Tiền lương tối thiểu vùng 2023

[VOV2] - 3 năm không điều chỉnh lương cơ sở khiến đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đang trình Quốc hội về điều chỉnh tiền lương. Tuy nhiên, thời điểm nào là hợp lý?

Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, ngày mai 27/10 và ngày 28/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023; Tình hình dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. 

Thực tế 3 năm qua, lương cơ sở chỉ mới được điều chỉnh một lần từ ngày 1/7/2019 tăng khoảng 7,19%. Trong khi đó đối với khu vực doanh nghiệp đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 3 lần [lần 1 từ ngày 01/01/2019 tăng khoảng 5,23%, lần 2 từ ngày 01/01/2020 tăng khoảng 5,5% và lần 3 từ ngày 01/7/2022 tăng khoảng 6%].  Tổng 3 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp tăng khoảng 17,7%. Chỉ số giá tiêu dùng từ tháng 7/2019 ước tính đến hết năm 2022 đã tăng khoảng 10%. Việc không điều chỉnh tăng mức lương cơ sở làm cho đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Chỉ trong vòng hơn 2 năm vừa qua đã có trên 39.500 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nguyên nhân chính cũng là do chế độ tiền lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị nếu quyết định tăng lương, nên áp dụng càng sớm càng tốt, thời điểm có thể từ 01/01/2023. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho rằng, hiện đã là gần cuối năm 2022, việc đánh giá đầy đủ để xác định các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ, trợ cấp cần có một thời gian. Hơn nữa, cần đánh giá tác động và có thời gian cân đối nguồn lực nhà nước và thực hiện theo đúng quy định về sử dụng ngân sách, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội… Vì vậy, thời điểm ngày 1/7/2023 tăng lương cơ sở là phù hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sáng 20/10. Ảnh: Hoàng Phong

Theo Thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sẽ được triển khai, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều.

Chính phủ cũng sẽ có giải pháp nâng cao trình độ dân trí, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời triển khai đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội.

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; tăng cường y tế cơ sở, dự phòng, đảm bảo năng lực khám, chữa bệnh, phòng chống dịch của hệ thống y tế; cơ chế tài chính y tế tiếp tục được đổi mới; thực hiện lộ trình phù hợp tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, đường sắt đô thị sẽ được ưu tiên đẩy nhanh tiến độ. Nguồn lực xã hội được huy động đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hình thức hợp tác công tư. Năm 2023, Chính phủ phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc như Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.

Đồng thời, nhiều dự án sẽ được khởi công, như Vành đai 3 TP HCM; Vành đai 4 Hà Nội; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Đắk Nông - Bình Phước; Nam Định - Ninh Bình - Thái Bình - Hải Phòng; Kon Tum - Quảng Ngãi; Lạng Sơn - Cao Bằng...

Một số sân bay cũng được dự kiến nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng như Phan Thiết, Thành Sơn, Chu Lai, Lào Cai, Nà Sản, Vinh; nghiên cứu mở rộng theo phương thức PPP để khai thác lưỡng dụng sân bay Biên Hòa, Gia Lâm.

Đến năm 2022, khoảng 565 km cao tốc đã được hoàn thành; trong đó đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km. Cuối năm 2022, sẽ có 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam được khởi công, với chiều dài gần 730 km.

Dù đạt nhiều kết quả, Thủ tướng thừa nhận, kỷ luật hành chính có nơi chưa nghiêm; một số cán bộ công chức vi phạm quy định, bị kỷ luật. Một số vụ việc tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mất an toàn lao động, cháy nổ, lừa đảo qua mạng “còn diễn biến phức tạp”. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm...

Theo VNE

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề