Tm ban chấp hành là gì

Thưa luâtj sư, Xin giải đáp giúp: Một rường THCS [có số CB, GV dưới 30 người] được phép bầu mấy người vào Ban chấp hành công đoàn và có các chức danh gì?

Xin hỏi Ban tư vấn:

- Một rường THCS [có số CB, GV dưới 30 người] được phép bầu mấy người vào Ban chấp hành công đoàn và có các chức danh gì?

- Trưởng ban thanh tra nhân dân là người thuộc trong BCH công đoàn đúng không? Người đồng thời giữ chức Phó chủ tịch công đoàn và đồng thời là Ủy viên kiểm tra [UBKT] của công đoàn có hợp lý không?

Xin ban tư vấn giúp đỡ! Xin chân thành cảm ơn.

Người gửi: H.T

 

Trả lời:

Câu hỏi thứ nhất của bạn là: "- Một trường THCS [có số CB, GV dưới 30 người] được phép bầu mấy người vào Ban chấp hành công đoàn và có các chức danh gì?"

Số người được bầu vào ban chấp hành công Đoàn được quy định tại Điều 13 trong Điều lệ Công Đoàn Việt Nam 2013 được sửa đổi bởi Điều 9 Hướng dẫn Số: 238/HD-TLĐ:

"9. Ban Chấp hành Công đoàn các cấp Theo Điều 13

9.1. Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận do ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn quyết định công nhận.

9.2. Số lượng ủy viên ban chấp hành công đoàn mỗi cấp do đại hội công đoàn cấp đó quyết định, theo quy định sau:

- Ban chấp hành công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận: Từ 03 đến 07 ủy viên.

- Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở thành viên: Từ 03 đến 15 ủy viên. Công đoàn cơ sở có từ 3.000 đoàn viên trở lên không quá 19 ủy viên.

- Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Không quá 27 ủy viên. Riêng ban chấp hành công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn không quá 35 ủy viên.

- Ban chấp hành công đoàn ngành trung ương và tương đương, ban chấp hành LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng Liên đoàn không quá 39 ủy viên; Trường hợp công đoàn ngành trung ương, LĐLĐ tỉnh, thành phố có từ 100.000 đoàn viên trở lên ban chấp hành không quá 49 ủy viên. Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Mình không quá 55 ủy viên.

Trường hợp cần phải tăng thêm số lượng ban chấp hành vượt quá quy định phải được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý. số lượng ban chấp hành tăng thêm không vượt quá 10% so với quy định trên.

9.3. Chỉ định ban chấp hành lâm thời công đoàn:

a. Công đoàn cấp trên trực tiếp có quyền chỉ định ban chấp hành lâm thời công đoàn cấp dưới và các chức danh trong cơ quan thường trực của ban chấp hành lâm thời công đoàn [quyết định bằng văn bản] trong các trường hợp sau:

- Khi thành lập mới các công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận.

- Khi ban chấp hành bị thi hành hình thức kỷ luật giải tán.

- Khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức các công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận do yêu cầu sắp xếp lại về tổ chức, sản xuất, kinh doanh, hoặc thay đổi địa giới hành chính...

- Khi nâng cấp công đoàn cơ sở thành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

- Khi công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận quá thời gian kéo dài theo quy định của Điều lệ mà không thể tổ chức được đại hội theo nhiệm kỳ.

- Khi khuyết số lượng ban chấp hành quá một phần ba [1/3] đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên, quá một phần hai [1/2] đối với công đoàn cơ sở, mà không tổ chức được đại hội bất thường theo quy định tại mục 8.3. Chương II của Hướng dẫn này.

b. Thời gian hoạt động của ban chấp hành lâm thời công đoàn không quá 12 tháng. Trường hợp quá 12 tháng chưa tổ chức được đại hội thì công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định bằng văn bản cho phép kéo dài thời gian hoạt động của ban chấp hành lâm thời nhưng không quá 6 tháng; hoặc chấm dứt hoạt động của ban chấp hành lâm thời công đoàn cũ và chỉ định ban chấp hành lâm thời công đoàn mới.

c. Khi giải thể tổ chức công đoàn thì đồng thời chấm dứt hoạt động của ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn.

