Tính đến năm 1716 số dân đinh của thuận hóa tăng lên

NGÔ VĂN MINH*

Nguyễn Phúc Chu sinh năm Ất Mão (1675). Thuở nhỏ “hiếu học, chữ tốt, có tài lược văn võ”[1], lớn lên được phong Tộ Trường hầu, làm phủ đệ ở cơ Tả bính. Mùa xuân năm 1691, chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn mất, ông được tôn làm Tiết chế thủy bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Thái bảo Tộ quận công. Đến tháng 3 năm Quý Dậu (1693) được tôn xưng Thái phó Quốc công, lại dâng tôn hiệu là Quốc chúa, trở thành vị Chúa thứ 6 ở Đàng Trong, kể từ Tiên chúa Nguyễn Hoàng. Năm 1709, Nguyễn Phúc Chu cho đúc quốc ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bửu”. Ấn này về sau các chúa Nguyễn và vua Nguyễn lấy đó làm vật báu truyền ngôi. Khi mất, Nguyễn Phúc Chu được dân tôn thụy là Đô nguyên soái tổng quốc chính Khoan Từ Nhân Thứ Tộ Minh vương. Đến năm 1744, Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát truy tôn làm Anh Mô Hùng Lược Thánh Văn Tuyên Đạt Khoan từ Nhân Thứ Hiếu minh vương, miếu hiệu là Hiển tông.

Sự phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài bắt đầu manh nha từ khi Nguyễn Hoàng sau 8 năm ở Đông Đô, nhận thấy Trịnh Tùng đối với mình không còn mặn mà, công trạng cũng không được thưởng thêm, nên dựng lên cái cớ đi đánh dẹp vụ “nổi loạn” ở cửa biển Đại An để đưa tướng sĩ, binh thuyền bản bộ theo đường biển quay về Thuận Hóa vào tháng 11 năm 1600, rồi từ đó quyết định không ra Bắc nữa. Trong thời gian làm trấn thủ hai xứ Thuận Hóa – Quảng Nam, Nguyễn Hoàng đã thực hiện “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, chính sự khoan hoà, quân lệnh nghiêm trang, mở mang ngoại thương, khiến cho dân trong cõi đều an cư lạc nghiệp”[2] để làm kế dung thân lâu dài. Khi bệnh nặng, Nguyễn Hoàng căn dặn người con trai thứ 6 là Nguyễn [Phúc] Nguyên rằng “Đất Thuận, Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để đợi cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”[3].

Đến thời Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên thì sự ly khai với Triều đình Trung ương đã rõ ràng. Quân chúa Nguyễn đánh nhau một trận lớn với hơn 5.000 quân chúa Trịnh tại cửa biển Nhật Lệ vào năm 1620. Từ đó trở đi, Nguyễn Phúc Nguyên “tự mình chuyên chế một phương, quan liêu đều tự quyền cất đặt”[4], không nộp thuế cống, sức dân đắp lũy Trường Dực, cũng không nhận sắc phong của vua Lê. Các chúa Nguyễn kế tiếp từ Nguyễn Phước Lan đến Nguyễn Phước Tần và Nguyễn Phúc Trăn đều ra sức xây dựng Đàng Trong thành một lãnh thổ riêng để chống Mạc ở phía Bắc và mở rộng lãnh thổ về phía Nam.

