Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu review

Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu review

Bằng giọng kể lôi cuốn, hóm hỉnh, “Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu?” biết cách mời bạn đọc lên chuyến tàu suy tư tìm về bản thể của mình.

Richard David Precht là nhà báo người Đức, 49 tuổi, hiện đang sống cùng vợ và bốn con ở Cologne và Luxembourg. Ông sinh ra trong một gia đình đặc biệt, ít ra là ở khía cạnh chính trị và chủng tộc. Ngoài hai anh em cùng huyết thống, ông có thêm hai em nuôi là người Việt khi bố mẹ ông quyết định nhận nuôi như một hành động biểu tượng chống chiến tranh ở Việt Nam.

Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu review
Nhà báo Richard David Precht, tác giả cuốn “Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu?”

Ngoài công việc viết báo và diễn thuyết, Precht còn là tác giả vụt sáng gần đây trong ngành xuất bản ở Đức, nhờ những cuốn sách kể chuyện triết học một cách gần gũi, dễ hiểu, phổ cập và hấp dẫn. Một trong số những cuốn sách đưa ông tới thành công là “Who Am I – And If So, How Many?”, nằm trong danh sách những cuốn best – seller bán được hơn 1 triệu bản.

Ra mắt năm 2007, cuốn sách đến nay đã được dịch sang 32 ngôn ngữ, trong đó có bản tiếng Việt vừa xuất hiện với tựa “Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu?” của dịch giả Trần Vinh, NXB Dân Trí liên kết phát hành với công ty Nhã Nam.

Dù bản tiếng Việt có phần hơi quá lời khi giới thiệu ông trong tư cách một triết gia đương đại của Đức, nhưng những ai đã bị ông mê hoặc, lôi kéo đi qua hết hơn 500 trang của cuốn sách, hẳn đều phải thừa nhận: ông là người kể chuyện hấp dẫn và uyên bác hiếm thấy!

Giữa thời buổi con người sống vội hơn, muốn những điều thực tế hơn, ông biết cách khơi gợi để buộc ai đó phải ngồi lại suy tư về những câu hỏi lớn mang tính triết học, dễ bị cho là khô khan, khó nuốt: “Tôi” là ai? Tôi từ đâu tới? Vì sao tôi phải là người tốt? Chúa có thật không? Tình yêu, tự do, hạnh phúc và công bằng là gì?…

Trên chuyến du hành tìm kiếm câu trả lời mà ông là người lèo lái, Precht chia cuốn sách thành ba phần mạch lạc theo cách sắp xếp mà triết gia Immanuel Kant (1724 – 1804) từng dùng để chia những câu hỏi lớn của nhân loại: Tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì? Tôi có thể hi vọng gì?

Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu review
Bìa sách bản tiếng Việt “Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu?”.

Nếu bỏ lại những hứng thú mà cuốn sách khơi lên nhờ cách kể chuyện và cung cấp hàng loạt thông tin khoa học lý thú, hẳn không ít người hoài nghi: Có khả năng nào để trả lời những câu hỏi lớn, mà triết học đưa ra bàn cãi từ hơn 2000 năm nay, chỉ trong những chương sách có độ dài hơn chục trang?

Trên hành trình tìm kiếm câu trả lời, tác giả liên tục sử dụng kết quả nghiên cứu của khoa học về não bộ, tâm lý, sinh học, y học…làm viện chứng hoặc bác bỏ những luận thuyết triết học từng được đưa ra trong suốt chiều dài lịch sử, kể từ Platon, Decartes, Immanuel Kant, Jeremy Bentham, Nietzsche, Freud, Ernst Mach, Sartre, Peter Singer, Niklas Luhmann…

Nhưng trên tinh thần minh triết, cuốn sách tỏ ra tôn trọng những sự thật nằm rất xa ngoài tầm hiểu biết của con người, và không cố gắng trình bày những “chân lý” có tính áp chế và xác quyết.

Đứng trước rất nhiều những luận thuyết khác nhau tùy vào bối cảnh lịch sử, như là kết quả của tiến trình không ngừng tra vấn của con người đối với tự nhiên và bản thể, câu trả lời nhiều khi thuộc về lựa chọn mang niềm tin của chính người đi tìm kiếm.