9.4. Bổ sung ủy viên ban chấp hành công đoàn.

Trường hợp bổ sung khi khuyết ủy viên ban chấp hành, hoặc cần bầu bổ sung ủy viên ban chấp hành vượt quá số lượng đã được đại hội thông thông qua, thì ban chấp hành công đoàn cấp đó phải đề nghị bằng văn bản lên công đoàn cấp trên trực tiếp và phải được sự đồng ý bằng văn bản của công đoàn cấp trên trực tiếp.

Trình tự bầu bổ sung ủy viên ban chấp hành:

- Công bố văn bản của công đoàn cấp trên đồng ý cho bầu bổ sung ủy viên ban chấp hành.

- Tiến hành bầu cử theo nguyên tắc, thể lệ bầu cử.

Người đã thôi tham gia ban chấp hành thì không tham gia bầu cử bổ sung ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành. Người được bầu bổ sung ban chấp hành có quyền ứng cử, đề cử và biểu quyết ngay sau khi công bố trúng cử ban chấp hành.

9.5. Ban chấp hành công đoàn cấp trên thực hiện quyền đại diện ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở khi có yêu cầu của tập thể người lao động đề nghị theo quy định của pháp luật và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam."

Theo quy định tại mục A Hướng dẫn 398/HD-TLĐ năm 2012 về công tác nhân sự Ban chấp hành tại Đại hội Công Đoàn các cấp tiến tới đại hội Công Đoàn Việt Nam.

A- Yêu cầu xây dựng ban chấp hành. Tiêu chuẩn chung của ủy viên ban chấp hành. Điều kiện tham gia ban chấp hành. Cơ cấu ban chấp hành:

1. Yêu cầu xây dựng ban chấp hành:

- Ban chấp hành công đoàn do đại hội bầu ra phải thực sự có bản lĩnh đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

- Xây dựng ban chấp hành công đoàn phải lấy chất lượng, tiêu chuẩn là chính; có số lượng và cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện ở các cấp, các địa bàn và lĩnh vực hoạt động công đoàn.

- Cấu tạo ban chấp hành cần kết hợp hài hòa giữa 3 độ tuổi, cơ cấu phải trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn. Những nơi cần cơ cấu ủy viên ban chấp hành, nhưng không lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì không gò ép giới thiệu người tham gia ban chấp hành.

- Việc giới thiệu nhân sự phải đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy trình, đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

2. Tiêu chuẩn chung của ủy viên ban chấp hành:

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng; nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn; có uy tín, có phương pháp hoạt động quần chúng và khả năng đoàn kết tập hợp được đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ; có tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.

- Có năng lực tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực công tác công đoàn và tham gia quyết định các chủ trương công tác của ban chấp hành công đoàn; có kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật; có kỹ năng hoạt động và nghiệp vụ công tác công đoàn.

- Có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể và tổ chức giao.

- Có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có đạo đức, lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị; không cục bộ bản vị, cơ hội; không lãng phí, tham nhũng và bao che cho tham nhũng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí.

Căn cứ tiêu chuẩn trên, các cấp công đoàn cần cụ thể hóa cho sát yêu cầu nhiệm vụ của từng cấp công đoàn.

3. Điều kiện tham gia ban chấp hành:

Người tham gia ban chấp hành ngoài đảm bảo theo tiêu chuẩn, còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Về tham gia ban chấp hành lần đầu: Có đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất trọn một nhiệm kỳ đại hội công đoàn.

- Về tái cử ban chấp hành: Có đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất 1/2 nhiệm kỳ. Những trường hợp còn thời gian công tác dưới 1/2 nhiệm kỳ sẽ do công đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp xem xét quyết định cụ thể.

- Người tham gia BCH phải có lý lịch rõ ràng, tự nguyện và có điều kiện tham gia các hoạt động của ban chấp hành.

