Thế nào là nơi công cộng

Hiện nay các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính như Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế; Nghị định số155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2016/NĐ-CP đều có quy định xử phạt vi phạm nơi công cộng. Trong lĩnh vực hình sự, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định tội gây rối trật tự công cộng, Luật An ninh mạng cũng quy định hành vi Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộngLuật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định về nơi công cộng Hiến pháp 2013 tại Điều 46 cũng quy định: Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.

Tuy nhiên, hiện nay cách hiểu về nơi công cộng còn có sự không thống nhất, do pháp luật chưa quy định cụ thể.

I. Thế nào là nơi công cộng?

Để bạn đọc dễ dàng trong việc áp dụng các quy định về xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến các hành vi vi phạm ở nơi công cộng, trangtinphapluat.com tổng hợp các quy định về nơi công cộng để bản đọc tham khảo, áp dụng.

Thế nào là nơi công cộng
Quy định của pháp luật về nơi công cộng

1. Theo quy định tại khoản 7 Điều 2 phần giải thích từ ngữ của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 thì: Địa điểm công cộng là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người.

(Hướng dẫn lập biên bản và xử phạt VPHC trong phòng, chống covid 19)

2. Theo điểm b khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì: Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 24/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, thì Địa điểm công cộng không được uống rượu, bia,bao gồm:

Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

Nhà chờ xe buýt.

Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.

4 Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 103/2009/NĐ-CP Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, thì: Nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định tại Quy chế này bao gồm nhà hát, nhà văn hóa, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, giải khát, cửa hàng, cửa hiệu, sân vận động, nhà thi đấu thể thao, quảng trường, phương tiện vận tải hành khách công cộng và các phương tiện, địa điểm khác có tổ chức các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa quy định tại điểm a khoản này.

Điểm a quy định:Quy chế này quy định các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (sau đây gọi là Quy chế) bao gồm: lưu hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; tổ chức lễ hội; viết, đặt biển hiệu; hoạt động vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và các hình thức vui chơi giải trí khác.

Tại Thông tư 04/2009/TT_BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ, thì tại khoản 1 Điều 2 hướng dẫn các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và các hình thức vui chơi giải trí khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Quy chế tại Nghị định 103 như sau:

a) Các dịch vụ văn hoá khác gồm: Thu âm (phòng thu nhạc và lời); ghi hình (quay camera); vẽ truyền thần, vẽ tranh, sao chép tranh; làm tượng; sản xuất hàng mã; dạy khiêu vũ, dạy nhạc.

b) Các hình thức vui chơi giải trí khác gồm: Các trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật quần chúng và các hình thức vui chơi giải trí có nội dung văn hoá.

c) Các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và các hình thức vui chơi giải trí khác chưa được qui định tại các điểm a và b khoản này.

5. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, thì Vi phạm quy định về trật tự công cộng bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác.

Như vậy, nơi công cộng được hiểu là nơi phục vụ chung cho nhiều người và nó không chỉ giới hạn ở ngoài trời như quảng trường, đường đi, nhà ga, bến tàu mà còn là nơi phục vụ ăn uống, giải khát, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.

II. Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính nơi công cộng

1. Quy định về xử phạt nơi công cộng

Hiện nay có một số Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có quy định xử phạt hành vi vi phạm nơi công cộng như:

Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;

Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế đều có quy định xử phạt vi phạm nơi công cộng;

Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (thay thế cho Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo);

Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2016/NĐ-CP

2. Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính nơi công cộng

Lập biên bản vi phạm hành chính: Cũng giống như xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực khác, khi phát hiện hành vi vi phạm thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính (thông thường gồm công chức, viên chức thi hành nhiệm vụ trên lĩnh vực liên quan; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính) tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Biên bản vi phạm hành chính cần ghi rõ thời gian, địa điểm lập, thành phần lập, người chứng kiến (nếu có), đại diện chính quyền địa phương (nếu có), mô tả cụ thể hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm vi phạm; điều khoản, nghị định liên quan.

Biên bản lập xong giao cho người vi phạm 01 bản.

(Xem hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất tại đây)

Trường hợp mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm của cá nhân là 250.000đ, tổ chức là 500.000đ thì không cần lập biên bản vi phạm hành chính mà ban hành quyết định xử phạt tại chỗ luôn.

Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền phải ban hành quyết định xử phạt (trừ trường hợp phức tạp, có giải trình thì 30 ngày hoặc 60 ngày), gồm hình thức phạt tiền, phạt bổ sung, áp dụng khắc phục hậu quả nếu Nghị định xử phạt có quy định cụ thể.

Việc xác định thẩm quyền xử phạt cần lưu ý căn cứ vào mức tối đa của khung hình phạt.Ví dụ: Hành vi vi phạm có mức phạt từ 4-6 triệu thì căn cứ vào mức tối đa là 6 triệu để xác định thẩm quyền xử phạt, chứ không căn cứ vào mức phạt để xác định thẩm quyền. Có thể khi xử phạt chỉ phạt 4-5 triệu thì thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND xã nhưng do mức tối đa là 6 triệu nên chủ tịch xã không được xử phạt mà phải chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền.

Tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt: Rất ít cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính tự nguyện nộp phạt và chấp hành các hình thức phạt bổ sung, khắc phục hậu quả. Vì vậy, người ban hành quyết định xử phạt phải theo dõi, đôn đốc nếu quá thời hạn ghi trong quyết định mà cá nhân/tổ chức bị xử phạt không chấp hành thì tiến hành ban hành quyết định cưỡng chế thu tiền phạt và buộc khắc phục hậu quả.

(Xem hướng dẫn cưỡng chế thu tiền phạt tại đây)

Trên đây là tổng hợp các quy định của pháp luật có liên quan đến quy định về nơi công cộng và trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính nơi công cộng. Bạn đọc nếu tìm thấy văn bản nào khác có quy định về nơi công cộng hãy chia sẻ ở phần bình luận bên dưới bài viết để mọi người cùng tham khảo nhé.

rubi