Và cuối cùng, như lời gửi gắm của tác giả, “nhiều khi cuộc tìm kiếm câu trả lời còn quan trọng hơn chính câu trả lời”. Precht viết: “Và nếu các bạn hỏi tôi thì tôi xin trả lời: Hãy giữ tính tò mò ham hiểu biết, hãy thực hiện các ý tưởng tốt đẹp của mình, hãy làm cho năm tháng chứa đầy sự sống chứ đừng để cuộc sống đầy phè năm tháng”.

Minh Chánh
Nguồn: vietnamnet.vn

Đây là cuốn sách của tiến sĩ, triết gia, nhà báo, nhà văn người Đức. Mà Đức là quốc gia có nền triết học phát triển rất mạnh từ thời cận đại tới hiện đại.

Cuốn sách đề cập đến quá trình trả lời cho câu hỏi lớn của triết học : Tôi là ai ?

Tôi là ai ? Bạn là ai ? Chúng ta là ai ?

Có lần tôi nghe một vị diễn giả nói rằng : 2 câu hỏi "What's your name?" và "Who are you?" rất khác nhau, một trời một vực. Trả lời cho câu đầu tiên chỉ là một cái tên để người ta gọi mình khi cần, đó chỉ là một thứ quy ước đơn giản. Nếu người này gọi tôi là A và người kia gọi tôi là B mà tôi vẫn trả lời cả hai thì tôi có 2 cái tên ! Đơn giản chỉ vậy thôi.

Còn Tôi là ai ? Who am I ? Bạn là ai ? Who are you ? Đây là câu hỏi lớn , bao gồm luôn cả cái tên, nhưng cái tên chỉ là một phần rất nhỏ trong câu trả lời !

Mình là ...cái thứ gì ?! - Có lẽ các triết gia từ cổ đại đến ngày nay nên đặt câu hỏi về đúng bản chất của nó. Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này cũng là quá trình đi tìm hiểu chính mình và xác định hay quyết định mình là ai.

Trước khi Charles Darwin xuất bản cuốn "Nguồn gốc các loài" năm 1859, từ thời cổ đại, những triết gia lỗi lạc theo trường phái duy tâm như Socrates, Plato, Aristotle cho rằng : Có một Đấng Tối Cao nào đó đã ban phát ý thức , tinh thần vào một hình dáng vật chất và hành động đó đã tạo nên con người, tạo nên chúng ta. Thuyết duy tâm về con người đã tồn tại gần như độc tôn từ thời cổ đại cho đến tận cuối thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu.

Năm 1596, René Descartes ra đời. Ông là nhà toán học nổi danh. Đối với Triết học, ông được ví như Người cha của Triết học hiện đại và cũng có thể nói là Cha đẻ của Khoa học hiện đại. Bởi vì quan điểm của ông cho rằng : "Không có điều gì được xem là đúng cho đến khi có đầy đủ cơ sở, nền tảng để xác định nó là đúng !"

Chính vì vậy, mặc dù là người có tôn giáo, tín ngưỡng nhưng ông không hoàn toàn tuân theo sách vở kinh điển mà tự có tư duy, biện luận cho riêng mình. Trả lời một phần nhỏ cho câu hỏi Tôi là ai , ông có một câu phát biểu nổi tiếng : "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại". Chúng ta có thể hiểu rằng, ý của ông là : Chúng ta suy nghĩ, có ý thức thì chúng ta mới tồn tại và chính những suy nghĩ của chúng ta quyết định chúng ta là ai !

Như vậy, chúng ta, con người chúng ta đã lấy lại một phần "tự chủ", chúng ta hoàn toàn có thể tìm hiểu mình là ai hay chính chúng ta quyết định mình là ai.

Khi Charles Darwin phát biểu về Thuyết Tiến Hóa. Đó thật sự là một cú sốc lớn đối với Khoa học và Triết học nhưng lại là bước tiến vĩ đại của loài người trên con đường tự nhận thức, tìm kiếm câu trả lời Tôi là ai.