4. Cơ cấu ban chấp hành công đoàn:

- Ban chấp hành công đoàn các cấp được cấu tạo theo hướng có cơ cấu, số lượng hợp lý, đảm bảo chất lượng, có tính kế thừa và sự phát triển, được chuẩn bị theo quy trình dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc.

- Trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn ủy viên BCH công đoàn là chính, cần có cơ cấu hợp lý, đảm bảo tính đại diện của đoàn viên để đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở mỗi cấp công đoàn, nhưng nhất thiết không vì cơ cấu mà làm giảm chất lượng ủy viên ban chấp hành.

- Ban chấp hành công đoàn các cấp cần có 3 độ tuổi [dưới 40 tuổi, từ 40 đến dưới 50 tuổi, từ 50 tuổi trở lên] bảo đảm tính phát triển, kế thừa, trẻ hóa và phát triển theo hướng tăng cường cán bộ nữ, phấn đấu đạt 30% nữ trong ban chấp hành công đoàn các cấp. Coi trọng cơ cấu đoàn viên trực tiếp thực hiện nghiệp vụ, sản xuất, là dân tộc ít người [nơi có đông đoàn viên dân tộc ít người], người ngoài đảng trong các thành phần kinh tế.

B- Công tác chuẩn bị nhân sự ban chấp hành.

I- Thành lập tiểu ban nhân sự.

1. Ban thường vụ quyết định thành lập tiểu ban nhân sự đại hội gồm:

+ Chủ tịch [trưởng tiểu ban].

+ Các phó chủ tịch [phó tiểu ban].

+ Trưởng ban tổ chức [ủy viên thường trực].

+ Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

+ Một số ủy viên ban thường vụ [nếu cần].

Tiểu ban nhân sự có nhiệm vụ giúp ban thường vụ xây dựng phương hướng cấu tạo ban chấp hành khóa mới, quy trình và kế hoạch giới thiệu nhân sự; triển khai thực hiện quy trình và kế hoạch giới thiệu nhân sự, lập danh sách nhân sự dự kiến tham gia ban chấp hành khóa mới; làm việc với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn, đoàn thể liên quan trong công tác chuẩn bị nhân sự.

Ban Tổ chức [hoặc cán bộ làm công tác tổ chức] giúp tiểu ban nhân sự thực hiện các công việc của tiểu ban.

2. Xây dựng phương hướng cấu tạo ban chấp hành khóa mới, quy trình và kế hoạch giới thiệu nhân sự.

- Ban thường vụ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương hướng cấu tạo ban chấp hành, quy trình và kế hoạch giới thiệu nhân sự.

- Hội nghị ban chấp hành thông qua phương hướng cấu tạo ban chấp hành khóa mới, quy trình và kế hoạch giới thiệu nhân sự. Giao cho ban thường vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện.

Các chức danh trong Ban chấp hành Công Đoàn là: chủ tịch BCH, Phó chủ tịch BCH, Uỷ viên BCH, Đoàn viên.

Trên đây là tư vấn của Luật Minh Khuê, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp.  

 

2. Trong một nhiệm kỳ đại hội được kiểm tra Công đoàn các cấp mấy lần ?

Thưa luật sư, xin Luật sư cho hỏi: trong một nhiệm kỳ đại hôi công đoàn [5 năm] thì ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên được phép kiểm tra một công đoàn cấp dưới mấy lần ?

'Cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn luật Dân sự trực tuyến, gọi: 1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

Tại mục 27 Chương 8 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ Hướng dẫn thi hành điều lệ công đoàn quy định về công tác kiểm tra như sau:

" 27. Công tác kiểm tra của công đoàn theo Điều 39.

27.1. Công đoàn các cấp có nhiệm vụ tiến hành công tác kiểm tra ở cấp mình, cấp dưới và chịu sự kiểm tra của công đoàn cấp trên.

27.2. Ban chấp hành công đoàn các cấp quyết định chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra của cấp mình và chỉ đạo công đoàn cấp dưới xây dựng chương trình kế hoạch công tác kiểm tra toàn khóa, hàng năm về việc chấp hành Điều lệ công đoàn, thực hiện nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chương trình của ban chấp hành cấp mình và cấp trên, giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra.

