Tim đường được xác định như thế nào

TP Hồ Chí Minh: Rắc rối từ cái tim đường

QUẢN LÝ ĐÔ THỊ.-  Theo nguyên tắc, tim đường nằm ở điểm giữa của con đường. nhưng chính các nhà quy hoạch cũng thừa nhận: Không phải cứ tim đường là nằm ở giữa... Chị P.T.K.A ngụ tại căn nhà số 174 đường Trần Quang Khải do cha mẹ chị để lại đã hơn 40 năm. Mới đây, do căn nhà xuống cấp, chị liên hệ Phòng Quản lý đô thị [QLĐT] quận 1 để xin phép sửa chữa thì phát hiện bao điều phiền toái từ cái tim đường.

Lệch tim, mất 26m2 đất hợp pháp

Chi K.A kể: Khi làm thủ tục xin sửa chữa nhà, Phòng QLĐT quận 1 đã thực hiện bản vẽ với tim đường quy hoạch của đường Trần Nhật Duật-là con đường giao với đường Trần Quang Khải và chạy dọc bên hông nhà tôi, lệch về phía nhà tôi 1,25m so với tim đường hiện hữu. Việc lệch tim đường này làm căn nhà tôi mất hơn 26m2 đất ở hợp pháp. Thắc mắc trước việc lập bản vẽ lệch tim của Phòng QLĐT quận 1, chị K.A tìm lại quyết định phê duyệt lộ giới của UBND TP ban hành ngày 30-9-1995. Theo đó, đường Trần Nhật Duật không có tên trong danh sách những con đường có tim đường quy hoạch lệch so với tim đường hiện hữu. Và nếu đường Trần Nhật Duật không bị lệch tim, đương nhiên, việc xác định tim đường khá dễ dàng, đó là tim đường hiện hữu, và căn nhà 174 chỉ nằm trong quy hoạch lộ giới theo chiều dọc căn nhà là 0,5m, thay vì 1,75m như bản vẽ. Con đường Trần Nhật Duật chỉ dài khoảng 200m, là đường nội bộ, được UBND TP phê duyệt lộ giới là 22m, sau đó điều chỉnh còn 20m. Chưa biết bao giờ Nhà nước mới có kinh phí để giải tỏa hàng loạt căn nhà có chủ quyền hợp pháp trên con đường này, nhưng trước mắt, trường hợp một căn nhà đang có bề ngang rộng 5m sẽ chỉ còn chưa được 3,5m đã khiến người dân rất hoang mang.

Tim đường được xác định từ đâu?

Câu hỏi này được các nhà làm công tác quy hoạch cấp TP trả lời: Tim đường được xác định trên cơ sở bản đồ giải thửa có từ trước năm 1975, nhưng chỉ trong nội thành. Còn ở ngoại thành thì thiết kế theo quy hoạch. Theo nguyên tắc, tim đường là điểm ở giữa con đường, nhưng trong quá trình phát triển, có 2 yếu tố khiến có nhiều tuyến đường tim không nằm ở giữa. Một là do Nhà nước thực hiện mở rộng đường, có khi chỉ mở rộng về một phía [đường Điện Biên Phủ mở rộng]; hai là trong thiết kế của dự án, tim đường được đặt lệch đi vì vướng hạ tầng kỹ thuật [đường xa lộ Hà Nội nếu tính từ tim, một bên đường rộng 70m, bên kia rộng 90m vì bao cả trục đường điện cao thế]. Trở lại chuyện bản đồ giải thửa, các nhà quy hoạch thừa nhận không phải quận nào cũng có để làm cơ sở xác định tim đường. Được biết, khi phê duyệt lộ giới đường trên 12m, UBND TP giao cho Sở Giao thông Công chánh cắm mốc chỉ giới. Nhưng đã hơn 5 năm qua, việc này hầu như bị lãng quên.

Theo chúng tôi, việc xác định tim đường phải có cơ sở, phù hợp với điều kiện thực tế và có xem xét đến quá trình lịch sử. Việc công khai giúp người dân thoát khỏi cảnh sống hồi hộp, lo sợ hoặc bất ngờ bị can tội vi phạm lộ giới mà không có lời giải thích rõ ràng.                                                                                                                                  Đoan Trang

Chủ Đề