90, Thành mua một căn nhà trên đường Lê Thị Riêng, quận 1, giao cho cô em ruột Mơ “chân” quản lý. Đó chính là nơi tá túc tạm thời cho những tên du thủ du thực, tội phạm trốn lệnh truy nã, từ miền Bắc vào TP HCM “trú bão”.

Năm Cam cũng tỏ ra rất nể trọng cái đầu của Thành “chân”. Trước khi bị bắt đi cải tạo vào năm 1995, Năm Cam đã mời Thành làm quân sư trong nghề “kỳ bẽo”. Thành “chân” là kẻ đã thay Năm Cam giám sát và thu thuế mọi hoạt động cờ bạc tại hẻm 98F, Lê Lai, quận 1 của “nhị ca mất số” Huỳnh Tỳ trong suốt một thời gian dài.

Khi thấy Huỳnh Tỳ có biểu hiện muốn vượt ra ngoài khuôn khổ, tự tiện cắt giảm “tiền thuế”, Thành "chân" đã quân sư cho Năm Cam trừng trị kẻ xé rào bằng cách bán đứng Huỳnh Tỳ và sòng bạc của tay này cho công an "hốt ổ" vào năm 1998.

Vai vế giang hồ ngang nhau nhưng Thành “chân” vì nhỏ tuổi hơn nên vẫn xem Thắng “Tài Dậu” như một đàn anh. Trước khi vượt biên và định cư tại Anh quốc, Thành “chân” đã nhiều lần dắt Thắng “Tài Dậu” vào TP HCM giới thiệu với Năm Cam và tham quan các sòng bài do ông trùm tổ chức.

Thắng chỉ xem, không chơi, cũng chưa vội thăm dò chuyện hùn hạp. Năm Cam vì thế cũng chưa chú ý nhiều đến gã khách mời đất Bắc.

Thắng tài dậu là ai
Năm Cam (thứ 2 từ trái qua) và các "chiến hữu trong chuyến "Bắc hành" do Thắng "Tài Dậu" mời.

Mối thâm tình chỉ bắt đầu vào năm 1995. Trước nguy cơ bị đưa vào trại cải tạo, Năm Cam đã tìm đủ cách chạy chọt. Tin rằng Thắng “Tài Dậu” có ông anh kết nghĩa là Thuyết “buôn vua” có "kỳ tài" chạy án, Năm Cam đã nhờ Thắng bắt mối giới thiệu và đưa cho Thuyết 7.000 USD để lo lót.

Việc bất thành, ông trùm vẫn phải khăn gói vào ngồi trại Thanh Hà (Phú Thọ). Lúc này, Sơn “bạch tạng”, đàn em của Thắng cũng đang “nghỉ mất sức” trong trại này. Một công đôi việc, Thắng “Tài Dậu” đã thường xuyên đánh xe con lên trại thăm nuôi, tiếp tế cho cả đàn anh lẫn đàn em.

Năm Cam ra trại, Thắng “Tài Dậu” và Thuyết “buôn vua” đã tổ chức ôtô đưa cả nhà Năm Cam lên tận trại đón rước. Trước khi trở về TP HCM, Năm Cam còn được Thắng lưu lại, đãi đằng như thượng khách suốt mấy ngày.

Được thả, con cáo già Năm Cam lại tiếp tục nung nấu ý đồ thâu tóm quyền lợi cờ bạc và lĩnh vực cá độ bóng đá không chỉ ở TP HCM mà trên toàn quốc. Từ đó, y sẽ vươn ra thâu tóm vị trí “ông trùm của những ông trùm” của cả hai miền Nam Bắc.

Nhưng khổ nỗi, những kẻ túc hạ thân tín được “ông trùm” giao việc cứ liên tục phá hỏng kế hoạch bởi sự manh động hoặc do đầu chúng "chứa toàn đất". Hồ Việt Sử quen nhiều, biết rộng nhưng lại ham cá độ hơn giỏi tổ chức cá độ, thua hàng tỉ đồng, phải thế chấp cả nhà cửa và vay nợ tứ bề.

Gã con trai Trương Hiền Bảo (Bảo “hoàng tử) lại quá lấc cấc, sẵn sàng kề dao, chìa nắm đấm ra trước mặt khiến các con bạc chỉ lo chạy, không hơi đâu dây với thằng mất dạy to phe.

Dung "Hà" có uy tín nhưng quá bạt mạng, chưa làm ăn gì đã lo xưng chị, gây thù chuốc oán, hằm hè với vô số đàn em khác của Năm Cam. Trước tình cảnh đó, chỉ có cái đầu lạnh lùng của Thắng “Tài Dậu” là khả dĩ ông trùm tin cậy được.

Chủ trương của Năm Cam cũng là mong muốn của Thắng “Tài Dậu”. Y lập tức cử Sơn “bạch tạng” dắt một loạt đàn em như Tuấn “tăng”, Phát “lợn”... thay mặt mình vào miền Nam giúp Năm Cam thiết lập đường dây.

Mặt khác, Thắng mời mọc, đón rước Năm Cam và một dây đệ tử gồm Hồ Việt Sử, Long “đầu đinh”, Hiệp “phò mã” ra Bắc, đưa đi khắp Hà Nội, Hải Phòng, vào cả Casino Đồ Sơn vừa tham quan, ăn chơi, vừa ra mắt giang hồ đất Bắc để phô trương thanh thế.

Sau chuyến đi, Năm Cam về cơ bản đã đồng ý “phủ sóng” mạng lưới quyền lực đen ra miền Bắc, đưa đầu mối cờ bạc và cá độ bóng đá từ TP HCM ra đặt vào tay Thắng “Tài Dậu”.

Mất thế với “anh Năm”, Dung "Hà" nổi khùng triệu tập dân chơi Hải Phòng vào, định “thịt” gã “đại sứ toàn quyền” của Thắng “Tài Dậu” là Sơn “bạch tạng”. Nhờ sự hai mang của Tuấn “tăng”, Sơn thoát chết, chạy bán mạng ra Hà Nội.

Được nước, Dung "Hà" càng tiếp tục quậy bạo, chẳng kiêng dè gì ai, thậm chí giỡn mặt cả Năm Cam. Cuộc chiến giang hồ được phát động đã khiến Dung "Hà" mất mạng. CQĐT vào cuộc, khiến cơ đồ của cả Năm Cam lẫn Thắng “Tài Dậu” chưa kịp nhóm lên đã sụp đổ hoàn toàn.

Cuộc chạy trốn ly kỳ

Thấy Năm Cam và một loạt chiến hữu khác trong Nam lần lượt nối nhau vào trại, Thắng “Tài Dậu” biết chắc sớm muộn bản thân mình cũng bị “điểm danh”.

Ngoài những mối quan hệ với Năm Cam, luật pháp chắc chắn cũng sẽ tìm ra và không tha cho Thắng những tội lỗi liên quan đến cờ bạc và tổ chức cá độ bóng đá.

Trên mặt báo, hàng loạt những vụ “đi đêm”, dàn xếp tỉ số mà Thắng là kẻ đầu trò đã bắt đầu được đề cập. Hàng loạt mối quan hệ của Thắng “Tài Dậu” với các nhân vật sân cỏ đã được trưng ra, chứng tỏ Thắng có quen biết, thậm chí rất thân thiết với nhiều cầu thủ và quan chức của Liên đoàn bóng đá...

Tuy nhiên, tất cả những nhân vật được nhắc tới đều khẳng định “chỉ quen biết chứ không hề hợp tác hay dính líu gì đến Thắng” trong việc dàn xếp tỉ số trận này trận nọ cả trên đấu trường trong nước lẫn quốc tế.

Dĩ nhiên, tẩu vi thượng sách. Ngày 9/1/2002, tức chưa đầy một tháng sau ngày Năm Cam bị bắt (12/12/2001), một bữa tiệc chia tay Thắng “Tài Dậu” đã được Nguyễn Thị Hạnh (Hạnh “sự) đứng ra tổ chức tại một quán ăn trên đường Nguyễn Biểu, Hà Nội.

Hai ngày sau, nhờ anh ruột Hạnh “sự” tên là Phát, một Việt kiều Canada giúp đỡ, Thắng “tài dậu” đã vượt biên bằng đường bộ sang Trung Quốc, từ đó trốn sang Hồng Công.

Đáng lưu ý là vào thời điểm đó, Thắng “Tài Dậu” vẫn chưa bị xem là tội phạm. Phải hai tháng rưỡi sau, ngày 20/3/2002, lệnh truy nã Thắng mới được phát ra.