27.3. Ban chấp hành công đoàn các cấp báo cáo công tác kiểm tra [trong báo cáo chung] trước đại hội

27.4. Ban thường vụ công đoàn các cấp chịu trách nhiệm trước ban chấp hành về tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra về chấp hành Điều lệ Công đoàn, thực hiện nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chương trình của ban chấp hành cấp mình và cấp trên, giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra."

Như vậy, việc kiểm tra của công đoàn thực hiện theo chương trình kế hoạch toàn khóa và hằng năm không quy định về số lần cụ thể. Bài viết tham khảo thêm:Cơ cấu, tổ chức của Ban chấp hành Công Đoàn ?

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay tới số: 1900.6162 để được giải đáp.

 

3. Cách chức Chủ tịch ban chấp hành công đoàn cơ sở của một công ty ?

Chào luật Minh Khuê, cho mình hỏi: ai là người có thẩm quyền cách chức Chủ tịch ban chấp hành công đoàn cơ sở của một công ty ? Trường hợp nào thì bị cách chức ?

Chân thành cảm ơn.

 

Luật sư tư vấn:

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 , các hình thức xử lý kỷ luật của Bộ luật lao động 2019 bao gồm các trường hợp sau đây:

"Điều 124. Hình thức xử lý kỷ luật lao động

1. Khiển trách.

2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

3. Cách chức.

4. Sa thải."

Nếu công ty bạn xử lý kỷ luật lao động với cán bộ công đoàn theo các hình thức dưới đây thì bên bạn phải trao đổi với bên công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn 2012:

"Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình."

Trường hợp nào được cách chức cần căn cứ vào nội quy công ty. Việc xử lý kỷ luật phải do người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được ủy quyền tiến hành. Tham khảo bài viết liên quan: Thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

 

4. Cơ cấu số lượng Ban chấp hành công đoàn cơ sở doanh nghiệp ?

Thưa luật sư, tôi xin phép được tư vấn một việc liên quan đến Công đoàn cơ sở tại DN như sau: Cơ cấu số lượng BCH Công đoàn cơ sở thuộc DN có trên 30 đoàn viên công đoàn thì bao nhiêu người ? Được quy định tại Điều, khoản và văn bản nào?

Xin được trả lời ngắn gọn nhất. Rất mong nhận được sự tư vấn từ luật sư. Trân trọng cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Điều lệ Công Đoàn Việt Nam 2013 số lượng Ủy viên Ban Chấp hành cấp nào do Đại hội Công đoàn cấp đó quyết định và không vượt quá số lượng quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thêm vào đó, theo quy định tại Điều 9, Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ năm 2014 thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ban hành thì số lượng uỷ viên ban chấp hành công đoàn mỗi cấp nói chung và số lượng ban chấp hành cơ sở nói riêng do đại hội công đoàn cấp đó quyết định, theo đó: Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở thành viên: Từ 03 đến 15 uỷ viên. Công đoàn cơ sở có từ 3.000 đoàn viên trở lên không quá 19 uỷ viên.

Như vậy, số lượng ủy viên ban chấp hành cơ sở đối với công đoàn cơ sở có dưới 3000 đoàn viên thì có từ 03 đến 15 ủy viên, còn đối với công đoàn cơ sở có trên 3000 đoàn viên thì có 19 ủy viên ban chấp hành. Đối với trường hợp của bạn, doanh nghiệp có trên 30 đoàn viên thì số lượng ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở là từ 03 đến 15 ủy viên. Từ quy định đó, doanh nghiệp có thể xây dựng ban chấp hành công đoàn theo hướng có cơ cấu, số lượng hợp lý, đảm bảo chất lượng, có tính kế thừa và sự phát triển, được chuẩn bị theo quy trình dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

 

5. Quyền thành lập, tham gia công đoàn trong luật quốc tế và Việt Nam

Sau gần 20 năm được ban hành và áp dụng, nhiều quy định của Luật Công đoàn năm 1990 đã trở nên hạn chế, bất cập so với điều kiện kinh tế, xã hội và các quan hệ lao động đa dạng trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Ngoài những hạn chế về sự vắng mặt của các chế tài, các quyền của công đoàn cơ sở quá nhiều dẫn đến việc thực hiện một số quyền chỉ mang tính hình thức… Luật Công đoàn còn thể hiện một số hạn chế so với các quy định ở cấp độ quốc tế trong việc trao quyền thành lập, tự nguyện gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.