Dù vẫn chỉ là lý thuyết: "Con người được tiến hóa từ vượn người." đã khiến cho Khoa học và Tôn giáo có sự đối kháng rất mạnh mẽ, Nhưng hầu hết các nhà khoa học, dù có tôn giáo hay không đều phải thừa nhận tính đúng đắn của học thuyết của Darwin. Cho dù vẫn chưa có bằng chứng vật chất nào chứng minh cho học thuyết này.

Mãi cho đến năm 1974, các nhà khảo cổ học mới phát hiện ra hài cốt hóa thạch của người nguyên thủy. Một bằng chứng, một mắt xích quan trọng, không thể chối cãi để chứng minh Con đường tiến hóa từ vượn lên người của học thuyết Darwin. Phải nói rằng chuyện khảo cổ chỉ là chuyện may mắn thôi, cho dù không thể tìm ra bằng chứng khảo cổ thì bằng những suy luận khoa học, hiểu biết khoa học , Thuyết Tiến Hóa vẫn được các nhà khoa học thừa nhận.

Vậy, ý thức của con người có được là do sự tiến hóa của sinh học, của vật chất, cụ thể là của bộ não. Và chúng ta cũng biết rằng kiến thức, trí thông minh được hình thành và tích lũy qua quá trình học tập và lao động. Vậy để trả lời cho câu hỏi Tôi là ai ? Chúng ta phải đi từ cái gốc này mà suy luận nên.

Năm 1856, Sigismund Shlomo Freud ra đời, dĩ nhiên là ông biết và kế thừa kiến thức về Thuyết Tiến Hóa của Darwin. Ông là cha đẻ của ngành Tâm Lý Học. Một ngành chủ lực nghiên cứu câu trả lời cho câu hỏi Tôi là ai, Chúng ta là ai..

Freud chia cái Tôi ra làm 3 cái Tôi nhỏ : cái Nó, cái Tôi và cái siêu Tôi. Như vậy, khi được hỏi Bạn là ai ? Mình có thể hỏi ngược lại : Bạn muốn biết về cái Tôi nào của Tôi ? Vì cho tới giờ thì mình biết là mình có 3 cái Tôi

Cái Nó: là cái bản năng, cái vô thức, cái dục vọng mang tính...động vật.

Cái siêu Tôi: là đối lập với cái Nó, là hiện thân của sự chuẩn mực, là đạo đức tốt đẹp, là lý tưởng sống, giá trị sống...

Cái Tôi , theo Freud, là hình ảnh của anh chàng nhỏ bé, yếu ớt, có phần khờ khạo bị chèn ép bởi 2 anh chàng lớn ở trên. Cái Tôi là cái quyết định suy nghĩ và hành động của chúng ta nhưng nó nhiều khi phải ở trong tình huống của... phim hoạt hình : Một bên là Thiên Thần, một bên Ác Quỷ và ở giữa là cái Tôi của chúng ta.

Cần phải nói rằng : Cái Nó không phải lúc nào cũng là Ác Quỷ và cái siêu Tôi chưa chắc đã là Thiên Thần.

Mặc dù đóng góp của Freud cũng chấn động không kém Darwin nhưng các nhà khoa học nghiên cứu Tâm Lý học sau này phát hiện ra Sự thật còn phức tạp hơn nhiều. Trong cái Nó có thể còn nhiều cái Tôi nhỏ hơn, trong cái siêu Tôi cũng được tạo ra bằng nhiều yếu tố khác và Cái Tôi không hẳn chỉ nhỏ bé, yếu nhược. Ngược lại, nếu chúng ta quyết tâm, có ý chí mạnh mẽ thì chính Cái Tôi mới quyết định Tôi là ai.

Quyển sách tiếp tục đi để trả lời các câu hỏi: Tôi có thể biết gì, Tôi nên làm gì và Tôi có thể hy vọng gì.---------

Triết học là nơi học tập, trao đổi những lý luận thẳng thắn, logic, công bằng và chân thành để tìm hiểu chân lý thật sự, nâng cao nhận thức của chúng ta. Nếu bạn không có ý định làm điều đó thì không cần quan tâm đến Triết học.