Nguyễn Phúc Chu lên nắm chính quyền đã thực hiện theo lời di mệnh của cha là Nguyễn Phúc Trăn: “Con nay nối nghiệp, nên noi công đức của tổ tông, cầu hiền đãi sĩ, yêu dân thương quân, đừng tin lời nói gièm pha, đừng bỏ những lời ngay thẳng, để xây dựng nghiệp lớn, đó là điều đại hiếu”[5]. Cách trị vì xứ sở của ông vừa ân vừa uy. Vừa mới nắm giữ chính quyền ông đã thực hiện “chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má giao dịch, bớt việc hình ngục, trăm họ không ai không vui mừng”[6], nhưng đồng thời cũng kiên quyết dẹp yên nhiều vụ nổi loạn trong xứ như vụ nổi loạn của hai viên Chưởng cơ Huệ và Thông vào năm 1694, âm mưu tụ đảng xưng Linh vương ở các phủ Quảng Ngãi, Quy Ninh vào năm 1695. Đối với người dân tộc thiểu số ở miền núi thì hiểu dụ, nhưng nếu quấy phá cướp bóc thì đưa quân đánh dẹp, như đã dẹp yên được các cuộc quấy phá của một số người dân tộc thiểu số ở miền núi huyện Phú Vang (1697), ở Nam Bàn (miền núi Khánh Hòa hiện nay) vào năm 1708, ở Cam Lộ (Quảng Trị) vào năm 1714. Đối với người Chăm và người Chân Lạp Nguyễn Phúc Chu cũng dùng biện pháp vừa hiểu dụ vừa trấn áp. Ông Dụ các quan “nên để lòng thương yêu, không được bóc lột hà khắc” đối với họ. Tuy nhiên, ông cũng cương quyết sử dụng sức mạnh quân sự để chống mọi hành động tạo phản, như đã đánh dẹp hai lần nổi dậy của người Chăm trong năm 1693, và đánh dẹp cuộc tạo phản của người Chân Lạp trong các năm 1714 – 1715.

Nguyễn Phúc Chu nhiều lần thực hiện phép duyệt tuyển ở Đàng Trong. Duyệt tuyển là một điển lệ quan trọng của quốc gia, phải do triều đình ban hành, nhưng từ năm 1632 sau khi bãi bỏ các cơ quan hành chính của triều Lê, chúa Nguyễn Phúc Lan bắt đầu tự đặt ra phép duyệt tuyển ở Đàng Trong để biểu lộ không còn lệ thuộc vào Triều đình Trung ương nữa. Nay Nguyễn Phúc Chu ban phép duyệt tuyển mới gồm 22 điều quy định về số lượng quan chức các cấp, các loại dân chia ra từng hạng để đánh thuế và tuyển binh v.v…

Về ngoại thương, phải nói rằng các chúa Nguyễn đã sớm mở ra buôn bán với thương nhân các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Ở thời Nguyễn Phúc Chu, ngoại thương tiếp tục có tính chất quyết định đến mức, đối với Đàng Trong việc nhìn nhận năm tốt năm xấu không phải căn cứ vào mùa màng mà chính là số tàu thuyền đến nơi đây trong một năm nhiều hay ít. Bấy giờ có Công ty Ấn Độ của người Anh sau khi đóng cửa thương điếm ở Kẻ Chợ (Hà Nội), Nathaniel Higginson, chủ tịch công ty phái tàu Le Delphin và viên đại biện Bowyear mang thư đến chúa Nguyễn Phúc Chu xin mua bán hàng và thiết lập một thương điếm. Tuy được Nguyễn Phúc Chu hoan nghênh, nhưng sau đó “hoặc vì những lời bảo đảm tỏ ra không đủ đối với công ty Anh, hoặc những kết quả của chuyến đi của tàu Delphin được coi là ít khuyến khích, hoặc vì một nguyên do nào khác với những điều kiện của chính xứ Đàng Trong đưa ra, ý đồ của Higginson đã không được thực hiện”[7].