Quyền tự do công đoàn là quyền cơ bản của người lao động. Quyền này là một trong những yếu tố thể hiện nền dân chủ và sự phát triển của một quốc gia. Nói cách khác, nền dân chủ và sự phát triển bền vững về kinh tế của một quốc gia sẽ không tồn tại nếu một bộ phận dân cư bị tước đi quyền được tự thành lập các tổ chức để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Do đó, tôn trọng nguyên tắc tự do công đoàn là việc làm hàng đầu để các mối quan hệ trong hoạt động nghề nghiệp được vận hành tốt và để cho nền dân chủ của một quốc gia được phát huy tích cực.

Trong luật lao động quốc tế, tôn trọng quyền tự do công đoàn được xem như là một nguyên tắc cơ bản trong lao động. Quyền này bao gồm quyền của mọi người lao động được tự do thành lập, tham gia hoặc không tham gia vào các công đoàn khác nhau. Do đó, theo các công ước quốc tế của Liên hợp quốc và Tổ chức lao động quốc tế, tất cả người lao động đều có quyền tự do thành lập, tham gia vào các công đoàn, nếu việc thành lập, tham gia đó không trái với trật tự công cộng hoặc xâm phạm an ninh, lợi ích của quốc gia sở tại.

Tại Việt Nam, do nhiều nguyên nhân nên việc phê chuẩn những công ước quốc tế liên quan đến công đoàn, đặc biệt là các công ước của Tổ chức lao động quốc tế, chưa thể thực hiện được. Do đó, người lao động tại Việt Nam, bao gồm cả lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài, chưa có cơ hội thực hiện quyền tham gia thành lập và gia nhập vào các công đoàn một cách đầy đủ như những quyền được ghi nhận trong các công ước quốc tế của hai tổ chức quốc tế nói trên.

Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua điện thoại [24/7] gọi: 1900.6162

1. Quyền thành lập, tham gia công đoàn trong luật quốc tế

Ở cấp độ quốc tế, quyền tự do công đoàn được bảo vệ chủ yếu bởi các điều ước quốc tế đa phương của Liên hợp quốc và Tổ chức lao động quốc tế.

Trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, quyền tự do công đoàn được thể hiện và đảm bảo bởi các văn kiện quan trọng về quyền con người nói chung và quyền của người lao động nói riêng. Trước tiên, chúng ta phải kể đến một văn kiện mang tính chất khuyến nghị, đó là Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948. Dù không có giá trị pháp lý bắt buộc, nhưng văn kiện này có thể được xem như là một học thuyết pháp lý làm cơ sở cho việc xây dựng các văn bản pháp lý quốc tế về những quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do công đoàn.

Trong nhóm các quyền liên quan đến lao động được ghi nhận tại Điều 23 của Tuyên ngôn nói trên, quyền tự do công đoàn được xem như là một quyền không thể tách rời và không thể chối cãi của người lao động. Khoản 4, Điều 23 quy định: “Tất cả mọi người đều có quyền, cùng với người khác, thành lập các công đoàn hay gia nhập vào các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”.

Để đảm bảo giá trị pháp lý quốc tế của quyền tự do công đoàn nêu trên, Liên hợp quốc đã có hàng loạt các công ước, trong đó có những điều khoản buộc các quốc gia thành viên, khi phê chuẩn công ước, phải tôn trọng và tạo điều kiện cho tất cả người lao động tham gia, thành lập công đoàn để bảo vệ lợi ích của họ trong quan hệ lao động với giới chủ.

