Tính cách tiêu biểu của du khách Nhật

Mỗi dân tộc có một vài xu hướng tính cách nhất định do ảnh hưởng của văn hoá, lịch sử, giáo dục, môi trường. Dưới  đây là một vài xu hướng tính cách của những người Nhật và gợi ý cách giải quyết tôi đúc kết từ kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc tại công ty Nhật.

*Lưu ý: Bài viết chỉ nêu quan điểm, đúc kết của tác giả. Có thể bạn sẽ có cách nhìn riêng và ứng xử khác 

1. Lịch thiệp, tao nhã, tôn trọng đối phương

Đây là xu hướng tính cách đẹp nhất của người Nhật mà các phương tiện truyền thông, sách vở hay nhắc đến. Nhờ xu hướng tính cách này mà người Nhật rất ít khi tranh cãi, họ tôn trọng ý kiến đối phương, không háo thắng để giành phần thắng nhưng vẫn giữ nguyên ý kiến của bản thân.

Biểu hiện: Chào hỏi lễ nghĩa, thường dùng kính ngữ, hỏi ý kiến thay vì ra lệnh. Khi từ chối cũng nhẹ nhàng, đứng trên lập trường của đối phương mà hành xử. Tính cách khiêm tốn, điềm đạm.

Đối tượng: Thường là thương gia cấp cao, phu nhân, người xuất thân từ gia đình gia giáo… 

Ưu điểm: Cảm thấy dễ chịu, được tôn trọng.

Tính cách tiêu biểu của du khách Nhật

Khuyết điểm: Sau khi tiếp xúc một thời gian, họ vẫn rất lịch sự cho nên sẽ không tránh khỏi cảm giác xa cách, khách sáo. Họ cho rằng nói ít hiểu nhiều, tâm ý tương thông như văn hoá ứng xử của người Nhật nên rất ít nói và nói cũng lấp lửng. Tuy nhiên, văn hoá của người Việt khác văn hoá Nhật, nếu không nói, phân tích rõ ràng thì không thể hiểu.

Cách ứng xử: Học hỏi cách dùng từ vì họ hay dùng kính ngữ và lựa chọn cách nói chuyện rất tôn trọng đối phương. Học hỏi dáng đứng, dáng ngồi, tác phong, cử chỉ, trang phục… Giữ khoảng cách thích hợp và tránh dùng câu có ý mệnh lệnh, bề trên (thể Kudasai, thể thường,…) để tránh thất lễ. Cũng đừng quá thân mật, suồng sã vì họ luôn có một khoảng cách nhất định đối với tất cả mọi người.  Khi họ nói lấp lửng thì phải hỏi lại rõ ràng, tránh hiểu sai ý họ mà làm sai việc.

2. Hướng nội, rụt rè

Đây cũng là một xu hướng tính cách phổ biến của người Nhật.

Biểu hiện: Lúc nói chuyện ngại nhìn vào mắt đối phương. Rất ít nói ý kiến cá nhân, có nói cũng không đưa ra kết luận rõ ràng. Ngại tiếp xúc với người nước ngoài thậm chí nghiêm trọng hơn nữa là ngại tiếp xúc với tất cả mọi người. Có xu hướng suy nghĩ tiêu cực, tự ti.

Đối tượng: Con út trong gia đình, con trong gia đình quá bảo bọc, chưa từng ra nước ngoài hoặc là các bà nội trợ. Người làm việc trong mảng kĩ thuật.

Ưu điểm: Điềm đạm, làm nhiều nói ít.

Khuyết điểm: Khó tiếp cận và kết thân. Nếu sếp là người mang xu hướng tính cách này nhiều thì bạn sẽ khó lòng nhận được chỉ thị xác đáng, phải tự “bơi” nhiều.

Cách ứng xử: Tránh vồ vập, ăn to, nói lớn. Hỏi những câu hỏi mở để tạo điều kiện cho đối phương nói. Còn nếu thấy họ quá xa cách, tránh né thì chỉ giữ mối quan hệ ở mức chào hỏi xã giao là được 

3. Tỉ mỉ, chi tiết, tinh tế

Đây là xu hướng tính cách giúp những công ty kĩ thuật, cơ khí,… của Nhật vươn lên đỉnh cao.

Biểu hiện: Yêu cầu công việc cao, khi soạn 1 văn bản hay làm 1 công việc nào đó đều chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất.

Đối tượng: Nhân viên ngân hàng, kế toán, kĩ thuật...

Ưu điểm: Sẽ nhìn thấy tầm quan trọng của những chi tiết nhỏ nhất.

Khuyết điểm: Quá đi vào chi tiết mà đôi khi quên đi tổng thể.