Quân đội Đàng Trong vốn được xây dựng quy củ từ thời các chúa Nguyễn Phúc Nguyên đến Nguyễn Phúc Trăn. Lực lượng quân đội đó không chỉ đủ sức phòng giữ mặt Bắc, không cho quân Trịnh vượt giới tuyến vào Đàng Trong và dũng mãnh đánh thắng quân Chăm ở mặt Nam mà còn đủ sức răn đe sự khiêu khích của tàu thuyền nước ngoài trên mặt biển. Đến thời Nguyễn Phúc Chu, cách tổ chức cũng như tập dượt, thao diễn của quân đội còn chuyên cần, nghiêm ngặt hơn trước bội phần, không chỉ thể hiện vai trò trong chiến trận mà còn đảm đương hầu hết các công việc nặng nhọc như xây dựng cung điện và lao động trong các công xưởng, như lời nhà sư Thích Đại Sán người Trung Quốc đến Đàng Trong vào năm 1695 cho biết “trong nước trăm thứ thợ đều do quân nhơn làm”. Tuy nhiên, nếu đúng như lời Thích Đại Sán thì chế độ bắt lính xem ra quá gắt gao: “Mỗi năm vào khoảng tháng ba, tháng tư, quân nhơn đi ra các làng, bắt dân từ 16 tuổi trở lên, những người thân thể cường tráng, đóng gông lại bằng một cái gông tre hình như cái thang nhưng hẹp hơn, để giải về phủ sung quân; vào quân đội rồi, mỗi người chuyên học một nghề; kế phân phái đi theo các chiến thuyền để luyện tập; có chiến tranh đem ra đánh giặc, lúc vô sự ở theo vương phủ làm xâu; tuổi chưa đến 60, chẳng được về làng cùng cha mẹ vợ con đoàn tụ”[8]. Ngoài bộ binh, Nguyễn Phúc Chu còn rất quan tâm tăng cường thực lực cho tượng binh, pháo binh và thủy binh. Trong đó, tượng binh đã đóng vai trò cốt yếu trong những trận đánh thắng quân Chiêm Thành ở phía Nam. Pháo binh cũng là niềm kiêu hãnh của Đàng Trong thời bấy giờ. Trong số đó có những khẩu có nguồn gốc từ phương Tây do các thương nhân phương Tây đem đến bán hoặc biếu để được miễn trừ thuế. Mặc dù từ năm 1614 đã có một người Âu tên là Jao Da Crux trông coi xưởng đúc súng tại Kim Long (gần phủ chúa ở Huế) đã đúc nhiều súng tay và đại bác và truyền nghề này cho thợ người Việt, nhưng theo lời của viên mại biện công ty Anh Thomas Bowyear đến Đàng Trong trong 2 năm 1695 - 1696, chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn còn hỏi ông xem có thể cung cấp cho Đàng Trong thêm những khẩu đại bác bắn đạn cỡ từ 7 đến 8 livre hay không (tức bằng khoảng 3,5 đến 4kg)[9].

Lực lượng thủy binh ở Đàng Trong vốn từng đánh thắng tàu Hà Lan ở vùng biển Cửa Eo vào năm 1641 dưới thời Nguyễn Phúc Tần, đến thời Nguyễn Phúc Chu số lượng chiến thuyền tăng lên rất nhiều. Theo C. Borri cho biết, vào thời điểm năm 1618 luôn có tới một trăm thuyền chiến có đủ súng ống và nghiêm chỉnh ngênh chiến[10]. Khi xảy ra trận hải chiến với người Hà Lan năm 1642, Đàng Trong có từ 230 – 240 chiến thuyền. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu chiến thuyền tăng lên 700 – 800 chiếc. Theo Thomas Bowyear cho biết thì lực lượng thủy quân ở Đàng Trong có 200 chiến thuyền lớn (có từ 50 – 76 tay chèo), mỗi chiếc có từ 16 đến 22 khẩu đại bác, 500 chiến thuyền nhỏ từ 40 đến 44 tay chèo. Chiến thuyền lớn có chiếc trọng tải lên đến 400 tấn. Việc thao diễn tượng binh, thủy binh và bộ binh rất thuần thục, mỗi lần thao diễn có khi đến nửa tháng. Trong những lần thao diễn đó Nguyễn Phúc Chu đều đến duyệt và có ban thưởng. Thích Đại Sán kể lại quang cảnh cả một đoàn chiến thuyền, mỗi chiếc có 64 người lính đứng chèo, khi tiến khi thoái, lúc quặt sang phải lúc bẻ sang trái, phân tán, tập trung đều răm rắp theo tiếng lệnh. Khi ra đến sông lớn thì sắp thành từng hàng, quân lính chèo đi như tên bắn[11], còn việc thao diễn tượng binh thì voi sắp từng hàng 10 con, mỗi con có 3 người đứng trên lưng, cùng với 500 quân cầm đao thương và đuốc châm lửa. Khi cờ lệnh phất lên, ba quân múa đao thương xông tới đánh nhau với đoàn voi[12]. Việc phòng ngự ở mặt Bắc của Đàng Trong cũng nghiêm ngặt hơn. Trong hai năm 1700 và 1701, Nguyễn Phúc Chu cho sửa đắp lũy chính từ núi Đâu Mâu đến cửa biển Nhật Lệ, lại cho lập thêm đàì súng lớn ở hai lũy Trấn Ninh và Sa Phu, sai các dinh Lưu Đồn và Quảng Bình sửa sang đồn lũy, cầu cống, đường sá, đặt thêm nhiều sở tuần để trông coi. Trong đó, quân bộ binh Quảng Bình chia đặt 26 sở tuần trên chính lũy. Quân thủy bộ dinh Bố Chính đặt 36 sở tuần.