Điều 22, khoản 1 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 19661 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”. Cùng thời điểm với Công ước này, Điều 8, khoản 1 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 19662 cũng thừa nhận quyền tự do công đoàn của tất cả mọi người. Theo đó, “Các quốc gia thành viên của Công ước cam kết đảm bảo quyền của mọi người được thành lập và gia nhập công đoàn mà mình lựa chọn, để thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế và xã hội của mình, với điều kiện là chỉ phải tuân theo quy chế của tổ chức công đoàn đó”.

Như vậy, cả hai công ước nêu trên đều cho phép việc thực hiện quyền tự do công đoàn một cách không hạn chế, ngoại trừ những trường hợp pháp luật của quốc gia thành viên quy định hạn chế đối với những đối tượng nhất định, nhằm mục đính đảm bảo cho một xã hội dân chủ, vì lợi ích, an ninh quốc gia và trật tự công cộng hoặc vì mục đích bảo vệ các quyền và tự do của những người khác.

Ngoài hai văn kiện quốc tế có giá trị pháp lý nêu trên, năm 1990, Liên hợp quốc cũng cho ra đời thêm một công ước trong lĩnh vực lao động, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động di trú. Trong công ước này, quyền công đoàn của người lao động di trú lao động trên lãnh thổ của quốc gia thành viên cũng được đảm bảo giống như quyền của người lao động trong nước. Với quy định tại Điều 7 về “bảo vệ không phân biệt đối xử” giữa những người lao động có quốc tịch khác nhau, Công ước năm 1990 của Liên hợp quốc về bảo vệ người lao động di trú và thành viên gia đình của họ3 đã buộc các quốc gia thành viên phải đảm bảo quyền tự do công đoàn của người lao động nước ngoài như quyền của người lao động trong nước. Nói cách khác, Công ước này cũng đã gián tiếp thừa nhận quyền tự do công đoàn của tất cả mọi người lao động trên lãnh thổ của quốc gia thành viên. Điều 26, Công ước nêu trên quy định: “Các quốc gia thành viên thừa nhận quyền của người lao động di trú tham gia vào những cuộc họp và các hoạt động của các công đoàn và các đoàn thể hợp pháp khác, nhằm để bảo vệ quyền và lợi ích kinh tế, văn hoá, xã hội và các quyền khác, theo quy định của các tổ chức nói trên”. Quyền này được cụ thể rõ ràng tại Điều 40 của cùng Công ước: “Người lao động di trú có quyền, cùng với những người khác, thành lập các hội và các công đoàn tại đất nước họ đang lao động nhằm thực hiện và bảo vệ các lợi ích kinh tế, văn hoá, xã hội và các lợi ích khác của họ”.

Như vậy, theo quy định của các văn kiện quốc tế của Liên hợp quốc, vì mục đích đảm bảo cho lợi ích kinh tế, văn hoá, xã hội của mình, tất cả người lao động, kể cả người lao động nước ngoài, đều có quyền thành lập và tham gia các công đoàn theo sự lựa chọn của họ.

Ngoài Liên hợp quốc, quyền tự do công đoàn của người lao động cũng luôn là tâm điểm được bảo vệ bởi Tổ chức lao động quốc tế. Điều 2, Công ước số 87 về quyền tự do công đoàn và bảo về quyền công đoàn của Tổ chức lao động quốc tế [năm 1948]4 quy định: “Tất cả người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền thành lập và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của họ với điều kiện tuân thủ Điều lệ của các tổ chức đó”.

Như vậy, quyền tự do công đoàn của người lao động, theo Tổ chức lao động quốc tế, cũng bao gồm quyền đựơc thành lập và gia nhập công đoàn theo sự lựa chọn của họ. Có nghĩa là, những người lao động có thể thành lập nhiều công đoàn khác nhau trong một cơ sở lao động. Trên cơ sở đó, những người lao động khác có quyền tự do lựa chọn tham gia vào công đoàn này, hay công đoàn khác để bảo vệ lợi ích của mình một cách tốt nhất.