Cách ứng xử: Người Việt đa phần tính cách phóng khoáng nên sẽ cảm thấy khó thích ứng. Nên tìm hiểu lí do tại sao cần tỉ mỉ, chi tiết đến vậy. Nếu sếp mang xu hướng tính cách này quá nổi trội thì bạn phải cẩn thận, mỗi lần bị yêu cầu chi tiết nên nhờ sếp giải thích lí do để hiểu cách tư duy. Bạn vừa hiểu lí do, sếp cũng vừa hiểu là không thể áp đặt mà phải giải thích.

4. Công - tư, trách nhiệm, nguyên tắc rạch ròi

Nhờ xu hướng tính cách này mà người Nhật có dịch vụ tốt và tinh thần trách nhiệm cao.

Biểu hiện: Luôn tuân thủ theo những qui tắc do xã hội, công ty đề ra. Nếu là sếp, đồng nghiệp thì chỉ liên lạc trong giờ làm việc và chỉ nói về công việc, không ăn uống, đi chơi sau giờ làm việc và ngày nghỉ. Chỉ kết thúc mối giao hữu ở tình đồng nghiệp và ở tại công ty.

Đối tượng: Đồng nghiệp, sếp, nhân viên phục vụ ở quán...

Ưu điểm: Môi trường làm việc chuyên nghiệp, không đặt cảm xúc vào công việc nên cho dù họ có không thích bạn thì họ cũng sẽ không ra mặt, vẫn vui vẻ cùng làm việc khiến đôi bên không khó xử và hoàn thành công việc đúng nghĩa vụ, trách nhiệm.

Tính cách tiêu biểu của du khách Nhật

Khuyết điểm: Đôi khi sẽ lo lắng không biết họ thực sự đang nghĩ gì về mình và sợ hãi.

Cách ứng xử: Học quy cách ứng xử của người Nhật qua sách báo, qua quan sát và nên hỏi trực tiếp khi cần. Làm đúng nghĩa vụ - trách nhiệm của bản thân, khi xong việc của mình nên đề nghị giúp đỡ người khác. Không nên đặt tình cảm quá nhiều vào tuýp người này vì khi hết được việc với họ, hết làm việc cho họ, họ sẽ lạnh lùng xem như “chưa từng quen biết”. 

5. Tiết kiệm

Nhờ xu hướng này mà người Nhật sống rất giản dị, thân thiện với môi trường

Biểu hiện: Đa số người Nhật đều tiết kiệm, ăn sạch đồ ăn, dùng tiền rất kĩ, đi ăn chung nhưng hay “đề nghị” chia tiền ra trả, luôn nói về giá tiền cuả 1 đồ vật.

Ưu điểm: Sẽ học được cách dùng tiền, dùng đồ, trân trọng tài nguyên

Khuyết điểm: Tính toán quá chi li, tiết kiệm từng yên, có biểu hiện của sự “hà tiện”. Và đôi khi mình phải trả tiền cho họ. 

Cách ứng xử: Nếu đi ăn chung nên tự trả tiền phần ăn của mình, đừng dành quá nhiều tiền để mua quà mắc tiền cho đối phương. Còn ai “lỡ” yêu anh chàng này thì nên phân biệt xem họ “tiết kiệm” hay “hà tiện”. Một anh chàng tiết kiệm sẽ sẵn sàng trả tiền lúc hẹn hò( đương nhiên bạn cũng nên đề nghị share tiền), mua cho bạn món quà xứng đáng. Đàn ông Nhật tiết kiệm, nhưng chỉ có những chàng hà tiện mới “tính toán” với người họ yêu.

Nếu sếp bạn là người “quá tiết kiệm” thì bạn sẽ khó lòng làm việc vì “lương thấp”, “bị tính toán” chi phí từng cây viết, cục gôm… nên sẽ áp lực. Vì vậy, nếu muốn làm việc lâu dài thì có thể tìm “ưu điểm” khác để có thể bỏ qua cho họ.

6. Xem công việc là quan trọng nhất

Nhờ tính cách này mà nước Nhật đi lên và trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tài nguyên lớn nhất của Nhật là con người.

Biểu hiện: Làm việc hết mình, thường ở lại tăng ca, đi sớm, về trễ

Ưu điểm: Họ hoàn thành tốt công việc của bản thân, không làm phiền đến cấp dưới nên bạn có thể học hỏi sự siêng năng, cần cù của họ. 

Khuyết điểm: Quá siêng năng nên sẽ đòi hỏi cao ở cấp dưới. Và ở nhiều công ty, khi sếp chưa về thì nhân viên vẫn phải ở lại. Nhiều người cứ lầm tưởng thời gian làm việc sẽ tỉ lệ thuận với hiệu suất, nhưng không phải vậy.

Cách ứng xử: Làm việc hết mình để hoàn thành công việc trong giờ làm việc, chăm chỉ nhưng phải đảm bảo nghỉ ngơi vào giờ ăn trưa, tan sở. Đừng vì cả nể mà nhịn ăn, nhịn nghỉ giải lao, ở lại tăng ca mỗi ngày… 

7. Quá cô đơn, cô độc 

Biểu hiện: Nói bất chấp, thích kể về bản thân, nói về quan điểm cá nhân, thích được trò chuyện.