Công cuộc Nam tiến mở mang lãnh thổ về phương Nam của dân tộc Việt ở thế kỷ XI chỉ mới tiến xuống được vùng đất Quảng Bình hiện nay. Đến thời Trần mới mở đến huyện Điện Bàn phía bắc tỉnh Quảng Nam và sang nhà Hồ, sau khi chiếm được đất Cổ Lũy và Chiêm Động của Chiêm Thành vào năm 1402, đặt làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (từ bờ nam sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam đến huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi hiện nay), sang năm sau (1403) Hồ Hán Thương lại đưa quân đi đánh tiếp với tham vọng sẽ chiếm hết đất Chiêm Thành, cho tới tận biên giới Xiêm, chia làm châu huyện, nhưng trên thực tế cũng chỉ đánh tới được thành Chà Bàn rồi quay về giữ biên giới Đại Ngu đến vùng đất Tư Nghĩa. Đến tận thời hậu Lê mới mở tới phía nam tỉnh Bình Định. Cuộc nam chinh của Lê Thánh Tông vào năm 1471 tuy diễn ra oanh liệt như vậy, nhưng vị vua này cũng đành phải chấp nhận lấy núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) ở cuối tỉnh Phú Yên làm đường phân giới với Chiêm Thành. Tuy nhiên, trên thực tế thì triều đình chỉ cai quản được tới đất Bình Định. Từ thời Nguyễn Hoàng đến thời Nguyễn Phúc Trăn lãnh thổ Đàng Trong được mở mang thêm đến Khánh Hòa: Năm 1611 lập thêm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa (nay thuộc Phú Yên). Năm 1653 lập thêm phủ Diên Khánh (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa). Đến thời Nguyễn Phúc Chu thì công việc mở mang lãnh thổ về phương Nam và di dân lập ấp, kiến lập các đơn vị hành chính được đẩy mạnh hơn. Năm 1692, do vua Chiêm là Bà Tranh đem quân đắp lũy, cướp giết dân phủ Diên Ninh, ông cho Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Đình Quang đem quân đi đánh, lấy đất từ Phan Rí, Phan Rang trở về phía tây đặt làm hai huyện An Phước và Hòa Đa thuộc phủ Bình Thuận, đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành, sai định điển lệ để quản lý người Chăm. Đối với đất Chân Lạp, tuy từ đầu thế kỷ 17 đã có lưu dân người Việt đến khẩn đất ở vùng Mô Xoài (Bà Rịa), Đồng Nai (Biên Hòa) lập ra những làng người Việt đầu tiên ở đây, và đến năm 1623 chúa Nguyễn đã cho lập thương điếm ở Prey Kôr (tức Sài Gòn ngày nay), lại phái một tướng đến đóng, lấy cớ giúp chính quyền Chân Lạp giữ gìn trật tự và sau đó có một vài lần cử binh vào giúp triều đình Chân Lạp ổn định sau những cuộc tranh giành quyền lực, nhưng vùng đất Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay lúc đó vẫn còn do Triều đình Chân Lạp cai quản. Chỉ đến năm 1698, Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược mới lấy đất Đồng Nai màu mỡ đặt làm hai huyện Phước Long và Tân Bình thuộc phủ Gia Định, lập hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn rồi cho chiêu mộ lưu dân người Việt từ Bố Chính trở vào đến ở, thiết lập xã, thôn, phường, ấp, chia cắt giới phận, cho họ khai khẩn ruộng đất, lập sổ bộ để đánh thuế tô dung, làm sổ đinh, đồng thời cho lập hai xã Thanh Hà và Minh Hương cho những người Tàu đến buôn bán ở hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn nhập tịch để họ trở thành dân hộ của Đàng Trong. Đến đây, Nguyễn Phúc Chu đã “mở rông đất được nghìn dặm, được hơn bốn vạn hộ”[13]. Sự kiện này đánh dấu việc chúa Nguyễn đã xác lập quyền quản lý về mặt nhà nước đối với các xứ Đồng Nai, Sài Gòn, sáp nhập hẳn vào lãnh thổ Đàng Trong. Bắt đầu từ đó, “Sài Gòn – Gia Định đã trở thành trung tâm hành chính – chính trị và đang từng bước hình thành một trung tâm kinh tế và văn hóa của vùng đất mới”[14]. Nguyễn Phúc Chu còn đi xa hơn nữa trong việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đến tận vùng đất cực nam, đó là vùng đất Hà Tiên và ra tận đảo Côn Lôn.