Từ đó đến nay, CQĐT tuyệt đối chưa bao giờ đưa ra một tuyên bố hay xác nhận bất kỳ thông tin nào liên quan đến Thắng “Tài Dậu”. Tuy nhiên, những thông tin rò rỉ từ giới giang hồ lại cho rằng, đầy lo xa, con đường trốn chạy của Thắng đã được vạch từ trước với một lộ trình hết sức vòng vèo.

Từ Hồng Công, hộ chiếu và vé máy bay cho Thắng, Phát đã sắp sẵn, giúp gã đàn anh lên máy bay chuồn sang Ba Lan. Từ đó, những tay buôn thuốc lá lậu người Việt lại đưa Thắng sang Đức, CH Séc rồi sang TP Tula, CHLB Nga.

Theo Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Tổng cục Cảnh sát đã từng biết rõ nơi lẩn trốn của Thắng tại Tula và tổ chức truy bắt. Nhưng trước khi tổ công tác sang đến nơi, Thắng đã kịp thời bỏ trốn. Không dừng lại ở đâu quá lâu, “đường dây Nghệ An” lại đưa Thắng “Tài Dậu” sang Tasken, thủ đô Uzbekistan.

"Vuốt nanh" đã mất, Thắng đành chấp nhận làm một tay bảo kê cò con cho một “soái” người Việt, chịu sự sai phái của đám con buôn người Việt mà gã chỉ xem bằng nửa con mắt để kiếm cơm và tìm nơi tá túc.

Từ đó đến nay, cuộc trốn chạy của Thắng “tài dậu” thỉnh thoảng vẫn được đề cập với hàng loạt thông tin nửa hư nửa thực. Có tin cho rằng, tại Uzbekistan, Thắng đã... gia nhập đạo Hồi nhằm mai danh ẩn tích.

Một nguồn tin khác khẳng định: ngày 13/11/2002, Thắng đã cầm đầu một nhóm bảo kê người Việt kịch chiến với một băng bảo kê khác ở xứ người, bị cảnh sát nước bạn bắt giữ, sắp bị dẫn độ về nước.

Chờ mãi không thấy, lại có tin là Thắng đã thiệt mạng trong cuộc hỗn chiến nói trên rồi sau đó là tin Thắng bị giang hồ người Việt ở xứ người thủ tiêu.

Nhưng cuối tháng 12/2005, các nguồn tin trên lại bị bác bỏ bởi có thông tin từ CHLB Nga, Thắng “Tài Dậu” đã gọi điện về cho vợ, báo với Cơ quan Công an xin được ra đầu thú với điều kiện được bảo đảm an toàn.

Sau đó, có ít nhất hai lần khác vào tháng 1 và tháng 8/2006, Thắng lại tiếp tục từ nước ngoài bắn tin xin về đầu thú nhưng rồi cũng chẳng thấy tăm hơi.

Cuối cùng, ngày 27/11/2007, Thắng đến đầu thú tại Phòng 3, Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C14) tại Hà Nội. Thắng cho biết, trước khi ra đầu thú, anh ta đã trốn tránh một thời gian dài tại huyện đảo Vân Đồn, khu vực Bãi Cháy và huyện biên giới Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian này, Thắng chung sống với một cô gái tên là N. Tuy nhiên, N. là ai, hiện ở đâu thì Thắng tuyệt nhiên không chịu tiết lộ.

Thắng cũng “tâm sự” rằng, vào thời điểm năm 2002, mẹ anh ta đang ốm nặng nên Thắng “không dám vào tù”, sợ bà mẹ bị sốc và lo lắng không có lợi cho sức khỏe!”. Vì thế Thắng mới bỏ trốn.

Ngay tối 27/11, Thắng “Tài Dậu” đã được đưa vào Trại Tạm giam của Bộ Công an.

Tạm thời, những lời khai của đầu mối tội phạm quan trọng này vẫn đang trong vòng bí mật. Nhưng chắc chắn, với sự xuất hiện của Thắng, hàng loạt nghi án liên quan đến tội phạm cờ bạc và nhất là những vụ bê bối, tiêu cực trong bóng đá sẽ có cơ hội được làm rõ

Nguyễn Hồng Lam