Đối tượng: Sếp, người già, nhân viên ngành dịch vụ… 

Ưu điểm: Biết họ nghĩ gì. 

Khuyết điểm: Mất thời gian vì đôi khi họ cung cấp quá nhiều thông tin, nói quá nhiều chỉ vì họ cô đơn chứ không cung cấp thông tin hữu ích hay vì giao tiếp với mình. Nói đơn giản vì muốn có người nghe mình nói.

Cách ứng xử: Lắng nghe đúng lúc, khi không có thời gian cần khéo léo tìm cách rút lui.  

8. Thích người khác giới trẻ hơn mình nhiều tuổi

Biểu hiện: Thích gái, trai trẻ

Đối tượng: Nam, nữ từ 40 trở lên 

Ưu điểm: Đối xử nhẹ nhàng, dễ chịu với các cô gái trẻ, bạn trai trẻ  

Khuyết điểm: Vẫn xem các cô gái, bạn trai đôi mươi, nhỏ hơn mình hơn 20 tuổi, thậm chí có khi hơn cả 40, 50 tuổi là “đối tượng yêu đương” chứ không xem là con cháu.

Cách ứng xử: Nên giữ khoảng cách đúng mực, tránh thân thiết quá mức cần thiết. Đặc biệt tránh đi ăn riêng hay ở nơi chỉ 2 người với họ. Họ sẽ nghĩ là “hẹn hò”, mình “cũng có ý với họ” chứ không đơn thuần là “Cha - con, ông - cháu, chị - em, bà - cháu” đâu nhé. 

Tính cách tiêu biểu của du khách Nhật

9. Hướng ngoại

Biểu hiện: Rất thích người nước ngoài.

Đối tượng: Người Nhật từng du học, sinh sống ở nước ngoài, thích văn hoá Âu Châu...

Ưu điểm: Hiếu kì nhiều đến cuộc sống, văn hóa, ẩm thực ở nước ngoài nên có nhiều đề tài trò chuyện.

Khuyết điểm: Khi hết quan tâm đến thông tin của VN nhiều khi họ sẽ đột nhiên không liên lạc nữa. Hay nói tiêu cực về đất nước, con người Nhật Bản.

Cách ứng xử: Xem như là bạn bình thường, chia sẻ thông tin VN để họ biết. Đừng quá đặt nặng cảm xúc, tình cảm. Tham khảo để hiểu những mặt trái của xã hội Nhật.

10. Quá cuồng Nhật Bản

Biểu hiện: Mọi thứ của Nhật Bản đều là nhất.

Đối tượng: Người chưa từng ra nước ngoài, nhìn thấy quá nhiều tiêu cực của các nước khác, một số người lớn tuổi…

Ưu điểm: Biết được nhiều ưu điểm của Nhật Bản, bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích.

Khuyết điểm: Quá tự hào về nước Nhật, người Nhật… nên “xem nhẹ” những đất nước, quốc tịch khác nên sẽ cảm thấy bị thiếu tôn trọng. Đôi khi, người thuộc tuýp này mà còn thô lỗ thì sẽ  nói  những câu rất đau lòng, xúc phạm người nước khác…

Cách ứng xử: Nếu liên quan đến công việc thì đề nghị họ ăn nói, cư xử đúng mực. Nếu không liên quan thì “bơ đi mà sống” vì chỉ có người quá thô lỗ nên mới dùng những câu từ làm tổn thương người khác.

Một cá nhân sẽ mang nhiều xu hướng tính cách, có xu hướng nổi trội hơn các xu hướng còn lại. Cho nên, điều tôi chiêm nghiệm được là không nên áp đặt cách suy nghĩ của mình vào đối phương. Vì thực ra, mỗi con người là một cá thể riêng biệt, tư duy độc lập. Cũng chẳng thể yêu cầu ai phải thích và tôn trọng mình vì họ có quyền yêu ghét của riêng họ. Vì vậy, khi tiếp xúc với người Nhật, tôi cũng sẽ tìm hiểu, phân tích xem họ mang xu hướng tính cách nào nổi trội, hiểu bối cảnh của việc hình thành tính cách đó và cư xử cho phù hợp. 

Xem thêm bài viết cùng tác giả:

Nhật kí của Miiko Chan kì 1: N1 - Chớ vội tự hào!
Nhật kí Miiko Chan kì 2: Hành văn "chuẩn Nhật": Chuyện nhỏ! 

kilala.vn

Bài viết chia sẻ của chị Miiko Chan - chủ nhân blog https://miikochan.blog (du học 5 năm tại Tokyo, Chiba, tốt nghiệp ngành công nghệ Sinh học tại trường Tokyo Degital (Tokyo),có kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc tại các công ty Nhật, phiên dịch, giáo viên, MC song ngữ Việt - Nhật tại nhiều sự kiện.

Tags:

  • #công sở
  • #doanh nghiệp
  • #làm việc