Vùng đất Hà Tiên vốn do nhóm Mạc Cửu vì việc nhà Minh mất đã bỏ chạy sang Chân Lạp chọn vùng Soài Mạt chiêu tập dân xiêu bạt để lập thành xã thôn, với ý đồ biến nơi đây thành khu vực cát cứ của dòng họ mình. Đến đầu thế kỷ 17I, trước tình hình phát triển nhanh chóng của khu vực Gia Định, và trên thực tế quân chúa Nguyễn do Trương Phúc Phan chỉ huy lập kế đánh tan âm mưu chiếm cứ đảo Côn Lôn của lái buôn người Anh trong năm 1703, năm 1708 Mạc Cửu quyết định đem toàn bộ vùng đất đang cai quản về với Chúa Nguyễn. Nguyễn Phúc Chu đã trao cho Mạc Cửu chức Tổng binh. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quá trình mở rộng chủ quyền của các chúa Nguyễn trên vùng đất Nam Bộ. Xét riêng Nguyễn Phúc Chu, chỉ trong 17 năm ông đã mở rộng lãnh thổ Đàng Trong từ Phan Rí, Phan Rang đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau, bao gồm cả các hải đảo ngoài Biển Đông và vịnh Thái Lan.

Phật giáo được các chúa Nguyễn xiển dương. Ngay sau khi vào trấn thủ Thuận Hóa và Quảng Nam, Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng một số chùa, như xây chùa Thiên Mụ vào năm 1601 ở Huế “để tụ khí thiêng, cho bền long mạch”, năm sau tổ chức trai đàn và làm lễ bố thí tại chùa này. Lại cho dựng chùa Sùng Hóa ở huyện Phú Vang cũng thuộc dinh Thuận Hóa. Năm 1607 cho xây chùa Bửu Châu ở xã Trà Kiệu và sau đó là chùa Long Hưng ở phía đông trấn dinh Quảng Nam (hai chùa này đều thuộc huyện Duy Xuyên hiện nay[15]). Các chúa Nguyễn sau đó còn cho nhiều vị cao tăng đến Đàng Trong lập chùa hoằng dương Phật pháp. Sự sùng tín Phật giáo càng thể hiện rõ hơn ở Nguyễn Phúc Chu. Ông có pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng đạo nhân. Nguyễn Phúc Chu cho trang hoàng cung điện như một ngôi chùa Phật giáo, tôn thiền sư Hưng Liên thuộc phái Tào Động trú trì chùa Tam Thai (Núi Non Nước thuộc thành phố Đà Nẵng hiện nay) làm Quốc sư, ban thụy hiệu Hạnh Đoan Thiền Sư cho sư Nguyên Thiều cùng với biển ngạch, câu đối cho các chùa nơi sư Nguyên Thiều trú trì. Trong thời gian trị vì của ông, có nhiều chùa lớn do các vị thiền sư người Trung Hoa thuộc thiền phái Lâm Tế lập nên như chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi do thiền sư Pháp Hóa khai sơn năm 1694. Chùa này được Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự” vào năm 1716. Tiếp theo là chùa Từ Lâm ở Huế do thiền sư Từ Lâm dựng năm 1697, chùa Ân Tôn (tức chùa Từ Đàm ở Huế) của thiền sư Tử Dung được dựng vào năm 1703, chùa Chúc Thánh (ở Quảng Nam) do thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo khai sơn, và các chùa Phúc Lâm, Vạn Đức cùng một môn phái cũng được xây dựng ở Quảng Nam. Chùa Thiền Tông ở núi Thiên Thai do thiền sư Liễu Quán quê ở tỉnh Phú Yên, là người có công lớn trong