Nhằm đảm bảo cho quyền này được thực hiện một cách triệt để, Điều 1 Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về quyền tổ chức và thoả ước lao động tập thể và các thoả ước liên quan [năm 1949]5 quy định: “Những người lao động phải hưởng được sự bảo vệ thích đáng chống lại tất cả các hành vi phân biệt đối xử nhằm xâm phạm đến quyền tự do công đoàn trong lĩnh vực lao động”. Quy định này được xem như là quy định nhằm phát triển và cụ thể hoá các nguyên tắc và quy định của Công ước số 87 về quyền tự do công đoàn nêu trên.

Như vậy, chúng ta thấy, Công ước số 87 và Công ước số 98 nêu trên đã xác định một cách rõ ràng nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc đảm bảo các nguyên tắc tự do công đoàn, nhằm bảo đảm quyền tham gia, thành lập công đoàn của tất cả người lao động. Theo đó, quốc gia thành viên của các công ước phải trao quyền cho tất cả người lao động thành lập và gia nhập vào các tổ chức công đoàn theo sự lựa chọn của họ. Các quốc gia, trên thực tế và trong các văn bản quy phạm pháp luật, phải đảm bảo tránh xâm phạm đến quyền tự do công đoàn và việc thực hiện quyền này của những người lao động. Ngoài ra, các quốc gia còn phải thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo cho người lao động thực hiện quyền tự do công đoàn, tránh những hành vi phân biệt đối xử vì lý do người lao động tham gia, thành lập công đoàn…

Liên quan đến lao động di trú, Tổ chức lao động quốc tế cũng có những công ước nhằm đảm bảo quyền của người lao động thuộc đối tượng này. Điều 6, Công ước số 97 về người lao động di trú [năm 1949]6 quy định: “Các quốc gia thành viên của Công ước cam kết áp dụng, không phân biệt về quốc tịch của người lao động […] về quyền tham gia công đoàn và thừa hưởng những lợi ích về thoả ước lao động tập thể”. Tuy nhiên, để được hưởng chế độ không phân biệt nói trên, người lao động di trú phải được phép cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của quốc gia sở tại. Công ước này được phát triển thêm bởi Công ước số 143 về người lao động di trú [năm 1975]7. Điều 10, Công ước số 143 quy định: “Người lao động di trú phải được hưởng quyền bình đẳng về cơ hội và đối xử, nhất là trong các quyền liên quan đến công đoàn, tự do cá nhân và tập thể khi họ cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của quốc gia tiếp nhận”.

Ngoài các Công ước có giá trị pháp lý bắt buộc đối với các quốc gia thành viên phê chuẩn, Tổ chức lao động quốc tế còn có những văn kiện mang tính tuyên bố, khuyến nghị tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức lao động quốc tế bảo vệ quyền tự do công đoàn không hạn chế của người lao động. Ví dụ, Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động xác định nghĩa vụ các nước thành viên của Tổ chức lao động quốc tế [kể cả các nước không phê chuẩn những công ước về quyền tự do công đoàn liên quan] phải tôn trọng quyền tự do công đoàn của những người lao động. Như vậy, dù không tham gia, phê chuẩn những công ước của Tổ chức quốc tế về quyền tự do công đoàn, nhưng ít nhất, các quốc gia thành viên của Tổ chức này phải đảm bảo cho tất cả mọi người lao động phải có quyền tham gia, thành lập các công đoàn.

2. Quyền thành lập, tham gia công đoàn trong pháp luật Việt Nam

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa phải là thành viên của bất kỳ Công ước nào của Tổ chức lao động quốc tế về quyền tự do công đoàn nêu trên. Do đó, về mặt pháp lý, chúng ta không buộc phải tuân theo quy định của các Công ước này. Tuy nhiên, trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia hai Công ước năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị và các quyền về văn hoá xã hội, trong đó có quyền tham gia, thành lập các công đoàn của tất cả mọi người. Tuy vậy, so với quy định về quyền tự do công đoàn trong hai Công ước năm 1966 nêu trên, Luật Công đoàn Việt Nam vẫn chưa đảm bảo hết quyền tham gia thành lập và gia nhập công đoàn của người lao động bởi một số hạn chế có tính đặc thù.

Điều 1, Luật Công đoàn của Việt Nam quy định: “Những người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội đều có quyền thành lập và gia nhập công đoàn trong khuôn khổ Điều lệ Công đoàn Việt Nam”.