việc Việt hóa thiền phái Lâm Tế ở Đàng Trong, dựng vào năm 1708. Nhất là sự kiện Nguyễn Phúc Chu cho người sang tận Trung Hoa mời hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán sang truyền giới và tham vấn việc trị nước trong hai năm 1695 - 1696. Hòa thượng Thạch Liêm đã khuyên Nguyễn Phúc Chu: “Việc trai giới chẳng phải chỉ giữ cho sạch miệng, sạch mình, tư tưởng trong sạch mà thôi. Việc trai giới của nhà vua, cần phải đem việc quốc gia trên dưới thanh lý chỉnh tề, không một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thỏa đáng, như thế mới gọi là viên mãn. Nay trước hết, nên thanh lý oan ngục, tha tù bị giam cầm, chẩn cấp kẻ nghèo thiếu, khởi dụng kẻ yêm trệ, bãi bỏ cấm điều nghiêm khắc, thương xót kẻ buôn bán, thi ân cho thợ thầy. Nói tóm lại nên đem tất cả các việc giúp người lợi vật, châm chước cử hành”[16]. Sau khi thọ Bồ Tát giới với hòa thượng Thạch Liêm, Nguyễn Phúc Chu cho đại trùng tu chùa Thiền Lâm ở gần phủ Dương Xuân là cung điện mùa đông của chúa thành một tòa phương trượng. Đến năm 1710 cho đúc chuông lớn nặng 3.285 cân, để vào chùa Thiên Mụ, cúng Tam Bảo lâu dài. 4 năm sau (1714) cho đại trùng tu ngôi chùa này và cho mua hơn một ngàn quyền Kinh, Luật, Luận để ở tự viện. Tiếp đến, năm 1716, Nguyễn Phúc Chu lại cho trùng tu chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, sang năm 1721 cho lập chùa Hoàng Giác ở xã Hiền Sĩ (nay thuộc huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế).

Như vậy, Phật giáo đã được các chúa Nguyễn - kể từ Nguyễn Hoàng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Đến thời Nguyễn Phúc Chu càng có nhiều cơ hội xiển dương hơn. Tất nhiên, các chúa Nguyễn vẫn sử dụng Nho giáo để duy trì thế đạo, còn Phật giáo thì sử dụng để khai hóa nhân tâm. Nguyễn Phúc Chu vừa bảo trợ cho việc xây dựng các chùa Phật giáo ở Đàng Trong, vừa tiếp tục mở các khoa thi Nho học để tuyển chọn nhân tài, lại cho lập Văn Miếu ở dinh Trấn Biên vào năm 1715. Trong thời gian trị vì của mình ông đã tổ chức tất cả 8 khoa thi cung cấp cho guồng máy hành chánh ở Đàng Trong bấy giờ đên 484 người. Những người đỗ giám sinh được bổ tri phủ, sinh đồ bổ tri huyện, nhiêu học bổ huấn đạo, hoa văn và thám phỏng bổ vào ba ty. Trong khi đó, từ thời Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần đến Nguyễn Phúc Trăn chỉ tổ chức được 7 khoa thi, lấy đỗ 140 người. Tuy số lượng người đỗ trong các khoa thi thời Nguyễn Phúc Chu nhiều nhưng việc tổ chức thi rất nghiêm túc. Khoa thi năm 1694 lấy được nhiều nhất, đến 225 người, nhưng khoa năm 1721 chỉ lấy được 2 người. Riêng khoa thi năm Quý Mão 1723 lúc đầu lấy được 77 người, nhưng sau đó chính chúa Nguyễn Phúc Chu ra đề phúc khảo lại, sĩ tử không làm được bài, đều bị Chúa truất hết.

Công cuộc kinh dinh xứ Đàng Trong dưới thời Nguyễn Phúc Chu cho thấy, trong thời gian trị vì 34 năm từ 1691 đến 1725, vị chúa này đã tiếp tục sự nghiệp của các chúa Nguyễn đời trước làm cho lãnh thổ Đàng Trong được mở mang, biên phòng nghiêm mật, trong cõi yên ổn, nhân dân đông đúc, Phật giáo được hộ trì, đến mức năm 1702, quần thần triều Thanh đã tâu với vua Thanh rằng: “Nước Quảng Nam [tức Đàng Trong] hùng thị một phương. Chiêm Thành, Chân Lạp đều bị thôn tính, sau tất sẽ lớn”[17].

Tính đến năm 1716 số dân đinh của thuận hóa tăng lên


* Tiến sĩ, Phó Trưởng khoa Dân tộc và Tôn giáo, Tín ngưỡng. Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III.

[1] Lê Quý Đôn toàn tập, T.1, NXB.  KHXH, H, 1997, tr 64.

[2] Lê Quý Đôn toàn tập, T.1, NXB.  KHXH, H, 1997, tr  50.

[3] Đại Nam thực lục, T.1, NXB. Giáo dục, H, 2002, tr 37.

[4] Đại Nam thực lục, T.1, sđd, tr. 45.

[5] Đại Nam thực lục, T.1, sđd, tr. 104.

[6] Đại Nam thực lục, T.1, sđd, tr. 106.

[7] Charles B. Maybon, Những người châu Âu ở nước Annam, NXB. Thế giới, H, 2006, tr. 52.

[9] Những người châu Âu ở nước An Nam, sđd, tr 74.

[10] Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, NXB. TPHCM, 1998, tr 84 – 85.

[11] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 132-133.

[12] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 92.

[13] Đại Nam thực lục, T.1, sđd, tr. 111.

[14] Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, NXB. Thế giới, H, 2006, tr. 33.

[15] Khi viết Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Quảng Nam), Quốc sử quán triều Nguyễn chỉ cho biết chùa Long Hưng ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên nhưng không xác định được cụ thể ở chỗ nào, chỉ “chép lại để giữ tên cổ”. Cách đây mấy năm, tác giả bài viết này trong một lần đi thực tế tại địa bàn thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) để tìm hỏi về ngôi chùa Long Hưng. Khi đến chùa Hưng Phước được sư trụ trì Thích Huệ Thới đã 84 tuổi nói ngay chính chùa Hưng Phước trước có tên là chùa Long Hưng. Chùa Hưng Phước trước vốn quay mặt về hướng đông, trong chiến tranh bị đổ nát do quân Đại Hàn (Nam Triều Tiên) bắn phá, sau ngày giải phóng mới xây lại cách chỗ cũ vài chục mét. Cũng xin nói thêm, cách chùa Hưng Phước không xa còn có chùa Long Phước, theo giải thích của người địa phương thì vốn trước kia chỉ có một chùa là Long Hưng nằm trên địa bàn một làng, nhưng về sau do tách làng nên mới xây thêm một ngôi chùa mới và khi đặt tên, mỗi chùa lấy một chữ của tên chùa cũ. Do đó mà có chữ Long và chữ Hưng cho tên mới của mỗi chùa.

[16] Hải ngoại kỷ sự, sđ d, tr. 97.

[17] Đại Nam thực lục, T.1, sđd, tr 115.

Tin tức khác