Từ quy định nêu trên, chúng ta có thể kết luận rằng, quyền tham gia thành lập và gia nhập công đoàn trong pháp luật Việt Nam vẫn được đảm bảo. Thế nhưng, như đã nói, quyền này vẫn còn một số hạn chế nhất định so với quy định của các Công ước quốc tế.

Thứ nhất, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định cho “Mọi người đều có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”. Quy định này cho phép tất cả mọi người lao động, không phân biệt đối xử, đều có quyền tham gia thành lập và gia nhập công đoàn để bảo vệ lợi ích cho mình. So sánh với luật Việt Nam, chúng ta thấy Luật Công đoàn năm 1990 chỉ cho phép “người lao động Việt Nam” tham gia, thành lập công đoàn. Hay nói cách khác, chỉ có người lao động có quốc tịch Việt Nam mới có thể thành lập và trở thành công đoàn viên tại Việt Nam. Hậu quả pháp lý là, người lao động nước ngoài và người không có quốc tịch lao động tại Việt Nam sẽ không thể tham gia thành lập hay gia nhập công đoàn cùng với người lao động có quốc tịch Việt Nam. Nguyên nhân của sự hạn chế nêu trên xuất phát từ mục đích và vai trò của công đoàn được Nhà nước Việt Nam ấn định. Theo đó, “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động Việt Nam tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, là trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động”8. Với định nghĩa này thì quy định về quyền của mọi người đều được tham gia thành lập và gia nhập công đoàn của các Công ước quốc tế sẽ không được áp dụng một cách triệt để tại Việt Nam.

Thứ hai, ngoài việc thừa nhận quyền tự do công đoàn của tất cả mọi người, cả hai Công ước quốc tế năm 1966 của Liên hợp quốc còn buộc các quốc gia thành viên cam kết đảm bảo quyền của mọi người được “thành lập và gia nhập các công đoàn mà mình lựa chọn”. Điều này có nghĩa là, nếu một quốc gia chấp nhận chế độ đa nguyên công đoàn, người lao động sẽ có quyền tham gia thành lập hoặc gia nhập một trong các công đoàn mà họ cảm thấy có lợi và bảo vệ đuợc mình trong quá trình lao động. Theo Luật Công đoàn của Việt Nam thì quyền này không tồn tại, bởi chúng ta không chấp nhận chế độ đa nguyên công đoàn. Do đó, người lao động không có cơ hội để tham gia vào một trong các công đoàn theo sự lựa chọn của họ, mà họ chỉ có thể tự do thành lập, tham gia vào một công đoàn duy nhất trong hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tóm lại, quyền tham gia, thành lập công đoàn của người lao động được Luật Công đoàn năm 1990 đảm bảo. Tuy nhiên, so với quy định của các công ước quốc tế, Luật Công đoàn Việt Nam vẫn còn một số hạn chế nhất định. Những hạn chế này sẽ không có khả năng khắc phục nếu chúng ta không chấp nhận đa nguyên công đoàn và không chấp nhận cho người nước ngoài thành lập và gia nhập công đoàn khi họ lao động trên lãnh thổ Việt Nam.

Chú thích:

[1] Công ước có hiệu lực ngày 23/3/1976. Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982.

[2] Công ước có hiệu lực ngày 03/01/1976. Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982.

[3] Công ước này có hiệu lực vào tháng 7/2003. Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước này.

[4] Công ước này có hiệu lực ngày 4/7/1950. Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước này.

[5] Công ước này có hiệu lực ngày 18/7/1951. Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước này.

[6] Công ước có hiệu lực ngày 22/7/1952. Việt Nam chưa phải là thành viên của Công ước này.

[7] Công ước có hiệu lực ngày 09/12/1978. Việt Nam chưa phải là thành viên của Công ước này.

[8] Điều 1, Luật Công đoàn năm 1990.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ - THS. CAO NHẤT LINH – Khoa luật, Đại học Cần Thơ

Trích dẫn từ: //www.nclp.org.vn/

[MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.]

Chủ Đề